Câu chuyện thần tiên: Dương Thông U

Tác giả: Thái Bình chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Dương Thông U, tên thật là Dương Thập Ngũ, là người huyện Thập Phương quận Quảng Hán (thuộc Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay). Khi còn nhỏ ông gặp được một Đạo sĩ tặng cho cuốn thiên thư của Tam Hoàng (tức Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế), dùng thiên thư này mà hô hoán quỷ thần thì quỷ thần sẽ lập tức hưởng ứng lại. Dương Thông U có thể khu trừ ôn dịch, hàng yêu phục ma, tiêu trừ thiên tai lũ lụt hạn hán, lại còn có thể hô phong hoán vũ, không gì là ông không thể làm được. Dương Thông U tính tình phóng khoáng ngạo nghễ, không thích sự gò bó của thế tục, đạo thuật của ông thiên biến vạn hoá, vang danh khắp nẻo xa gần.

Do An Lộc Sơn tạo phản nên Đường Huyền Tông Lý Long Cơ phải chạy đến Tứ Xuyên, ông vô cùng thương nhớ đến Dương Quý Phi đã chết ở Mã Ngôi, thường u sầu đến mất ăn mất ngủ. Vậy nên một số cận thần bên cạnh Đường Minh Hoàng đã bí mật ra lệnh cho người đi tìm các phương sĩ (cách người xưa gọi những người cầu tiên học đạo) có đạo thuật cao minh, hy vọng có thể giúp Hoàng đế phần nào giải trừ bớt nỗi thống khổ bi thương trong lòng. Nghe nói Dương Thập Ngũ có phép thuật có thể gọi quỷ gọi thần, bèn mời ông đến hành cung của Đường Minh Hoàng ở Tứ Xuyên. Đường Minh Hoàng hỏi Dương Thập Ngũ có đạo thuật gì, Dương Thập Ngũ cười đáp rằng: “Cho dù là lên trời xuống đất, vào trong Tiên giới địa phủ, đến nơi quỷ Thần… thì thần đều có thể tìm được nàng”. Đường Minh Hoàng vô cùng mừng rỡ, lệnh cho nội cung dựng lên một đạo tràng để Dương Thập Ngũ sử dụng đạo thuật tìm kiếm Dương Quý Phi. Dương Thập Ngũ bắt đầu tìm khắp trên trời dưới đất, Tiên giới, địa phủ. Đêm thứ nhất, Dương Thập Ngũ bẩm tấu rằng không tìm thấy tung tích Dương Quý Phi dưới địa phủ. Đến đêm thứ hai, Dương Thập Ngũ lại bẩm tấu rằng: “Trên chín tầng trời, trong những vì tinh tú nhật nguyệt, tới tận nơi hư không mịt mù, thần đã tìm khắp nơi vẫn không biết Quý Phi nương nương ở đâu”. Đường Minh Hoàng trầm mặc rất lâu, rồi nói một cách hết sức bi thương rằng: “Nàng không ở dưới chín suối, cũng không lên trời, vậy nàng ở đâu đây?” Rồi lại cho thắp hương đốt nến, càng cầu khấn khẩn thiết hơn mong rằng sẽ gặp được Dương Quý Phi giáng lâm. Tới đêm thứ ba, Dương Thập Ngũ tấu lên Hoàng đế rằng: “Thần đã tìm khắp các đền miếu, khắp các núi sông ở nhân gian, còn đến ba Tiên đảo của biển Đông Hải là Bồng Lai, Phương Trượng, Doanh Châu, và cả mười Tiên châu là Tổ Châu, Huyền Châu, Viêm Châu, Trường Châu, Doanh Châu, Nguyên Châu, Lưu Châu, Sinh Châu, Phượng Lân Châu, Tụ Quật Châu nhưng đều không thấy Quý Phi nương nương ở đâu. Sau đó thần đến đỉnh núi Bồng Lai ở Đông Hải, tại đình Tây Vũ ở Nam Cung có các chư Tiên đang ngự ở đó. Trong đó có một vị Thượng Nguyên Tiên nữ Thái Chân, chính là Quý Phi vậy. Nương nương nói với thần rằng: ‘Ta hiện tại là thị nữ của Thiên đế, thuộc về Thượng Nguyên Cung. Minh Hoàng bệ hạ trước đây vốn là Thái Dương Chu Cung Chân nhân. Vì Thánh thượng vốn có nhân duyên và thế niệm, nên mới để Thánh thượng giáng hạ xuống cõi trần, ta cũng được xuống cõi nhân gian để hầu hạ Người. 12 năm sau chúng ta tự sẽ gặp lại. Mong Thánh thượng bảo trọng long thể, không nên nhớ nhung đến ta nữa’. Nói rồi Quý Phi nương nương lấy chiếc trâm vàng và hộp khảm xà cừ mà Hoàng thượng ban tặng vào những năm Khai Nguyên, mỗi thứ bẻ một nửa, và một con rùa ngọc gửi về để làm bằng chứng và nói: ‘Thánh thượng thấy những thứ này thì tự khắc sẽ nhớ ra’. Nói xong, nương nương rơi lệ cáo biệt thần”.

Dương Thập Ngũ đem tín vật dâng lên, Huyền Tông vừa trông thấy, hai mắt đã lệ rơi đầm đìa. Đường Minh Hoàng nói với Dương Thập Ngũ: “Pháp sư có thể lên trời xuống đất, thông suốt cõi u minh, quả là vị Thần Tiên đắc Đạo”. Sau đó Huyền Tông đích thân viết hai chữ “Thông U” làm tên chữ cho Dương Thập Ngũ và tặng thêm nhiều lễ vật cho ông.

Sau này nhân lúc nhàn hạ, Huyền Tông hỏi Dương Thập Ngũ là ai đã truyền Đạo pháp đó cho ông. Dương Thập Ngũ trả lời: “Sư phụ của thần là Tây Thành Vương Quân Thanh Thành Chân nhân. Năm đó ở trong núi sau thành, sư phụ đã dạy thần thuật gọi quỷ thần và nói: ‘Có thể phò tá Hoàng đế thái bình thịnh thế, sau đó mới đắc được Đạo phi thăng (bay lên trời)’. Sư phụ còn răn dạy thần phải nuôi dưỡng và giữ chân khí, ít nói chuyện, mắt không được nhìn bừa bãi, đoạn tuyệt danh lợi, xa rời trần thế huyên náo. Làm được vậy thì có thể vượt qua tam giới, phi thăng lên cõi Thái Thanh”.

Huyền Tông lại hỏi: “Con đường nào đã dẫn ông lên trời xuống đất, có sợ trở ngại gì không?”. Dương Thập Ngũ đáp: “Người tu luyện đắc Đạo thì dẫu có vào lửa cũng không cháy, vào nước không ướt, đạp hư không như đi trên đất thực, đi trên đất thực như vào hư không. Dù cho đất dày chín tầng hay biển cả rộng lớn, cho đến bát cực xa xôi, vạn phương mênh mông, với một niệm thần có thể thoắt cái là đến, có thứ gì ngăn trở được thần đâu. Sở dĩ thần có thể làm được như vậy là vì hình thể của thần và Đạo đã hoàn toàn dung hợp với nhau. Đạo không nơi nào không có, nhỏ như sợi lông tơ, lớn như vạn vật, hết thảy đều có Đạo ở trong đó”. Đường Minh Hoàng rất tán thưởng với câu trả lời của Dương Thập Ngũ.

Dương Thập Ngũ ở trong cung vài năm rồi đi vào núi Hậu Thành và dựng một căn nhà yên tĩnh trên đỉnh núi làm nơi tu luyện, ông vẫn thường về nhà xem xét mọi thứ. Các đệ tử của ông nói rằng Thần Tiên trên trời thường giáng lâm xuống căn nhà yên tĩnh ấy để chỉ đạo ông tu luyện. Sau đó, Dương Thập Ngũ và các vị Thần Tiên đã cùng bay lên Tiên giới.

Ghi chú: Đại thi nhân triều Đường Bạch Cư Dị đã lấy câu chuyện Dương Thập Ngũ (Dương Thông U) vì Đường Minh Hoàng mà lên trời xuống đất tìm Dương Quý Phi làm đề tài sáng tác nên bài thơ “Trường hận ca” nổi tiếng, khiến câu chuyện này được lưu truyền mãi mãi. Trong đó có những câu thơ hay được người đời sau không ngừng ngâm nga thưởng thức:

“Tại thiên nguyện tác tỷ dực điểu,

Tại địa nguyện vi liên lý chi,

Thiên trường địa cửu hữu thì tận,

Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ”

Dịch nghĩa:

Ở trên trời nguyện làm chim liền cánh,

Ở dưới đất nguyện làm cây liền cành,

Trời đất dài lâu cũng có lúc hết,

Hận này dằng dặc, không thủa nào cùng!

Đời sau cũng có rất nhiều người lấy đề tài này đưa vào các tác phẩm văn học nghệ thuật.

Nguồn: Thái Bình quảng ký

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/21933