Chân trời tìm Pháp: Viết tiếp câu thơ, kết duyên với Pháp (Phần 1)

Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

“Một thư sinh ngạo nghễ bất cần đời, đề thơ trên một tửu lầu, gặp được Thần tiên điểm hóa, gợi ý con đường tìm kiếm Sáng Thế Chủ”.

Sau đây xin kể về câu chuyện này.

Vào thời nhà Nguyên, tại Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây có một người tên là A Hoa. A Hoa là con trai độc nhất trong gia đình, anh có ba người chị gái, họ đều hơn anh rất nhiều tuổi, thành ra A Hoa là người được cưng chiều nhất trong nhà.

Cha mẹ A Hoa vốn hy vọng anh có thể công thành danh toại, nhưng vì được nuông chiều từ bé nên A Hoa trở nên ương bướng, ngỗ nghịch. Tuy anh cũng có chút hiểu biết, không đến nỗi bất học và không có tài cán gì, nhưng anh lại không thông minh cho lắm. Ngoài ra, anh còn thích khoe khoang, phô trương khắp nơi. Đôi lúc gặp phải chuyện không vui thì cũng thích dùng ngòi bút than phiền, oán trách một chút. A Hoa cũng thích kết giao bằng hữu, đương nhiên những người này tính cách cũng không khác mấy so với tính cách của anh.

Có một lần, bọn họ đến một tửu lầu (quán rượu), lúc đang vui vẻ uống rượu, A Hoa nhất thời cao hứng múa bút viết ra vài câu thơ như sau:

Dữ hữu ẩm tửu

Hảo tửu nhập trường chân hoan sướng;

Khoái ý nhân sinh ngã tân thưởng;

Vấn quân hà lai tửu hứng ý. …

Tạm dịch:

Cùng bạn uống rượu

Rượu ngon uống vào ruột thật khoan khoái;

Ta thưởng thức cái thú này của nhân sinh;

Hỏi người quân tử tại sao uống rượu lại hứng thú vậy; …

Anh đang định viết nốt câu thứ tư, nhìn thấy bút rõ ràng đã có mực rồi mà viết lên tường thì lại không ra chữ. A Hoa loay hoay nửa ngày cũng không viết được một chữ, đành phải bỏ cuộc.

Bạn bè thấy thế vội vàng đến xoa dịu A Hoa và tiếp tục uống rượu. Khi uống rượu xong, đang lúc chuẩn bị xuống lầu, bọn họ bất giác phát hiện ở dưới ba câu thơ mà A Hoa viết đã xuất hiện câu thơ thứ tư: “Đại nạn tương chí hoàn cảm dương?” (Đại nạn sắp đến rồi còn dám huênh hoang?)

Câu thơ này nét chữ vô cùng đẹp, có thể nói là cao thủ viết chữ, vượt xa nét chữ của A Hoa. Bọn họ mắt say lờ đờ nhìn dòng chữ này, rồi liên hệ với các câu thơ bên trên, thì thấy trong lòng rất không vui, cho rằng có người cố ý làm họ mất hứng. Vậy nên họ hùng hổ gọi tửu bảo (người hầu rượu) tới, hỏi xem vừa rồi ai đã đề thơ lên chỗ này. Tửu bảo hỏi các vị khách chung quanh, mọi người đều nói rằng không nhìn thấy ai, và cũng không để ý.

Bất đắc dĩ, họ đành phải về nhà. Không lâu sau, cha của A Hoa bị quan phủ bắt giữ, bị vu là có dính líu với một tham quan. Về sau, tuy rằng nhà A Hoa đã tìm được người giải quyết được vụ việc, nhưng đã tốn không ít tiền bạc. Gia đình A Hoa từ đó trở nên sa sút. Cha anh ở trong tù phải chịu nhiều khổ cực, nên sau khi ra tù không bao lâu thì qua đời. Ba người chị gái của anh cũng lần lượt lập gia đình, hơn nữa đều lấy chồng rất xa, hầu như không thể chăm sóc anh được nữa.

Một lần, trong lúc tâm tình phiền muộn, A Hoa đang đi trên đường thì gặp lại mấy người anh em hữu hảo. Họ liền rủ anh đi uống rượu, còn nói rằng sẽ trả tiền, không cưỡng nổi lời mời nên anh đã đồng ý cùng họ đến tửu quán nơi mình từng đề thơ trước đây.

Có lẽ chủ quán tửu lầu không thích chữ viết của A Hoa nên đã cố ý quét vôi đè lên mấy dòng thơ mà anh viết trước đây. Còn câu thơ cuối cùng không biết ai đề, xem ra ý nghĩa của nó cũng có chút xúi quẩy, lại sợ rằng sẽ ảnh hưởng tới tâm trạng của khách đến quán, vậy nên chủ quán cũng xóa đi. A Hoa nhìn lên bức tường của tửu quán, trong lòng nhớ lại những câu thơ mình đề lúc trước và câu thơ cuối mà không biết ai đã viết.

Khi tửu bảo bưng rượu lên bàn, A Hoa yên lặng nghĩ về câu thơ cuối cùng, tựa như một ám hiệu dự báo rằng bản thân anh hôm nay sẽ gặp phải kiếp nạn.

Mọi người đều khuyên anh uống rượu, kết quả anh lại uống say, uống say rồi thì gọi tửu bảo kiếm bút mực đến. Tửu bảo mặc dù rất không muốn làm vậy, nhưng sợ đắc tội với khách nên đành phải bưng bút mực đến theo như yêu cầu của A Hoa. Nhận được bút mực, A Hoa lại một lần nữa đề lên tường mấy câu thơ:

Tửu hậu thảm ngữ

Tịch nhật trường cuồng đông lưu thủy;

Gia phụ oan thế thùy chi tội;

Tâm như tử hôi lộ hà phương; …

Tạm dịch:

Lời bi thảm khi say rượu

Ngày xưa liều lĩnh như nước chảy về hướng đông;

Gia phụ một đời oan khuất là tội của ai;

Tâm như tro đã nguội lạnh, không biết đường đi phương nào …

Anh muốn viết tiếp, kết quả lại giống lần trước, viết mãi không ra chữ. Lần này anh rút kinh nghiệm, liền trả bút lại cho tửu bảo, rồi nhờ anh bạn đưa ít bạc lẻ cho tửu bảo, dặn cậu ta lần này để ý quan sát xem ai là người sẽ cầm bút viết thêm câu thơ cuối. Sau đó bọn họ lại tiếp tục uống rượu. Lần này đối với A Hoa mà nói là uống rượu sầu, chẳng bao lâu anh đã uống say mèm.

Mấy người bạn thấy anh đã say, bèn nói vậy chúng ta về nhà thôi. Họ dìu anh đứng dậy ra về. Lúc này tửu bảo đến tính tiền. Chỉ trong giây lát, A Hoa đang lúc say nhập nhèm nhìn thấy phía dưới thơ thứ ba lại có thêm câu thứ tư: “Tầm đắc chân Pháp quân mệnh quý” (Nghĩa là: Tìm được chân Pháp, tính mệnh của quân tử rất quý giá).

Lúc này, nội tâm A Hoa thực sự rất đau khổ. Mặc dù thấy mấy câu thơ này, anh cũng không mấy để tâm, cũng chẳng hy vọng xa vời rằng bản thân mình sau này còn có thể đại phú đại quý. Về phần “chân Pháp” trong câu thơ cuối thì anh càng không rõ đó là điều gì.

Nửa năm sau, các tin chẳng lành lần lượt đến với A Hoa: chị cả bị chồng đuổi về, giữa đường nhất thời nghĩ quẩn mà thắt cổ chết; chị hai bị bệnh qua đời; chồng chị ba thì bị người ta giết chết. Đối mặt với việc thân nhân lần lượt qua đời, anh nghĩ tới sự vô thường và bất lực của sinh mệnh.

Một hôm, anh ở nhà buồn quá, nên đi ra ngoài cho khuây khoả. Trên đường đi, A Hoa bắt gặp một người rất đặc biệt, người này không hề thay y phục mà y phục lại có thể biến đổi màu sắc và hình dạng. Người này đi ở phía trước, anh theo bản năng đi theo phía sau. Đi tới đi lui, anh lại tới nơi tửu lầu kia, khi tới đây, người này liền biến mất. Bởi vì trong túi A Hoa không mang tiền, nên anh ở dưới do dự có nên lên trên lầu hay không. Lúc này cậu tửu bảo kia liền gọi anh lên lầu, nói là có chuyện cần gặp. A Hoa liền đáp: “Lần này tôi không mang tiền”. Tửu bảo nói: “Không sao, có người muốn mời anh uống rượu”.

Khi anh lên trên lầu thì thấy một người chừng hơn 40 tuổi ngồi ở đó. A Hoa nhìn người này thấy không quen, nhưng vẫn lịch sự chắp tay nói: “Ngài với tôi không quen biết, không biết ngài có điều gì chỉ giáo?” Người nọ mỉm cười nói: “Trước tiên cứ ngồi xuống uống chút rượu, ăn chút đồ đã rồi hãy nói chuyện”. Nhìn A Hoa có chút ngần ngừ, người này liền gọi tửu bảo lại, đưa cho anh ta ít ngân lượng. Lúc này A Hoa có chút vừa mừng vừa lo, trong lòng nghĩ thầm có lẽ trước đây mình từng gặp người này rồi chăng. Nghĩ vậy anh mới có cảm giác an tâm và mạnh dạn cùng người này uống rượu dùng bữa. Người này chờ đến khi A Hoa ăn đã no, uống đã đủ rồi, thì mới để bát đũa sang một bên và hỏi A Hoa: “Chuyện tôi bảo anh suy nghĩ, anh nghĩ đến đâu rồi?” Câu hỏi này khiến A Hoa ngơ ngác, gãi đầu mãi mà không nhớ ra chuyện gì. Người kia liền nói: “Anh hãy nhìn xem”, nói rồi chỉ tay lên bức tường. Bài thơ mà A Hoa đề lần thứ hai lên bức tường cũng đã bị chủ quán xoá đi, nhưng lúc này cả hai bài thơ mà A Hoa từng đề, cùng với câu thơ cuối cùng không biết ai viết lên, tất cả đều hiện lên hoàn chỉnh trên bức tường. Tửu bảo, chủ quán cùng những người khách đều vô cùng kinh ngạc.

A Hoa lúc này mới định thần lại, anh lập tức đứng dậy bái lạy: “Lẽ nào ngài chính là người đã đề tiếp câu thơ? À không, phải gọi ngài là Thần tiên mới đúng, nếu không thì làm sao ngài viết thơ mà không ai trong đám phàm phu tục tử chúng tôi nhìn thấy”.

Người kia đỡ anh dậy, ngồi lại chỗ cũ, rồi chậm rãi nói: “Đừng nghĩ nhiều, tôi nhận phó thác của Sáng Thế Chủ đến điểm hóa cho anh, hy vọng anh sớm thấy rõ hư huyễn chốn nhân gian, trong tương lai đợi khi Sáng Thế Chủ hồng truyền Đại Pháp, có thể đặt định cơ sở chân chính để đắc Pháp”.

A Hoa hỏi tiếp: “Vậy người khi nãy dùng phương thức biến đổi trang phục dẫn tôi tới chỗ này là ai?” Người kia cười to trả lời: “Anh ta à, là một pháp khí của tôi”. Nói đoạn, người kia lấy từ cái túi đeo sau lưng ra một bộ y phục, rồi hô một câu: “Biến!” Bộ y phục liền biến thành một người. Màu sắc và kiểu dáng y phục của người này cứ một lúc lại tự động biến đổi. A Hoa cảm thấy rất kỳ diệu, còn muốn tiếp tục hỏi. Không ngờ người kia nói: “Anh vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi? Anh rốt cuộc nghĩ thông hay chưa?”

A Hoa suy nghĩ một lúc nói: “Cuộc đời tôi kiếp này cũng rất lận đận. Hai lần trước ngài đã dùng hình thức nối thơ để điểm hóa cho tôi, lần này lại đích thân đến tìm tôi, tôi biết có lẽ chúng ta có duyên phận từ trước, hoặc là do tôi có Phật duyên hoặc Đạo duyên. Nhưng hiện tại tôi đang trong cảnh nghèo khó, vậy làm cách nào mà tìm được Sáng Thế Chủ đây?” Người kia mỉm cười: “Tôi đã bảo anh đi tìm, thì chắc chắn tôi có cách”.

Sau đó, người đó lấy ra hai viên thuốc đưa cho A Hoa, nhắc nhở rằng: “Anh nhất định phải cất kỹ hai viên thuốc này, bệnh nhân dù có nhiều đến mấy đi nữa, anh cũng chỉ có thể dùng một viên, viên còn lại nhất định không được dùng. Hơn nữa hãy nhớ kỹ rằng chỉ xem bệnh cho người già”.

A Hoa hỏi: “Lẽ nào thuốc này bệnh gì cũng có thể trị được hay sao?” Người kia nói: “Thuốc này chỉ dùng để trị bệnh tả. Mỗi lần anh trị xong, nếu bệnh nhân không có tiền thì anh không cần yêu cầu họ trả, mà nếu bệnh nhân đưa nhiều tiền anh cũng đừng nhận”.

“Vậy xin hỏi mỗi lần cho bệnh nhân dùng loại thuốc này nên thu bao nhiêu tiền thì thích hợp?”

“Ba đồng”.

“Được. Vậy tôi đi đâu để tìm Sáng Thế Chủ?”

“Núi Cửu Hoa”.

“Được rồi, tôi về nhà thu xếp chút đồ đạc, rồi sẽ lập tức đi ngay”.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/269000