Y Sơn Dạ thoại (37): Truyền thuyết về Tôn Tư Mạc (1) – Một mũi châm cứu hai mạng người

Tác giả: Chánh Kiến Net

[ChanhKien.org]

Chào mừng các bạn đến với chương trình “Y Sơn Dạ thoại”. Trong những chương trình trước chúng tôi đã kể cho các bạn nghe những câu chuyện về các “thần y” như Biển Thước, Hoa Đà và một số vị thần y dân gian. Kỳ thực, thời Trung Quốc cổ đại vẫn còn có rất nhiều “thần y” như vậy. Hôm nay chúng tôi sẽ nói về Tôn Tư Mạc của triều đại nhà Đường, ông được người đời sau tôn xưng là “Dược Vương”.

Trung y, đặc biệt là Trung y cổ đại của Trung Quốc, người hiện đại không cách nào lý giải được những điều tinh túy của nó, càng không biết làm thế nào mà con người hàng ngàn năm trước lại có được những kiến thức thần kỳ như vậy. Rất nhiều câu chuyện được lưu truyền cho thấy một lịch sử huy hoàng về một thời kỳ người và Thần cùng tồn tại, nhưng trong mắt con người ngày nay, chúng đã trở thành truyền thuyết thần thoại. Sau đây xin kể cho các bạn nghe câu chuyện về thần y Tôn Tư Mạc.

Tôn Tư Mạc là người Hoa Nguyên, Ung Châu cổ đại, sống vào thời Tùy Đường. Theo truyền thuyết, ông sống hơn 100 tuổi. Học vấn của ông vô cùng uyên bác, có kiến thức thâm sâu về y dược, đặc biệt ông nghiên cứu khá sâu về dược vật học, ông là một nhà y dược nổi tiếng.

Tôn Tư Mạc thuở nhỏ đã trí huệ hơn người, bảy tuổi bắt đầu đi học, mỗi ngày ông có thể đọc hơn ngàn chữ. Sau khi lớn lên, ông thích đàm luận về học thuyết Lão Trang và Bách Gia, ông cũng thích đọc kinh Phật. Tổng quản thành Lạc Dương đương thời là Độc Cô Tín khi gặp ông đã cảm kích mà than rằng: “Đây là một Thánh đồng (đứa trẻ thánh nhân), nhưng tiếc rằng thiên chất quá cao, e khó làm được việc nơi trần thế này”.

Sau này, khi thời cuộc rối ren, Tôn Tư Mạc sống ẩn dật trong núi Thái Bạch để học Đạo, luyện khí dưỡng thần, thông hiểu thiên văn suy lý, tinh thông y dược, âm thầm làm rất nhiều việc thiện.

Có một lần, ông nhìn thấy một “con rắn nhỏ” bị một cậu bé chăn cừu làm bị thương, đang chảy máu. Ông bèn cởi quần áo để chuộc “con rắn nhỏ”, bôi thuốc vào vết thương rồi thả nó trở lại bãi cỏ.

Hơn mười ngày sau ông ra ngoài, gặp một chàng trai tuấn tú mặc áo trắng cưỡi ngựa đi ngang qua. Chàng trai xuống ngựa bái tạ Tôn Tư Mạc và nói: “Cảm ơn ngài đã cứu em trai tôi”. Tôn Tư Mạc ngạc nhiên không biết ý anh ta muốn nói gì. Thế là chàng trai thịnh tình mời Tôn Tư Mạc đến làm khách tại nhà. Chàng đưa ngựa cho Tôn Tư Mạc cưỡi, còn mình thì dắt ngựa chạy như bay, hầu như chân không chạm đất. Chỉ trong nháy mắt, đã đến một vùng thành quách, nơi đây cây cối hoa lá nở rộ, nhà cửa nguy nga tráng lệ, mang đậm phong thái vương gia. Chàng thanh niên mời Tôn Tư Mạc vào nhà, một người mặc y phục đỏ, đầu đội mũ miện với rất nhiều người hầu đi theo sau, tươi cười đón chào khách. Ông ấy hết lần này đến lần khác cảm ơn Tôn Tư Mạc và nói: “Chúng tôi được nhờ lòng tốt của ngài nên tôi đã sai con đi mời ngài”. Ông ấy quay đầu lại và chỉ vào cậu bé mặc áo xanh và nói: “Cách đây mấy hôm, cháu đi chơi một mình bị một cậu bé chăn cừu đánh bị thương, may mà ông đã cởi đồ ra chuộc để cứu cháu thì mới có ngày hôm nay”. Ông bảo cậu bé mặc áo xanh bái tạ Tôn Tư Mạc. Lúc này Tôn Tư Mạc mới nhớ đến chuyện cởi quần áo và cứu con rắn mấy ngày trước. Ông khẽ hỏi người bên cạnh xem đây là đâu, người đó nói với ông: “Đây là Kinh Dương Thủy Phủ”. Hóa ra người mà ông cứu không phải là “con rắn nhỏ”, mà là con trai của Long Vương.

Long Vương áo đỏ đã sắp xếp một bữa tiệc để khoản đãi Tôn Tư Mạc. Sau ba ngày, Long Vương lại tặng cho ông rất nhiều châu báu và gấm vóc sa tanh màu. Tôn Tư Mạc kiên quyết không nhận. Long Vương bèn ra lệnh cho con trai mình lấy 30 phương thuốc kỳ diệu của Long cung tặng cho Tôn Tư Mạc. Khi tiễn biệt, Long Vương nói với Tôn Tư Mạc: “Những phương thuốc này có thể giúp ngài cứu thế nhân”. Rồi Long Vương cử người ngựa đưa Tôn Tư Mạc về nhà.

Sau khi Tôn Tư Mạc sử dụng những phương thuốc này, ông nhận thấy rằng chúng thực sự linh nghiệm. Vì vậy ông đã viết lại những phương thuốc này vào trong cuốn sách “Thiên Kim Phương” (phương thuốc đáng quý nghìn vàng). Người đời sau coi “Thiên Kim Phương” là một bộ kỳ thư, hóa ra những phương thuốc này có nguồn gốc từ Tiên nhân, cho nên sự linh nghiệm của chúng cũng chẳng có gì là lạ.

“Tùy Văn Đế sau khi nghe danh tiếng của Tôn Tư Mạc, đã chiêu mộ ông vào làm quan, nhưng ông từ chối. Ông từng kín đáo nói với mọi người: “50 năm nữa sẽ có Thánh nhân xuất hiện, lúc đó ta sẽ giúp Thánh nhân cứu trợ bách tính”.

50 năm sau, Đường Thái Tông Lý Thế Dân lên ngôi Hoàng đế và triệu ông đến kinh thành, Thái Tông vô cùng kinh ngạc trước dung mạo trẻ trung của ông và nói với ông rằng: “Gặp khanh, trẫm nhờ vậy mà biết được rằng người tu Đạo thực sự đáng được tôn trọng và ngưỡng mộ, các vị thần tiên như Quảng Thành Tử quả thực không phải là hư truyền”. Thái Tông nhiều lần muốn phong tước vị cho ông nhưng ông nhất quyết từ chối không nhận. Vào năm Hiển Khánh thứ tư, Đường Cao Tông triệu kiến ông và mời ông làm Gián nghị đại phu, Tôn Tư Mạc một lần nữa nhất quyết từ chối. Năm Thượng Nguyên thứ nhất, ông cáo bệnh về quê, Cao Tông đặc ân ban cho ông ngựa tốt, đồng thời ban cấp thành ấp của công chúa Phàn Dương để ông cư trú.

Tôn Tư Mạc chủ trương tự mình luyện tập dưỡng sinh, do tinh thông thuật dưỡng sinh nên hơn trăm tuổi mà tai vẫn thông mắt vẫn tỏ. Y thuật cao siêu của ông quả là xuất thần, để lại cho hậu nhân nhiều câu chuyện huyền thoại.

Trước tiên xin kể câu chuyện “Một mũi châm cứu hai mạng người”.

Có một lần đang trên đường hành nghề chữa bệnh, Tôn Tư Mạc bắt gặp bốn người khiêng một chiếc quan tài mỏng manh đi về phía ngọn đồi hoang vắng ở ngoại ô, theo sau là một bà lão đang khóc cạn nước mắt. Tôn Tư Mạc định thần nhìn kỹ thì phát hiện từ khe hở dưới đáy quan tài có vài giọt máu chảy ra, bèn vội vàng tiến lên để hỏi rõ sự tình. Hóa ra trong quan tài là đứa con gái duy nhất của bà lão, vừa mới chết không lâu vì khó sinh, thai nhi vẫn còn trong bụng sản phụ. Sau khi nghe, Tôn Tư Mạc nghĩ rằng sản phụ này có lẽ còn có thể cứu được.

Ngay lập tức ông đã nhờ những người khiêng quan tài cạy nắp quan tài thật nhanh. Thấy sắc mặt của sản phụ khô vàng, đưa tay sờ mạch thì thấy vẫn còn có tiếng đập yếu ớt. Ông nhanh chóng lấy cây kim bạc mang theo bên mình, chọn đúng huyệt vị, châm vào, dùng thủ pháp xoắn kim để tăng cường độ mạnh. Một lúc sau, sản phụ “đã chết” ấy đã mở mắt tỉnh dậy một cách thần kỳ, cùng lúc đó thai nhi trong bụng cũng chào đời và khóc lên một tiếng to rõ. Thấy Tôn Tư Mạc đã cứu được hai mạng người chỉ bằng một mũi châm, bà lão cúi đầu bái lạy, bốn người khiêng quan tài cũng quỳ xuống không dậy. Từ đó danh tiếng về khả năng cải tử hoàn sinh của Tôn Tư Mạc lan truyền khắp bốn phương, người ta gọi ông là “Thần Tiên sống”.

Tôn Tư Mạc còn có một câu chuyện về “thi triển thần thông, căng dây chẩn mạch”.

Vào năm Trinh Quán nhà Đường, Trưởng Tôn hoàng hậu của Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã mang thai hơn mười tháng nhưng không thấy sinh con, mà lại bị bệnh nặng phải nằm liệt giường. Mặc dù đã được nhiều ngự y chữa trị nhưng bệnh tình vẫn không thấy thuyên giảm. Chuyện này khiến Thái Tông chau mày nhăn trán cả ngày, đứng ngồi không yên. Được đại thần Từ Mậu Công tiến cử, ông đã cho triệu Tôn Tư Mạc vào hoàng cung.

Tuy nhiên ở Trung Quốc cổ đại có lễ giáo “nam nữ thụ thụ bất thân”, các ngự y trong cung coi bệnh cho phụ nữ trong cung không được đến bên cạnh, chỉ có thể dựa vào lời khẩu thuật của người khác để chẩn đoán và kê đơn điều trị. Vì Tôn Tư Mạc là một vị thầy thuốc dân gian, lại mặc quần áo vải thô, nên tất nhiên ông ta không thể được phép đến gần “thân phượng” của hoàng hậu. Vì vậy, ông vừa nhờ thái nữ trong cung đến bên cạnh hoàng hậu để hỏi tường tận về bệnh tình, vừa yêu cầu mang bệnh án và đơn thuốc của thái y đến xem xét cẩn thận. Căn cứ vào những tình tiết này, ông tiến hành phân tích và nghiên cứu, nên cơ bản đã nắm được bệnh tình của hoàng hậu. Sau đó, ông lấy ra một sợi chỉ đỏ, bảo thái nữ buộc sợi chỉ vào cổ tay phải của hoàng hậu, kéo một đầu ra khỏi bức màn tre, Tôn Tư Mạc cầm đầu còn lại của sợi chỉ để thực hiện việc “căng dây chẩn mạch” bên ngoài phòng của hoàng hậu.

Thực ra là Tôn Tư Mạc thi triển thần thông, trong phút chốc đã chẩn mạch xong cho hoàng hậu, đoán định được nguyên nhân gây bệnh, rồi dùng kim châm vào ngón giữa tay trái của hoàng hậu. Hoàng hậu sinh nở suôn sẻ, sinh hạ được hoàng tử.

Lại kể thêm một câu chuyện về “tùy bệnh mà khéo léo chọn cách chữa cho vua Đường”.

Trong năm đầu Trinh Quán, có một lần trong trận chiến chống giặc ngoại xâm, Đường Thái Tông bị quân địch bao vây trên một đỉnh núi. Khi đang uống nước ở hồ nước trên núi, do người mệt mỏi đầu choáng váng, nên ông đã nhìn nhầm hình ảnh phản chiếu dưới nước của chiếc mũ ngọc trang sức hoa văn rồng thành con rắn nhỏ, từ đó luôn nghi ngờ rằng mình đã nuốt con rắn nhỏ đó trong khi uống nước. Sau khi thắng trận trở về triều, ông càng nghĩ càng cảm thấy buồn nôn, tiếp đó là nôn mửa, cuối cùng thành bệnh.

Các thái y trong cung đã dùng mấy phương thuốc, nhưng đều không có tác dụng. Ngụy Trưng đành phải mời Tôn Tư Mạc đến chẩn trị. Tôn Tư Mạc thấy Đường Thái Tông thần sắc không có vẻ bị bệnh, trong bụng không có dị vật. Sau khi hỏi rõ nguyên nhân gây bệnh, ông đăm chiêu nghĩ: Nếu nuốt phải rắn vào bụng thì triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn, nhưng hiện tại chỉ là ảo giác và nghi ngờ, kỳ thực đó chỉ là bệnh tâm lý. Vì vậy, Tôn Tư Mạc kê cho Đường Thái Tông một thang thuốc an thần trước, rồi lấy chiếc mũ mà Đường Thái Tông đội khi ra trận, cho người đi lấy một chậu nước, sau đó mời Đường Thái Tông đến xem. Đường Thái Tông nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của hoa văn rồng trong chậu, bỗng nhiên tỉnh ngộ, lập tức giải tỏa mối nghi hoặc trong lòng, bệnh cũng khỏi hẳn.

Các bạn vừa nghe câu chuyện về Dược Vương Tôn Tư Mạc. Có thể chúng ta không hiểu những y thuật thần kỳ của ông đến từ đâu? Kỳ thực, Tôn Tư Mạc là một người tu luyện đã đắc đạo. Kể về những câu chuyện của ông thì có rất nhiều, trong đó một số trải nghiệm thần kỳ mà người hiện đại nghe có thể nghĩ rằng chúng là thần thoại. Các bạn đã từng nghe kể câu chuyện thần kỳ “chữa rồng cứu hổ, đức đến muôn loài” của Tôn Tư Mạc chưa? Chúng tôi sẽ kể câu chuyện này cho các bạn ở phần sau.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/267977