Tứ đại phát minh của Trung Quốc cổ đại: Thuốc súng

Tác giả: Lữ Văn Thiên

[ChanhKien.org]

1. Thần Tông tạo vũ khí

Lưu huỳnh, đá tiêu (Kali Nitrat – KNO₃) và than (bột than) là các thành phần chính chế tạo ra thuốc súng trong thời cổ đại, chúng được bắt đầu sử dụng từ thời nhà Đường. Trong những năm Khánh Lịch triều Bắc Tống (tức những năm 1044 CN), trong cuốn binh thư “Võ Kinh Tổng Yếu” đã xuất hiện những ghi chép đầu tiên về các phương pháp điều chế thuốc súng. Trong thời gian Tống Thần Tông tại vị, [triều đình] đã liên tiếp cho lập nên các xưởng vũ khí quân sự và ngự tiền sở [1], vì thế một lượng lớn đá tiêu, lưu huỳnh được sử dụng trong y dược cổ truyền đã được chuyển đổi sang [lĩnh vực] quân đội.

2. Trung y và Lưu tiêu

“Lưu tiêu” chỉ lưu huỳnh và Kali Nitrat.

Đá tiêu và lưu huỳnh là một vị thuốc Trung y trong bộ Ngọc Thạch, được lưu truyền trong dân gian từ thời Xuân Thu. Theo ghi chép của cuốn “Thần Nông Bản Thảo kinh” thì:

“Đá lưu huỳnh có vị chua tính ôn, có độc… có công dụng làm chắc xương cốt, trị rụng tóc (hói trọc), có thể biến vàng, bạc, đồng, sắt thành vật lạ khác. Nó sinh ra trong các khe núi.”

“Đá tiêu có vị đắng tính hàn. Chủ trị (đặc trị) chứng ngũ tạng tích nhiệt, đầy hơi chướng bụng; làm sạch đường ăn uống, thúc đẩy trao đổi chất, trừ tà khí. Tinh chế đá tiêu giống như cao, sử dụng trong thời gian dài thì thân thể nhẹ nhàng. Nó có tên khác là xun-phát na-tri ngậm nước (Na2SO4.10H2O). Nó sinh ra từ trong các khe núi.”

3. “Đa sự chi thu” và sự xuất hiện của các Thánh nhân

(Chú thích của dịch giả: “Đa sự chi thu” có hàm nghĩa là chỉ sự rối loạn, thời buổi rối ren, mất an ninh)

Thuốc súng xuất hiện trong khoảng thời gian chuyển giao giữa nhà Tây Chu và thời kỳ Chiến Quốc, đây là thời kỳ các vị Thần quy vị (giải thích của dịch giả: các vị thần quy vị là việc Khương Tử Nha lãnh nhận nhiệm vụ Phong thần trong Phong Thần Diễn Nghĩa), các nước chư hầu xưng hùng, Trung Quốc ở trong thế cục rối ren, động loạn. Thời Xuân Thu còn xuất hiện các học thuyết mới lạ mà trước nay chưa từng có như Bách gia Chư tử, lễ – nhạc – văn chương lúc này cũng bước vào thời kỳ hưng thịnh.

Khổng Tử vấn lễ (Khổng Tử thỉnh giáo Lão Tử)

Lão Tử: “Ngô văn chi, lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu. Khứ tử chi ngạo khí dữ đa dục, thái sắc dữ dâm chí, thị giai vô ích vu tử chi thân. Ngô sở dĩ cáo tử, nhược thị nhi dĩ.”

(Lão Tử: Ta từng nghe điều này, một thương nhân tài giỏi che giấu sự giàu có của mình một cách kín đáo, nhưng bề ngoài xem ra chẳng có gì cả; một bậc quân tử có tu dưỡng, bên trong ẩn chứa đạo đức, nhưng bề ngoài xem ra có vẻ ngu ngốc khờ khạo. Phải loại bỏ tính ngạo mạn và lòng tham dục vọng, sắc và dục đều không có lợi cho cơ thể con người . Vì vậy ta nói với phu tử (chỉ Khổng Tử) như thế mà thôi.)

(Lương cổ: 良贾 (âm cổ) là chỉ người kinh doanh buôn bán giỏi; thâm tàng 深藏 là chỉ báu vật được ẩn giấu, không để mọi người nhìn thấy. Người quân tử là người bên trong có thịnh đức nhưng vẻ ngoài của họ khiêm nhường như một kẻ khờ khạo. Vẻ ngoài chính trực, ngạo mạn cũng như sắc và dục đều không giúp ích được gì cho phu tử, cần phải loại bỏ).

Khổng Tử: Con chim, ta biết chúng có thể bay; con cá, ta biết chúng có thể bơi; … còn rồng, ta không thể biết nó cưỡi gió mây mà lên trời. Ngày nay ta thấy Lão Tử cũng giống như một con rồng!

Sách “Sử ký • Lão Tử Hàn Phi Liệt Truyện” có ghi chép: Lão Tử tu dưỡng đạo đức, ông học theo cách “tự ẩn vô danh vi vụ” (ẩn mình vô danh mà phụng sự)… Khi thấy nhà Chu suy yếu, ông liền viết cuốn sách nổi tiếng nói về ý nghĩa của đạo đức gồm hơn 5.000 chữ (Đạo đức kinh) rồi rời đi, không biết ông đã đi đâu.

Chỉ vài năm trước khi Khổng Tử ra đời, trên bán đảo Nam Á đã xuất hiện một nhân vật “kinh thiên động địa”.

Vào năm 565 Trước Công nguyên, Đức Phật Thích tôn của Phật giáo là Phật Thích Ca Mâu Ni giáng thế tại nước Ca-tỳ-la-vệ ở phía bắc Ấn Độ cổ đại (ngày nay thuộc nước Nepal).

Lúc bấy giờ Bà La Môn giáo đã bước vào thời kỳ mạt pháp, xuất hiện việc sát sinh để cúng tế, các học phái ngoại đạo thừa cơ nổi lên, các nước lớn đều đứng lên tiến hành tự trị. Vào thế kỷ thứ 6 TCN, Thích Ca Mâu Ni đã thị hiện thành Phật, khai thị con đường giải thoát cho chúng sinh ở thế giới Ta Bà và kiến lập nên Phật giáo nguyên thủy.

Sau thời Xuân Thu, tam giáo (Nho-Thích-Đạo) bắt đầu được lưu truyền ở Trung Nguyên, mở ra các triều đại đế vương kéo dài hơn hai nghìn năm.

4. Luyện đan và Đạo

Đá tiêu và lưu huỳnh, trong thời cổ đại thường được Đạo gia sử dụng để luyện đan. Trong cuốn “Bão Phốc Tử Nội Thiên” của Cát Hồng triều Tấn đã biên tập hàng chục phương pháp luyện đan, trong đó có cả phương pháp Cửu chuyển kim đan thuật. Dược tính của đá tiêu và lưu huỳnh là có độc tính, tại sao lại có thể dùng nó để luyện đan tu Đạo, đến nay điều này vẫn là một bí mật trong những bí mật, nhưng các thời đại những cao nhân đạo sĩ như vậy cũng không hiếm, cũng không khó để tìm thấy họ.

Dựa theo những ghi chép về truyện Gia Cát Lượng trong “Tam Quốc Chí • Thục Chí”: “(Gia Cát Lượng) đã “suy diễn” (chuyển biến) binh pháp để tạo ra bát trận đồ”. Ông đã dùng đá xếp bát lũy thạch trận, biến hóa khôn lường, có thể chống lại mười vạn tinh binh.

Trí huệ của Gia Cát Lượng không chỉ thể hiện ở tài mưu lược quân sự mà còn rất giỏi xem thiên tượng dịch số. Tiếp nối sau Khương Tử Nha thời nhà Chu, Gia Cát Lượng đã viết cuốn dự ngôn thứ hai về các triều đại trong lịch sử mang tên là “Mã Tiền Khóa”.

Trong những năm Quang Tự triều Thanh, lão hòa thượng tên là Thủ Nguyên ở núi Bạch Hạc đã giải mã từng lời tiên tri từ thời Quang Tự trở về trước trong “Mã Tiền Khóa”. Lời tiên tri cho nhà Thanh là quẻ thứ chín của “Mã Tiền Khóa”: “Thủy nguyệt hữu chủ, cổ nguyệt vi quân, thập truyền tuyệt thống, tương kính nhược tân”.

Hòa thượng Thủ Nguyên giải thích: “‘Thủy nguyệt hữu chủ’ là chữ: thanh (清), ‘cổ nguyệt’ (古月) là chữ ‘hồ’ (胡), người Hồ làm vua, e rằng số trời không thể cưỡng được?” Tiếp đó ông lại nói rằng: “Lão tăng sinh vào năm Gia Khánh thứ mười (1806 CN), năm nay 86 tuổi (1892), mấy câu sau không dám luận bàn tùy tiện”. Nếu hòa thượng Thủ Nguyên có thể đợi mười mấy năm nữa, ông sẽ được tận mắt chứng kiến cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, khi vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh là Tuyên Thống thoái vị trong buồn thảm. Lời giải thích đầy đủ của khóa này sẽ là: “Thống” (统) là chỉ hoàng đế “Tuyên Thống” (宣统), “Thập truyền tuyệt Thống” là chỉ nhà Thanh từ Thuận Trị nhập quan (tiến vào quan ải) xưng đế đến Tuyên Thống tổng cộng trải qua mười đời hoàng đế.

Các thời đại đều xuất hiện những nhà tiên tri giỏi giải thích Dịch Tượng như Khương Thượng (Khương Tử Nha), Khổng Minh. Sau “Mã Tiền khóa” của Khổng Minh thì có “Thôi Bối Đồ” của Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cương thời Đường, “Mai Hoa Thi” của Thiệu Ung triều Tống, sau đó còn có “Thiêu Bính Ca” của Lưu Bá Ôn thời nhà Minh, tất cả đều để lại những dự ngôn chính xác và có hệ thống về thế sự sau này. Nhìn vào những lời dự ngôn về các triều đại này, theo xoay vần năm tháng nó dường như trở nên huyền bí không thể đoán trước, sự biến đổi của thế cục dường như đều tuân theo trật tự. Trong u minh có định số, nguồn gốc sâu xa của mỗi triều đại trong lịch sử 5.000 năm của Trung Nguyên, phải chăng đều ẩn chứa một chân cơ bí mật nào đó mà không thể nói rõ ra được.

5. Giải thích về thuốc súng

Vào thời nhà Minh (1368-1644) lần lượt xuất hiện nhiều loại vũ khí được làm từ thuốc súng. “Tật lê đào đạn” (bom gốm), thạch lôi (mìn đá) là những loại hỏa khí có sức nổ tương đương với lựu đạn và mìn. “Nhất oa phong” (như ong vỡ tổ) là một loại vũ khí bắn ra nhiều hỏa tiễn, đốt ngòi lửa là có thể cùng một lúc phóng ra 32 hỏa tiễn.

Theo ghi chép trong hai cuốn binh thư thời Minh là “Võ Bị Chí” và “Hỏa Long Kinh”: “Hỏa long xuất thủy” là loại vũ khí dài năm thước làm bằng ống của cây trúc, phần này gọi là thân rồng; ở bên trong phần bụng rồng có một số đạn có thể bắn ra như hỏa tiễn; ở phía trước và sau thân rồng lần lượt đặt bốn ống thuốc súng lớn. Hỏa long xuất thủy được dùng trong thủy chiến để chống lại tàu chiến của địch. Khi châm lửa bốn ống thuốc súng lớn gắn trên thân rồng, những hỏa tiễn cấp một này có thể đẩy hỏa long bay xa hai hoặc ba dặm trên mặt nước, sau đó khi hỏa tiễn cấp một cháy hết, nó sẽ tự động đốt cháy hỏa tiễn cấp hai trong bụng rồng, lúc này, từ miệng rồng bắn ra những hỏa tiễn bay vào kẻ thù và đốt cháy tàu địch.

Vào đầu thế kỷ 13 (giữa những năm 1225 và năm 1250 CN), cách thức chế tạo thuốc súng đã được truyền từ Trung Quốc sang Ả Rập (Ba Tư gọi đó là “muối Trung Quốc”, Ai Cập gọi đó là “Tuyết Trung Quốc”), sau đó nó được truyền đến châu Âu.

6. Bí ẩn về thuốc súng

Vào cuối thời nhà Thanh (1644 – 1911) đã xuất hiện các sự kiện lịch sử như: trào lưu thực dân đã phá vỡ sự truyền thừa trên phương diện lãnh thổ và huyết thống, cách mạng công nghiệp thế chỗ cho các lý niệm và giá trị quan truyền thống. Cùng với đó các cuộc chiến tranh kéo dài gần nửa thế kỷ đã phân ra thế cục của hai phe lớn trên thế giới đó là phe phương Đông (đại diện là Nga) và phe phương Tây (đại diện là Hoa Kỳ).

Sau gần ba nghìn năm thăng trầm dâu bể, thuốc súng đã đi qua bước chuyển mình từ văn hóa truyền thống sang thời đại thông tin. Thuốc súng có mặt từ trong chiến tranh, Trung Y, thậm chí đến cả trong giới tu luyện Đạo gia cho đến các mặt khác của cuộc sống con người. Nội hàm văn hóa sâu sắc của thuốc súng là đồng nhất với văn minh cổ đại Trung Quốc mà cho đến hôm nay vẫn để lại những ký ức về phương Đông thần bí nói chung.

Chú thích: [1] Ngự tiền sở 御前所: tên đầy đủ “Ngự tiền quân khí sở” 御前军器所 là cơ sở chế tạo binh khí do cấp nhà nước được lập ra vào cuối thời Bắc Tống, hoạt động dưới sự giám sát trực tiếp của nhà vua.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/30556