Những phạm nhân không người giám sát

[ChanhKien.org]

Vương Già là người Hà Giang, Chương Vũ (nay là huyện Hà Giang, tỉnh Hà Bắc). Vào năm cuối cùng của Hoàng đế khai quốc triều Tùy, Vương Già đảm nhận chức Tề Châu tham quân. Ông vốn không có tiếng tăm gì, sau đó được phái đi áp giải tù nhân Lý Thần cùng hơn 70 phạm nhân đến kinh thành.

Theo luật thời bấy giờ, các phạm nhân trên đường áp giải đều phải đeo gông xiềng. Khi đi đến địa khu Huỳnh Dương, Vương Già cảm thấy thương xót cho những phạm nhân này, ông bèn nói với họ: “Các ngươi đã vi phạm luật pháp và khiến bản thân lâm vào tình cảnh này, giờ lại liên lụy cả đến những người lính áp giải. Chẳng lẽ không thấy xấu hổ sao?”

Lý Thần và các phạm nhân đều tạ tội. Vương Già lại nói: “Bây giờ, cho dù các ngươi đều đã phạm tội, nhưng những gông xiềng trên thân thể đang dày vò các ngươi. Ta dự định sẽ cởi bỏ gông xiềng, để các ngươi tự do rời đi, đến kinh thành sẽ tập hợp lại. Các ngươi có thể hứa với ta rằng sẽ không bỏ trốn không?” Tất cả phạm nhân đều bày tỏ lòng biết ơn và hứa rằng sẽ không bỏ trốn. Sau đó, Vương Già đã cho mở hết những xiềng xích trên thân phạm nhân và giao hẹn thời gian gặp lại ở kinh thành. Ông cũng bảo những người lính hãy về nhà. Vương Già nói với các tù nhân: “Các ngươi đã hứa sẽ có mặt tại kinh thành theo đúng hẹn, ta tin tưởng lời hứa của các ngươi. Nếu như lúc đó các ngươi không đến thì ta sẽ phải vì các ngươi mà nhận lấy cái chết.” Sau đó Vương Già để phạm nhân tự do đi lại và một mình quay về kinh thành. Các phạm nhân vô cùng cảm động trước việc làm của Vương Già, tất cả đều đến kinh thành đúng hẹn, không ai bỏ trốn.

Biết chuyện, Hoàng Đế vô cùng kinh ngạc và tán dương Vương Già cùng các phạm nhân. Hoàng đế triệu tập các phạm nhân cùng gia đình họ đến hoàng cung dự tiệc. Sau đó, các phạm nhân đều được ân xá vì đã giữ lời hứa và biết hối lỗi. Hoàng đế cảm thán nói: Phàm là người thì đều có linh tính, biết phân biệt đúng sai. Nếu đối đãi chân tình, thuyết phục thì những người giản dị thô tục sẽ được giáo hóa, ai nấy đều sẽ làm theo điều thiện. Xưa nay đất nước loạn lạc, đạo đức không được coi trọng, quan lại không có lòng nhân, dân chúng mang tâm gian trá khiến kiện cáo tù tội xảy ra không dứt, xã hội rối ren khó thay đổi. Nay trẫm vâng mệnh Trời, không quản khó nhọc để giữ cho bách tính được an ổn, lấy đức mà giáo hóa dân chúng, bổn ý của trẫm là vậy. Vương Già hiểu được ý trẫm, đã chân thành giáo hóa và dẫn dắt; Lý Thần và những người kia cảm động giác ngộ mà tự mình đi tới kinh thành. Có thể thấy, việc giáo hóa bách tính không khó, thật đúng là do quan không nói rõ đạo lý khiến dân chúng phạm tội, không cách nào ăn năn hối lỗi. Nếu quan lại đều có thể nhân từ như Vương Già và dân chúng đều biết hối lỗi như Lý Thần, thì tương lai không xa sẽ không cần tới bất kỳ hình phạt nào nữa.