Nhìn thế giới qua con mắt thứ ba – Giải mã thần thoại (Phần 6)

Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

Phần 6: Nền văn minh tiền sử

Hiện nay, giới khoa học kỹ thuật đã phát hiện ra một số hiện tượng kỳ lạ, ví như trên Trái đất còn sót lại di tích cổ của rất nhiều nền văn minh, những di tích này không phải là sản phẩm của văn minh nhân loại lần này, có di tích có từ hàng vạn năm trước, hàng triệu năm trước, hàng chục triệu năm trước, thậm chí trên cả trăm triệu năm về trước. Tất cả chúng đều không phải là sản vật của cùng một thời kỳ văn minh, mà thậm chí là sản phẩm của nhiều thời kỳ văn minh khác nhau.

Giới khoa học kỹ thuật hiện đại gọi đó là “văn hóa tiền sử”, họ cho rằng nền văn minh nhân loại không chỉ một lần, mà là được luân hồi. Khi mỗi lần nền văn minh nhân loại bị hủy diệt, đều sẽ có một số ít người may mắn còn sống sót, còn lưu lại một chút văn hóa tiền sử, sau đó sinh sôi phát triển thành nhân loại mới, tiến vào thời kỳ văn minh kế tiếp.

Ví dụ về bí ẩn trong sự hình thành dầu hỏa, giới khoa học kỹ thuật hiện nay không cách nào giải thích được điều này, họ cho rằng dầu hỏa được hình thành khi Trái đất có sự dịch chuyển các lục địa, các sinh vật trên mặt đất trong nháy mắt bị chôn vùi sâu trong lòng đất, bị ngăn cách với không khí, sau đó ở trong môi trường nhiệt độ và áp suất cao dưới lòng đất từ từ phân giải mà thành dầu hỏa. Điều kiện hình thành dầu hỏa rất khắc nghiệt. Những xác chết do sự tử vong tự nhiên của sinh vật, hoặc các tai nạn dẫn tới hủy diệt sinh vật như đại hồng thủy hay tinh cầu va vào nhau v.v. sẽ từ từ phân giải thối rữa chứ không thể có đủ các điều kiện nêu trên để hình thành dầu hỏa được.

Theo ước tính thận trọng nhất của cơ quan năng lượng thế giới, thì hiện tại trữ lượng dầu trên Trái đất ít nhất là khoảng hơn 200 tỷ tấn. Mà cấu thành sinh vật thể có tỷ lệ rất lớn là từ nước, như vậy ước tính nếu đem tất cả các sinh vật trên Trái đất hiện đại đều chuyển hóa thành dầu mỏ, thì tổng cộng có thể sản sinh khoảng 300 triệu tấn dầu thô. Nói cách khác, toàn bộ sinh vật trên Trái đất của chúng ta phải bị tiêu diệt gần 700 lần, ngoài ra sau khi bị hủy diệt, tất cả các sinh vật phải đồng thời trong nháy mắt bị chôn sâu trong lòng đất và toàn bộ chuyển hóa thành dầu, hầu như không có lãng phí, thì mới có thể để sản sinh được trữ lượng dầu hiện có trên Trái đất. Nhưng xác suất để tất cả các sinh vật trong nháy mắt bị vùi sâu trong địa tầng có thể đạt được điều kiện hình thành dầu là rất nhỏ, phần lớn đều sẽ không đạt được điều kiện hình thành dầu hỏa, thay vào đó sẽ bị thối rữa hoặc trở thành hóa thạch. Căn cứ theo xác suất này thì các sinh vật trên Trái đất không biết đã bị hủy diệt với số lần nhiều (ở đây phải là bội số của 700), mới có thể hình thành một trữ lượng dầu khổng lồ như ngày hôm nay.

Tra cứu các truyền thuyết và thần thoại cùng những ghi chép cổ xưa của các dân tộc trên thế giới, kết hợp với những phát hiện khảo cổ hiện đại thì chúng ta sẽ phát hiện ra rằng nhân loại trong quá trình lịch sử dài đằng đẵng, đã từng phát sinh nhiều lần những đại tai nạn mang tính hủy diệt, như: đại hồng thủy, đảo cực địa từ, bản khối Trái đất biến động lớn, các tinh cầu khác va vào Trái đất, chiến tranh hạt nhân v.v…

Mỗi khi phát sinh đại tai nạn mang tính hủy diệt, toàn bộ nền văn minh nhân loại đều bị hủy diệt, chỉ có cực ít người may mắn còn sống sót, lại sinh sôi nảy nở thành một nhân loại mới, bắt đầu một nền văn minh mới.

Mỗi khi phát sinh tai nạn trên diện rộng, gần như toàn bộ nền văn minh và các công cụ sản xuất v.v. của con người đều bị hủy diệt, chỉ còn một số ít người may mắn còn sống sót. Họ phải quay về trạng thái nguyên thủy, ban đầu trú ngụ tại sơn động, mặc vỏ cây, chế tạo công cụ đồ đá, rồi lại phát triển thành nền văn minh mới. Nhưng hầu như mỗi lần kiếp nạn đều sẽ lưu lại một chút gì đó của nền văn minh tiền sử, có lúc số người may mắn sống sót tương đối nhiều, lưu lại tương đối nhiều những thứ văn minh tiền sử. Ví như Chu Dịch, Bát Quái, Hà Đồ, Lạc Thư v.v. đều là được lưu lại từ thời viễn cổ. Với nhận thức và trí tuệ của con người hiện tại thì căn bản là không thể nghiên cứu thấu triệt những điều này, chúng trở thành những bí ẩn không giải thích được, đây đều là những thứ còn sót lại từ thời tiền sử. Còn có các loại truyền thuyết, thần thoại v.v. được lưu truyền đến ngày hôm nay, rất nhiều đều là từ thời kỳ tiền sử xa xôi, nhiều đời truyền đến hiện tại, cho nên đây đều là những tư liệu lịch sử thời tiền sử rất đáng trân quý.

Tại phương Đông và phương Tây đều có những ghi chép về đại hồng thủy thời tiền sử. Ví dụ như câu chuyện nổi tiếng về con tàu Noah được ghi lại trong Kinh Thánh, Trung Quốc cũng có câu chuyện Đại Vũ trị thủy. Theo tính toán, thời gian phát sinh đại hồng thủy thời Noah trùng khớp với thời điểm xảy ra hồng thủy vào thời Ngũ Đế Trung Quốc, rất có thể đây chính là trận đại hồng thủy quy mô toàn cầu cuối cùng trong lịch sử của con người, nó đã gần như hủy diệt triệt để nền văn minh nhân loại lúc bấy giờ.

Ngoài trận đại hồng thủy cuối cùng đã hủy diệt nhân loại này, thì ở các nơi trên thế giới còn có rất nhiều ghi chép khác liên quan đến đại hồng thủy. Trong đó có những ghi chép về trận hồng thuỷ xuất hiện sớm hơn trận đại hồng thủy cuối cùng này, vì vậy đại hồng thủy hủy diệt nhân loại không chỉ có một lần.

Các nhà khảo cổ học khai quật được một phiến đất sét cổ của người Sumer, trên đó có ghi chép liên quan đến đại hồng thuỷ như sau: “Buổi sáng, mưa càng lúc càng lớn. Tôi đã tận mắt chứng kiến những hạt mưa lớn dày đặc trong đêm. Tôi ngẩng đầu nhìn chăm chú lên bầu trời, mức độ kinh hoàng không thể nào diễn tả được… Ngày đầu tiên, gió nam thổi rít dữ dội. Mọi người nghĩ rằng chiến tranh đã bắt đầu, nên liền tranh nhau chen lấn chạy trốn lên núi, không ai còn để ý đến ai, tất cả đều liều mình chạy trốn…”

Trong cuốn thánh thư của nền văn minh Maya Popol Vuh đã miêu tả đại hồng thủy như sau: “Đại hồng thủy ập đến… Xung quanh biến thành một vùng đen kịt, mưa màu đen bắt đầu rơi. Mưa tầm tã cả đêm… Mọi người liều mình chạy trốn… Họ trèo lên trên nóc nhà, nhưng nhà ở bị sập, hất họ xuống đất. Thế là, họ lại trèo lên ngọn cây, nhưng cây lại rung khiến họ rơi xuống. Mọi người tìm được nơi ẩn náu trong hang, nhưng hang sập cướp đi sinh mệnh của mọi người. Loài người cứ như vậy tuyệt diệt hoàn toàn”.

Sử thi Gilgamesh của Babylon cổ đại là bộ sử thi có ghi chép đầy đủ nhất về sự kiện đại hồng thủy trong tư liệu lịch sử hiện còn được bảo tồn trên thế giới, bởi vì nó được kể lại bởi những người may mắn sống sót sau trận đại hồng thủy. Trong đó có ghi chép rằng: “Nước lũ kèm theo cuồng phong, gần như chỉ trong một đêm đã ngập hết đất bằng và đồi núi thấp trên đất liền. Chỉ những người cư trú trên núi và những người chạy lên núi cao mới có thể sống sót…”

Trong sách cổ của Mexico là Sách tranh Chīmalpopōca ghi lại: “Trời đến gần mặt đất, trong vòng một ngày, tất cả con người đều chết sạch…Núi non chìm trong hồng thủy…”

Những ghi chép tương tự như vậy có nhiều vô số, trong 254 dân tộc chủ yếu trên thế giới và 84 khu vực ngôn ngữ hầu như đều phát hiện các ghi chép về đại hồng thủy, hơn nữa các cảnh tượng được ghi chép lại đều giống nhau một cách đáng kinh ngạc. Những điều này nói rõ rằng, đại hồng thủy đã từng là ký ức chung không thể xóa nhòa của tổ tiên loài người, và chúng đã nhiều lần hủy diệt nền văn minh nhân loại.

Nền văn hóa Maya đã biến mất kia, đã từng gây chấn động thế giới hiện đại với đỉnh cao phát triển về thiên văn học, toán học và cách ghi lịch của nó, đã để lại cho con người hiện đại những bí ẩn khó giải đáp. Trong cách ghi lịch của người Maya đã ghi lại bốn “kỷ Mặt trời” mà nhân loại đã trải qua, mỗi khi một kỷ Mặt trời kết thúc, nền văn minh của loài người đều sẽ bị hủy diệt trong đại thảm họa, và sau đó sẽ bắt đầu kỷ Mặt trời tiếp theo.

Châu Phi có nước Cộng hòa Gabon nhiều quặng uranium, vì đất nước này tương đối lạc hậu, tự mình không thể tinh luyện nên họ xuất khẩu quặng sang Pháp. Vào tháng 5 năm 1972, một nhà máy chế biến nhiên liệu hạt nhân ở Pháp đã nhập khẩu quặng uranium này, sau khi kiểm tra trong phòng thí nghiệm, phát hiện hàm lượng uranium 235 trong quặng thấp hơn đáng kể so với hàm lượng tự nhiên, nghi ngờ rằng nó đã được tinh chế nên đã phái một đoàn khoa học đi thực địa khảo sát. Sau khi khảo sát, người ta phát hiện ra rằng những mỏ quặng uranium này là những lò phản ứng hạt nhân tự nhiên khổng lồ, được hình thành cách đây 2 tỷ năm, tổng cộng có 16 lò, bố cục hết sức hợp lý. Nó có thể tự điều chỉnh, tạo ra năng lượng một cách an toàn và ổn định trong 50 vạn năm, cuối cùng cũng không phát sinh vụ nổ tự hủy diệt nào. Một kỹ thuật như vậy là điều con người hiện đại không thể nào sáng tạo ra được.

Hơn nữa, lò phản ứng hạt nhân tự nhiên này đã cung cấp cho các nhà khoa học hiện đại những ý tưởng mới về xử lý chất thải hạt nhân và nghiên cứu vật lý cơ bản. Kể từ khi việc phát điện hạt nhân hiện đại ra đời đến nay, ô nhiễm và an toàn hạt nhân luôn là những vấn đề nan giải đối với nhân loại. Tuy nhiên, các lò phản ứng hạt nhân tự nhiên cách đây 2 tỷ năm đã giải quyết hoàn hảo những vấn đề này, hầu như không để lại hiểm họa nào. Chúng sử dụng khoáng chất nhôm, khoáng nhôm phosphat để thu giữ và lưu trữ chất thải trong hàng tỷ năm. Về kỹ thuật này, các nhà khoa học hiện đại cho đến nay vẫn chưa thể nghiên cứu rõ ràng. Hai tỷ năm trước, ai đã tạo ra những lò phản ứng hạt nhân tiên tiến có bố cục hoàn mỹ như thế này? Chẳng lẽ vào thời cổ đại, con người đã nắm giữ được kỹ thuật năng lượng hạt nhân tiên tiến hay sao?

Sử thi nổi tiếng của Ấn Độ cổ đại là Mahabarata kể về cuộc chiến giữa các bộ tộc Kaurava và Pandava để tranh đoạt vương vị. Cùng với Ramayana, chúng được gọi là 2 sử thi lớn của Ấn Độ và được viết vào năm 1500 trước Công nguyên. Người ta nói rằng các sự kiện lịch sử được ghi chép trong cuốn sách đã xảy ra trước đó ít nhất 2.000 năm trước khi được chi chép thành sách, có nghĩa là các sự kiện trong cuốn sách đã diễn ra cách chúng ta ít nhất 5.000 năm.

Cuốn sách này ghi lại 2 cuộc chiến tranh khốc liệt giữa người Kaurava với người Pandava và giữa người Vrishni với người Andhaka thuộc thượng nguồn sông Hằng Ấn Độ. Điều khó hiểu và gây ngạc nhiên là, theo mô tả về 2 cuộc chiến này thì chúng là chiến tranh hạt nhân.

Trong sách, cuộc chiến thứ nhất được mô tả như thế này: “Adwattan anh dũng, ngồi vững chắc trên chiếc Vimana (giống như máy bay), hạ cánh xuống nước, bắn ra ‘Agneya’ (một loại vũ khí giống như tên lửa), từ trên đầu quân địch bắn ra những mũi tên rực lửa dày đặc, giống như một cơn mưa xối xả, bao quanh kẻ thù, uy lực vô tận. Trong khoảnh khắc, phía trên Pandava nhanh chóng hình thành một bóng đen dày đặc, bầu trời trở nên tối tăm. Trong bóng tối, tất cả la bàn đều mất tác dụng, sau đó cuồng phong mãnh liệt bắt đầu nổi lên, gào thét, mang theo tro bụi, đất cát, chim chóc kêu điên cuồng….dường như trời long đất lở… mặt trời giống như chập chờn trên không trung, loại vũ khí này tỏa ra sức nóng khủng khiếp, làm đất rung núi chuyển, trong một vùng rộng lớn, động vật bị thiêu rụi và biến dạng, nước sông sôi trào, tất cả tôm cá bị chết bỏng. Lúc tên lửa phát nổ như sấm rền, thiêu rụi binh lính quân địch như thân cây cháy đen”.

Mô tả về cuộc chiến thứ hai còn rùng rợn hơn: “Gurkha cưỡi một con Vimana (máy bay) phóng một quả tên lửa vào ba thành phố của kẻ địch. Tên lửa này dường như có sức mạnh của toàn vũ trụ, sáng như vạn mặt trời, tạo ra cột khói lửa cuồn cuộn lên trời, hùng vĩ vô cùng… Thi thể bị thiêu rụi đến không thể nhận ra, lông tóc và móng tay tróc ra, gốm sứ vỡ tung, chim chóc đang bay lượn bị nhiệt độ cao thiêu đốt. Để thoát chết, binh lính đã nhảy xuống sông rửa sạch bản thân và vũ khí”.

Những mô tả về hai cuộc chiến tranh hạt nhân thời tiền sử này khiến người hiện đại không khỏi kinh ngạc và hoài nghi. Mang theo những nghi vấn này, các nhà khảo cổ học hiện nay đã phát hiện ra nhiều tàn tích cháy xém ở thượng nguồn sông Hằng nơi diễn ra các cuộc chiến nói trên. Khi gắn những khối nham thạch lớn trong tàn tích này lại với nhau, người ta thấy rằng chúng đã bị nóng chảy bởi nhiệt độ cao. Chúng ta biết rằng, để nham thạch nóng chảy thì nhiệt độ thấp nhất cũng phải tới 1800 độ C, những đám cháy thông thường hoàn toàn không thể đạt đến nhiệt độ này, chỉ có những vụ nổ hạt nhân như bom nguyên tử mới có thể đạt đến nhiệt độ cao như vậy!

Ngoài ra, trong khu rừng nguyên sinh Deccan, người ta còn tìm thấy nhiều tàn tích cháy xém. Các bức tường thành phế tích đã bị thủy tinh hóa, bề mặt sáng bóng trơn trượt như pha lê, bề mặt của đồ nội thất bằng đá trong công trình kiến trúc cũng bị thủy tinh hóa, đó là kết quả hình thành khi nham thạch nóng chảy ở nhiệt độ cao bị làm nguội đột ngột. Ngoài Ấn Độ, những tàn tích thủy tinh hóa tương tự cũng đã được tìm thấy ở Babylon, sa mạc Sahara, sa mạc Gobi của Mông Cổ và những nơi khác. “Đá thủy tinh” trong khu di tích giống hệt như “đá thủy tinh” ở bãi thử hạt nhân ngày nay. Ngoại trừ lý do thời tiền sử đã diễn ra các cuộc chiến tranh hạt nhân, thì hiện tại không có lý do nào hợp lý hơn để giải thích những hiện tượng này, không thể loại trừ giả thiết rằng một số nền văn minh nhân loại tiền sử đã bị phá hủy bởi chiến tranh hạt nhân.

Ngoài ra, nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato trong tác phẩm Đối thoại đã viết rằng, nền văn minh tiền sử Atlantis trong truyền thuyết đã chìm xuống đáy biển cách đây hơn 1 vạn năm, và còn có nhiều ghi chép tương tự về việc này. Các nhà khảo cổ học hiện đại không ngừng phát hiện ra bằng chứng về sự tồn tại và hủy diệt của các nền văn minh thời tiền sử, những điều này đều đang không ngừng tác động đến tư tưởng và quan niệm của con người hiện đại.

Năm 1968, William J. Meister, một chuyên gia hóa thạch nghiệp dư người Mỹ, đã phát hiện một mảnh hóa thạch ở Antelope Springs gần Utah. Trên mặt tấm hóa thạch người ta đã tìm thấy một dấu chân hoàn chỉnh của con người, dấu chân này đang giẫm lên một con bọ ba thùy. Dấu giày này dài khoảng 26 cm, rộng 8,9 cm, phần gót giày lõm vào 1,5 cm, giống hệt với đôi giày mà con người hiện đại đi. Các chuyên gia đã xác định đây thực sự là dấu giày của con người. Nhưng dấu chân này đã được giẫm lên từ hơn 200 triệu năm trước, vào thời cổ đại xa xưa làm sao có thể có con người đi giày như vậy?

Vào năm 1851, trong một vụ nổ nham thạch ở Massachusetts, Hoa Kỳ, từ các thành đá ngầm đã nổ bắn ra một chiếc bình kim loại làm bằng hợp kim bạc kẽm, chiếc bình được làm rất đẹp và ước tính nó có niên đại khoảng 10 vạn năm tuổi.

Vào năm 1912, các công nhân tại một nhà máy điện tử ở Oklahoma, Mỹ, đã phát hiện trong mỏ than đá cách đây 300 triệu năm có một chiếc nồi sắt.

Trong những năm 1970 và 1980, người ta tìm thấy hàng trăm quả cầu kim loại có rãnh lõm (khối cầu Klerksdorp) trong lớp đất trên sườn núi Klerk ở Nam Phi. Những quả cầu kim loại này có đường kính khoảng 1 inch, còn có ba rãnh song song được khắc xung quanh quả cầu kim loại, vô cùng tinh xảo, rất nhiều chuyên gia sau khi giám định đã nhận định rằng chúng không thể được hình thành tự nhiên. Hiện có hai loại khối cầu Klerksdorp này được tìm thấy: một loại là kim loại đặc màu xanh lam với các đốm trắng; loại còn lại rỗng, chứa đầy chất màu trắng mềm. Những quả cầu kim loại này được giám định thuộc thời kỳ tiền kỷ Hàn Vũ (Cambri), cách ngày nay 2,8 tỷ năm.

Vào năm 1865, một chiếc đinh ốc bằng sắt dài 2 inch đã được phát hiện trong một viên đá Felspat tại Mỏ Abbey ở Treasure, Nevada. Cái đinh ốc này đã bị oxy hóa từ lâu, nhưng từ dấu tích để lại trên đá có thể nhìn ra được hình dạng. Sau khi thử nghiệm, viên đá này đã có lịch sử 21 triệu năm.

Năm 1959, Hoa Kỳ đã thành công nhận được bức ảnh Trái đất được chụp từ ngoài không gian đầu tiên do một vệ tinh nhân tạo gửi về. Khi các nhà khoa học so sánh những bức ảnh vệ tinh này với một bản đồ cổ của Thổ Nhĩ Kỳ, họ phát hiện rằng nội dung vẽ trên bản đồ gần giống với những bức ảnh vệ tinh. Các dãy núi ở Nam Cực luôn bị bao phủ bởi băng tuyết, các nhà khoa học hiện đại mới chỉ khám phá ra vị trí địa lý hoàn chỉnh của nó vào năm 1952 với sự trợ giúp của máy đo tiếng vang, nhưng tấm bản đồ này đã khắc họa rõ ràng các dãy núi ở Nam Cực. Ngoài ra, các đường viền, vĩ độ và kinh độ của châu Mỹ và châu Phi cũng khá chính xác. Tuy nhiên, bản đồ cổ này được vẽ bởi một chỉ huy hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là Reis vào đầu thế kỷ 16 dựa trên nhiều bản đồ từ thời cổ đại.

Vào thế kỷ 18, nhà văn nổi tiếng lúc đó là Swift rất quan tâm đến các tài liệu cổ. Trong khi nghiên cứu một số tài liệu cổ, ông biết được rằng sao Hỏa có hai mặt trăng, và ông cũng đã công khai khám phá này. Hơn 150 năm sau, vào năm 1877, các nhà thiên văn học đã phát hiện hai vệ tinh xung quanh sao Hỏa, một cái tên là Phoebus và một cái tên là Deimos. Hơn nữa, quy luật và chu kỳ của hai vệ tinh mà các nhà thiên văn quan sát được rất gần với kết quả mà Swift thu được từ các tài liệu cổ.

Trong ngôi đền của Tháp Tưởng niệm ở New Delhi, Ấn Độ, có một cột sắt cao khoảng 7 m, đường kính 49 cm và nặng 6 tấn. Cột sắt này được đúc từ sắt rèn với độ tinh khiết 99,72%, ước tính có lịch sử ít nhất 4.000 năm, không hề có hiện tượng rỉ sét, cũng không bị ảnh hưởng gì bởi phốt pho, lưu huỳnh và gió mưa. Một kỹ thuật luyện sắt cao siêu như vậy là điều mà con người hiện đại chúng ta không thể đạt tới.

Những ví dụ giống như vậy nhiều vô số kể, không thể trích dẫn từng cái một. Chúng là những minh chứng xác thực sự tồn tại của nền văn minh tiền sử, sự luân hồi của văn minh nhân loại, và đây là sự thật không thể chối cãi.

Theo Kinh Phật, nhân loại có đại kiếp, trung kiếp và tiểu kiếp, đến một thời kỳ nhất định nhân loại sẽ phát sinh đại kiếp nạn, bị hủy diệt trên diện rộng. Từ những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết và những ghi chép cổ xưa về loài người hiện có, chúng ta có thể phát hiện ra một quy luật chung: Sau khi loài người được Thần sáng tạo ra, Thần đã luôn trông chừng loài người, truyền thụ cho nhân loại nền văn minh. Trong quá trình phát triển của con người, khi đạo đức không ngừng sa đọa, con người dần dần rời bỏ Thần, càng ngày càng không tin Thần, thì con người từ đó sẽ đoạn tuyệt mối liên hệ với Thần.

Con người đoạn tuyệt mối liên hệ với Thần, tương đương với cỏ cây không có rễ, mà cỏ cây không có rễ là có thể sống sót được sao? Cỏ cây không có rễ tức là cây cỏ đó đã chết, chỉ là cái chết còn có một quá trình, cuối cùng rồi sẽ bị hủy diệt trong kiếp nạn. Tư tưởng của con người hiện đại bị ô nhiễm và tràn ngập những tà thuyết như vô Thần luận, thuyết tiến hóa, và thậm chí cả văn hóa tà đảng độc ác…, họ đã đoạn tuyệt mối liên hệ của mình với các vị Thần. Hãy nhìn xem thiên tai nhân họa, đại ôn dịch không ngừng kéo đến, phải chăng lúc này chính là thời khắc nguy cấp nhất của nhân loại. Điều này đòi hỏi mỗi chúng ta cần phải nghiêm túc suy nghĩ…

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/258531

(còn tiếp)