Nhìn thế giới qua con mắt thứ ba – Giải mã thần thoại (Phần 5)

Tác giả: Lý Đạo Chân

[ChanhKien.org]

Phần 5. Truyền thuyết thần thoại

Thần thoại (神话), theo nghĩa đen là ghi chép lại lời nói hành động của Thần, thuật lại Thần ngôn và Thần tích.

Truyền thuyết (传说), là những câu chuyện lưu truyền từ đời này qua đời khác, từ xa xưa cho đến ngày nay.

Lịch sử của nhân loại chủ yếu được truyền lưu lại thông qua văn tự chép lại và sử ký, hiện nay chúng ta chủ yếu thông qua hình thức này để tìm hiểu lịch sử. Nhưng trước khi có chữ viết, lịch sử dài đằng đằng kia đã lưu truyền tới nay như thế nào?

Nó chủ yếu lưu truyền thông qua ký ức tập thể của con người, tức là dùng phương thức truyền miệng từ đời này sang đời khác và lưu truyền đến ngày nay, trở thành truyền thuyết và thần thoại hiện nay. Đây chính là một phương thức quan trọng khác của sử ký.

Loại phương thức truyền thừa cổ xưa này hiện tại vẫn được sử dụng, chẳng hạn như một số dân tộc trên thế giới đến nay vẫn còn lưu giữ một số kỹ năng hoặc những bí mật vô cùng thần bí. Những kỹ năng và bí mật này không thể công khai, không cho phép ghi chép ra để lưu lại, hoặc dân tộc đó cũng không có chữ viết, vậy phải làm như thế nào? Họ liền đem những bí mật này bảo tồn trong ký ức của người thừa kế được tuyển chọn, khi người thừa kế này già đi sẽ lại tuyển chọn người truyền thừa kế tiếp, họ thông qua phương thức khẩu truyền tâm thụ này để lưu truyền bí mật từ đời này sang đời khác. Cứ như thế trải qua mấy trăm năm, mấy ngàn năm, thậm chí là trong thời kỳ lịch sử dài lâu hơn nữa, vẫn không bị mất đi hay bị biến dạng.

Ở lục địa châu Phi cổ xưa, có rất nhiều bộ lạc nguyên thủy dùng phương thức này để lưu truyền lịch sử của dân tộc họ. Họ coi phương pháp truyền miệng này là một sứ mệnh vĩ đại và vô cùng thần thánh. Khi người nắm giữ lịch sử truyền miệng già đi, bộ lạc sẽ cử hành một nghi thức long trọng để chọn người kế tục. Người được chọn sẽ được huấn luyện đặc biệt trong thời gian dài, họ không chỉ phải thuộc lòng tất cả các thần thoại và truyền thuyết được truyền lại từ xa xưa của bộ lạc mình, mà còn phải có năng lực chắt lọc các sự kiện lớn, mới phát sinh trong bộ lạc để truyền thừa cho hậu thế.

Khi các vị tổ tiên thuần phác thiện lương dần dần già đi, tâm nguyện lớn nhất của họ trước lúc lâm chung là đem hành trình lịch sử trọng yếu nhất trong một đời mình, nguồn gốc dân tộc, sự kiện lịch sử trọng đại nhất nói cho con cháu đời sau, để lớp con cháu vĩnh viễn ghi nhớ nguồn gốc bản thân, để những điều ấy được lưu truyền không bị đứt đoạn. Rất nhiều sự kiện lịch sử thời kỳ thái cổ (rất xa xưa về trước) đã được truyền thừa qua nhiều đời theo cách đó, trải qua năm tháng dài đằng đẵng lưu truyền, những sự kiện ấy đã trở thành truyền thuyết, thần thoại mà thế hệ cha ông đời trước không ngừng kể lại cho các thế hệ sau thủa ấu thơ.

Tại Tây Tạng có bí ẩn “Dêrma” (tàng phục, kho tàng ẩn) thần bí khó lường, nổi tiếng thế giới. Điều thần bí nhất trong “Dêrma” là “Tàng thức” (còn gọi là Alaya-vijnana, hay A-lại-da Thức), là chỉ các Dêrma bị chôn giấu trong sâu thẳm ý thức của con người. Người ta nói rằng khi loại kinh điển hay chú văn nào đó vì gặp thảm họa mà không thể được truyền lại, thì nó sẽ được Thần linh chôn giấu vào sâu thẳm ý thức của con người để tránh bị thất truyền. Khi có điều kiện tái truyền, dưới sự khải thị của lực lượng thần bí nào đó, những người được truyền thụ (phần lớn là nông dân chăn gia súc không biết chữ) có thể đọc ra hoặc ghi chép lại thành văn bản.

Ví dụ “Bản hùng ca của vua Gesar” là một trường thiên sử thi nổi tiếng ở Tây Tạng, có tổng cộng hơn một trăm bộ lưu truyền đến ngày nay, và đó là một tác phẩm dài mấy triệu chữ. Người bình thường muốn học thuộc toàn bộ nó dường như là không thể, huống chi là những người nông dân chăn gia súc không biết chữ. “Bản hùng ca của vua Gesar” được lưu truyền chủ yếu dưới hình thức hát nói từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Tây Tạng. Những nghệ nhân này hầu hết là những người nông dân chăn gia súc hoặc trẻ em mù chữ, họ được gọi là “nghệ nhân hát nói Thần thụ”. Họ đều đột nhiên có khả năng hát nói “Bản hùng ca của vua Gesar” mấy triệu chữ sau khi bị bệnh nặng hoặc tỉnh dậy sau một đêm, họ nói rằng trong mộng nhận được ý chỉ của Thần hoặc Vua Gesar, có thể mở ra “Tàng thức”, rồi từ đó có thể hát nói. Bộ sử thi nổi tiếng này đã được lưu truyền ở Tây Tạng thông qua phương thức huyền diệu này.

Một số sự kiện lịch sử viễn cổ, sau khi bị thất lạc trong các lần kiếp nạn của nhân loại, thông qua một số cách thức đặc thù nào đó, lại được lưu truyền, cũng trở thành truyền thuyết thần thoại ngày nay. Truyền thuyết thần thoại của các dân tộc thế giới được lưu truyền từ xưa đến nay, có thể chính là tư liệu lịch sử viễn cổ trân quý nhất được bảo tồn trong ký ức tập thể nhân loại, chứ không phải là huyễn tưởng của người xưa.

Kiệt tác văn học nổi tiếng nhất của Hy Lạp cổ đại là “Sử thi Homer”, đó là một truyền thuyết thần thoại mô tả Chiến tranh thành Troy. Ban đầu, giới học thuật phương Tây cho rằng đây chỉ là một câu chuyện thần thoại vô căn cứ do người xưa tưởng tượng ra, cho rằng chiến tranh thành Troy không tồn tại, những quốc gia cổ đại như Troy, Mycenae v.v… được mô tả trong “Sử thi Homer” cũng chỉ là những quốc gia thần thoại do người xưa hư cấu. Về sau, nhà khảo cổ học người Đức Heinrich Schliemann đã dựa theo manh mối được miêu tả trong “Sử thi Homer” khai quật được di chỉ của những quốc gia cổ đại như Troy, Mycenae v.v., điều này đã gây chấn động thế giới. Lúc đó, mọi người mới biết rằng những điều được miêu tả trong “Sử thi Homer” không chỉ là truyền thuyết thần thoại, mà là lịch sử chân thực.

Trải qua năm tháng dài lâu, lịch sử đã bị thời gian che mờ và bị con người coi là thần thoại. Nhưng thần thoại là lịch sử chân thực, chỉ là đã bị tháng năm dài đằng đẵng phủ lên một bức màn thần bí. Chúng ta cần giải khai mật mã của thần thoại, từ trong thần thoại tìm ra chân tướng về sự tồn tại của nhân loại và thế giới loài người, bởi vì đó chính là ngọn nguồn của lịch sử nhân loại.

Trong văn hóa Trung Hoa có rất nhiều điều bí ẩn không thể giải khai được, ví như Hà Đồ, Lạc Thư, Thái Cực, Bát Quái, Chu Dịch, Trung y, phong thuỷ, tinh tượng, v.v., tất cả những điều này đều được lưu truyền từ thời viễn cổ, con ngươi đến nay đều lý giải không được. Còn có rất nhiều truyền thuyết thần thoại, như Bàn Cổ khai thiên, Nữ Oa tạo ra con người, Phục Hi vẽ quẻ, Thương Hiệt tạo chữ, Nữ Oa vá trời, Hậu Nghệ bắn mặt trời, Đại Vũ trị thủy v.v., cũng là những câu chuyện mà con người hiện đại lý giải không được, lại cho rằng là hoang đường nực cười.

Thần là sinh mệnh của không gian cao tầng, nếu như coi trí tuệ của Thần ở trình độ giáo sư đại học, thì trí tuệ của con người có lẽ chỉ tựa như trình độ của trẻ mẫu giáo. Nếu như đem chương trình đại học mà giảng giải cho một nhóm trẻ mẫu giáo, chắc chắn là những đứa trẻ này nghe sẽ không hiểu, cũng không tiếp thụ được. Chỉ có thể chuyển đổi thành ngôn ngữ đơn giản và đạo lý mà trẻ em có thể lý giải mà giảng. Cũng vì thế mà nhiều thần thoại nguyên bản vốn vô cùng cao thâm, vượt xa trí tuệ của con người, đã dần dần bị thế tục hóa và nông cạn hóa trong quá trình lưu truyền, bị con người không ngừng tân trang và kể lại theo phương thức cấp thấp mà con người có thể hiểu và tiếp thụ được, khiến cho một số thần thoại trong quá trình lưu truyền biến thành hoang đường.

Chúng ta vào thời khắc đặc thù này, hãy nhảy ra khỏi hạn chế của chiều tư duy con người, cùng nhau vén bức màn che phủ bề mặt của thần thoại, hé lộ “khuôn mặt thật diễm lệ đến kinh ngạc” của Thần thoại và Truyền thuyết.

(còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/258531