Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 26)

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Ngày nay, do ảnh hưởng của văn học và phim ảnh cổ trang, người ta coi tư tưởng bảo sao nghe vậy, phục tùng mệnh lệnh là “trung”, mà không phân biệt thiện ác đúng sai, đây là hậu quả của việc không đọc sử sách và bài trừ giáo dục truyền thống. Có câu “trung ngôn nghịch nhĩ” (lời nói ngay thẳng thường khó nghe), xem ra thì quân vương phải có chỗ sai mới không dám nghe những lời trung ngôn nghịch nhĩ, những trung thần chỉ biết nói những lời dễ lọt tai thì sao có thể coi là trung thần chân chính được? Nhưng vì sao lời trung ngôn lại khó lọt tai? Để hiểu được rõ ràng khúc chiết nội hàm của chữ “trung” này, chúng ta cùng xem câu chuyện về vị hoàng hậu hiền đức đệ nhất triều Đường là hoàng hậu Trưởng Tôn nhân dịp gả công chúa luận bàn về trung thần.

Hoàng hậu: Dùng đạo nghĩa để khắc chế tình cảm cá nhân của đế vương mới là trung

Câu chuyện này được ghi chép trong chương “Luận công bình” của Trinh Quán Chính Yếu. Câu chuyện kể về việc con gái của vua Đường Thái Tông và hoàng hậu Trưởng Tôn là công chúa Trường Lạc sắp xuất giá, vua Thái Tông cho chuẩn bị quá nhiều của hồi môn nhưng lại được Ngụy Trưng khuyên can, hoàng hậu đã nêu ý kiến về việc này. Sự việc này được ghi chép rất đầy đủ trong sách, trước tiên chúng ta xem đoạn ghi chép này:

Công chúa Trường Lạc là con của vua Đường Thái Tông và hoàng hậu Văn Đức (tức hoàng hậu Trưởng Tôn, sau khi mất, thụy là hoàng hậu Văn Đức, biểu thị rõ đức hạnh của bà). Năm Trinh Quán thứ sáu công chúa xuất giá, vua ra lệnh chuẩn bị của hồi môn gấp đôi công chúa cả, tức là công chúa Vĩnh Gia, con của vua Đường Cao Tổ và là em gái của vua Thái Tông cũng xuất giá năm đó.

Ngụy Trưng dâng tấu lên khuyên can rằng: “Trước đây, Hán Minh đế thời Đông Hán chuẩn bị phong thưởng cho con trai đã nói: ‘Con của ta sao có thể được phong thưởng giống như con trai của tiên đế được? Hãy chiểu theo một nửa mức phong thưởng cho các con của tiên đế là Sở vương, Hoài Dương vương’. Sử sách thời trước coi chuyện này là giai thoại. Em gái của thiên tử là công chúa cả, con gái của thiên tử là công chúa; đã thêm chữ “cả” thì phải cao quý hơn địa vị của công chúa, tình cảm tuy khác nhau, nhưng về đạo lý thì không thể khác biệt. Nếu để lễ vật của công chúa nhiều hơn công chúa cả thì về lễ nghi e rằng không nên. Mong bệ hạ suy xét chuyện này”.

Vua Thái Tông khen ông nói đúng, nên sau khi bãi triều nói cho hoàng hậu biết lời của Ngụy Trưng. Hoàng hậu cảm thán nói: “Từ lâu đã nghe hoàng thượng xem trọng Ngụy Trưng, nhưng không hiểu tại sao, nay nghe lời khuyên can của ông ấy, lại có thể dùng lễ nghĩa để khắc chế tình cảm cá nhân của quân vương, có thể nói xứng đáng là bề tôi rường cột của nước nhà! Thiếp và bệ hạ kết tóc phu thê, được bệ hạ dùng lễ tương kính, tình nghĩa sâu nặng. Nhưng mỗi khi thiếp muốn can gián cũng phải đợi bệ hạ vui vẻ, thế mà còn không dám tùy tiện mạo phạm uy nghiêm, huống hồ là bề tôi, tình cảm xa cách, lễ nghĩa cách biệt? Vì thế Hàn Phi nói du thuyết là việc khó, Đông Phương Sóc nói du thuyết không dễ dàng, quả thực là như vậy. Lời ngay thẳng thường khó nghe nhưng có lợi cho hành sự, rất cần thiết cho người trị nước; tiếp thu lời trung thì nước nhà thái bình, từ chối lời trung thì chính cục rối ren. Thật lòng mong muốn bệ hạ hiểu được điều này, ấy là may mắn của thiên hạ”. Thế rồi phái sứ giả cung đình gửi 500 vuông lụa đến nhà Ngụy Trưng ban thưởng.

Xem xong câu chuyện trên, chúng ta hẳn đã có một khái niệm về nội hàm của chữ trung, có thể nhận thức rõ ràng khúc chiết về nó. Vua Đường Thái Tông thân là đế vương, không thể mọi việc đều suy xét được chu toàn, anh minh, cũng có lúc ông có sai sót, vì thế, cần có thần tử cảnh tỉnh trợ giúp, bù đắp chỗ thiếu sót. Ở đây vua Thái Tông đã phạm sai sót, vì công chúa Trường Lạc là con của ông với vị hoàng hậu mà ông kính trọng, vì tình cảm cá nhân và sự ưu ái với thê tử, nên tất sẽ thể hiện tình cảm đó với con gái, ông vô cùng yêu thương công chúa, nên đã bất giác hành động theo tình cảm mà quên mất đạo lý, đó là đế vương không thể hành động theo cảm tính. Thế nên ông đã cho công chúa của hồi môn gấp đôi công chúa cả, đã phạm phải đạo hiếu với bậc trưởng bối, không phù hợp với đạo lý về thứ tự trưởng thứ. Hoàng hậu Trưởng Tôn không những không tức giận, bà không những không trách tội Ngụy Trưng đối đãi với con gái mình như thế, đã không nể mặt mình, mà ngược lại bà còn tán thưởng ông là trung thần rường cột của xã tắc, giải thích hàm nghĩa của trung thần một cách rõ ràng rằng đó là người “có thể dùng đạo nghĩa để khắc chế tình cảm cá nhân của đế vương”.

Vậy nghĩa là, trung ngôn (lời nói ngay thẳng) sở dĩ nghịch nhĩ (khó lọt tai) là vì nó phù hợp với đạo nghĩa. Nghịch ở đây tất nhiên là nói nó không phù hợp với những lời nói chỉ nhằm để thỏa mãn sự cao hứng cá nhân, thỏa mãn tình cảm cá nhân của đế vương, như vậy tất nhiên sẽ khiến đế vương không hài lòng. Vì thế, đạo nghĩa là khuôn thước của trung thần, người phục tùng mệnh lệnh mà không xét đến đạo nghĩa thì tuyệt đối không phải trung thần.

“Trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành” bắt nguồn từ Khổng Tử

Trong câu chuyện trên, hoàng hậu còn nói một câu “lời nói thẳng thắn thường khó nghe nhưng có lợi cho hành sự”, câu nói này thực ra là lời dạy của Khổng Tử.

Khổng Tử muốn nói điều gì? Ông nói: “Thuốc tốt đắng miệng lợi cho bệnh, lời trung thường khó nghe nhưng có lợi cho hành sự, vua Thương Thang và vua Chu Vũ Vương nhờ năng nghe những lời can gián bộc trực mà cai trị quốc gia thịnh vượng. Vua Hạ Kiệt và Thương Trụ vì chỉ nghe những lời hùa theo dễ nghe, nghe lời của những kẻ chỉ biết tuân theo mà dẫn đến họa nước mất nhà tan. Bậc quốc quân không có bậc đại thần bộc trực can gián, kẻ làm cha mà không có con bộc trực can gián, huynh trưởng mà không có em bộc trực khuyên can, kẻ sĩ mà không có bạn bè bộc trực khuyên can, mà muốn không phạm sai lầm thì là chuyện khó có. Vậy mới nói: “Quốc quân có sai lầm, có thần tử đi bù đắp; cha có sai lầm, có con đi bù đắp; anh có sai lầm, có em đi bù đắp; mình có sai lầm, có bạn bè bù đắp”. Nếu làm được thế, quốc gia sẽ không có họa diệt vong, nhà không có chuyện xấu phản nghịch, giữa cha con, anh em sẽ không có bất hòa, bạn bè cũng không có xa cách” (Khổng Tử gia huấn – Quyển sáu).

Có thể thấy, chữ ‘trung’ mà Khổng Tử giảng đã bao quát từ quân vương, thần tử, cha con, anh em và bạn bè, thực ra cũng đã bao quát đến cả vợ chồng, tất cả các mối quan hệ nhân luân đều cần sự bù đắp can gián của lời trung ngôn, có như vậy mới có thể khiến quốc gia và gia đình được yên ổn, thái bình. Vậy điều này có quan hệ thế nào với tà lý “thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết” của không ít hôn quân bạo chúa? Chính vì chúng ta không đọc những kinh điển của giáo dục truyền thống lưu lại nên mới bị che mắt, không nhìn thấy chân tướng, vì thế mà bôi nhọ đạo lý lấy trung hiếu làm gốc của tổ tiên.

Văn hóa truyền thống được lưu truyền trong dân gian bắt nguồn từ Khổng Tử, nhưng rất nhiều người trước nay có lẽ chưa từng nghĩ xem rốt cuộc Khổng Tử cả cuộc đời đã dạy điều gì? Nói một cách thông thường, chính là dạy con người làm thế nào trở thành người tốt. Theo khái niệm thời cổ đại, chính là dạy con người hai chữ “nhân – nghĩa”. Từ đó, người ta lại phát triển thêm “lễ – trí – tín”, trở thành ‘ngũ thường’. Đó là yêu cầu đạo đức đối với một con người. Cũng có nghĩa là, giáo dục truyền thống đặt trọng tâm vào giáo dục đạo đức. Nhân (仁, nghĩa là nhân ái; lòng nhân từ), chủ yếu chỉ những việc làm thiện, tấm lòng nhân ái đối với người khác; Nghĩa (義) đầu tiên là yêu cầu bản thân phải hành động ngay chính, phù hợp với đạo lý làm người. Đế vương phải có công đạo mới phù hợp với đạo nghĩa của đế vương. Vì thế đại thần Ngụy Trưng mới cảnh tỉnh vua Thái Tông rằng, thân là bậc đế vương thì nhất định phải hành sự theo lẽ công đạo, phù hợp với nghĩa, mới có thể khiến cho người trong thiên hạ tín phục, không sinh oán thán. Nếu của hồi môn của con gái vua mà nhiều hơn chị em của vua, như vậy là sự bất kính với chị em của vua và cũng là việc làm bất công bình của vua Thái Tông. Vì thế mà câu chuyện hoàng hậu luận bàn về trung thần mới được chép vào chương “Luận công bình” của Trinh Quán Chính Yếu, mục đích là để dạy dỗ các đế vương đời sau, rằng ở đâu làm gì đều cần phải nhớ kỹ phải hành sự theo công đạo, vậy mới có thể duy trì công chính hợp lý, thiên hạ thái bình.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/250207