Câu chuyện lịch sử: Dự ngôn của Quan Vũ về Lý Nhược Thủy và biến cố Tĩnh Khang

Tác giả: Đức Huệ

[ChanhKien.org]

Quan Vũ là người thời Tam quốc, còn Lý Nhược Thủy vốn tên là “Nhược Băng”, tự “Thanh Khanh”, làm quan to cuối thời Bắc Tống, chết trong biến cố Tĩnh Khang. Hai người không cùng một thời đại thì làm sao có thể gặp nhau, tuy nhiên vào đầu thời Nam Tống, cuốn sách cổ Khuê Xa Chí lại ghi chép rằng Quan Vũ đã từng có dự ngôn về biến cố Tĩnh Khang cho Lý Nhược Thủy.

Theo ghi chép của sách này, vào năm Tuyên Hòa của triều đại Bắc Tống, Lý Nhược Thủy từng đảm nhiệm chức huyện úy Nguyên Thành, Nguyên Thành lúc đó thuộc phủ Đại Danh, nằm ở huyện Đại Danh tỉnh Hà Bắc ngày nay. “Huyện úy” là chức quan phụ trách trị an, tương tự như cảnh sát trưởng một quận ngày nay. Một ngày nọ, có một thôn dân đến gặp Lý Nhược Thủy và nói rằng: Quan Đại Vương có một cuốn sách gửi cho đại nhân. “Quan Đại Vương” chính là chỉ Quan Vũ hay còn gọi là Quan Công. Dân gian cho rằng sau khi qua đời Quan Vũ đã trở thành một vị thần, thời Bắc Tống sớm đã thờ Quan Công, tỷ như Tống Huy Tông đã phong cho Quan Công là “Chiêu Liệt Vũ An Vương” và “Nghĩa Dũng Vũ An Vương”. Lý Nhược Thủy nghe không hiểu liền mở ra xem, đoạn đầu sách viết: “Sách gửi đến Nguyên Thành huyện úy Lý Thượng Thư, Hán tiền tướng quân Quan Vân Trường ký tên”. Lý Nhược Thủy thấy trong sách mình được gọi là “huyện úy Lý Thượng Thư”, lẽ nào tiên đoán rằng một huyện úy như ông trong tương lai có thể làm tới chức Thượng thư, vì vậy ông ta vội hỏi thôn dân xem đây là chuyện gì.

Thôn dân nói: Một đêm nọ, tôi nằm mơ thấy vị tướng quân mặc kim giáp nói với tôi rằng: mấy ngày tới ngươi dành thời gian đến huyện lỵ, đến đó sẽ gặp được một vị thiết quan đạo sĩ, ngươi nói là tới nhận sách của Quan Đại Vương, ông ấy sẽ đưa sách cho ngươi, ngươi hãy đưa cuốn sách đó cho Lý Nhược Thủy. Khi tỉnh dậy, thôn dân cảm thấy rất thần kỳ liền làm theo lời của tướng quân kim giáp trong giấc mơ, quả thực đã gặp được vị thiết quan đạo sĩ và nhận được cuốn sách của Quan Đại Vương, thế là liền mạnh dạn đến cầu kiến Lý huyện úy. Lý Nhược Thủy nghe xong liền mở ra đọc kỹ, càng xem càng kinh hãi, trong sách viết về biến cố bi thảm Tĩnh Khang mà sau này triều đại Bắc Tống sẽ gặp phải. Vì nội dung quá kỳ lạ và liên quan đến những người đương quyền trong triều nên ông ta không dám để lại mà đuổi thôn dân đi rồi đốt sách. Sau đó, ông viết một bài thơ để ghi lại: “Kim Giáp tướng quân truyền hảo mộng, Thiết quan đạo sĩ ký tân thư. Ngã dữ Vân Trường cách dị đại, Phiên nghi thử sự đại hoang hư” (dịch nghĩa: Kim giáp tướng quân truyền mộng đẹp, Thiết quan đạo sĩ gửi sách mới. Ta cùng Vân Trường cách biệt nhau thế hệ, nghi ngờ chuyện này chỉ là hư vô).

Sau đó, Lý Nhược Thủy quả thật ngày càng được thăng tiến, đến năm Tĩnh Khang thứ nhất, ông được hoàng đế trọng dụng, làm tới chức Lại Bộ Thị Lang. Triều đình thời xưa có 6 bộ chủ yếu như Lại bộ, Hộ bộ, Binh bộ…, chức quan cao nhất của mỗi bộ là “Thượng thư”, tương đương với bộ trưởng thời nay; chức quan cao thứ nhì ở mỗi bộ là “Thị lang”, tương đương với chức Thứ trưởng thời nay, như vậy chức quan của ông chỉ cách chức Thượng thư mà Quan Vũ tiên đoán một bậc. Vào năm Tĩnh Khang thứ hai, quân Kim bao vây Khai Phong, kinh đô của triều đại Bắc Tống. Quân Kim ép buộc Hoàng đế của triều đại Bắc Tống đến trại quân Kim để đàm phán. Hoàng đế vốn dĩ không muốn đi, nhưng Lý Nhược Thủy đã thuyết phục Hoàng đế không cần lo lắng nhiều, và tự mình làm tùy tùng cũng cùng đi theo. Kết quả là hoàng đế bị giam giữ ngay khi đến trại quân Kim, Lý Nhược Thủy tuyệt thực và mắng nhiếc quân Kim bội bạc nên bị chúng đánh đập, cắt lưỡi và chặt cổ mà chết. Sau khi Hoàng đế Cao Tông lên ngôi vào triều đại Nam Tống, ông đã phong cho Lý Nhược Thủy thụy hiệu là “Trung Mẫn”. Con trai của Lý Nhược Thủy là Lý Tuấn Thuần, đã khắc câu chuyện Thần linh cảnh báo cha mình về biến cố Tĩnh Khang lên bia đá để lưu truyền hậu thế.

Quách Thoán, tự “Bá Tượng”, tác giả cuốn Khuê Xa Chí, đỗ tiến sỹ và ra làm quan thời bấy giờ, đã ghi lại tất cả những điều kỳ lạ mà ông đã mắt thấy tai nghe tại thời điểm đó nên độ tin cậy được bảo đảm. Tại sao Lý Nhược Thủy không làm đến chức Thượng thư? Chẳng lẽ năm đó Quan Công đã tiên đoán không chính xác? Kỳ thực, hãy phân tích một chút, năm đó Quan Công thông qua thiết quan đạo sĩ cùng thôn dân đã có dự ngôn về biến cố Tĩnh Khang, đáng tiếc Lý Nhược Thủy không những chỉ đem Dự Ngôn thư đốt đi, mà còn làm thơ nói rằng “Phiên nghi thử sự đại hoang hư” (nghi ngờ chuyện này chỉ là hư vô), rõ ràng là thái độ không tin. Hành vi của ông ta trong sự kiện Tĩnh Khang cũng xác nhận ông không tin vào lời tiên tri: Ông ta không những không rời khỏi Khai Phong đang bị bao vây, mà còn tin tưởng vào lời hứa hẹn của quân Kim mà xúi giục hoàng đế cùng đi đến bản doanh của quân Kim, dẫn đến việc hoàng đế bị giam giữ còn mình thì chết thảm. Nếu năm đó ông tin vào dự ngôn, rời đi đúng lúc hoặc thuyết phục hoàng đế không tin tưởng quân Kim, ông sẽ có thể sống sót sau biến cố Tĩnh Khang, như vậy tương lai có thể làm đến Thượng thư.

Tư liệu tham khảo: Khuê Xa Chí

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/269663