24 tiết khí (15): Tiểu hàn và Đại hàn

Tác giả: Sử Kha biên tập chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Tiểu hàn

Mỗi năm bắt đầu vào khoảng ngày 5 hoặc ngày 6 tháng 1 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 285° là tiết tiểu hàn. Tiểu hàn cũng giống với đại hàn, tiểu thử, đại thử và xử thử, đều là tiết khí biểu thị sự thay đổi nóng lạnh của thời tiết. Sách Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải viết: “Tiểu hàn là tiết tháng 12, đầu tháng lạnh ít, vì thế gọi là tiểu hàn, đến giữa tháng là lạnh nhiều”. Lúc này thời tiết bắt đầu lạnh. Qua tiết tiểu hàn” tức là vào ngày tam cửu “xuất môn băng thượng tẩu” (bước trên băng).

Dân gian có câu tục ngữ: “Tiểu hàn đại hàn, lạnh thành kem”. Tiểu hàn biểu thị quá trình lạnh, lý giải trên mặt chữ là đại hàn sẽ lạnh hơn tiểu hàn, nhưng theo dữ liệu thời tiết, nhiều địa phương tiểu hàn lại lạnh hơn đại hàn, có thể nói là tiết khí lạnh nhất trong 24 tiết khí trong năm.

Đại hàn

Đại hàn là tiết khí cuối cùng của mùa đông, cũng là tiết khí cuối cùng trong năm, mỗi năm bắt đầu vào khoảng ngày 20 hoặc ngày 21 tháng 1 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 300° là tiết đại hàn. Sách Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải viết: “Đại hàn là tiết trong tháng 12, tương tự như tiểu hàn”. Chương “Thụ thời thông khảo – thiên thì” trong sách Tam lễ nghĩa tông viết: “Đại hàn ở giữa, ở trên tiểu hàn, vì thế gọi là đại … khí lạnh đến cực điểm, vì thế mà gọi là đại hàn”. Lúc này rất nhiều nơi là thời kỳ lạnh nhất trong năm, gió lớn, nhiệt độ thấp, mặt đất phủ đầy tuyết, cảnh tượng giá lạnh trắng xóa trời đất, trời lạnh đất đóng băng.

Dựa theo phong tục Trung Quốc, đặc biệt là ở các vùng quê, mỗi khi đến “đại hàn” mọi người bắt đầu bận rộn tân trang nhà cửa, làm dưa muối, chuẩn bị đồ tết. Sách Chân châu trúc chi từ dẫn thời nhà Thanh ghi chép rằng: “Thịt muối gà, cá, vịt gọi là niên hào, được nấu lên để đón năm mới ……”, mọi người sau cái bận rộn của xuân hạ thu thì đến mùa nông nhàn của ba tháng mùa đông, đến tiết đại hàn báo hiệu lúc nông nhàn sắp kết thúc, khi chuẩn bị cá muối thịt khô, đã dần cảm nhận được cảnh sắc đất trời hồi xuân.

Thời gian này, trong thiên nhiên đang là khung cảnh giá lạnh tiêu điều. Nhưng dù là băng tuyết đầy trời, nhưng hoa mai hoa đào lại nở rộ, trắng như tuyết, hồng như lửa. Đại hàn là lúc lạnh nhất, nhưng hàn cực tất phản, cũng có nghĩa là, ngày xuân đã không còn xa. Năm cũ đã hết, mùa xuân sắp tới, cười đón một năm mới.

(Hết toàn văn)

Dịch từ:

http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/23.html

http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/24.html