24 tiết khí (14): Đại tuyết và Đông chí

Tác giả: Sử Kha biên tập chỉnh lý

[ChanhKien.org]

Đại tuyết

Mỗi năm bắt đầu vào khoảng ngày 7 tháng 12 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 255° là tiết đại tuyết. Sách Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải viết: “Tiết đại tuyết là tiết tháng 11, đại là cường thịnh, lúc này tuyết đã nhiều”. Từ lúc này thời tiết sẽ ngày một lạnh thêm, nhiệt độ giảm rõ rệt. Tuyết rơi sẽ từ ít đến nhiều, so với tiết tiểu tuyết thì số ngày tuyết rơi và lượng tuyết sẽ nhiều hơn nhiều, tuyết dần dần phủ đầy mặt đất.

Tuyết phủ kín mặt đất, trong việc canh tác có tác dụng giữ ấm mặt đất và giảm hạn hán. “Thụy tuyết triệu phong niên” (tuyết nhiều thì được mùa) là nói về đạo lý này.

Đông chí

Mỗi năm bắt đầu vào khoảng ngày 22 tháng 12 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 270° là tiết đông chí. Sách Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải viết: “Khí đông ẩn tàng, lúc này đã đến cực điểm”. “Đông chí” là tiết khí phản ánh sự biến chuyển của mùa. Ngày đông chí ở bắc bán cầu là ngày mà ban ngày ngắn nhất, ban đêm dài nhất, vĩ tuyến càng cao thì ngày càng ngắn mà đêm càng dài, đến Bắc cực thì cả ngày là đêm. Qua tiết đông chí, ánh mặt trời bắt đầu chiếu đến bắc bán cầu, cho nên ngày ở bắc bán cầu sẽ dần dần dài lên, mà đêm tối thì dần dần ngắn lại. Còn ở Nam bán cầu thì ngược lại.

Tục ngữ nói: “Không qua đông chí không lạnh”. Ngày đông chí, nhiệt độ vẫn không phải là thấp nhất, qua tiết đông chí một thời gian nhiệt độ sẽ tiếp tục giảm. Vì thế dân gian Trung Quốc gọi ngày sau tiết đông chí là “số cửu hàn thiên”, và soạn thành bài hát “Đông cửu cửu ca” để miêu tả sự thay đổi thời tiết sau ngày đông chí: “Nhất cửu nhị cửu bất xuất thủ; tam cửu tứ cửu băng thượng tẩu; ngũ cửu lục cửu, duyên hà khán liễu; thất cửu hà khai; bát cửu nhạn lai; cửu cửu gia nhất cửu, canh ngưu biến đích tẩu” (Cứ chín ngày được gọi là một cửu, bài ca trên được tạm dịch ra là: Cửu một, cửu hai tay không động, cửu ba, cửu bốn bước trên băng, cửu năm, cửu sáu đi dọc bờ sông ngắm liễu, cửu bảy băng tan, cửu tám nhạn về, cửu chín lại về cửu một, trâu ta lại ra đồng). Bài hát “Đông cửu cửu ca” coi ngày đông chí là ngày đầu tiên của số cửu, miêu tả sự thay đổi của hiện tượng thời tiết có tính chu kỳ 81 ngày, sau đó là từ lạnh đến lạnh nhất rồi dần dần chuyển về ấm. Từ Cửu cửu ca có thể thấy, tam cửu, tứ cửu là thời kỳ lạnh nhất, vì thế mà dân gian mới có câu “lạnh ở tam cửu” hoặc “tam cửu nghiêm hàn”.

Nguồn gốc của tiết đông chí

Thời cổ đại, mọi người rất xem trọng tiết đông chí. Đông chí đã được định ra từ hơn 2500 năm trước vào thời Xuân Thu, từ thời nhà Ân và nhà Chu đến nhà Tần đều lấy đông chí là mốc đầu năm. Đến nhà Hán thì xem đông chí là “tiết đông”, quan phủ phải cử hành nghi thức chúc mừng gọi là “đông chúc” và được nghỉ lễ. Sách Hậu Hán thư có ghi chép như sau: “Vào khoảng đông chí, quân tử an thân tịnh thể, các quan không làm việc, không nghe chính sự, …” Cho nên từ trên xuống dưới trong triều đình nghỉ ngơi, quân đội chờ lệnh, biên phòng đóng cửa, thương nhân ngừng buôn bán, bạn bè thân hữu tặng nhau đồ ăn ngon, thăm hỏi lẫn nhau, là ngày vui vẻ an thân tịnh thể. Từ sau triều Tống, đông chí là ngày cúng tế tổ tiên, mọi người trong ngày này thăm hỏi phụ mẫu và các bậc trưởng bối. Hoàng đế ra thành ngoại cử hành nghi lễ tế tự. Vì thế đông chí còn được gọi là “Á tuế”. Sách Thanh gia lục có cách nói “đông chí lớn như cả năm”, gọi là “tiết đông chí”. Điều này nói lên rằng người xưa rất coi trọng đông chí. Người ta cho rằng đông chí là sự chuyển hóa tự nhiên của hai khí âm dương, là phúc khí trời ban cho.

Truyền thuyết liên quan đến tiết đông chí

Sách Yến kinh tuế thời kí viết: “Đông chí, không phải là ngày lễ trong dân gian, chỉ ăn hoành thánh mà thôi”, thời xưa người già ở Bắc Kinh có câu nói “Đông chí ăn hoành thánh, hạ chí ăn mỳ”. Đông chí ăn hoành thánh (còn gọi là vằn thắn) là vì có câu chuyện như sau: Vào thời Hán, quân Hung Nô ở phương bắc thường xâm phạm biên cương, người dân không được an ổn. Thời đó trong bộ lạc Hung Nô có hai thủ lĩnh là Hồn Thị và Truân Thị rất hung hãn. Người dân hận họ thấu xương, thế là họ dùng thịt bao lại thành sừng, lấy âm “hồn” và âm “truân” gọi là “hồn đồn” tức là hoành thánh. Hận mà ăn hoành thánh, để cầu chiến loạn chấm dứt, để có thể trải qua những ngày tháng thái bình. Vì lần đầu làm thành hoành thánh vào đúng ngày đông chí nên về sau quy ước thành tục lệ, vào ngày đông chí mọi nhà đều ăn hoành thánh.

Ăn “niết đống nhĩ đóa” là cách gọi dân gian của người Hà Nam ăn há cảo vào tiết đông chí. Vì sao lại có tục lệ này? Tương truyền Nam Dương y thánh là Trương Trọng Cảnh từng làm quan ở quận Trường Sa, ngày ông cáo lão hồi hương là ngày mùa đông tuyết lớn, rét cắt da cắt thịt. Ông nhìn thấy những người dân làng mình ở hai bên bờ sông Bạch Hà ở Nam Dương quần áo rách rưới, có không ít người tai bị lạnh cứng nứt nẻ, trong lòng ông rất thương tâm, liền gọi mấy đệ tử dựng lều hành y ở Quan Đông, Nam Dương, dùng thịt dê, quả ớt và một ít dược liệu bài trừ hàn khí luộc chín trong nồi, rồi vớt ra mang đi băm, rồi lại lấy da bao lại thành hình cái tai, sau đó lại cho vào nồi nấu chín, tạo ra một thang thuốc gọi là ‘khu hàn kiểu nhĩ thang’ để cho người dân ăn. Người dân sau khi ăn thì tai của họ đã được trị khỏi. Về sau mỗi lần đến đông chí, mọi người mô phỏng theo đó làm để ăn, vì thế hình thành phong tục “niết đống nhĩ đóa”. Về sau người ta gọi nó là sủi cảo, cũng có nơi gọi là há cảo và bánh chẻo, mọi người còn truyền nhau rằng ăn sủi cảo vào ngày đông chí không bị lạnh tai.

Dịch từ:

http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/21.html

http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/22.html