24 tiết khí (11): Bạch lộ và Thu phân

Tác giả: Trương Tuệ Châu – Đan Dương

[ChanhKien.org]

Bạch lộ

Bạch lộ là tiết khí thứ 15 trong 24 tiết khí. Tiết bạch lộ bắt đầu vào khoảng ngày 7 hoặc ngày 8 tháng 9 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 165°. Sách Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải viết: “Bạch lộ là tiết tháng 8, …khí âm dần mạnh lên, sương đọng thành màu trắng”. Trời bắt đầu chuyển lạnh, vào sáng sớm sẽ thấy trên mặt đất và trên lá cây đọng nhiều hạt sương do hơi nước ban đêm ngưng tụ lại, vì lẽ đó mà gọi là bạch lộ. Người xưa đặt bốn mùa theo ngũ hành, mùa thu thuộc kim, màu sắc của kim là màu trắng, vì thế mới lấy màu trắng để miêu tả sương mùa thu. Vào tiết bạch lộ, về ban đêm sẽ cảm thấy se se lạnh.

Thu phân

Thu phân là tiết khí thứ 16 trong 24 tiết khí, là một trong tám tiết khí quan trọng nhất (là lập xuân, xuân phân, lập hạ, hạ chí, lập thu, thu phân, lập đông, đông chí). Tám tiết khí này biểu thị sự thay đổi mùa, là bước chuyển phân định rõ bốn mùa trong một năm. Tiết thu phân bắt đầu vào khoảng ngày 23 hoặc ngày 24 tháng 9 (dương lịch), khi Mặt Trời di chuyển đến đường hoàng kinh 180°. Một cuốn sách cổ của Trung Quốc là Xuân thu phồn lộ, âm dương xuất nhập thượng hạ thiên của Trung Quốc viết rằng: “Tiết thu phân, âm dương quân bình, vì thế ngày đêm và nóng lạnh cũng quân bình”. Sách Nguyệt lệnh thất thập nhị hậu tập giải viết: “Phân có nghĩa là chia đôi, thu phân ở chính giữa 90 ngày mùa thu…”. Thu phân có hai ý nghĩa, một là Mặt Trời ở vị trí kinh độ 180°, 24 giờ trong ngày chia đôi, ngày và đêm mỗi bên 12 giờ; hai là dựa theo cách phân chia theo mùa của người Trung Quốc cổ đại, lấy lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông làm mốc bắt đầu mỗi mùa, thì thu phân ở chính giữa mùa thu, chia đôi mùa thu.

Sau tiết thu phân, nhiệt độ dần giảm xuống, vì thế có câu “Bạch lộ thu phân dạ, nhất dạ lãnh nhất dạ” (ban đêm trong tiết bạch lộ và thu phân, mỗi đêm một lạnh) và “nhất trường thu vũ nhất trường hàn” (mỗi trận mưa thu là một đợt lạnh).

Trong lễ chế của các bậc đế vương thời cổ đại có hai lễ tế: xuân tế nhật, thu tế nguyệt. Ngày tế nguyệt sớm nhất là vào ngày “thu phân”, về sau vì ngày thu phân vào tháng tám mỗi năm không giống nhau, vào những ngày đó không nhất định sẽ có mặt trăng, nên dần dần quy ước thành tục lệ ngày tế nguyệt là ngày 15 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Dịch từ:

http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/15.html

http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/16.html