Nghĩa giải Tam quốc (11): Đổng Trác âm mưu phế đế, Lư Thực bác bỏ những lời lẽ sai trái

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Sau khi các quan tướng tìm được Hán Thiếu Đế và Trần Lưu vương trước đó bị bọn hoạn quan uy hiếp, thì thứ sử Tây Lương Đổng Trác đã đến kinh thành, lúc này Trác thừa lúc hỗn loạn mà vào kinh với danh nghĩa là đội hộ giá, dẫn một đội quân hùng mạnh xông thẳng tới bên cạnh Hán Thiếu Đế. Điều này tương đương với việc nắm cả các quan triều đình và hoàng đế trong tay, thế nên rất nhanh sau đó Trác đã bắt đầu bàn tính chuyện phế đế, việc này dẫn đến việc thượng thư Lư Thực, một vị đại nho với danh vọng cực cao trong nước thời Hán mạt, xuất hiện để phản đối chủ kiến phế đế của Đổng Trác.

Đổng Trác âm mưu phế đế

Hồi 3 “Tam Quốc diễn nghĩa” có viết rằng khi Hán Thiếu Đế và Trần Lưu Vương được Đổng Trác làm cho cái việc gọi là hộ giá về kinh, khi về đến kinh thành thì phát hiện ngọc tỷ bị thất lạc đâu mất, còn Đổng Trác bắt đầu lộ ra cái tâm muốn phản nghịch. “Đổng Trác đóng đồn ở ngoài thành, hàng ngày đem quân mã mang thiết giáp vào trong thành, đi nghênh ngang các phố, nhân dân rất sợ hãi. Trác lại tự do vào ra chỗ cung cấm, không kiêng sợ gì cả. Hậu quân hiệu úy Bào Tín đến chơi Viên Thiệu, bàn với Thiệu rằng: Đổng Trác hình như có bụng khác, phải trừ ngay đi.”

Hán Linh Đế lúc sinh thời sủng tín hoạn quan, ông đã lập ra một đội quân Tây Viên bát hiệu úy do hoạn quan làm thống lĩnh tối cao, đội quân chia thành 8 hiệu úy, các tướng như Tào Tháo, Viên Thiệu, Bào Tín… đều là hiệu uý, với nhiệm vụ chủ yếu là hộ vệ cho đế vương. Khi ấy Viên Thiệu được bổ nhiệm làm Trung quân hiệu úy nhưng sau khi các hoạn quan bị tiêu diệt thì 8 bộ hiệu úy thế lực phân tán, chỉ có danh mà không có thực. Do đó triều đình căn bản không có cách nào chống lại đội quân của Đổng Trác; Viên Thiệu và các quần thần như quan tư đồ Vương Doãn đều không dám nghe theo kiến nghị của Bào Tín, Bào Tín bèn dẫn quân bản bộ rời đi. Vì thế mà đội hiệu úy quân bên cạnh Hán Thiếu Đế càng trở nên thưa thớt, không có năng lực.

Còn về phần Đổng Trác, Trác chiêu dụ những quân bộ hạ của anh em Hà Tiến về cả tay mình rồi cùng với mưu sĩ thân cận mình là Lý Nho bàn bạc chuyện phế Hán Thiếu Đế lập Trần Lưu Vương lên làm tân đế. Lý Nho đưa ra chủ ý: “Nay đang lúc triều đình vô chủ, nên làm ngay mới được, nếu để chậm sẽ sinh biến. Ngày mai nên triệu các quan hội họp ở trong vườn Ôn Minh, đem việc phế lập ra biểu dụ, ai không nghe thì chém. Nắm được uy quyền, chính ở lúc này đây.” Lý Nho kiến nghị Đổng Trác nên thừa cơ quân vương không có uy quyền mà giành quyền tự chủ, lợi dụng yến tiệc chiêu đãi rồi dùng đao kiếm bức ép các đại thần phải đồng ý chuyện phế đế, nếu ai không nghe theo sẽ bị giết. Nho – Trác muốn dùng vũ lực để thuần phục người ta.

Đinh Nguyên trượng nghĩa, vạch trần cái tâm phản nghịch của Đổng Trác

Sáng hôm sau Đổng Trác mở yến tiệc rất lớn ở vườn Ôn Minh mời các công khanh đại thần đến. Vì Đổng Trác nắm giữ trọng binh nên ai cũng sợ, không ai dám vắng mặt cả. Bước ngoặt của câu chuyện bắt đầu từ đây. Nguyên văn viết rằng:

Trác chờ các quan đến đông đủ, mới lững thững đến cửa vườn, xuống ngựa đeo gươm vào tiệc.

Rượu được vài tuần, Trác truyền lệnh dừng chén, nghỉ âm nhạc, rồi nói lớn lên rằng:

– Các quan hãy im lặng, nghe ta nói một câu chuyện: Vua là chủ tể thiên hạ, không có uy nghi không thể nào tôn phụng tôn miếu tổ tiên và cai quản xã tắc. Nay hoàng thượng nhu nhược, không bằng Trần Lưu Vương thông minh ham học, xứng đáng ngôi rồng. Vậy ý ta muốn bỏ vua Thiếu đế, lập Trần Lưu vương, các quan nghĩ sao?

Các quan nghe đoạn yên lặng nhìn nhau, không ai dám nói câu gì cả. Bỗng có một người ngồi trong yến tiệc đẩy ghế đứng dậy, nói lớn lên rằng:

– Không được! Không được! Ngươi là kẻ nào mà dám nói càn rỡ như vậy? Hoàng thượng là con cả đức Tiên đế, xưa nay không chút lầm lỗi, sao bỗng dưng dám nói bỏ người này lập người kia! Ngươi muốn phản nghịch chăng?

Trác nhìn xem mới biết người ấy là quan thứ sử Kinh Châu, tên gọi Đinh Nguyên. Trác nổi giận quát lên rằng:

– Ai theo ta thì sống, ai chống ta thì chết!

Bèn rút gươm toan chém Đinh Nguyên.

Đoạn này kể đến chuyện quan thứ sử Kinh Châu là Đinh Nguyên cũng là ngoại thần (quan ở địa phương, không phải kinh thành), nhưng dám phản bác Đổng Trác. Đinh Nguyên thẳng thắn phản đối chuyện phế đế, xếp Trác vào hàng phản nghịch. Ông đưa ra ba lý do: thứ nhất Thiếu Đế là con trưởng của tiên đế được danh chính ngôn thuận lên ngôi, thứ hai là Thiếu Đế vừa mới đăng cơ, lại cũng chưa làm chuyện gì thất đức. Với hai lý do này nếu muốn phế đế thì phải nói được vua vì sao bị phế khi đang tại vị, chẳng hạn như có vấn đề về đức hạnh hay làm gì có lỗi với tổ tông. Thứ ba đây là chuyện kinh thiên đại sự, không phải một người bình thường có thể quyết định và thực hiện được. Nếu là một vị quan đứng ra thực hiện chuyện phế đế ắt phải có tư cách tương xứng. Đây là chính kiến [1] phổ biến của những bậc trung thần. Đinh Nguyên cũng là ngoại thần, lúc trước cũng theo lệnh triệu tập của Hà Tiến dẫn binh vào kinh để giúp vua, những kiến giải của thứ sử Kinh Châu vốn mang tính phổ biến, chứng minh rằng các quân các tướng thời ấy đều hiểu được kiến giải phổ biến này trong tình huống bình thường, nhưng thời Hán mạt xuất hiện hoạn quan uy hiếp hoàng đế, lại thêm Hà Tiến ngu xuẩn cấp cơ hội cho Đổng Trác dẫn binh tiến vào kinh thành Lạc Dương, đáng tiếc là không có vị thần tử nào dám đứng ra trước mặt đám đông chỉ ra đây là những lời hàm hồ đại nghịch bất đạo, hành động phế đế này rất hiếm xảy ra ở một triều đình bình thường, cũng rất khó có thể xảy ra một việc như vậy. Thời xưa vô luận là quân vương hay thần tử đều được tiếp thụ nền giáo dục chính thống, đều đã từng học kinh thư và sử thư, đều có năng lực phán đoán cơ bản, nên cả vua và bề tôi đều không thể tùy tiện muốn gì là làm nấy.

Trường hợp của Đổng Trác, nói thẳng ra là tác giả đứng từ góc độ thiên ý muốn thay triều đổi đại mà viết, cũng chính là để nói rằng, thiên tượng dị thường [được mô tả ở đầu hồi 1], từng báo hiệu cho Hán Linh Đế, thiên ý không thể thay đổi, nhất định sẽ thu hồi quân quyền, thế nên khi con trai của Hán Linh Đế lên kế vị đã làm mất ngọc tỷ truyền quốc, bản thân Hán Thiếu Đế cũng không có quân quyền, triều Hán kết thúc đã là định số, hơn nữa thiên thượng sẽ lợi dụng ác nhân để làm việc này. Nhưng sau khi sự việc này qua đi Đổng Trác sẽ bị kết liễu cuộc đời, bị trời phạt, và đến lúc ấy thì bài đồng dao dự ngôn về Trác cũng sẽ xuất hiện. Đó là tác giả cũng đã sớm viết ra kết cục cuối cùng: ác giả ác báo.

Có thể thấy vào thời kỳ lịch sử đặc biệt, những lời cuồng vọng của một gian thần: “Ai theo ta thì sống, ai chống ta thì chết!” không phải là trào lưu chính của lịch sử, cũng không phải là trạng thái bình thường trong xã hội, chỉ bất quá là nó diễn ra trong một thời gian ngắn mà thôi. Nếu như người Trung Quốc lấy những hành vi của kẻ ác trong thời loạn thế mạt thế ấy ra để phủ định và phỉ báng văn hoá Trung Quốc trong thời kỳ lịch sử bình thường, thì chính là tự mình bêu xấu tổ tiên, đó là một sai lầm hết sức lớn.

Đinh Nguyên dù sao cũng là một ngoại thần, lời của ông đương nhiên không đủ sức nặng, nên tác giả đã mượn thêm một nhân vật nữa là thượng thư Lư Thực đức cao vọng trọng, để lập luận một cách tường tận với lý lẽ và căn cứ xác đáng, những lập luận này đại biểu cho kiến giải hiền minh của tác giả về việc một thần tử phế đế là đúng đắn hay không. Khiến cho người ta thấy được rằng trước những hiện tượng hỗn loạn, cổ nhân có thể nắm vững những cơ sở phán đoán vững chắc, từ đó kinh ngạc khâm phục trước kiến giải tinh tường sắc bén trong việc xử thế và luận chính sự của họ, khâm phục kiến thức hiền minh của họ.

Thượng thư Lư Thực bác bỏ lời lẽ sai trái

Bên cạnh Đinh Nguyên có Lữ Bố nên Lý Nho khuyên Đổng Trác dừng tay, nhờ thế Đinh Nguyên không bị giết ngay và rời khỏi yến hội. Đổng Trác thấy Đinh Nguyên đã dẫn binh về càng thêm xấc xược, Trác ép hỏi các quan văn thường ngày vẫn tham gia chính sự rằng Trác đề xướng việc phế đế có hợp lẽ không. Khi này Lư Thực xuất hiện và nói:

Ông lầm rồi! Xưa vua Thái Giáp không minh. Y Doãn lưu đày ông ta ở Đồng cung; vua Xương Ấp lên ngôi vua mới có hai mươi bảy ngày mà làm hơn ba nghìn điều ác, nên Hoắc Quang phải làm lễ cáo ở thái miếu rồi bỏ đi. Ngày nay vua dẫu còn trẻ tuổi, song vốn thông minh nhân từ, chưa có một chút lỗi lầm. Ông chẳng qua là thứ sử đường ngoài, chưa tham dự việc nước, lại không có tài lớn như Hoắc Quang, Y Doãn, sao dám cả gan bàn đến việc bỏ vua nọ lập vua kia? Thánh nhân nói rằng: “Có chí như Y Doãn thì hay, bằng không có chí ấy mà làm thì là thoán nghịch!”

Những lời của thượng thư Lư Thực chính là đại biểu cho ý kiến của những bậc đại nho và những người am hiểu tri thức nhất trong triều đình, là người có tư cách nhất, thế nên lời của ông có sức thuyết phục mạnh nhất, dường như so với kiến giải của thứ sử Đinh Nguyên thì có tính chứng thực cao hơn. Ông đưa ra hai ví dụ nổi tiếng về việc thần tử phế đế trong lịch sử Trung Quốc, đưa ra lý do phế hoàng đế đang tại vị và nêu tư cách của người thực thi việc đó, cùng với lời dạy của thánh nhân, nói một cách hết sức rõ ràng. Ông nói một cách có lý lẽ có căn cứ. Vì vậy khi Lư Thực vừa dứt lời thì Đổng Trác lập tức nổi giận, rút gươm muốn giết Lư Thực. Như vậy có thể thấy rằng những lời của Lư Thực có đủ sức mạnh để bác bỏ những lời lẽ sai trái của Đổng Trác.

Thế thì hàm nghĩa của những lời ấy là gì? Và Lư Thực có thể bảo toàn được tính mạng không? Mời độc giả theo dõi tiếp phần sau để được giải thích rõ.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/254815

[1] kiến giải đúng đắn, ngay chính