Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 25)

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Đoạn thứ hai: Thế nào là sĩ đại phu

Tiếp theo bài trước, chúng ta xem xét đoạn thứ hai về việc vua Thái Tông quy chính hôn lễ.

Đại ý của đoạn này như sau (xem nguyên văn ở Phần 24):

Vua Thái Tông nói: “Trẫm và bốn họ Thôi, Lư, Lý, Trịnh ở Sơn Đông trước đây không có ân oán, chỉ vì họ mấy đời suy vi, mấy đời nay lại không có người làm quan, còn tự xưng là sĩ đại phu, khi cưới lại đòi rất nhiều tiền tài vật phẩm. Có kẻ tài năng và kiến thức thấp mà tự cho là môn đệ cao quý mà tự đắc nhà cao cửa rộng, khoe khoang danh vọng của tổ tông, nhờ đó mà phát tài, trẫm không hiểu tại sao xã hội ngày nay lại coi trọng họ như vậy? Nếu có người có thể lập nên công lao sự nghiệp, tước vị cao, kính phụng vua và cha mẹ, trung hiếu đều đáng được khen ngợi; hoặc là trọng đạo đức nhân nghĩa, trước nay có tiếng là trong sạch thì sẽ khiến mọi người kính phục; học vấn rộng rãi, thông đạt, tinh thông cũng đủ để tự lập môn hộ, có thể gọi là bậc sỹ đại phu trong thiên hạ. Nay những người họ Thôi, Lư này chỉ khoe khoang quan cao tước hậu của tổ tiên, thì sao có thể xứng là tôn quý? Từ công khanh trở xuống, dựa vào cái gì mà tặng cho họ rất nhiều tài vật, lại trợ giúp cho khí thế của họ như vậy? Họ chỉ cầu hư danh, bất chấp thực tế, coi như vậy là vinh quang cho bản thân. Nay sở dĩ trẫm muốn quy định lại đẳng cấp dòng họ, thực là muốn địa vị quan thần triều ta phù hợp với công lao sự nghiệp và đức hạnh, lập ra địa vị tôn quý và danh vọng khiến mọi người đều kính ngưỡng. Tại sao Thôi Can được liệt vào đẳng cấp thứ nhất, đó chẳng phải là các khanh coi thường quan tước của triều đình trẫm sao? Vì vậy, đừng nhìn vào mấy đời trước, định đẳng cấp chỉ dựa vào quan phẩm và nhân tài thời nay, và đẳng cấp định ra lần này sẽ được lấy làm chuẩn mực lâu dài”. Vậy là liệt Thôi Can vào đẳng cấp thứ ba.

Giải nghĩa:

Đoạn văn này đã nói rõ ràng rằng, vua Thái Tông cảm thấy rất khó hiểu vì sao nhà họ Thôi trắng trợn nhận sính lễ tiền tài như vậy, nhưng vẫn được các đại thần xếp vào đẳng cấp thứ nhất như cũ, thế là vua đã tường tận nói ra dụng ý của việc ngài muốn sắp xếp lại đẳng cấp gia tộc. Trước tiên ngài nói rõ ngài làm như vậy không phải xuất phát từ tình cảm cá nhân, không phải vì trước đây có ân oán mà nay dùng quyền lực để trả thù họ, cố ý tước đi đãi ngộ của họ để cho hả giận, mà là vì họ phẩm đức thấp, mượn cớ hôn lễ để nhận tiền tài vật phẩm. Vua Thái Tông cho rằng gia tộc họ mấy đời suy vi, nguyên nhân chính là ở chỗ này, nguyên nhân nhà họ không có người làm quan không gì khác chính là do vô đức vô tài, kiến thức hạn hẹp gây nên. Lấy sính lễ để nhận tiền tài chính là hành vi chứng minh cho đạo đức hủ bại của họ, đó là nguyên nhân thực sự khiến cho gia tộc họ nhiều thế hệ suy vi, đến nay không có người làm quan. Rất hiển nhiên vua Thái Tông dựa vào chức quan trong triều đình, dựa vào đẳng cấp, tước vị của mỗi gia tộc, dựa vào cống hiến với đất nước, dựa vào sự ảnh hưởng chính diện về mặt đạo nghĩa để định ra đẳng cấp. Nếu xếp những gia tộc đó vào đẳng cấp thứ nhất, thì cũng tương đương với việc khinh nhờn quan tước của triều đình, sỉ nhục danh gia vọng tộc là có những kẻ ngụy quân tử mang danh hão. Vì vậy, cần phải nghiêm túc xem xét, đảm bảo rằng các quan lại triều đình được hiển vinh và các danh gia vọng tộc đều là những sĩ đại phu chân chính, vậy mới có thể giáo hóa dân chúng, đất nước mới được quản lý tốt. Cho nên, vua Thái Tông mới phê bình các đại thần, việc họ để nhà họ Thôi ở vị trí nhất đẳng là khinh nhờn quan tước của triều đình, không hiểu được ý nghĩa chân chính của quan tước triều đình, phê bình họ chưa làm đúng chức trách. Các quan lại đều hùa theo tâm hư vinh của người đời thì sẽ khiến người khác cũng xem trọng hư vinh, đó tức là không hiểu rõ đạo lý, dung dưỡng cho cái xấu.

Từ đoạn hội thoại của vua Thái Tông, chúng ta còn hiểu được nhận thức của người thời đó đối với tầng lớp sĩ đại phu. Tức là, hiểu được rằng người có phẩm đức thế nào mới là sĩ đại phu? Người như thế nào mới đủ tư cách gọi là sĩ đại phu? Một người có cống hiến to lớn cho quốc gia, dựng lập được công tích to lớn, nhờ đó được phong quan tước rất cao, trọng tâm sự nghiệp của họ là toàn tâm toàn ý trợ giúp quân chủ trị vì quốc gia, trong gia đình cũng có thể cung phụng cha mẹ như vậy. Theo lời của vua Thái Tông thì chính là người “thiện sự quân phụ, trung hiếu khả xưng” (người phụng sự tốt với vua và cha mẹ, có thể gọi là người trung hiếu), với những người này, công tích mà họ lập được chính là kết quả chứng minh cho sự trung hiếu của họ. Họ đặt trọng tâm vào trung hiếu. Còn một kiểu người khác tài đức song toàn được mọi người kính phục, đức hạnh và tài nghệ xưa nay đều được mọi người ca tụng. Những gia tộc như vậy tuy rằng không có người quan cao hiển quý, nhưng cũng được gọi là danh gia vọng tộc, có thể tự tạo lập địa vị trong thế gian, trở thành tấm gương đạo đức cho con người thế gian, họ cũng xứng được gọi là sĩ đại phu.

Tức là, dù thuộc loại nào, người được danh hiệu sỹ đại phu đều là những người hiểu được đạo nghĩa trung hiếu được xem trọng trong giáo dục truyền thống, họ là những nhà văn hóa ở thế gian (hiểu được học vấn về cách làm người, dùng đạo nghĩa để giáo hóa người đời, điều này không giống với khái niệm đại sỹ phu hiện nay). Họ là người thi hành đạo nghĩa, là tấm gương cho người đời noi theo. Họ tất phải có đức xứng với vị trí này. Vì thế vua Thái Tông mới giáng họ Thôi xuống đẳng cấp thứ ba.

Chúng ta thấy được rằng Đường Thái Tông không sợ những gia tộc này có thế lực lớn thế nào trong xã hội, ông quyết tâm, cương nghị quy chính lại phong tục, quyết không nuông chiều một ai. Tự thân đế vương nếu không có giá trị quan đúng đắn về đạo đức, nếu chỉ dựa vào quyền lực và ý kiến của mình, thì không thể có được kiến thức như vậy, cũng không thể dẫn dắt quốc gia đi đúng đường. Vì vậy mới nói vua Thái Tông là vị vua thân chính tâm chính, rất nhiều kiến thức của ông vượt xa các đại thần. Như vậy mới giúp ông nhìn ra vấn đề sâu xa, nhìn ra bản chất vấn đề. Yếu lĩnh trị quốc của ông luôn gắn liền với chữ đức, sự việc dù lớn hay nhỏ ông đều dùng thước đo này để định lượng, đồng thời nhanh chóng đưa ra quyết định, cải chính lại những sai lầm, sự anh minh của ông chính là ở chỗ đó.

Đoạn thứ ba: Đạo hôn nhân, lấy nhân nghĩa làm đầu (nguyên văn xem Phần 24)

Đại ý:

Đến năm Trinh Quán thứ 12, bộ sách “Thị tộc chí” được hoàn thành, tổng cộng có 100 quyển, phát hành cả nước. Sau đó vua Thái Tông lại chiếu xuống: Gia tộc cao thấp phải định theo quan tước (thời xưa, tước vị đã có từ thời thượng cổ, được định ra từ thời vua Thuấn, phân thành năm đẳng cấp là công, hầu, bá, tử, nam), chính đạo của hôn nhân phải đặt nhân nghĩa lên hàng đầu. Từ khi Bắc Ngụy mất nước, Bắc Tề diệt vong, xã hội đã thay đổi, phong tục cũng suy bại. Gia tộc của các nước Yên, Triệu ngày trước đã lâu không có người ra làm quan, quý tộc các nước Tề, Hàn lại vi phạm lễ nghĩa. Gia tộc ở các châu huyện không có danh tiếng; tự thân lại không tránh được tham lam, lại tự thổi phồng hậu duệ dòng dõi tôn quý, không coi trọng lễ nghi hôn nhân, chỉ biết cậy danh vọng đòi tài vật, gả con gái nhất định phải gả cho nhà giàu. Thế là có những người mới làm quan và người có tiền lại ngưỡng mộ tổ tông của những người này, tranh nhau kết thân với họ, tặng cho họ nhiều vàng bạc lụa là, như thể mua bán. Hai bên, người thì tự nguyện hạ thấp gia tộc, người thì chịu sỉ nhục mà kết quan hệ thông gia; có người khoe khoang dòng dõi trước đây mà hành xử vô lễ trước mặt cha mẹ chồng. Những thói xấu này tồn tại đã lâu, tích thành phong tục, đến nay vẫn không cải biến, đã loạn nhân luân, lại tổn hại đến danh giáo. Trẫm sớm tối cẩn trọng cảnh giác, suy nghĩ đạo trị nước, các vấn đề tệ nạn của các thời kỳ trước đều đã loại bỏ, chỉ có thứ hủ tục này vẫn chưa hoàn toàn thay đổi. Từ nay về sau, phải làm cho bàn dân thiên hạ đều hiểu quy tắc nghi lễ trong hôn nhân, nhất định phải hợp với lễ phép, dựa theo lễ nghĩa của triều đình mà làm, thì mới hợp với tâm ý của trẫm”.

Giải nghĩa:

Đoạn thứ ba là tổng kết của hai đoạn trước, đoạn này đã nói rõ việc vua Thái Tông quy chính các gia tộc, định lại đẳng cấp và tước vị, mục đích căn bản chính là quy chính phong tục của người dân. Phong tục bất chính này đã được hình thành từ lâu, từ thời Bắc Ngụy cuối thời nhà Hán, Trung Nguyên bị chia cắt, đến thời nhà Tùy, phong tục bị hỗn loạn thời gian lâu, đạo đức không ngừng trượt dốc. Không ít các danh gia vọng tộc xưa kia, nay đạo đức đã không còn phù hợp với địa vị nữa, trở thành những kẻ cầm đầu làm phong tục hủ bại, trong đó hành vi hủ bại nhất là biến hôn nhân thành thủ đoạn kiếm tiền, đảo loạn luân lý, hủy hoại đạo hiếu, ảnh hưởng của nó vô cùng xấu.

Điều này nói lên rằng, việc vua Thái Tông quy chính hôn lễ, chỉ là xóa bỏ một trong rất nhiều những thói hư tật xấu đã không ngừng trượt dốc từ cuối thời nhà Hán, đó là một trong những công việc nhằm quy chính đạo đức, chỉnh đốn quốc gia, giáo hóa dân chúng, lại còn là công việc phải làm cuối cùng. Ông muốn các đại thần hiểu rõ vì sao cần phải quy chính hôn lễ, vì sao việc kết hôn cần phải phù hợp với lễ nghĩa, suy cho cùng mục đích chính là quy chính nhân tâm, quy chính đạo làm người; cũng chính vì thế mới cần sắp đặt lại vị trí và giáng hạ đẳng cấp của những gia tộc làm trái lễ nghĩa hôn nhân để kiếm tiền tài, chứ không đơn giản chỉ giới hạn trong việc định ra và ban bố lễ chế hôn nhân mới.

Vì vậy vua Thái Tông ngay từ đầu đã đưa ra nhận thức căn bản về hôn nhân, đó chính là đạo hôn nhân phải đặt nhân nghĩa lên hàng đầu. Đây chính là căn cứ để ông quy chính hôn lễ. Dù ông quyết định thế nào vẫn luôn lấy căn bản nhân nghĩa làm tôn chỉ. Hôn lễ không chính thì đạo làm người sẽ không chính, sẽ xa hoa phô trương, chỉ nhìn vào tiền vật, chuộng hư vinh, nếu như thế, cho dù hôn lễ có được tổ chức long trọng thế nào thì vẫn mất đi ý nghĩa căn bản của hôn nhân. Đứng trên điểm cao nhất của đạo làm người để quy chính hôn lễ, thì tất nhiên sẽ danh chính ngôn thuận, không ai không phục.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/249905