Câu chuyện Thần Tiên: Lý Hà Chu

Người chỉnh lý: Âu Dương Tử Vân

[ChanhKien.org]

Thời nhà Đường có vị cao nhân tu Đạo tên là Lý Hà Chu. Vào những năm Khai Nguyên thời Đường, ông từng được nhà vua mời vào trong cung. Về sau, ông thỉnh cầu Đường Huyền Tông xin được rời khỏi cung đình, chuyển đến sống ở Huyền Đô Quan.

Tể tướng triều Đường lúc bấy giờ là Lý Lâm Phủ từng đến bái phỏng Lý Hà Chu. Lý Hà Chu nói với ông ta rằng: “Ông còn sống thì cả nhà ông đều được bình an; ông chết rồi, toàn bộ gia đình ông cũng đều phải tiêu tán”. Lý Lâm Phủ nghe vậy liền khấu đầu lạy Lý Hà Chu, rơi lệ mà cầu xin ông cứu giúp. Lý Hà Chu cười mà không đáp, chỉ nói: “Đó chỉ là câu nói đùa thôi”.

Vào cuối những năm Thiên Bảo, An Lộc Sơn [1] ỷ quyền cậy thế, lộng hành ngang ngược. Khắp trên dưới triều đình nhà Đường ai nấy đều lo lắng và nghị luận rằng An Lộc Sơn sẽ làm phản, nhưng Đường Huyền Tông vẫn không chút tỉnh ngộ. Vào một ngày, Lý Hà Chu đột nhiên biến mất, chẳng ai biết được ông rốt cuộc đã đi đâu; nhưng vào lúc ông rời đi, trên vách tường của căn phòng nơi ông ở có đề mấy câu thơ, nội dung của bài thơ có ý nói An Lộc Sơn muốn cướp đoạt chính quyền và vua Đường Huyền Tông phải tháo chạy đến đất Thục để lánh nạn [2], nhưng lúc bấy giờ không một ai có thể hiểu được hàm ý của những câu thơ mà Lý Hà Chu để lại, mãi cho đến khi sự đã thành, mọi người mới vỡ lẽ những sự kiện được nói đến trong bài thơ.

Đoạn thơ cuối cùng trong đó có nội dung như sau:

“Yến thị nhân giai khứ
Hàm Quan mã bất quy
Nhược phong sơn hạ quỷ
Hoàn thượng hệ la y”

Dịch nghĩa:

Thành Yến mọi người cùng nhau bỏ đi
Ngựa ở Hàm Quan không quay về
Nhược Phong Sơn có quỷ
Hoàn thượng buộc áo lưới

“Yến thị nhân giai khứ” là có ý nói An Lộc Sơn và các tướng ở U Châu, Kế Châu cùng nổi dậy tạo phản. “Hàm Quan mã bất quy” là chỉ việc tướng nhà Đường là Kha Thư Hàn thất thủ ở trận Đồng Quan, toàn quân đại bại, bị tiêu diệt gần hết, người ngựa vùi thây nơi trận địa. “Nhược phong sơn hạ quỷ” là chỉ một trạm dịch ở đất Thục – Mã Ngôi Dịch (nay là Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây). Câu “Hoàn thượng hệ la y” có nghĩa rằng ái phi của Đường Huyền Tông là Dương Quý Phi, còn gọi là Ngọc Hoàn; khi Đường Huyền Tông cùng quan quân nhà Đường tháo chạy đến đất Thục để lánh nạn, lúc đi đến Mã Ngôi Dịch, Cao Lực Sĩ đã dùng một tấm vải lụa bức Dương Ngọc Hoàn phải thắt cổ [3]. Những điều mà Lý Hà Chu tiên lượng trước, về sau đều ứng nghiệm đúng với những sự kiện này.

Chú thích:

Lý Lâm Phủ (? – 753) có quan hệ họ hàng xa trong tông thất nhà Đường, là đại thần trong triều. Vào năm Khai Nguyên thứ 22 năm 734, ông được bổ nhiệm chức Lễ bộ thượng thư, về sau được thăng làm tể tướng. Lý Lâm Phủ đã thao túng triều chính suốt 19 năm, còn từng được phong làm Tần Quốc Công. Lý Lâm Phủ bề ngoài tỏ ra hữu hảo với người khác, nhưng sau lưng lại âm thầm hãm hại, người đời gọi là “khẩu mật phục kiếm” (khẩu phật tâm xà). Năm 752, Lý Lâm Phủ lâm bệnh rồi qua đời; quần thần oán hận ông ta chuyên quyền suốt bao năm, hạch tội ông ta là “đồ nguy tông xã” (mưu đồ nguy hại cho triều đình xã tắc). Đường Huyền Tông bèn hạ lệnh truy tước hết chức vị, làm lễ tang cho Lý Lâm Phủ như thứ dân, tịch biên gia sản, con cháu bị lưu đày ở Lĩnh Nam (vùng phía nam Ngũ Lĩnh, tức vùng Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc) và Kiềm Trung (nay là Kiềm Thành của Thành Tây, huyện Nguyên Lăng, tỉnh Hồ Nam).

(Theo “Thái Bình Quảng Ký”)

Dịch từ: http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/shenxianstories/sx08.html

Chú thích của người dịch:

[1] An Lộc Sơn (chữ Hán: 安祿山; 19 tháng 2, 703 – 30 tháng 1, 757) là một viên tướng của nhà Đường. Biết chín thứ tiếng của các dân tộc ít người ở các vùng ngoại vực Trung Quốc, lại thiện chiến và lắm mưu kế, An Lộc Sơn từng là con nuôi của Tiết độ sứ Trương Thủ Khuê, sau đó trở thành “dưỡng tử” của Dương Quý phi. Là Tiết độ sứ của ba trấn, nắm giữ hơn 15 vạn binh mã, An Lộc Sơn nuôi giấc mộng thành hoàng đế, ông ta đã khởi đầu loạn An Sử nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc giữa thế kỉ thứ tám, khiến Đường Huyền Tông phải bỏ chạy khỏi Trường An. Sau đó, An Lộc Sơn xưng làm Hoàng đế Đại Yên, nhưng không được bao lâu thì bị con trai là An Khánh Tự sát hại. (http://vi.m.wikipedia.org/wiki/An_L%E1%BB%99c_S%C6%A1n)

[2] Vào cuối những năm Thiên Bảo thời vua Đường Huyền Tông, An Lộc Sơn cùng các tướng người Hồ khởi binh tạo phản, sử gọi là loạn An Sử (chữ Hán: 安史之亂: An Sử chi loạn). Cuộc biến loạn này kéo dài từ năm 755 đến năm 763, do An Lộc Sơn và Sử Tư Minh cầm đầu. Cả họ An và họ Sử đều xưng là Yên Đế trong thời gian nổi dậy. Do xảy ra vào niên hiệu Thiên Bảo của Đường Huyền Tông, cuộc phản loạn này còn được gọi là Thiên Bảo chi loạn (天寶之乱). Khi đạo quân Yên của An Lộc Sơn tiến đánh Trường An, tướng soái nhà Đường là Kha Thư Hàn đại bại ở trận Đồng Quan, khiến Đường Huyền Tông và triều thần phải bỏ kinh thành chạy đến đất Thục để lánh nạn. (http://vi.m.wikipedia.org/wiki/Lo%E1%BA%A1n_An_S%E1%BB%AD)

[3] Chính biến ở Mã Ngôi: Trên đường lánh nạn, khi xa giá của Đường Huyền Tông đi đến Mã Ngôi Dịch, các tướng sĩ oán hận anh em Dương Quốc Trung và Dương Quý Phi nên nổi loạn giết Quốc Trung và ép Huyền Tông xử tử Quý Phi, nếu không sẽ không hộ giá nữa. Huyền Tông đành ban một dải lụa trắng, cho Cao Lực Sĩ thắt cổ Quý Phi bên dưới cây lê trong Phật đường. (Theo trang Wikipedia)