24 tiết khí (3): Giới thiệu

Tác giả: Trương Tuệ Châu – Đan Dương

[ChanhKien.org]

24 tiết khí lấy lịch mặt trời làm cơ sở, dựa trên việc quan sát vị trí của Mặt Trời trên đường hoàng đạo, từ đường hoàng kinh số 0, cứ 15 ngày là một tiết, mỗi tháng có một “trung khí” và một “tiết khí”, một năm có 12 “trung khí” và 12 “tiết khí”, về sau gọi chung là tiết khí.

Tên của 24 tiết khí có ý nghĩa đặc trưng, được đặt ra dựa vào tính dự báo của thiên văn, khí hậu và sản suất nông nghiệp, gồm: Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ, Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử, Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng, Lập đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn. Trong đó nhị phân (là Xuân phân và Thu phân) và nhị chí (là Hạ chí và Đông chí), tứ lập (là Lập xuân, Lập hạ, Lập thu, Lập đông) phản ánh sự luân chuyển của 4 mùa; các tiết khí trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh sự thay đổi của nhiệt độ gồm có: Tiểu thử, Đại thử, Tiểu hàn, Đại hàn, Bạch lộ, Hàn lộ, và Sương giáng; phản ánh trời đổ mưa gồm: Vũ thủy, Cốc vũ, Tiểu tuyết, Đại tuyết. Kinh trập, Thanh minh, Tiểu mãn, Mang chủng, Xử thử là các tiết khí phản ánh các sự vật có tính chu kỳ (vật hậu học).

24 tiết khí lấy hiện tượng khí hậu các mùa của tự nhiên và hoạt động nông nghiệp kết hợp với nhau. Xuân phân và Thu phân biểu thị ngày và đêm dài bằng nhau, khí hậu vừa phải; Hạ chí và Đông chí biểu thị đến thời tiết nóng của mùa hạ và thời tiết lạnh của mùa đông; Lập xuân, Lập hạ, Lập thu, Lập đông biểu thị cho sự khởi đầu của mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông; Vũ thủy biểu thị rằng bắt đầu có mưa; Kinh trập biểu thị các loài côn trùng ngủ đông bắt đầu thức dậy, ra khỏi mặt đất hoạt động; Thanh minh biểu thị thời tiết bắt đầu chuyển sang ấm, cỏ cây bắt đầu nảy nở, cảnh tượng tươi mát; Cốc Vũ là trời bắt đầu mưa nhiều hơn, có lợi cho sự sinh trưởng của các loại ngũ cốc; Tiểu mãn biểu thị cỏ cây bắt đầu xanh tươi, um tùm, vào mùa hè nóng hạt của các cây ngũ cốc bắt đầu chắc mẩy; Mang chủng là một thời tiết mà việc nông bận rộn trong năm, cần phải kịp thời làm trồng cấy, chăm sóc, thu hoạch cây lương thực vụ hè; Tiểu thử và Đại thử là những tiết nóng nhất trong năm; Xử thử biểu thị kết thúc thời tiết nóng; Bạch lộ biểu thị thời tiết bắt đầu mát, độ ẩm tăng cao, nhiều sương sớm; Hàn lộ biểu thị mặt đất phát ra hơi lạnh, sương sớm ngưng tụ, độ ẩm thấp; Sương giáng biểu thị bước vào mùa trời mưa hoặc tuyết; Tiểu hàn và Đại hàn là thời tiết lạnh nhất trong một năm.

24 tiết khí phản ánh đặc điểm khí hậu lưu vực Hoàng Hà của Trung Quốc, có 5 tiết khí biểu thị nhiệt độ là Tiểu thử, Đại thử, Xử thử, Tiểu hàn, Đại hàn. Có 7 tiết khí biểu thị giáng thủy là Vũ thủy, Cốc vũ, Bạch lộ, Hàn lộ, Sương giáng, Tiểu tuyết, Đại tuyết, phần lớn ở trong vụ xuân và vụ thu, chú trọng vào tác dụng quan trọng của nước đối với nông nghiệp; tiết Vũ thủy có hai hàm nghĩa là biểu thị bắt đầu giáng mưa và lượng mưa bắt đầu tăng lên; trong 7 tiết này, Bạch lộ, Hàn lộ và Sương giáng tuy rằng là hiện tượng giáng thủy, nhưng ý nghĩa về nhiệt độ lại quan trọng hơn, cũng có thể là tiết khí biểu thị quá trình giảm nhiệt độ. Có 4 tiết khí biểu thị mức độ chiếu sáng dài ngắn của Mặt Trời là nhị phân (là Xuân phân và Thu phân) và nhị chí (là Hạ chí và Đông chí), phản ánh sự thay đổi theo mùa về số giờ chiếu sáng trong ngày của Mặt Trời, trong 24 tiết khí thì 4 tiết khí này biểu hiện rõ nhất sự thay đổi và sự chuyển ngoặt thời tiết. Trong những tiết khí khác, Kinh trập gián tiếp biểu thị nhiệt độ tăng cao; Thanh minh và Tiểu mãn thì thông qua các sự vật và hiện tượng để biểu thị nhiệt độ tăng cao; Mang chủng thì dùng hoạt động nông nghiệp để biểu thị đã tới giữa mùa hè. Các tiết khí đều biểu thị đặc trưng khí hậu.

Dựa theo ghi chép, từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên ở Trung Quốc triều Hán đã biết dùng 24 tiết khí cho việc nông nghiệp.

Dịch từ: http://media.zhengjian.org/media/zjbooks/chinesecalendar/jj.html