Nghĩa giải Tam quốc (10): Đồng dao vốn là dự ngôn

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Đế chẳng ra đế
Vương chẳng ra vương
Nghìn xe vạn ngựa
Chạy ra Bắc Mang.

Đây là bài đồng dao thứ nhất xuất hiện trong bộ truyện “Tam quốc” dự ngôn về vận mệnh của hai vị hoàng đế cuối cùng sau khi Hán Linh Đế băng hà. Như thể tác giả đã mượn bài đồng dao làm căn cứ để chỉ ra sự tồn tại của thiên ý, thúc đẩy câu chuyện phát triển.

Một vương một đế nhưng đều không mang mệnh đế vương

Năm Trung Bình thứ 6, tức là vào tháng 4 năm 189 SCN, Hán Linh Đế lâm trọng bệnh, do vẫn chưa lập thái tử, và ông cũng chưa lưu lại di chiếu rõ ràng về việc kế vị nên sau khi Linh Đế băng hà thì những hoạn quan nắm giữ quyền hành lúc bấy giờ đã chiểu theo di nguyện của ông lúc còn sống mà lập Lưu Hiệp, vốn là con của phi tần, lên làm hoàng đế, nhưng đích trưởng tử [1] Lưu Biện bên cạnh còn có quốc cữu Hà Tiến đang là đại tướng quân nắm giữ binh quyền quốc gia, mẹ của Lưu Biện là Hà hậu – một hoàng hậu danh chính ngôn thuận, thế nên nếu muốn để Lưu Hiệp kế vị thì phải trừ khử Hà Tiến. Bọn hoạn quan bèn lập mưu bí mật để Hà Tiến nhập cung, định thừa cơ giết Hà Tiến nhưng kế hoạch bị bại lộ, ngược lại Hà Tiến liền muốn tóm gọn giết sạch cả đám hoạn quan. Hà Tiến trước tiên thống lĩnh các quan trước linh cữu của Linh Đế để hoàng tử Lưu Biện, tức là Hán Thiếu Đế đăng cơ, sau đó báo cho mẫu thân của Thiếu Đế là Hà thái hậu rằng muốn giết hết tất cả hoạn quan, nhưng Hà thái hậu không cho phép, Hà Tiến nghe theo kiến nghị của Viên Thiệu hạ lệnh cho tướng quân bên ngoài dẫn binh sĩ đến Lạc Dương giúp Tiến trừ sạch hoạn quan.

Đó là nguyên nhân mà tướng quân bên ngoài thành – thứ sử Tây Lương Đổng Trác dẫn một đội binh mã tiến vào kinh đô Lạc Dương. Nhưng việc để ngoại tướng dẫn quân vào kinh là phương án nguy hiểm mà các bậc đế vương xưa nay đều kị nhất. Một khi để người dẫn quân vào thành thì rất có thể giang sơn sẽ bị lật đổ. Thế nên nếu không có chiếu thư của hoàng đế thì ai cũng không dám phạm vào việc cấm này, một khi làm vậy, thì ngay sau khi đội quân khởi hành liền bị phát hiện và kết tội phản nghịch, vì vậy căn bản là quân binh của ngoại tướng như Đổng Trác không có cách nào tiếp cận kinh thành. Đổng Trác dù ngang ngược đến mấy cũng không thể khinh suất xuất binh, rất khó có cơ hội uy hiếp hoàng đế và các đại thần phế Hán Thiếu Đế. Như vậy có thể nói hành vi của Hà Tiến đã cấp cho Đổng Trác một cơ hội nghìn năm khó gặp!

Dẫu cho Lư Thực, Tào Tháo và các đại thần có khuyên can thế nào thì Hà Tiến đều như bị ma xui quỷ khiến, khư khư cố chấp mà làm. Thượng thư Lư Thực thấy Hà Tiến không cùng chí hướng nên cáo lão từ quan, trong triều số người từ quan quá nửa, Đổng Trác danh chính ngôn thuận dẫn binh tiến vào kinh chuẩn bị áp chế kinh thành, bắt ép các đại thần phải nghe theo lệnh ông ta. Đồng thời cùng lúc ấy Trương Nhượng và các hoạn quan thấy tính mệnh khó bảo toàn nên liền “tiên hạ thủ vi cường” [2], lợi dụng thái hậu triệu Hà Tiến nhập cung, chúng cho đao phủ mai phục sẵn ở cửa giết Hà Tiến, sau khi Viên Thiệu và những người khác phát hiện ra thì dẫn binh tiến vào cung giết sạch hoạn quan, phóng hỏa đốt cháy cung điện, trong cung hết sức hỗn loạn.

Trong tình huống ấy, Trương Nhượng cùng bọn hoạn quan tháo chạy thoát thân, chúng bắt cóc hai anh em Hán Thiếu Đế và Trần Lưu vương Lưu Hiệp chạy đến Bắc Cung, sau khi đột phá được vòng vây, trong đêm tối, chúng một mạch chạy đến núi Bắc Mang, giữa đường nhân lúc hỗn loạn Thiếu Đế cùng Trần Lưu Vương đã tìm cách thoát khỏi bọn hoạn quan, tìm nấp vào trong bụi cỏ ở bờ sông. Thiếu Đế khi ấy mới 14 tuổi, Trần Lưu Vương thì chưa đầy 10 tuổi, hai anh em ôm nhau nuốt nước mắt chịu khổ, sương lạnh ướt áo, chịu cảnh cơ hàn khốn khổ, đến tận canh năm mới bò khỏi bờ sông, được người dân cứu giúp, sau đó được các quan và cấm quân tìm được liền hộ giá về kinh.

Trong truyện có đoạn viết thế này: Trước đây ít lâu, trẻ con ở kinh thành Lạc Dương thường hát mấy câu sau: “Đế chẳng ra đế, Vương chẳng ra vương, Nghìn xe vạn ngựa, Chạy ra Bắc Mang” . Đến bây giờ quả là ứng nghiệm. Sấm chính là dự ngôn, thực sự đã ứng nghiệm dự ngôn của bài đồng dao ấy.

Có thể thấy trước khi sự kiện phát sinh thì bài đồng dao ở thành Lạc Dương đã đưa ra lời dự đoán trước rồi, nhưng không ai hiểu được điều ấy là gì, mãi cho đến khi việc xảy ra rồi thì người ta mới bỗng nhiên tỉnh ngộ. Nguyên ban đầu ý của bài đồng dao nói rằng đế chẳng giống đế, vương chẳng giống vương, khi các quần thần và tướng sĩ đi tìm hai vị đế vương bị bắt cóc, nghìn xe vạn ngựa đi tìm khắp bốn phía, cuối cùng chạy đến núi Bắc Mang.

Sau khi về cung mọi người lại phát hiện ngọc tỷ – tượng trưng cho quyền uy chính thống của bậc đế vương – đã biến đâu mất. Có 1 điều thú vị nữa là trong bài đồng dao đã dự ngôn rằng Lưu Biện sẽ mất đế vị, Lưu Hiệp sẽ trở thành hoàng đế cuối cùng của nhà Hán, nhưng dù ai là hoàng đế đi chăng nữa thì trong số đã định rằng hoàng đế ấy sẽ chỉ có danh mà không có thực, không có quyền hành của một hoàng đế thực thụ. Thế nên đồng dao mới viết: “Đế chẳng ra đế, Vương chẳng ra vương”. Sau khi lịch sử đã qua rồi người ta mới nhận ra điều đó.

Có thể rất nhiều người sẽ cảm thấy kỳ lạ, rằng bài đồng dao ấy chẳng phải do trẻ con hát sao? Tại sao đồng dao lại trở thành dự ngôn được? Kỳ thực từ thời nhà Chu đã có sử quan đặt định nghĩa cho đồng dao, so với hàm nghĩa của ngày nay hoàn toàn khác hẳn.

Đồng dao vốn là dự ngôn, dùng để cảnh báo cho vua và dân, là nói về tương lai Trong truyện Đông Chu Liệt Quốc có đoạn: “Thượng thiên muốn cảnh cáo quân vương, lệnh cho sao Huỳnh Hoặc, tức Hỏa Tinh, (thời cổ đại cho là không lành) hóa thành đứa trẻ, tạo ra lời đồn, rồi dạy cho đám trẻ tập hát, đó chính là đồng dao”. Đây là lời giải thích của quan Thái sử nhà Đông Chu là Bá Dương Phụ. Thời xưa đồng dao gọi là sấm dao, sấm chính là cái mà ngày nay người ta gọi là dự ngôn, người xưa tin rằng những bài ca dao do con nít hát truyền ra nhưng tìm không được nguồn gốc (tác giả) thì chính là thiên ý, đồng dao là để dự đoán tương lai và những tai họa sắp xảy ra.

Theo lời của sử quan nhà Đông Chu thì rõ ràng đồng dao là được Huỳnh Hoặc tinh (sao huỳnh hoặc) từ thiên thượng truyền ra, mục đích chủ yếu của đồng dao là để cảnh báo các vị quân vương ở nhân gian cần quy chính đức hạnh, nếu không trời sẽ giáng tai họa, con người sẽ không có cách nào tránh thoát được. Hàm nghĩa của từ đồng dao thời ấy khác xa so với cách hiểu của chúng ta ngày nay. Vừa là cảnh báo các vị quân vương, vừa mang theo năng lực thần bí thay trời dự đoán về tương lai của những sự việc sẽ phát sinh trên nhân gian và vận mệnh của con người. Rất hiển nhiên lời lẽ của các đồng dao phần nhiều nói về tai họa, nhưng nói rất không rõ ràng. Còn riêng đồng dao của thời Hán mạt đã xuất hiện tổng cộng 8 lần trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, và những lời ấy lần lượt ứng nghiệm khiến người ta không khỏi giật mình thất sắc.

Câu hát “Đế chẳng ra đế, Vương chẳng ra vương, Xe xe ngựa ngựa, Chạy ra Bắc Mang” có từ năm cuối cùng của vua Hán Linh Đế. Câu đồng dao này trong sách Hậu Hán thư có ghi chép, thực ra thì một nửa những bài đồng dao trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa” đều có ghi chép trong sử thư, ví như bài đồng dao mà có lẽ mọi người đều rất quen thuộc, dự ngôn về việc Đổng Trác bị giết sau khi ông ta phế Hán Thiếu Đế: “Cỏ ngàn dặm, xanh được sao? Trong mười ngày, không được sống”. (Thiên lý thảo, hà thanh thanh! Thập nhật bốc, bất đắc sinh). Đó là một ví dụ. Trong sách Hậu Hán thư giải thích rằng: thiên lý thảo (千里草) ghép thành chữ ‘Đổng’ (董), thập nhật bốc (十日卜) ghép thành chữ ‘Trác’ (卓). Sử thư nhìn nhận rằng Đổng Trác từ hèn mọn leo lên cao, dùng phận bề tôi mà chèn ép vua, “thanh thanh” ý là mọc lên nhanh chóng mãnh liệt, “bất đắc sinh” nghĩa là chết nhanh chóng, cuối cùng rơi vào kết cục bi thảm. Thực tế thì thoạt nhìn Đổng Trác là đương có quyền có thế nhưng rất nhanh thôi sẽ bị tiêu diệt, chết vì bị giết.

Chúng ta có thể thấy rằng sử thư của Trung Quốc cổ đại đã ghi lại một cách rõ ràng rằng thiên ý là có tồn tại chứ tuyệt không phải là tiểu thuyết hư cấu. Đồng thời sách sử xưa cũng biểu đạt rõ ràng rằng đồng dao không chỉ cảnh báo đến bậc đế vương mà còn cảnh báo cả người làm quan, rằng nếu làm bề tôi mà bất nghĩa thì sẽ phải chịu ác báo. Tác giả đã mượn lịch sử quan văn hóa Thần truyền như vậy để tạo dựng bố cục và thúc đẩy diễn biến của các câu chuyện trong Tam Quốc. Tác giả muốn biểu đạt rõ ràng rằng, nghĩa lý không phải là hình thành tự nhiên, mà là do Thần truyền và do Thiên định. Chính là thông qua câu chuyện mà quy phạm chuẩn tắc và hành vi đạo đức của con người. Nếu ai mà đi ngược với nhân nghĩa và đạo lý ấy thì nhất định sẽ bị trời trừng phạt.

Xem “Tam quốc diễn nghĩa” mà hiểu được “Hồng Lâu Mộng”

Kỳ thực không chỉ là truyện “Tam quốc diễn nghĩa” là đứng từ góc độ văn hóa Thần truyền để xây dựng kết cấu câu chuyện, mà tứ đại danh tác [3] đều như thế. Khi chúng ta đọc đến hồi thứ nhất của nguyên tác thì đều thấy tác giả đã viết rất rõ về sự an bài của thiên ý, thấy được những câu chuyện xảy ra ở thế gian là liên quan mật thiết đến thiên thượng, chỉ bất quá là chủ đề khác nhau mà thôi.

Ví như truyện “Hồng lâu mộng” cũng là dùng hình thức viết sách để truyền tải đạo lý, nhưng điều truyền đạt là cái lý khuyên con người nhìn thấu giả tướng như mộng huyễn của thế gian, khuyến con người ngộ đạo tu đạo. Để người đọc dựa vào quá trình Bảo Ngọc hiểu ra vận mệnh đã định của các chị em xung quanh mình, mà nhìn thấu được danh lợi tình, hiểu được đời người chính là vở kịch lớn mà ông trời đã định sẵn. Câu chuyện cũng thức tỉnh con người nên mau chóng ngộ đạo mà thoát khỏi bể khổ. Ngay tại hồi đầu tiên đã viết rõ lai lịch nhân vật trong truyện – nguyên vốn là một hòn đá mà Nữ Oa vá trời còn dư, đây là câu chuyện về chuyến hạ phàm của hòn đá.

Hòn đá ấy chính là Giả Bảo Ngọc ở nhân gian, vì ái mộ nhân gian mà khẩn cầu cao tăng và đạo nhân (vốn là hai vị Thần hóa thành) giúp cậu ta chuyển sinh hạ phàm, sau khi kết thúc chuyến du ngoạn nhân gian sẽ trở về đỉnh Thanh Ngạnh Phong, lại đem những việc mà bản thân đã trải qua ở nhân gian khắc lên thân mình, hy vọng gặp được người hữu duyên đem những câu chuyện mà cậu ta trải qua viết ra truyền cho con người, để không uổng công cậu hạ phàm xuống nhân gian. Kết quả đợi đến khi có Không Không đạo nhân đi cầu đạo ngang qua, nghe được câu chuyện của hòn đá bèn đem viết ra mang đến nhân gian. Đó là lai lịch của câu chuyện.

Mà vị Không Không đạo nhân này lại nhờ xem xong bộ truyện mà nhìn thấu được vận mệnh và nhân duyên của con người ở thế gian, hiểu được ái tình của hồng trần, giữa người với người bất kể là mối quan hệ gì cũng chỉ là có ân trả ân, có nợ trả nợ, duyên hết rồi thì đường ai nấy đi, đạo nhân vì vậy mà ngộ đạo đắc đạo. Điều này có ý là, tác giả bảo mọi người rằng khi xem và hiểu được bộ truyện thì đã tính là ngộ đạo. Bộ truyện tuyệt không phải viết về bi kịch của ái tình. Lâm Đại Ngọc vì để hoàn trả ơn tưới nước cam lồ của Giả Bảo Ngọc khi còn ở trên thiên thượng mà cùng hòn đá hạ phàm, thế nên cả đời của Lâm Đại Ngọc đều là nước mắt, cả đời không có việc gì được như ý. Mục đích của tác giả là thông qua những sự việc mà Giả Bảo Ngọc trải qua khi hạ phàm, hiểu được vận mệnh đã được định sẵn của các chị em xung quanh, mà cuối cùng ngộ đạo. Trong mắt tác giả, Bảo Ngọc chính là muôn vàn người chấp vào cái mê của nhân gian, thực ra mọi người đều đến từ thiên thượng, nếu như mê ở chốn này sẽ phải chịu đủ cái khổ của luân hồi, thực sự là bể khổ vô bờ!

Thế nên khi chúng ta đọc tiểu thuyết xưa thì nhất định phải hiểu được phần mở màn của câu chuyện, toàn bộ bộ truyện thường sẽ thể hiện ra thiên ý, định số, ý chí và dấu ấn của Thần Phật, mở ra ý cảnh cho người đọc, cho người đọc cảm thấy thần bí khó đoán. Các tác giả của tứ đại danh tác đều là dùng truyện mà truyền tải đạo lý, khuyên bảo con người nên tu đạo để sớm ngày ngộ đạo hoặc là làm người cần trọng đức hành thiện, sống cần phải tuân theo nghĩa lý. Truyền đạt những lý niệm này vốn là hai mục đích lớn mà lịch sử của Thần châu (Trung Quốc) muốn đạt được, cũng là trách nhiệm căn bản của người đọc sách thời xưa. Vậy nên việc những tiểu thuyết này trở thành danh tác đều không phải là ngẫu nhiên. Còn trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa”, sau khi hai vị đế vương gặp nạn thì Đổng Trác tiến vào kinh thành và thừa cơ khống chế triều đình, Trác không những không khởi được tác dụng mà Hà Tiến mong muốn, ngược lại còn phế truất cả Hán Thiếu Đế.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/254804

[1] Đích trưởng tử: con trưởng của chính thê

[2] Tiên hạ thủ vi cường: ra tay trước thì chiếm được lợi thế

[3] Tứ đại danh tác gồm: Thủy Hử, Tam Quốc diễn nghĩa, Hồng Lâu Mộng và Tây Du Ký