Câu chuyện Lịch sử: Thiên đạo chí công chí chính

Tác giả: Trọc Thế Thanh Liên

[ChanhKien.org]

Theo ghi chép trong “Thương Thư”, một năm sau khi nhà Chu diệt nhà Thương, thiên tử nhà Chu là Vũ Vương lâm bệnh nặng. Chu Công lập đàn tế và cầu ba vị tiên vương nhà Chu (Thái Vương, Vương Quý, Văn Vương). Ông nguyện dâng tính mạng của mình, “Trưởng tôn của các ngài thân mang trọng bệnh. Con nguyện thay Vũ Vương phụng sự quỷ thần (ý là nguyện chết thay Vũ Vương). Thần luôn phục tùng và có chút khả năng. Con là người thích hợp hơn Vũ Vương để phụng sự quỷ thần. Vũ Vương tuân theo mệnh Trời làm chủ thiên hạ. Lòng người an định, nhất tâm kính thần. Xin hãy để Vũ Vương tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà ông Trời đã giao cho nhà Chu. Thỉnh tiên vương định đoạt.” Cầu khấn xong, Chu Công gieo quẻ xuất hiện điềm lành. Sử quan chép lại những lời khấn của Chu Công rồi đặt chúng vào một chiếc hộp kim loại để cất giữ. Ngày hôm sau, bệnh tình Vũ Vương thuyên giảm.

Sau khi Vũ Vương mất, Thành Vương lên ngôi còn Chu Công làm nhiếp chính. Chú của Thành Vương là Quản Thúc Tiên và những người em khác của ông ta tung tin đồn thất thiệt vu cáo Chu Công. Họ cấu kết với con cháu nhà Thương nổi dậy chống lại nhà Chu. Chu Công đông chinh trong hai năm và dẹp được loạn.

Tuy nhiên, Thành Vương đã nghe tin đồn của Quản Thúc Tiên và trở nên nghi ngờ Chu Công. Vào mùa thu khi Chu Công dẹp yên cuộc nổi dậy, mùa màng tươi tốt và sắp sửa thu hoạch. Đột nhiên, trời nổi sấm, chớp, và gió giật mạnh. Cây cối bị bật gốc, còn hoa màu thì đổ rạp. Ai nấy đều kinh sợ. Thành Vương cùng các đại thần vận triều phục, mở chiếc hộp kim loại ra và đọc được lời khấn của Chu Công năm xưa. Sau đó, họ tham vấn một số nhân chứng của sự việc năm đó và tất cả đều nói: “Đó là sự thật. Chu Công không muốn chúng thần công khai điều này.”

Thành Vương tin rằng sấm, chớp và gió giật là biểu thị cho sự giận dữ từ thiên thượng đối với ông, cũng như minh chứng cho công đức và phẩm cách của Chu Công. Đồng thời, những điềm báo này cũng thúc giục ông sửa chữa những sai lầm của bản thân. Vì vậy, khi Chu Công đông chinh trở về, Thành Vương đã đích thân xuất thành nghênh đón ông từ xa. Trời vẫn mưa nhưng gió bất ngờ đổi hướng, khiến cây trồng thẳng đứng trở lại.

Người xưa thực sự tin rằng “Trên đầu ba thước có thần linh.” Họ tin rằng các vị thần biết được mọi suy nghĩ của con người. Họ cũng tin rằng thần linh sẽ chỉ phù hộ những người có đức hạnh. Nói cách khác, ông Trời chính là vị thẩm phán công bình và vô tư nhất. Tất cả thiện ác trong nhân gian, nhất tư nhất niệm của con người, dù chỉ là ý tưởng lướt qua trong tâm trí chúng ta đều được nhìn thấy bởi vô số các vị thần. Vì vậy, nếu có bất kỳ hiện tượng dị thường nào xảy ra, các bậc minh quân và thánh hiền thời xưa sẽ tự xét xem hành vi của họ có chỗ nào trái với thiên đạo hay không. Nếu phát hiện điều gì không phù hợp, họ lập tức sửa sai. Không ai dám dối Trời. Một lần nọ, Khổng Tử ốm nặng. Học trò của ông là Tử Lộ cùng với các môn sinh khác muốn nâng cao vị thế của Khổng Tử, vì vậy họ đã tổ chức một ban tang lễ cho Khổng Tử, điều này là không phù hợp với các quy tắc và nghi thức tang lễ bấy giờ. (Căn cứ vào địa vị xã hội của Khổng Tử, ban tang lễ chỉ nên được thành lập sau khi ông qua đời.) Sau đó, Khổng Tử đã khỏe lại. Biết được điều này, ông đã rất tức giận. Ông nói: “Ta lâm bệnh đã lâu. Những gì Tử Lộ làm thật hồ đồ. Ta không đủ tư cách để có một ban tang lễ khi còn tại thế, nhưng các trò đã làm vậy. Ta gạt ai đây? Không phải ta đã gạt Trời ư?” Điều này cho thấy Khổng Tử đã tôn kính các vị thần đến mức nào! Ông Trời có thể thấy được lòng trung thành của Chu Công đối với nhà Chu, nhưng Thành Vương lại nghi ngờ ông. Bởi vậy, ông Trời đã sử dụng sấm, chớp và gió giật để cảnh báo Thành Vương. Sau khi Thành Vương biết lỗi và sửa sai, ông Trời đã khích lệ bằng cách đảo ngược hướng gió. Người ta thường nói “ông Trời có mắt”. Điều này tuyệt đối đúng.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2008/6/25/53497.html

http://www.pureinsight.org/node/5429