Câu chuyện đạo đức truyền thống Trung Hoa (Đễ) (1): Thái Bá hái thuốc

Tác giả: Thiện Duyên

[ChanhKien.org]

Vào những năm cuối triều Thương ở Trung Quốc, có một người hiếu thảo và tận tụy, họ Cơ, tên Thái Bá, là con trai cả của vua Chu Thái Vương (một chư hầu của nhà Thương), Cơ Thái Bá có hai người em trai, người em đầu tên Trọng Ung, và người em út tên Quý Lịch. Con trai của Quý Lịch tên Cơ Xương, sau còn gọi là Chu Văn Vương. Khi Chu Văn Vương ra đời, có một đôi chim màu đỏ son, miệng ngậm một đan thư, đậu trên cửa, biểu thị điềm lành cho sự ra đời của thánh nhân.

Chu Thái Vương thấy được Quý Lịch sinh con trai có tướng mạo tốt lành, lại thấy cháu đích tôn Cơ Xương quả thực tài giỏi hơn người, cho nên Chu Thái Vương rất muốn truyền ngôi cho con trai út là Quý Lịch, để Quý Lịch truyền ngôi cho Cơ Xương. Thái Bá biết ý nguyện vua cha, bèn bàn với người em là Trọng Ung để tuân theo ý muốn của cha. Lúc này, đúng lúc Chu Thái Vương mắc trọng bệnh, vì thế Thái Bá cùng Trọng Ung lấy cớ đi hái thuốc bèn rời khỏi nước Chu đến vùng đất Kinh Man ở phía Nam, một là tránh để phụ vương phái người truy hỏi; hai là muốn bày tỏ nguyện vọng nhường ngôi vị cho Quý Lịch để cha dễ dàng thực hiện ý nguyện.

Khi phụ thân qua đời, Thái Bá và Trọng Ung không trở về dự tang lễ, vì vậy việc Quý Lịch kế thừa ngai vàng là lẽ hợp lý. Lúc ấy có rất nhiều người đến Kinh Man tìm kiếm Thái Bá, vì để không ai nhận ra mình, Thái Bá liền cắt tóc xăm mình.

Quý Lịch cũng rất nhân từ phúc hậu, nhìn thấy hai anh trai nhường nhịn mình như thế, nên cũng không phụ sự mong đợi của mọi người. Ông cai quản quốc gia vô cùng tốt đẹp, cuối cùng truyền ngôi cho con trai Cơ Xương, cũng chính là vị vua Chu Văn Vương nổi tiếng trong lịch sử.

“Thái Bá tam dĩ thiên hạ nhượng” (Thái Bá ba lần đem thiên hạ nhường cho người khác). Ông tác thành tâm nguyện của phụ mẫu, cũng tác thành 800 năm thịnh vượng của triều Chu và tác thành nếp sống tốt đẹp toàn xã hội. Về sau, Khổng Tử khen ngợi Thái Bá là con người đạt tới cảnh giới đức hạnh cao nhất.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/269859