Thần thoại hỗn loạn và tư tưởng triết học truyền thống (Phần 5)

Tác giả: Arnaud H

[ChanhKien.org]

Từ “triết học” chữ Latin là “Philosophia”, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ đại “φιλοσοφία”, là sự kết hợp của “Philos” nghĩa là tình yêu, và “Sophia” nghĩa là trí tuệ, có nghĩa là “tình yêu trí tuệ”. Điều này tương tự như “từ bi” và “huệ ngộ” trong Phật giáo, hay “tình yêu” trong Cơ Đốc giáo, chỉ là những cách thể hiện khác nhau dưới những bối cảnh văn hóa khác nhau mà thôi. Nói cách khác, đó đều là những phương pháp tu luyện khác nhau.

Người hiện đại thường quen nhìn người xưa dưới con mắt người hiện đại. Đặc biệt là một số “người theo chủ nghĩa duy vật” khi xem xét về quan điểm của Thales “nước là nguồn gốc của vạn vật”, thì đoạn chương thủ nghĩa nói rằng, ông theo “chủ nghĩa duy vật” mà cố ý quên rằng vị hiền triết này cũng từng nói “vạn vật đều có linh”.

Trên thực tế, một người tu luyện sau khi khai trí khai huệ đều có cái nhìn sâu sắc đối với vạn sự vạn vật, và có tầm hiểu biết vượt xa người thường về cả vĩ mô và vi mô. Có thể thấy rằng 2.600 năm trước, Thales, người đưa ra chủ trương hai điểm này đã giác ngộ và khai mở trí huệ.

Thales cũng tin rằng, Trái Đất được đặt trên mặt nước, điều này gợi nhớ đến ghi chép của Phật gia rằng Núi Tu Di (Sumeru) ở trên mặt nước. Nếu chú ý một chút đến tầng tầng vũ trụ và các không gian khác được mô tả trong kinh sách, người ta sẽ ngạc nhiên trước những khái niệm rộng lớn và tất cả các chi tiết bao trùm vạn vật của nó.

Nhiều người hiện đại nói: “Tôi không hiểu tại sao người xưa lại có trí tưởng tượng phong phú đến vậy”. Họ thực sự cho rằng, những mô tả về các không gian khác trong hàng vạn cuốn kinh Phật và Đạo tạng đều là do người xưa hư cấu biên tạo nên. Cần phải biết rằng, một người có tư duy logic bình thường không thể quy kết hết thảy điều này là do trí tưởng tượng của người xưa, bởi vì môi trường xã hội cổ đại rất đơn giản, tư duy của người xưa cũng đơn giản hơn người hiện đại, họ cũng không thể có khả năng tưởng tượng siêu thường như thế được. Những chi tiết tường tận về các không gian khác, cũng như tính nhất quán của các tôn giáo trên thế giới khi miêu tả về chúng, kỳ thực chính là những điều mà các nhà thuyết giáo và những người tu luyện nhìn thấy, nghe thấy và đích thân trải nghiệm.

Tác phẩm “Phaedo” của Plato ghi lại những mô tả chi tiết của Thánh nhân Socrates về Trái Đất ở không gian khác trước khi ông qua đời, gồm sự cấu thành của quả cầu, màu sắc của đất, sự rực rỡ của cây cối, hình dạng của đá quý và các chi tiết khác. Nhưng những đoạn văn dài này, về cơ bản bị các học giả triết học hiện đại bỏ qua. Nhân loại được tạo ra bởi khoa học hiện đại, ngay cả những điều mà họ nhìn thấy tận mắt mà còn coi chúng như thể không tồn tại, thế thì làm sao họ có thể hiểu được chân lý của “tình yêu trí tuệ”?

Trong cuốn “Siêu hình học” (Metaphysica), Aristotle đã giải thích sự hiểu biết về nước từ góc độ Thần thoại: “Một số người nghĩ rằng, ngay cả những người cổ đại cách xa thời nay, trong mô tả ban đầu của họ về Thần cũng có những quan điểm tương tự về tự nhiên. Chẳng hạn, họ cho rằng Thần Oceanus (vị Thần cai quản đại dương sông ngòi bao quanh tất cả các vùng đất trên thế giới) và Thần Thetis (nữ thần biển cả ban đầu) là cha mẹ sáng tạo ra thế giới. Trong các câu chuyện, các vị Thần thường chỉ vào nước và thề, và gọi nó là “Styx” (Styx, con gái của hai vị Thần nói trên). Những sự vật lâu đời nhất cũng được kính trọng nhất, và sự vật mà người ta thề hẳn phải là sự vật thần thánh, thiêng liêng nhất”.

Đoạn văn này của Aristotle tham chiếu phả hệ Thần thoại phiên bản của Homer. Styx là con gái của hai vị Thần nguyên thủy Hy Lạp Oceanus và Thetis, cai quản sông Styx. Mặc dù thuộc về các Thần Titan cổ đại, Styx đã đứng về phía Zeus trong cuộc chiến Titan (Titanomachy). Sau chiến thắng, tên của cô đã trở thành biểu tượng của sự linh thiêng và danh dự trong các vị Thần trên đỉnh Olympus, vì vậy sau này các vị Thần lấy tên Styx để thề. Theo Homer, lời thề nhân danh Styx là lời thề thiêng liêng nhất, và bất kỳ vị Thần nào làm trái lời thề này sẽ bị trừng phạt.

Trong quan niệm của con người ngày nay, vật chất chỉ là bản thân vật chất. Tuy nhiên, nếu dùng quan niệm hiện đại này để nghiên cứu các tác phẩm của người xưa thì sẽ hiểu sai hoàn toàn về vật chất được đề cập trong triết học Hy Lạp cổ đại. Đặc biệt bắt đầu từ thời Xô viết, một số triết gia Hy Lạp cổ đại bị gán cho là “chủ nghĩa duy vật” một cách có chủ ý. Họ đều là người tín Thần, các vật chất và nguyên tố mà họ nói đến đều liên quan mật thiết đến các vị Thần, tuyệt đối không thể tách chúng ra thành hai thứ để xem xét độc lập được.

Trong đó quan điểm triết học tiêu biểu nhất là thuyết bốn nguyên tố của Hy Lạp cổ đại cách đây khoảng 2.500 năm, tức là bốn nguyên tố cơ bản “đất, nước, lửa và khí” cấu thành thế giới. Nhiều người cho rằng đây là “chủ nghĩa duy vật”. Nếu đúng như vậy, cùng thời đó ở Ấn Độ cổ Đức Phật Thích Ca cũng nói về “tứ đại” gồm “đất, nước, lửa và gió”, chúng có giống nhau không? Nó cũng được coi là “chủ nghĩa duy vật” sao?

Ở Hy Lạp cổ đại, một số lý thuyết về nguyên tố đã tồn tại trong lĩnh vực tôn giáo hoặc tu hành học thuật từ rất lâu (người xưa không có khái niệm học thuật hiện đại, và việc nghiên cứu học thuật và khám phá chân lý được coi là việc tu hành đến gần với Thần linh). Theo ghi chép lịch sử triết học thì lý thuyết bốn nguyên tố này là của nhà triết học và thầy chiêm tinh Hy Lạp cổ đại Empedocles vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, lý thuyết này bắt nguồn từ thần học Hy Lạp cổ đại. Tóm lại, nó xuất phát từ bốn vị Thần chính: Thần Zeus, vị Thần Vương là hiện thân của nguyên tố “Lửa”, vì ông phụ trách bầu trời, ánh sáng và sấm sét. Thần Hera, vị Thần Hoàng Hậu là mẹ của sự sống, nghĩa là nguyên tố “Khí”. Thần Biển Poseidon, người anh em của vị Thần Vương, tượng trưng cho nguyên tố “Nước”. Còn người anh em khác của Thần Zeus là Diêm Vương Hades cai quản cõi âm, và cũng là người thống trị các khoáng chất dưới lòng đất, vì vậy tương ứng với nguyên tố “Đất”.

Có thể thấy, các sự vật khác nhau đều được cấu tạo bởi các yếu tố vật chất này, và ở các mức độ khác nhau, có các yếu tố Thần linh khác nhau tham gia vào. Lấy một ví dụ đơn giản với các vật liệu mỹ thuật quen thuộc, chẳng hạn như bột màu. Các loại bột màu ban đầu về cơ bản có nguồn gốc từ khoáng chất dưới lòng đất và chứa các nguyên tố Đất. Trong quá trình xay nghiền bột này từ nguyên liệu thô, nó cần được nước rửa sạch, làm sạch bằng phương pháp lỏng, thêm chất kết dính v.v., và sẽ chứa nguyên tố Nước. Khi sản xuất bột màu, cần phải trải qua quy trình nung và làm khô trong khí, nên có yếu tố Lửa và yếu tố Khí tham gia. Do đó, bột màu bao gồm có Đất, Nước, Lửa và Khí tạo thành. Và vì có Thần đứng sau những yếu tố này, nên chất liệu màu có đặc tính liên hệ với Thần ở phía sau. Thế nên người xưa cho rằng những đồ vật do Thần làm ra hoặc do Thần dạy con người tạo ra, thì cần phải sử dụng cho đúng đắn, chẳng hạn như dùng để vẽ Thần linh, dùng các bức tranh để ca ngợi công đức của Thần, đều có thể phát huy thần tính trong đặc tính của cả chất liệu màu này.

Ảnh minh hoạ: Sơ đồ của bốn nguyên tố trong không gian vũ trụ vĩ mô do học giả người Anh Robert Fludd vẽ vào năm 1617. Hình vẽ này lấy Trái Đất làm trung tâm, từ trong ra đến ngoài lần lượt là phạm vi của bốn nguyên tố trong vũ trụ: Đất (Terra, tức là Trái Đất nằm ở vị trí thấp nhất trong hình), Nước (Aqua), Khí (Aer) và Lửa (Ignis). [Lưu ý: thứ tự của bốn nguyên tố có thể khác nhau theo các lý thuyết và cấp độ khác nhau]. Vũ trụ quan về các nguyên tố cổ đại đã thịnh hành trong lý luận về âm nhạc và nghệ thuật cổ đại trong thời gian dài. Bức tranh này toát lên sự hài hòa của âm nhạc, mô tả rằng âm nhạc có thể thể hiện thiên nhiên và vũ trụ thông qua cấu trúc âm thanh riêng biệt của bốn nguyên tố.

Lý luận bốn nguyên tố đã tồn tại ít nhất 2.000 năm trong quá khứ. Ngay cả trong thời kỳ Phục hưng, lý luận hội hoạ của Leonardo da Vinci cũng dựa trên lý thuyết về màu sắc trên cơ sở bốn nguyên tố, so với lý thuyết màu sắc của Michel-Eugène Chevreul hay Jean-Georges Vibert, vốn nổi tiếng trong giới mỹ thuật phương Tây cận đại, rõ ràng nó còn thuần phác cổ xưa hơn nhiều.

Ghi chú:

Vũ trụ quan: Sự xem xét, suy nghĩ về trời đất, vạn vật và những sự biến đổi của trời đất, vạn vật, hoặc nói cách khác, vũ trụ quan là quan niệm của chúng ta về những định luật diễn hóa của vũ trụ, vạn vật.

(Còn tiếp)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/26806