Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (17)

Tác giả: Lưu Như

[Chanhkien.org]

Nguyên văn

有連山(1),有歸藏(2),

有周易(3),三易(4)詳(5)。

有典謨(6),有訓誥(7),

有誓命(8),書(9)之奥(10)。

Bính âm

有(yǒu) 連(lián) 山(shān), 有(yǒu) 歸(guī) 藏(cáng),

有(yǒu) 周(zhōu) 易(yì), 三(sān) 易(yì) 詳(xiáng)。

有(yǒu) 典(diǎn) 謨(mó), 有(yǒu) 訓(xùn) 誥(gào),

有(yǒu) 誓(shì) 命(mìng), 書(shū) 之(zhī) 奥(ào)。

Chú âm

有(一ㄡˇ) 連(ㄌ一ㄢˊ) 山(ㄕㄢ),

有(一ㄡˇ) 歸(ㄍㄨㄟ) 藏(ㄘㄤˊ),

有(一ㄡˇ) 周(ㄓㄡ) 易(一ˋ),

三(ㄙㄢ) 易(一ˋ) 詳(ㄒ一ㄤˊ)。

有(一ㄡˇ) 典(ㄉ一ㄢˇ) 謨(ㄇㄛˊ),

有(一ㄡˇ) 訓(ㄒㄩㄣˋ) 誥(ㄍㄠˋ),

有(一ㄡˇ) 誓(ㄕˋ) 命(ㄇ一ㄥˋ),

書(ㄕㄨ) 之(ㄓ) 奧(ㄠˋ)。

Âm Hán Việt

Hữu Liên Sơn, Hữu Quy Tàng,
Hữu Chu Dịch, Tam dịch tường.
Hữu Điển Mô, Hữu Huấn Cáo,
Hữu Thệ Mệnh, Thư chi áo.

Tạm dịch

Có sách “Liên Sơn”, có sách “Quy Tàng”
Có sách “Chu Dịch”, ba Dịch rõ ràng.
Có thiên “Điển Mô”, có thiên “Huấn Cáo”
Có thiên “Thệ Mệnh”, sách rất thâm sâu.

Từ vựng

(1)Liên Sơn (連山): tên sách, tương truyền là do Phục Hy viết, có truyền thuyết khác cho rằng đây là cuốn sách bói thệ [1] thời nhà Hạ. Sách này lấy quẻ Cấn đứng đầu, Cấn tượng trưng cho núi, cho nên được gọi là “Liên Sơn”. Sách này đã thất truyền.

(2)Quy Tàng (歸藏): tên sách, tương truyền là do Hoàng Đế viết, có truyền thuyết khác cho rằng đây là cuốn sách bói thệ của triều Thương. Sách này lấy quẻ Khôn đứng đầu, Khôn tượng trưng cho đất, đất là nơi ẩn chứa tàng trữ vạn vật, cho nên gọi là “Quy Tàng”. Hiện đã thất truyền.

(3)Chu Dịch (周易): tên sách, ‘Dịch’ có nghĩa là biến hóa, khởi nguồn của “Chu Dịch” là Hà Đồ và Lạc Thư. “Sử Ký” viết rằng: “Văn Vương câu nhi diễn Chu dịch” (Văn Vương trong lúc bị giam giữ mà phát triển Chu Dịch), chính là nói Chu Văn Vương suy diễn từ Tiên Thiên Bát Quái của Phục Hy thành Hậu Thiên Bát Quái, hiện nay gọi là “Chu Dịch”. Có thể dùng để xem bói.

(4)Tam Dịch (三易): chỉ ba cuốn “Liên Sơn”, “Quy Tàng” và “Chu Dịch”.

(5)Tường (詳): rõ ràng, nói rõ, kỹ càng đầy đủ.

(6)Điển Mô (典谟): phân loại kiểu chương, thiên trong sách “Thượng Thư” (Thư Kinh). “Điển” là bài viết ghi chép lại những sự tích của các đế vương, như chương “Nghiêu Điển”; “Mô” là kể lại những lời bàn bạc thương nghị giữa quân thần với nhau, như chương “Cao Đào Mô”.

(7)Huấn Cáo (訓誥): phân loại kiểu chương, thiên trong sách “Thượng Thư” (Thư Kinh). “Huấn” là chỉ những lời dạy bảo, như chương “Y Huấn”; “Cáo” là chỉ những văn thư nhắc nhở răn đe hoặc thăm hỏi khích lệ, như chương “Khang Cáo”.

(8)Thệ Mệnh (誓命): phân loại kiểu chương, thiên trong sách “Thượng Thư” (Thư Kinh). “Thệ” là chỉ những lời tuyên thệ, như chương “Cam Thệ”; “Mệnh” là chỉ những chiếu lệnh của quân vương, như chương “Cố Mệnh”.

(9)Thư (書): chính là chỉ sách “Thượng Thư”.

(10)Áo (奥): ảo diệu tinh thâm.

Dịch nghĩa tham khảo

Ba cuốn sách “Liên Sơn”, “Quy Tàng” và “Chu Dịch” được gọi chung là “Tam Dịch”. “Tam Dịch” là một cuốn sách dùng hình thức “Quái” (quẻ) để nói rõ tường tận đạo lý của sự biến hóa của vạn sự vạn vật trong vũ trụ, đồng thời chỉ dạy con người làm thế nào để an thân lập mệnh.

Có Điển, Mô, có Huấn, Cáo, còn có Thệ, Mệnh, đây là sáu loại hình thức văn chương và là chỗ đạo lý tinh hoa huyền diệu thâm sâu nhất của “Thượng Thư”.

Đọc sách luận bút

Trong bài trước, đã đề cập đến Tứ thư Lục kinh mà ta phải đọc của Nho gia, trong bài học này bắt đầu tập trung nói về “Dịch Kinh” và “Thư Kinh” trong Lục kinh. Điều đáng chú ý là trình tự của sáu bộ kinh được giải thích ở đây. Rõ ràng “Dịch Kinh” được đặt lên hàng đầu, tức là vị trí thứ nhất của Lục kinh. Vì sao như vậy? “Dịch Kinh” chẳng phải là học thuyết của Đạo gia sao? Tại sao lại đặt nó ở vị trí đầu tiên?

Thực ra trong bài trước đã nói, trước thời Khổng Tử thì không có trường phái Nho gia, những Nho gia trước thời Khổng Tử kỳ thực là những người ở nhiều thế hệ phụ trách giáo dục con em quý tộc và các hoạt động cúng tế trọng đại của quốc gia. Họ là những người chỉnh lý, kế thừa và là người giáo dục văn hóa thời cổ đại. Vì vậy, họ tinh thông văn hóa cổ đại, Khổng Tử cũng là kế thừa sứ mệnh của một dòng họ Nho gia. Trên thực tế là chỉnh lý lại các sách cổ về văn hóa và giáo dục cổ đại.

Dân tộc Trung Hoa được gọi là con cháu Viêm Hoàng, cũng chính là con cháu của Thần Nông và Hoàng Đế. Thần Nông đã nếm trăm loại thảo mộc để phân biệt ra thảo dược và độc dược để trị bệnh. Hoàng Đế là ông tổ của Trung y, người đã viết ra sách “Hoàng Đế Nội Kinh”, đã trở thành bảo điển (sách quý) của y thuật trong mấy nghìn năm, y lý cơ bản của nó chính là lý âm dương của “Dịch Kinh”. Sách này cho rằng cơ thể con người là một tiểu vũ trụ, muốn khỏe mạnh và trường thọ thì phải thuận theo đạo tự nhiên, hết thảy sự vật đều do âm dương tạo thành, nếu âm dương được điều hòa và cân bằng thì vạn vật tràn đầy sức sống. Cơ thể con người cân bằng âm dương thì sẽ không có bệnh tật, âm dương mất cân bằng thì sẽ có thiên tai và nhân họa, bên trong cơ thể con người cũng vậy, mất cân bằng sẽ sinh bệnh. Trước tiên xem trọng dưỡng sinh, sau mới là trị bệnh, bảo trì cân bằng âm dương trong cơ thể là mục đích cần đạt được của nguyên tắc cơ bản và việc trị bệnh thực tế của tất cả các bệnh lý. Vì vậy, văn hóa cổ xưa của Trung Quốc, từ y thuật, nấu ăn cho đến trị quốc, đều là một đạo lý, xuất phát từ văn hóa tu Đạo của các bậc đế vương thời thượng cổ, đều không thể tách rời đạo lý của “Dịch Kinh”.

Phục Hy là thủy tổ của người Trung Hoa, là người đứng đầu Tam Hoàng (Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế), là ông tổ của “Dịch Kinh”, và là vị đế vương thời thượng cổ khai sáng ra nền văn hóa Thần truyền Hoa Hạ cổ xưa. Ông thông tỏ lý của vũ trụ thiên địa, ông lưu lại cuốn “Liên Sơn”, là sách Dịch Kinh cổ xưa nhất để hỗ trợ các vị đế vương sau này cai quản bách tính thiên hạ. Vì vậy, nó là yếu điển (sách quan trọng) để trị quốc, không thể không biết.

Thông qua việc học tập “Dịch Kinh”, người ta có thể nắm vững được đạo biến hóa của vạn sự vạn vật trong trời đất, cũng có thể biết được cách an thân lập mệnh. Đối với người trị quốc và làm quan, thì đây là tri thức và đạo lý mà phải thấu hiểu trước hết. Vì vậy mà “Dịch Kinh” là tác phẩm đứng đầu Lục Kinh.

Tiếp theo chính là “Thư Kinh”, cũng gọi là “Thượng Thư”, nhất định phải hiểu các dạng văn thư này và nắm vững được sự huyền diệu thâm sâu trong cách dùng của nó mới có thể phụ trợ bậc đế vương, hay quân vương trị vì thiên hạ và quốc gia. Ví dụ như khởi thảo chiếu lệnh, chế định quốc sách, ghi chép sử sách, có chính sự (việc quốc gia) nào mà không cần ghi chép và sử dụng văn thư đâu? Các thể văn chương được dùng trong chính sự, và chỗ huyền diệu thâm sâu trong cách dùng của nó, đều phải học tỏ tường mới có thể phụ tá chính sự, quản lý bách tính.

Nói thẳng ra, giáo dục của Nho gia là kế thừa tri thức cổ xưa của Đạo gia, bồi dưỡng nên nhân tài tinh thông việc trị quốc, mà Khổng Tử chính là đã tuân theo trí tuệ cổ xưa, đưa đức hạnh của bậc quân tử lên hàng đầu. Trong thời kỳ loạn thế Xuân Thu Chiến Quốc, ông đã cố gắng hết sức để quy chính đạo đức đang bại hoại, cho nên ông chu du các nước, tuyên dương đạo trị quốc của bậc quân tử, thực tế là phục hưng truyền thống của bậc đế vương cổ xưa. Ông tuyển nhận đệ tử mà không phân biệt thân phận địa vị giàu sang hay không, thiết lập nền giáo dục, đào tạo bậc quân tử chân chính, chỉ mong lấy đức giáo hóa thiên hạ, bách tính không còn lo lắng, thiên hạ sẽ thái bình. Đây mới là mục đích giáo dục của Khổng Tử.

Câu chuyện: Hai giấc mơ của tú tài

Có một tú tài lần thứ ba lên kinh ứng thí, trước hôm thi hai ngày anh ta có hai giấc mơ. Giấc mơ thứ nhất là mơ thấy mình trồng cải trắng trên tường; giấc mơ thứ hai là mơ thấy mình đội mũ lá rộng vành lúc trời mưa mà lại còn cầm ô che.

Tú tài nghĩ hai giấc mơ này có lẽ còn có ý nghĩa sâu xa gì khác nữa, thế là anh ta liền nhanh chóng đi tìm thầy bói để giải mộng. Thầy bói vừa nghe xong, liền vỗ đùi nói: “Anh hãy về nhà đi thôi. Anh nghĩ xem, trên tường cao mà đi trồng rau chẳng phải là phí công hay sao? Đội mũ lá rộng vành rồi mà lại còn che ô thì chẳng phải làm điều thừa hay sao?”

Tú tài vừa nghe xong, nản lòng thoái chí, quay lại quán trọ thu dọn đồ đạc chuẩn bị về nhà. Chủ quán trọ thấy vậy lấy làm lạ bèn hỏi: “Ngày mai anh mới thi cơ mà, sao hôm nay đã về quê vậy?”

Sau khi tú tài nói rõ đầu đuôi, chủ quán trọ lại vui mừng nói: “Tôi lại thấy khác, lần này anh nhất định phải ở lại đây để thi. Anh nghĩ xem, trên tường mà trồng rau chẳng phải là trồng giỏi hay sao? Đội mũ rộng lá vành lại che ô chẳng phải nói rõ rằng lần này anh đã có phòng bị trước nên sẽ tránh được tai họa sao? Tú tài nghe xong, cảm thấy rất có lý, thế là tinh thần phấn chấn tham gia kỳ thi, quả nhiên đã đỗ Thám hoa (bậc học vị thời xưa dưới Trạng nguyên và Bảng nhãn).

Có thể thấy, cùng một thiên tượng mỗi người sẽ giải thích khác nhau, không có đạo hạnh chân chính, sẽ đọc mà không hiểu “Dịch Kinh”, nhất định phải là tầng thứ của người tu Đạo, mới có thể vận dụng thành thạo. Nhưng đạt tới tầng thứ này, cũng sẽ không sử dụng tùy tiện để can thiệp vận mệnh của con người, mà là làm thuận theo thiên ý.

Cổ nhân hiểu được rằng thiên cơ là không thể tiết lộ, mỗi người chính là trong thật thật giả giả dựa vào ngộ tính mà đi con đường của mình. Cổ nhân đã hiểu được rằng không thể trái thiên ý, nhưng cũng hiểu được thiên cơ là bất khả lộ. Khi vận dụng “Dịch Kinh”, thì phải làm theo tư tưởng ‘mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’. Cho nên mặc dù dùng thiên tượng phán đoán cát hung rồi, nhưng trước sau gì thì cũng là ở trong mê, nên người ta sẽ căn cứ vào lĩnh ngộ của mình mà xử lý, không cần biết suy đoán là đúng sai thế nào, chỉ cần ôm giữ một thái độ nghe theo thiên mệnh, làm mà không cầu, làm hết sức mình là tốt rồi. Cho nên, sự lựa chọn của tú tài là đúng. Khi không có cách nào xác định chân tướng, thì chỉ cần làm những việc mà một người tốt nên làm là được. Điều quan trọng hơn là trong lòng không hổ thẹn, nên không cần để ý đến kết quả.

Nếu đã là thiện ác hữu báo, trời định vận mệnh của con người, thì cũng có ý là nhân mệnh họa phúc mà trời định đều căn cứ trên hành vi thiện ác của bản thân con người mà quyết định. Do đó, làm hết sức mình, nghe theo thiên mệnh, tích đức nhiều mới là căn bản, không cần chấp trước lo lắng thái quá vào được mất vinh nhục của mình.

Cũng chính vì điều này mà Nho gia không quá liên quan đến tu Đạo ở cao tầng, mà chỉ giảng ra cho con người cái lý của tầng thứ này. Chỉ cần làm người nhân đức, thì sẽ tích đức, sẽ có thiện báo, vận mệnh tự nhiên sẽ chuyển biến tốt đẹp, bởi vì đây là cách duy nhất để cải biến vận mệnh họa phúc do trời định. Cho nên, Khổng Tử chỉ giảng đạo làm người như thế nào, làm thế nào để làm người cao thượng, đặt điều này ở vị trí đầu tiên.

[1] Bói cỏ thi. Như: “bốc thệ” 卜筮 bói xấu tốt (dùng mai rùa gọi là “bốc”, dùng cỏ thi gọi là “thệ”).

Video:

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/245313