Tâm hướng Đạo của người xưa: Hạ Tri Chương từ quan để cầu Đạo

Tác giả: Điền Duyên

[ChanhKien.org]

Thời xưa, từ hoàng đế đến đại thần, cho đến cả những người phổ thông nhất, rất nhiều người đều có tâm hướng Đạo. Đặc biệt là có rất nhiều hoàng đế tôn sùng Đạo giáo.

Hạ Tri Chương gặp tiên, từ quan đi tìm Đạo

Đối diện với nhà Hạ Tri Chương có một cái cổng nhỏ, thường thấy có một lão nhân cưỡi lừa ra vào. Qua tuổi 50, 60 mà y phục và sắc mặt của lão nhân vẫn như cũ không có gì thay đổi. Cũng không ai nhìn thấy người nhà của lão nhân ấy. Hạ Tri Chương bèn dò hỏi hàng xóm, mọi người đều nói rằng đó là Vương lão bán dây thừng xỏ tiền ở chợ phía Tây, ngoài ra không có nghề nghiệp gì khác. Hạ Tri Chương nhìn ra được rằng ông ấy không phải là người phàm. Hạ Tri Chương vào những ngày nhàn rỗi thường đến chỗ của lão nhân, được ông lão đón tiếp rất cung kính cẩn thận. Hạ Tri Chương bèn hỏi ông làm nghề gì, lão nhân trả lời một cách rất tự nhiên. Do thường xuyên lui tới chỗ lão nhân, nên Hạ Tri Chương càng ngày càng tôn kính ông, các câu chuyện trong lúc chuyện trò cũng nhiều lên và khi nói chuyện lão nhân thường nói rất nhiều về thuật luyện đan tu Đạo. Hạ Tri Chương thường ngày vốn rất tin tưởng và tôn kính Đạo giáo, do đó muốn bái lão nhân làm thầy. Sau đó Hạ Tri Chương và phu nhân lấy ra một viên minh châu, ông nói rằng đã có được viên minh châu này khi còn ở quê nhà và đã gìn giữ nhiều năm, nay hiếu kính dâng lên lão nhân, cầu xin lão nhân truyền thụ Đạo pháp.

Lão nhân nhận vật phẩm xong bèn đưa viên minh châu cho một đồng tử, bảo đồng tử đi mua bánh, đồng tử đem viên minh châu đổi được hơn 30 cái bánh nướng nhưng không hề mời Hạ Tri Chương ăn. Hạ Tri Chương thầm nghĩ: viên bảo châu là ta có lòng tặng lão nhân, lão nhân lại dùng tuỳ tiện như thế. Trong lòng cảm thấy rất không vui. Lão nhân phát giác ra tâm tình ấy bèn nói: “Đạo thuật có được là nhờ tâm, chứ đâu phải có được nhờ tranh đoạt? Cái tâm keo kiệt ấy nếu không bỏ thì Đạo thuật chẳng thể thành công. Ngươi cần đi vào thâm sơn cùng cốc, siêng năng toàn tâm toàn ý tìm tòi nghiên cứu nắm bắt Đạo thuật, đó không phải là thứ ở chốn chợ búa hay quan trường có thể truyền thụ được.” Hạ Tri Chương nghe xong cảm thấy rất tâm đắc, lĩnh ngộ được ý tứ của lão nhân, bái tạ lão nhân xong liền rời đi. Qua mấy ngày lão nhân cũng không thấy Hạ Tri Chương đâu. [Thì ra] Hạ Tri Chương đã lên triều xin từ quan để về quê tu Đạo. (trích theo Nguyên hoá ký ) [1]

Bá quan đưa tiễn đề thơ tặng, tấm lòng cầu đạo người người biết

Chúng ta ai cũng biết rằng người ở chốn quan trường đều hết sức chú trọng danh lợi. Hạ Tri Chương muốn từ quan cầu Đạo, chiểu theo cách nghĩ thông thường của chúng ta thì Đường Huyền Tông nên giữ ông lại. Đường Huyền Tông Lý Long Cơ không những không giữ ông lại mà còn cùng các quan tổ chức tiệc đưa tiễn rất long trọng. Trong bữa tiệc ấy có 39 vị văn nhân đề thơ, khen ngợi tâm hướng Đạo của Hạ Tri Chương. Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, thái tử Lý Hanh, hữu tướng Lý Lâm Phủ, tả tướng Lý Thích Chi, Vi Kiên, Vương Quản, Lý Quán, Khanh Đĩnh, Lý Bạch, Vương Vũ, Vu Doãn Cung, Tề Cán…đều có đề thơ cáo biệt. Có người có thể sẽ cho rằng Hạ Tri Chương tuổi đã cao rồi, Đường Huyền Tông cũng hy vọng ông từ quan. Nếu mà quả thật như suy nghĩ ấy thì cũng không cần đến tiệc tiễn đưa long trọng thế làm gì!

Trong những bài thơ đề tặng hôm ấy nổi tiếng nhất là bài thơ “Tống Hạ Tri Chương quy Tứ Minh” (Tiễn Hạ Tri Chương về Tứ Minh) của Đường Huyền Tông:

遗荣期入道,
辞老竟抽簪。
岂不惜贤达,
其如高尚心

Hán Việt:

Di vinh kỳ nhập đạo,
Từ lão cánh trừu trâm.
Khởi bất tích hiền đạt,
Kỳ như cao thượng tâm

Tạm diễn nghĩa:

Bỏ lại vinh hoa để nhập Đạo
Lão nhân giã biệt xong từ quan
Lẽ nào không tiếc người hiền đức
Chỉ mong có được tấm lòng cao thượng như vậy

Thơ (tạm dịch):

Bỏ vinh hoa, cầu Đạo
Giã biệt, lão từ quan
Người hiền sao không tiếc
Lòng ấy quý vô vàn

Và bài thơ “Tống Hạ Giám quy Tứ Minh ứng chế” (Ứng tác tiễn Hạ Giám về Tứ Minh) [2] của hữu thừa tướng Lý Lâm Phủ [3]:

挂冠知止足,岂独汉疏贤。
入道求真侣,辞恩访列仙。
睿文含日月,宸翰动云烟。
鹤驾吴乡远,遥遥南斗边

Âm Hán Việt

Quải quan tri chỉ túc, Khởi độc hán sơ hiền.
Nhập đạo cầu chân lữ, Từ ân phóng liệt tiên.
Duệ văn hàm nhật nguyệt, Thần hàn động vân yên.
Hạc giá ngô hương viễn, Dao dao nam đấu biên

Bá quan trong triều lấy làm hổ thẹn vì bản thân không buông bỏ được danh lợi, nên rất ngưỡng mộ và sùng bái đối với quyết định của Hạ Tri Chương. Còn riêng Đường Huyền Tông tuy thân là một minh quân nhưng cũng rất nể phục những người xuất gia tìm Đạo, nên [bài thơ ông làm] thực sự rất có phong vị.

Tiền nhân hậu quả đều là Đạo duyên

Đường Huyền Tông vì sao đối với việc xuất gia tìm Đạo của Hạ Tri Chương lại có phản ứng mạnh như vậy? Bởi đó không phải chỉ đơn thuần là chí hướng của Hạ Tri Chương mà còn là chí hướng chung của vua Đường Huyền Tông và bá quan văn võ trong triều. Người xưa quả là rất có lòng hướng đến việc tu Đạo.

Lý do thì cũng hết sức đơn giản. Đường Huyền Tông được mệnh danh là hoàng đế âm nhạc, truyền thuyết kể rằng Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi đều là Thần Tiên hạ thế, cùng xuống nhân gian với An Lộc Sơn đáng hận kia. Dương Quý Phi đến là để hầu hạ chăm sóc Đường Huyền Tông còn An Lộc Sơn là đến để nhắc nhở Đường Huyền Tông không được trầm mê trong cái phú quý của thế gian mà quên đi nguồn gốc [thực sự] của mình. Họ cùng đến từ một quần thể. Thế gian cũng giống như một vở kịch mà thôi.

Tể tướng Lý Lâm Phủ khi ấy cũng là thần tiên hạ thế. Đã từng có lần Thần Tiên đến tìm ông hỏi rằng ông muốn làm tể tướng hay muốn quay về ngôi nhà [thực sự] của các vị Thần Tiên, nhưng đáng tiếc là Lý Lâm Phủ lại bỏ lỡ cơ duyên hết lần này tới lần khác. Kết cục của ông ấy thật hết sức đáng buồn.

Thế gian con người giống như một vở kịch, không chỉ đúng trong quá khứ mà bây giờ vẫn vậy. Rất nhiều người chúng ta là đến từ thiên thượng (chúng ta cho rằng sau khi chết rồi sẽ lên thiên đàng chính là ý tứ này). Đương nhiên những người tin vào thuyết vô thần và sùng bái khoa học, về mặt thực chất thì họ đã chặt đứt con đường hồi thiên của chính mình. Những người vẫn còn có tín ngưỡng [trong thời kỳ hiện đại này] mới là những người có thêm một lần cơ hội quay về thiên thượng.

Người xưa hướng Đạo, con người ngày nay cũng nên như thế.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/265241

Theo hiểu biết của người dịch:

[1]: Nguyên hoá ký là một bộ truyện Thần Tiên nhiều tập do một người có họ Hoàng Phủ (không rõ tên) biên soạn vào cuối thời Đường

[2]: Tứ Minh: tên núi, nằm ở huyện Ngân, tỉnh Chiết Giang, về phía đông núi Thiên Thai. Núi có 36 ngọn, trên là phiến đá hình vuông trống rỗng, bốn mặt thủng lỗ như cửa sổ thấy rõ cả trăng sao, lúc nào cũng sáng sủa, vì thế gọi là núi Tứ Minh (thivien)

[3] Hai bài thơ của vua Đường Huyền Tông và tể tướng Lý Lâm Phủ rất đặc biệt và mang đậm phong vị của thơ Đường. Trong sự hiểu biết hạn hẹp của chúng tôi, BBT xin gửi đến quý độc giả bản dịch thô để mọi người tham khảo. Chúng tôi kính mong nhận được sự thông cảm và đóng góp từ quý độc giả để bản dịch được hoàn thiện hơn.