Nhân quả báo ứng: Chỉ vì hai câu thơ mà trượt trạng nguyên

Tác giả: Lục Văn

[ChanhKien.org]

Thời nhà Minh ở quê nhà chúng tôi có một vị thư sinh tuy tuổi còn trẻ nhưng đã học rộng, uyên bác. Một hôm chàng thư sinh tình cờ đi trên đường núi thì gặp một khe suối, nước suối sâu không quá cẳng chân, chỉ cần xắn ống quần lên là có thể lội qua được.

Khi chàng thư sinh cởi giày chuẩn bị lội qua suối thì bỗng nhiên thấy một cô nương từ xa đi đến, đứng bên cạnh và ngước nhìn chàng. Cô nương ấy độ chừng 17, 18 tuổi, dung mạo vô cùng xinh đẹp, dáng điệu phong thái cũng rất đoan trang. Chàng thư sinh thấy cô nhìn con suối mà chẳng nói gì, có vẻ vừa do dự vừa buồn rầu, dường như cô ấy muốn qua suối mà không có cầu để qua.

Chàng thư sinh nói: “Mỹ nhân, nàng muốn qua suối chăng?” Cô gái chỉ khẽ cười. Vị thư sinh lại nói: “Mỹ nhân, nàng muốn vượt qua suối nhưng đôi tất làm nàng khó đi, vậy tính sao đây?” Cô gái khẽ cúi đầu nhìn lại mình, vẫn mỉm cười tỏ vẻ rất e thẹn. Vị thư sinh vừa cười vừa nói: “Vậy để ta dùng lưng làm thuyền cõng nàng qua suối nhé?” Cô gái gật đầu đồng ý.

Rồi cô gái hai tay ôm lấy vai chàng thư sinh, chàng cũng giữ hai chân cô gái và cõng cô qua suối. Bóng của cô rọi xuống dòng suối trong veo, khiến chàng thư sinh bất giác khẽ ngâm lên hai câu thơ rằng: “Ngọc nữ độ ngân hà, hồng quần tráo lục ba…” (Ngọc nữ vượt sông Ngân; quần đỏ phủ sóng xanh…).

Chàng còn chưa kịp ngâm hết bài thơ thì đã đến bờ bên kia suối. Cô gái tuột xuống khỏi lưng vị thư sinh, ngâm tiếp theo hai câu thơ của chàng: “Chỉ nhân thi lưỡng cú, đoạt khước trạng nguyên khoa!” (Chỉ vì hai câu thơ, trượt mất khoa trạng nguyên). Vừa dứt lời cô gái liền biến mất. Chàng thư sinh cảm thấy rất kỳ lạ, sau đó đột nhiên hối hận hiểu ra: “Hoá ra đây là Thần Tiên đến thử lòng ta, biết hai câu thơ ta vừa ngâm có chút ý cợt nhả, không có phẩm cách cao thượng. Nữ thần không hài lòng với chuyện vừa rồi, nhưng vẫn ngâm tiếp hai câu thơ là ý gì nhỉ?” Chàng thư sinh lại nghĩ mãi không ra.

Về sau, vào khoa thi Ất Sửu năm Thiên Thuận thời vua Minh Anh Tông, chàng thư sinh năm ấy đã thi đỗ tiến sĩ đệ nhị. Lúc này chàng ta mới hiểu ra: “Ta vốn dĩ có thể thi đỗ trạng nguyên đệ nhất, nhưng chỉ vì hai câu thơ năm xưa để lộ ra những điều không lương thiện, nên Thần đã tước đi tư cách trạng nguyên của ta, giáng xuống làm tiến sĩ!”

Thần luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, chăm chú theo dõi và lắng nghe từng ngôn hành cử chỉ của chúng ta. Sao có thể không cẩn thận cho được?

(Theo Nhĩ thực lục của Lạc Quân thời nhà Thanh)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/57670