Nghĩa giải Tam quốc (7): Kết nghĩa đào viên, trọng ở lời thề

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Quan Vũ: Tướng mạo đường đường uy phong lẫm liệt

Sau khi Lưu Bị và Trương Phi gặp nhau, kế đến là sự xuất hiện của Quan Vũ. Trương Phi giọng như sấm rền, thế như ngựa phi, Quan Vũ thì tướng mạo và uy phong như Thần khiến người ta vừa thấy đã giật mình kinh sợ. Quan Vũ “mình cao chín thước, râu dài hai thước, mặt đỏ như gấc, môi như bôi son, mắt phượng mày ngài, oai phong lẫm liệt”. (1)

“Tướng mạo đường đường uy phong lẫm liệt” đến như thế, dáng vẻ thiên nhân của Quan Vũ dường như khiến người ta phải kinh sợ, thế nên không cần ngôn từ hoa mỹ để miêu tả ông, bởi toàn thân chính khí nên vì thế uy nghiêm cũng tự sinh ra. Người như vậy thì nhất định là người trung nghĩa, uy vũ bất khuất, khí chất kiên cường. Và cái vẻ ngoài tướng mạo đường đường uy phong lẫm liệt đó đã lọt vào mắt của Lưu Bị.

Chuyện là ngày hôm ấy Lưu Bị và Trương Phi gặp nhau rồi cùng vào quán uống rượu bàn chuyện, chẳng bao lâu sau thì nhìn thấy một đại hảo hán đẩy một cái xe đến trước quán rượu, bảo tiểu nhị mau chóng mang rượu lên, người này nói một lúc nữa sẽ đi tòng quân. Tất cả những chuyện ấy đều lọt vào mắt của Lưu Bị, Lưu Bị bèn đến mời đại hảo hán cùng ngồi chung, rồi mới tìm hiểu thân thế tên họ. Người đó là Quan Vũ, tự Vân Trường, người làng Giải Lương tỉnh Hà Đông (nay thuộc tỉnh Sơn Đông), 5 – 6 năm trước vì gặp chuyện bất bình vì dân trừ hại nên đã giết chết một tên cường hào ỷ thế hiếp người ở đó, do không thể không trốn nạn nên đã lưu lạc giang hồ đến tận đây, nghe nói rằng quan phủ đang chiêu quân diệt tặc nên đến ứng tuyển.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Quan Vũ chính là bậc anh hùng hào kiệt, trên đường gặp chuyện bất bình nên ra tay trượng nghĩa, vì có tin quan phủ chiêu mộ nghĩa quân giúp dân diệt trừ thảo tặc, nên trong lòng rất gấp rút, dự định đến ăn chút cơm rượu rồi đi đầu quân, vừa khéo lại gặp Lưu Bị và Trương Phi ở đây. Chúng ta có thể thấy ba nhân vật Lưu, Quan, Trương đức – chí tương đồng. Ba người chí hướng vốn đã hợp, họ hẹn sẽ cùng nhau đến gia trang của Trương Phi chuẩn bị chiêu mộ nghĩa binh và cùng nhau thương thảo chuyện diệt trừ thảo tặc.

Kết nghĩa ở đào viên, trọng ở lời thề

Theo đề nghị của Trương Phi thì nhà ông có một vườn đào, đương mùa hoa nở rộ, chi bằng ngày mai sẽ cho người lập hương án bái tạ trời đất kết thành huynh đệ, cùng nhau làm việc đại sự. Đó là nguồn gốc của câu chuyện kết nghĩa đào viên mà người ta quen thuộc nhất. Bởi vì ba người ở vườn đào kết bái thành huynh đệ nên câu chuyện này người ta cũng gọi là chuyện kết nghĩa đào viên.

Đó là hàm nghĩa ở tầng bề mặt nhất. Hàm nghĩa thực sự ở tầng thâm sâu hơn của kết nghĩa đào viên là họ đã phát thệ với trời đất, lời thề này mới là cái “nghĩa” mà ba người sẽ cùng nhau gìn giữ đến cùng. Nghĩa là họ kết thành huynh đệ, mục đích là để thực hiện chí nguyện chung được nêu trong lời thề ấy. Đây mới là chi tiết quan trọng nhất của câu chuyện. Nếu như chúng ta xem nhẹ lời thề này thì chính là đã bỏ đi phần linh hồn của bộ tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa rồi.

Trong truyện viết rằng: “Ngày hôm sau sửa soạn trâu đen ngựa trắng và các lễ vật ở trong vườn đào, ba người đốt hương lạy hai lạy thề rằng: “Chúng tôi là Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, dẫu rằng khác họ, song đã kết làm anh em, phải đồng tâm hiệp lực, cứu khốn phù nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định muôn dân. Chúng tôi không cầu sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng nguyện chết cùng năm, cùng ngày, cùng tháng. Xin hoàng Thiên hậu thổ soi xét cho lòng này. Nếu ai bội nghĩa quên ơn thì Trời người cùng giết. Thề xong thì họ tôn Huyền Đức làm anh cả, Quan Vũ thứ hai, Trương Phi em út.” (2)

Như thế ba người họ đã đứng giữa trời đất phát lời thề rằng sẽ “đồng tâm hiệp lực, cứu khốn phù nguy, trên báo đền nợ nước, dưới yên định muôn dân”, đây là cái “nghĩa” lớn nhất mà ba người đã kết, đó cũng là tâm nguyện và mục đích lớn nhất khiến họ trở thành huynh đệ, từ đó về sau sẽ vì cái “nghĩa” này mà đồng tâm hiệp lực. “Xin hoàng thiên hậu thổ soi xét lòng này”, người xưa khi thề với Trời Đất thì không phải là chuyện nhỏ, phát thệ với Thiên Địa là để được Thiên Địa chứng giám, trông coi giám sát. Nếu như “ai bội nghĩa quên ơn thì trời người cùng giết”. Đến một ngày nào đó, bất kể là ai quên đi và bỏ lời thệ ước, quên đi cái ân nghĩa phò trợ lẫn nhau và chí hướng cùng nhau báo quốc an dân thì cả thiên thần và thế nhân đều sẽ trừng phạt người đó, cũng có nghĩa là hễ ai quên đi lời thệ ước thì sẽ phải trả giá bằng cả sinh mệnh của mình.

Tôn Kiên phát lời thệ độc, chết dưới tên loạn

Người xưa tin vào Thần, cho rằng mắt Thần như điện (3), họ không thể nào xem thường Trời mà làm những việc bất nghĩa bất tín, do đó người xưa đối với lời thề là vô cùng nghiêm túc. Trương Giác cũng vì thế mà phải chịu ác báo mất mạng. Kỳ thực trong truyện “Tam quốc diễn nghĩa” không chỉ Trương Giác chịu báo ứng mà Tôn Kiên của nước Đông Ngô cũng chịu cảnh tương tự. Năm xưa Tào Tháo trượng nghĩa liên kết chư hầu các nơi, kết thành nghĩa quân liên minh lập lời thệ ước sẽ phò trợ xã tắc thảo phạt quốc tặc Đổng Trác vô cớ phế ngôi Hán Thiếu Đế. Nhưng sau khi cung điện ở Lạc Dương bị Đổng Trác thiêu rụi và Tôn Kiên phát hiện ra ngọc tỷ bị thất lạc, thì ông ta muốn chiếm ngọc tỷ làm của riêng, đồng thời nảy sinh tâm phản nghịch muốn xưng đế, phản bội lại lời thề đã lập trước kia với liên minh thảo phạt. Khi bị người khác tố cáo thì Tôn Kiên không những không thừa nhận mà còn ở trước mặt Viên Thiệu và mọi người phát lời thề độc rằng: “Tôi mà được của ấy, lại giấu đi, thì không được thiện chung, sẽ chết dưới đao tên.” (4) Quả đúng như vậy, chẳng bao lâu sau Tôn Kiên bị trúng mai phục, bị quân của Lưu Biểu bắn chết dưới loạn tên, não bắn ra ngoài, lúc đó Tôn Kiên chỉ mới 37 tuổi. Quả thật cái chết này ứng nghiệm với lời thề rằng nếu như chiếm riêng ngọc tỉ, xem thường mệnh trời mà nói dối, bội tín quên nghĩa, thì sẽ không được thiện chung.

Lưu Bị nhất thời thất đại nghĩa, cũng phải mất đi sinh mệnh

Còn chuyện Lưu Bị cùng 70 vạn đại quân bị bại trận ở Đông Ngô rồi chết ở thành Bạch Đế cũng có liên quan đến lời thề. Ông luôn mang trong mình cái tâm trung nghĩa thực hiện lời thệ ước báo quốc an dân phò trợ Hán thất. Nhưng từ khi lòng dân quy phục, mọi thứ dần lớn mạnh rồi lập ra nhà Thục, sau khi Hán Hiến Đế bị Tào Phi bức phải phế vị, Lưu Bị kế thừa đại nghiệp phục hưng nhà Hán, thảo phạt hành vi cướp nước bất trung của Ngụy quốc, các đại thần như Triệu Tử Long, Gia Cát Lượng… đều khuyên Lưu Bị ưu tiên việc công trước việc tư sau, nên thay Hán Hiến Đế báo thù phục hưng nhà Hán, sau đó mới thay Quan Vũ trả thù bị Đông Ngô trảm. Một bên là việc quốc gia đại nghĩa, một bên là tình riêng sâu nặng với Quan Vũ. Nhưng Lưu Bị đã bị tình huynh đệ chi phối, nhất thời quên chuyện đại nghĩa, quên mất mục đích ban đầu khi kết nghĩa đào viên, không nghe theo lời khuyên của trung thần, trong đau khổ vô tận chỉ muốn báo thù cho Quan Vũ, dốc hết quốc lực thảo phạt Đông Ngô, điều ấy tương đương với việc lấy nhân lực tài lực của quốc gia điều vào việc riêng, đó là vi phạm lời thề. Ông đã bại trận nên không còn mặt mũi nào để gặp những lương tướng trung thần của mình, cuối cùng lâm bệnh và chết tại thành Bạch Đế. Cuộc đời Lưu Bị vì sai lầm ở điểm này mà mất đi sinh mệnh. Còn Trương Phi cũng vì nóng lòng báo thù mà không màng đại nghĩa, cuối cùng mất mạng.

Dẫu rằng thiên ý đã là như thế, khí số của nhà Hán đã tận, nhưng tác giả La Quán Trung cũng mượn những ví dụ này để nói với hậu nhân rằng: tuy con người không có cách nào cải biến những an bài đã được đặt định từ đầu như sự chuyển hướng của thế gian, việc thay triều đổi đại… nhưng làm người vẫn có đạo lý làm người, thành bại đều là việc không đáng để tiếc nuối, trong quá trình theo đuổi mục tiêu, làm sao để sắp đặt cái tâm của mình cho đúng mới là trọng yếu nhất. Con người khi đứng trước lựa chọn giữa công và tư, giữa thiện và ác, trước việc tín nghĩa thì biểu hiện như thế nào, đó mới là trọng yếu. Lịch sử từ xưa đến nay vẫn là quá trình không ngừng kiểm nghiệm, khảo nghiệm nhân tâm. Kết cục cuối cùng, có lẽ vẫn là không thể cải biến, bởi vì kịch bản cho mỗi một triều mỗi một đại từ đầu đã được an bài ổn thoả cả, đó cũng là chân tướng mà tác giả không ngừng chỉ ra [trong suốt câu chuyện]. Nhưng trong quá trình ấy cũng cần phải kiểm nghiệm nhân tâm, xem nhân nghĩa, trung nghĩa, tín nghĩa có thể giữ vững được không, đó mới là điều trọng yếu nhất. Vô luận rằng Hán triều có phải khí số đã tận hay không, chỉ cần hoàng đế không phải là kẻ hôn quân bạo ngược, thì những người thân là bề tôi cần vì quốc tận trung, đã lập thệ ước thì phải đi thực hiện, thành công hay không không quan trọng, chỉ cần tận tâm tận lực mà làm, chính là không thẹn với lòng, dẫu sao thì [xưa nay mọi chuyện trên đời vẫn là] mưu sự tại nhân thành sự tại thiên. Đó cũng là lý do Gia Cát Lượng không ngừng bắc phạt Trung Nguyên, biết rõ sự sẽ bất thành mà vẫn tận lực mà làm. Ông chính là thực hiện lời giao phó của tiên chủ Lưu Bị.

Việc thề với trời đất, cũng chính là ước định với trời đất, tất sẽ ứng nghiệm. Dẫu rằng Lưu Bị không hoàn thành đại nghĩa, mà thực hiện tiểu nghĩa của riêng cá nhân, tuy không phải là lén lút làm việc xấu, thì vẫn phải chịu báo ứng như vậy. Lời thề xưa nay tuyệt không phải là trò đùa con trẻ.

Sau khi ba người Lưu, Quan, Trương kết thành huynh đệ, thì ban đầu là họ chiêu binh mãi mã, chế tạo binh khí áo giáp. Song Cổ Kiếm của Lưu Bị, Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ, Bát Xà Mâu của Trương Phi đều được chế tạo từ thời ấy. Họ lập ra được đội nghĩa quân 500 người, đầu quân cho Thái Thú Lưu Yên Xứ, từ đó, họ đánh hơn 30 trận, tiêu diệt giặc Khăn Vàng lập chiến công hiển hách, anh hùng bắt đầu triển hiện được uy danh.

Nhưng do hoạn quan chuyên quyền, dối vua lừa trên nên Lưu Bị chỉ được chức huyện uý An Hỷ (5), là một chức quan rất nhỏ. Hơn nữa bọn hoạn quan còn mưu tính sẽ hãm hại những người đã lập được công dẹp thảo tặc, thu hồi lại chức quan. Thế nên trong truyện mới có điển cố kinh điển: Trương Phi nổi giận đánh đốc Bưu.

(còn tiếp)

Chú thích:

(1): Trích từ truyện Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung

(2): Truyện Tam quốc diễn nghĩa, hồi 1

(3): Thần nhãn như điện

(4): Truyện Tam quốc diễn nghĩa, hồi 6

(5):

– An Hỷ: nay thuộc đông nam thành phố Định Châu tỉnh Hà Bắc

– Huyện uý: chức quan phụ tá cho huyện lệnh thời xưa

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/254543