Nghĩa giải Tam quốc (8): Hai mục đích lớn đằng sau việc Trương Phi đánh đốc bưu

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Trương Phi đánh quan đốc bưu là một câu chuyện kinh điển nằm ở hồi thứ 2 của truyện “Tam quốc diễn nghĩa”. Chuyện đánh đốc bưu này không phải được viết nhằm lột tả phẩm chất chính trực, trượng nghĩa dám vì dân trừ hại của Trương Phi, mà là để miêu tả một cách tường tận màn kịch điển hình “thập thường thị” xảy ra vào thời Hán Linh Đế: 10 tên hoạn quan thao túng triều chính ngang nhiên muốn gì làm nấy, dối vua lừa trên, rắp tâm mưu hại và loại trừ đi những trung thần lương tướng của triều đình. Và mục đích của câu chuyện cũng tuyệt không phải để vạch trần hiện thực u tối, mà là để nói lên rằng nhà Hán thời mạt thế vì vậy sẽ rất nhanh đi theo xu hướng bị phân rã, anh hùng khắp nơi sẽ nổi lên.

Đốc bưu là chức quan gì?

Để nói rõ câu chuyện này trước tiên chúng ta cần tìm hiểu kỹ đốc bưu rốt cục là người như thế nào. Đây chỉ là một chức quan dưới quyền Thái thú các quận quốc thời Hán triều. Về lý thì là một chức quan không lớn nhưng lại có quyền giám sát, buộc tội quan lại các huyện. Bọn họ đảm nhận việc thay thái thú tuần tra các huyện nội, kiểm tra xem quan viên các nơi có làm tốt ở chức vị của mình hay không, đốc bưu nắm giữ và kiểm soát hình ngục, giám sát tư pháp. Mỗi quận chia ra thành nhiều bộ, mỗi bộ thiết lập một chức đốc bưu (ví dụ như Tây bộ đốc bưu, Đông bộ đốc bưu…). Đến thời Hán Linh Đế thì những đốc bưu này đều là tay sai của “thập thường thị”. Bọn chúng lợi dụng chức quyền uy hiếp quan viên các huyện, nhận hối lộ, ức hiếp người lương thiện.

Lưu Bị thực hiện lời thề, không tơ hào một đồng của dân

Trong truyện viết rằng Lưu Bị đến An Hỷ làm chức quan suốt một tháng, không tơ hào của dân một chút gì, nên ai nấy đều cảm phục. Lưu Bị nhận chức huyện uý phụ trách việc trị an, tương đương với chức cảnh sát trưởng ngày nay. Quan Vũ và Trương Phi ở bên cạnh Lưu Bị, ba người cùng ăn cùng ở, khi Lưu Bị ngồi chỗ đông người thì Quan, Trương đứng hầu hai bên, cả ngày không biết mỏi. Có thể thấy Quan Vũ và Trương Phi cùng theo Lưu Bị phụ trách việc trị an của huyện, làm việc cần cù chăm chỉ, không lợi dụng chức quyền để ức hiếp bách tính, vơ vét của dân. Họ đã thực sự thực hiện lời thề “trên báo đền nợ nước, dưới yên định muôn dân” khi kết nghĩa đào viên, đây là những ví dụ điển hình cho bề tôi trung nghĩa, tận trung với nước. Lê dân bách tính vì thế mà vô cùng cảm phục họ.

Đốc bưu vu oan Lưu Bị nhận tham ô hối lộ

Lưu Bị làm quan chưa đến bốn tháng thì triều đình bỗng dưng hạ chỉ: phàm những ai tiêu diệt giặc Khăn Vàng lập công được phong chức quan cao cấp ở các huyện đều bị thu hồi quan chức, gạt tên, sa thải. Thực ra chiếu chỉ này là kết quả của việc bọn hoạn quan “thập thường thị” che mắt hoàng đế mà làm ra. Chức quan trong triều đình là phương thức làm giàu của bọn chúng, ai mà không có nhiều tiền để đút lót thì nghiễm nhiên sẽ thành cái gai trong mắt bọn chúng. Thế nên, việc Lưu Bị nhờ lập công trạng mà được chức quan, lại không đưa hối lộ thì trong mắt chúng sẽ thành đối tượng bị loại trừ. Chúng tuyệt đối sẽ không để ai không giao nộp tiền lại ngồi yên làm quan, đó là nhảy khỏi bàn tay thao túng của chúng. Do đó, những móng vuốt ma quỷ của lũ hoạn quan sẽ vươn về phía các quan lại cấp huyện, Lưu Bị cũng vì thế mà chịu nạn.

Đốc bưu phụng mệnh thái thú đến chỗ huyện đường của Lưu Bị làm công việc gọi là tiến hành khảo sát. Lưu Bị vái chào cung kính nhưng đốc bưu lại thể hiện thái độ hết sức ngạo mạn, vô lễ. Khi đến dịch quán, viên đốc bưu lại ngoảnh mặt hướng nam ngồi cao ngất ngưởng, để Lưu Bị đứng hầu ở dưới thềm, bộ mặt hắn ra vẻ không coi ai ra gì, nhìn người mà như không thấy. Đốc bưu hồi lâu mới mở miệng, vừa mở miệng đã hỏi đến xuất thân. Lưu Bị đáp: “Tôi dòng dõi Trung Sơn Tĩnh vương, từ khi tiêu diệt giặc Khăn Vàng ở Trác Quận, đã đánh hơn ba mươi trận đánh lớn nhỏ, có chút công lao, nên được chức quan này”. Câu vừa nói dứt, viên đốc bưu liền hét lớn lên rằng: “Mi giả mạo hoàng thân, báo càn công trạng. Hiện nay triều đình xuống chiếu, chính là để thải bớt những bọn tham quan, ô lại như mi đó!”

Lưu Bị trở về huyện đường cùng các quan lại khác bàn tính lại chuyện này. Mọi người đều cho rằng đốc bưu làm dữ chẳng qua chỉ muốn của đút lót hối lộ. Nhưng Lưu Bị đã cự tuyệt chuyện đút lót.

Ngày hôm sau, đốc bưu cho bắt các quan dưới trướng Lưu Bị lại, bức ép họ phải làm chứng là Lưu bị hại dân, để hãm hại Lưu Bị. Lưu Bị mấy lần đến cầu kiến đốc bưu đòi ông ta thả người nhưng đều bị quân canh cửa chặn lại.

Bách tính bị đánh, Trương Phi trừ hại

Bách tính nghe nói đốc bưu định làm hại Lưu Bị nên vội đến dịch quán giúp đỡ Lưu bị nhưng lại bị quân gác cửa đánh đuổi đi. Trương Phi cưỡi ngựa đi ngang qua dịch quán thấy bốn, năm mươi ông già đang than khóc ở trước cửa. Trương Phi hỏi rõ nguyên do biết được rằng viên đốc bưu vì muốn đạt được mục đích là tiền hối lộ mà bắt bớ quan lại, chèn ép bách tính, thì liền nổi cơn thịnh nộ nhảy ngay xuống ngựa chạy thẳng vào dịch quán, quân canh cửa không tài nào cản lại được. Trương Phi chạy thẳng vào hậu đường thấy viên đốc bưu đang ngồi chễm chệ trên sảnh còn các quan trong huyện bị trói ở dưới đất. Trương Phi hét lớn: “Thằng mọt dân kia! Có biết ta là ai không?” Vừa nói dứt, liền túm tóc viên đốc bưu lôi tuột ra khỏi dịch quán, lôi đến chỗ cọc buộc ngựa ở trước huyện rồi trói lại, bẻ cành liễu quất thật lực, đánh gãy luôn đến mười mấy cành liễu. Ông muốn vì dân trừ hại.

Lưu Bị nghe tiếng xôn xao hỏi ra mới biết Trương Phi đánh đốc bưu đã hết sức kinh ngạc, bảo Trương Phi dừng lại, đốc bưu nhờ thế mà giữ được cái mạng hèn. Quan Vũ khuyên Lưu Bị chi bằng giết tên tham quan, bỏ chức huyện uý nhỏ bé về mưu tính việc lớn. Lưu Bị nhân từ không nỡ giết, đem cái ấn treo vào cổ viên đốc bưu cảnh cáo hắn rằng đây là vì dân trừ hại, lần này tạm tha mạng cho hắn, nói xong từ quan. Đốc bưu sau khi trở về đã tố giác Lưu Bị với quan thái thú Định Châu. Thái thú bèn phái người đi bắt anh em Lưu Bị. Thấy thế, Lưu Bị dẫn Quan Vũ và Trương Phi sang Đại Châu (vùng Sơn Đông ngày nay) nương nhờ chỗ thái thú Lưu Khôi. Lưu Khôi thấy Lưu Bị là tôn thất nhà Hán bèn cứu giúp, giấu Lưu Bị ở trong nhà.

Trên đây đã kể lại toàn bộ câu chuyện Trương Phi nổi giận đánh đốc bưu. Câu chuyện này đã triển hiện cho độc giả một cách rất rõ ràng về ba nhân vật Lưu, Quan, Trương trung nghĩa chính trực yêu dân như con, không cùng một giuộc với bọn tham quan. Đồng thời cũng lột tả hết sức chân thực bọn “thập thường thị” với hành vi xấu ác đáng ghê tởm hãm hại trung thần, chèn ép bách tính, ngang nhiên muốn gì làm nấy. Mục đích của câu chuyện cũng để báo hiệu rằng thời Hán mạt, hoạn quan làm loạn triều chính đã đến mức không thể vãn hồi được nữa.

Thế nên, ngay sau đó trong truyện đã khái quát về chuyện “thập thường thị” nắm giữ trọng quyền, chuyển mục tiêu loại trừ của chúng sang những tướng quân nhờ lập công tiêu diệt giặc Khăn Vàng mà được phong quan. Chúng sai người đến đòi các tướng sĩ có công phá giặc Khăn Vàng ngày trước phải dâng cho chúng vàng bạc mới được làm quan, nếu không thì tâu lên hoàng đế xin hạ chiếu bãi chức. Những danh tướng như Hoàng Phủ Tung, Chu Tuấn cũng theo Lưu Bị, không chịu đút lót. Hán Linh Đế nghe theo điều xằng bậy bãi hết chức của những vị công thần này. Không những vậy, vua còn phong cho những tên hoạn quan hãm hại trung thần làm tướng quân, đám 13 tên hoạn quan của Trương Nhượng không có công lao mà lại được hưởng lộc, phong tước hầu. Triều chính mỗi ngày một suy đồi, nhân dân ai oán khắp nơi. Những chỗ như Trường Sa, Ngư Dương dấy lên việc nổi loạn tạo phản. Những tờ biểu cáo cấp gửi về triều đình nhiều như lá rụng mùa thu nhưng vua lại mảy may không hay biết gì cả, bởi bọn “thập thường thị” đều đem giấu đi hết, không tâu lên vua. Khi quan gián nghị đại phu là Lưu Đào đến can gián và mắng bọn hoạn quan, vua thản nhiên nói: “Quốc gia đương yên ổn, có việc gì mà nguy ngập?” Vua cho rằng các đại thần đang gièm pha cận thần của mình, đem bắt hết các quan can gián lại. Cuối cùng, họ bị bọn hoạn quan mưu hại, chết ở trong ngục.

Còn về phần Lưu Bị, sau khi được Lưu Khôi tiến cử thì đầu quân cho U Châu mục là Lưu Ngu rồi đem quân đi dẹp giặc tạo phản ở Ngư Dương. Lưu Bị lập được đại công nên được triều đình tha tội đánh viên đốc bưu trước đây và lĩnh chức huyện lệnh Bình Nguyên. Tuy rằng triều đình đã bình định được giặc tạo phản các nơi nhưng hết thảy mọi chuyện triều chính đều do bọn hoạn quan giả mệnh vua hạ chỉ. Nếu như tình hình có nguy cơ nghiêm trọng thì chúng lại diễn trò cũ tiêu diệt trung thần, mua quan bán chức, không từ bất cứ thủ đoạn nào.

Thế nên, Hán Linh Đế đã hoàn toàn bị những lời sàm ngôn của hoạn quan che mắt. Trong triều trung thần thoái lùi, tiểu nhân diễn xướng, giang sơn sụp đổ đến nơi. Đến đoạn này của truyện, Hán Linh Đế đã sắp băng hà. Anh hùng khắp nơi nổi lên, giang sơn chia cắt, phần mở đầu của việc chư hầu tranh chiến rất nhanh sẽ diễn ra.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/254544

(còn tiếp)