Vì sao danh y Hứa Duệ Tông không viết sách y

Tác giả: Tiểu Lục

[ChanhKien.org]

Rất nhiều người cho rằng một số danh y nên viết sách, quả thật đã có rất nhiều người viết thư tịch truyền lại cho đời sau. Thế nhưng danh y Hứa Duệ Tông mặc dù y thuật cao siêu nhưng ông lại không muốn viết sách. Nguyên nhân không phải vì ông tự tư, ích kỷ.

Theo sách cổ “Đàm Tân Lục” ghi lại: Danh y Hứa Duệ Tông y thuật cao siêu, giống như thần tiên. Có người nói với ông: “Vì sao ông không viết thành sách lưu lại cho hậu thế?”. Hứa Duệ Tông nói: “Y thuật chính là ‘ý’, nó được quyết định bởi suy nghĩ của con người, còn mạch lại vô cùng ảo diệu, rất khó phân biệt, chỉ có thể dùng tâm ý lĩnh hội, không thể nói ra được bằng lời. Những danh y tự cổ đến nay đều không giống với người khác, sự khác biệt duy nhất chính là chẩn mạch. Đầu tiên xem chuẩn xác mạch tượng, sau đó mới chẩn đoán bệnh tình, dùng thuốc trị bệnh. Nếu như chẩn đoán chuẩn xác, chỉ cần dùng một vị thuốc liền có thể trực tiếp công vào bệnh kia, bệnh có thể lập tức khỏi. Phân biệt không chuẩn xác mạch tượng, không hiểu nguyên nhân bệnh, dựa vào suy đoán chủ quan của bản thân mà chẩn đoán, thì phải bỏ vào thêm mấy vị thuốc. Điều này giống như đi săn, không biết con thỏ ở đâu, rất nhiều người ngựa đi kiếm, vây quét diện rộng, hy vọng biết đâu có người ngẫu nhiên gặp được. Dùng phương pháp này trị bệnh, chẳng phải là quá thô sơ hay sao? Sự ảo diệu của mạch không thể dùng ngôn ngữ để biểu đạt, cho nên không thể viết thành sách”.

Điều mà Hứa Duệ Tông nói xác thực là vậy, không chỉ y thuật, rất nhiều loại kỹ thuật kỹ nghệ đều như vậy. Thời gian trước kỹ thuật của tôi có một vài đột phá, muốn viết ra. Thế nhưng phát hiện viết thế nào cũng không thể viết ra những nhận thức trong tâm của bản thân, thật là có cảm giác “chỉ có thể ý hội không thể ngôn truyền”. Một chút tâm đắc nho nhỏ của bản thân tôi còn như vậy, y thuật của danh y cổ đại thì càng không cần nói nữa.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/267381