Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (8)

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nguyên văn

曰水火 木金土 此五行(1)本乎數(2)

Bính âm

曰(yuē) 水(shuǐ) 火(huǒ) , 木(mù) 金(jīn) 土(tǔ) ,

此(cǐ) 五(wǔ) 行(xíng) , 本(běn) 乎(hū) 數(shù) 。

Chú âm

曰(ㄩㄝ) 水(ㄕㄨㄟˇ) 火(ㄏㄨㄛˇ),

木(ㄇㄨˋ) 金(ㄐ一ㄣ) 土(ㄊㄨˇ),

此(ㄘˇ) 五(ㄨˇ) 行(ㄒ一ㄥˊ),

本(ㄅㄣˇ) 乎(ㄏㄨ) 數(ㄕㄨˋ)。

Âm Hán Việt

Viết thủy hỏa, Mộc kim thổ,

Thử Ngũ hành, Bổn hồ số.

Tạm dịch

Rằng: Thủy – Hỏa – Mộc – Kim – Thổ

Ngũ hành này, về căn bản là theo lẽ tự nhiên.

Từ vựng

(1)Hành (行):khái niệm cơ bản để phân loại vạn vật

(2)Bổn hồ số (本乎数):Bổn là căn bản, gốc, khởi nguồn. Hồ ở đây có nghĩa là đi theo. Số là lẽ tự nhiên, lý của tự nhiên.

Dịch nghĩa tham khảo

“Ngũ hành” là chỉ kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (kim loại, gỗ, nước, lửa, đất). Người Trung Quốc cổ đại cho rằng đây là những thứ cơ bản cấu thành các loại sự vật trong vũ trụ, giữa chúng với nhau đồng thời có sự tương sinh tương khắc (tức là cái này sinh ra cái kia đồng thời cái này cũng triệt tiêu cái khác), đó là do nguyên lý của tự nhiên quyết định.

Đọc sách luận bút

Ở hai bài trước, từ số một đến số vạn nói về nguồn gốc của vạn vật và con người trong tự nhiên, cho con người có được một vũ trụ quan rộng lớn một cách tự nhiên, hiểu được rằng mối quan hệ giữa con người và tự nhiên vốn là nhất thể và có liên hệ tương hỗ với nhau. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày cần hiểu rõ về sự thay đổi của bốn mùa, ở đây nhắc nhở con người phải chú ý thuận theo nhịp điệu của bốn mùa, cần phải phù hợp, không thể làm trái lẽ Trời. Nếu không thân thể sẽ không khỏe mạnh, cây trồng sẽ không phát triển tốt.

Đây cũng là vũ trụ quan của Đạo gia, khái niệm thiên văn địa lý giảng ở đây là khái niệm “thiên nhân hợp nhất”. Cho nên sau đây sẽ tiếp tục giải thích thêm một bước nữa về phép tắc tự nhiên trong tam giới mà người xưa hiểu biết được. Đó là: Ngũ hành cấu thành vạn sự vạn vật trong vũ trụ, chúng tương sinh tương khắc lẫn nhau, cân bằng thì an, không cân bằng thì loạn.

(1) Mối quan hệ đối ứng của Ngũ hành và tự nhiên như sau:

Ngũ hành:   Mộc   Hoả   Thổ   Kim   Thuỷ
Mùa:   Xuân   Hạ   Trường hạ   Thu   Đông
Phương vị:   Đông   Nam   Trung (tâm)   Tây   Bắc
Khí hậu:   Gió   Nóng   Ẩm   Khô   Lạnh
Quá trình phát triển:   Sinh   Trưởng   Chín   Thu (hoạch)    Cất (giữ)
Ngũ vị:   Chua   Đắng   Ngọt   Cay   Mặn
Ngũ sắc:   Xanh   Đỏ   Vàng   Trắng   Đen

(2) Mối quan hệ đối ứng của Ngũ hành và thân thể người gồm:

Ngũ hành:   Mộc   Hỏa   Thổ   Kim   Thủy
Tạng:   Gan   Tim   Lá lách   Phổi   Thận
Phủ:   Túi mật   Ruột non   Dạ dày   Ruột già   Bàng quang
Ngũ quan:   Mắt   Lưỡi   Miệng   Mũi   Tai
Hình thể:   Gân   Mạch máu   Cơ   Da   Xương
Tình cảm:   Tức giận   Vui thích   Trầm tư   Buồn   Sợ hãi

Theo quy luật này, chúng ta thấy rằng khi hiểu được mối quan hệ đối ứng giữa Ngũ hành với ngũ tạng của con người, ngũ vị và các mùa, thì có thể nắm rõ đạo lý cơ bản của dưỡng sinh, có thể thuận theo quy luật tự nhiên mà sinh hoạt cho điều độ.

Ví dụ như mùa xuân, Ngũ hành thuộc Mộc, tương ứng với gió, tạng gan, màu xanh, vị chua, nóng giận, thế nên mùa xuân phải dưỡng gan, mùa xuân ăn nhiều rau xanh, vị chua nhập gan, tức giận sẽ tổn thương gan, nên ăn gì để dưỡng gan, gió lớn cần giữ ấm,… hết thảy đều có thể nắm rõ.

Lại ví dụ như tạng thận, nhìn sơ qua cũng hiểu, thận thuộc về Thủy, đối ứng với bàng quang, xương, tai. Do đó, Trung y hiểu rằng nếu thận không tốt thì những thứ liên quan đến nó đều sẽ có vấn đề, sức tư duy, xương và bài tiết đều không ổn. Nếu bạn thấy người bệnh thận thì không nên cho ăn quá mặn, vì thức ăn mặn trực tiếp đi vào thận, gây ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, người bình thường mà thiếu muối sẽ không có sức lực, đều là đạo lý này, vị mặn trực tiếp nhập tạng thận. Màu đen lại thuộc Thủy, vì vậy ăn đồ ăn có sắc đen có thể có tác dụng bảo dưỡng thận.

Có câu nói ở Trung Quốc là “bị dọa sợ tè ra quần”, chính là ý nói rằng cảm xúc sợ hãi sẽ gây ảnh hưởng đối với thận. Thận bị kích thích, thì bàng quang liền xảy ra vấn đề, khiến nước tiểu tháo ra ngoài không kiểm soát được.

Hơn nữa, ngũ tạng phải cân bằng, ví dụ ăn nhiều đồ ngọt, vị ngọt trong Ngũ hành thuộc Thổ, đối ứng với tỳ (lá lách), Thổ khắc Thủy, thì cái bị tổn thương chính là thận, do đó nhiều trẻ em ăn đồ ngọt nhiều, xương cốt không rắn chắc, răng cũng không tốt, dễ bị sâu răng, chính là đạo lý này. Bất cứ bộ phận nào quá mạnh quá yếu, đều có hại cho sức khỏe.

Nói cách khác, khi nắm vững các mối quan hệ cơ bản do Ngũ hành tạo thành, thì việc cơ thể mình làm sao thuận ứng với tự nhiên, làm sao khống chế cảm xúc, tất cả mọi thứ đều bao gồm trong ấy. Đó là quan niệm dưỡng sinh rộng lớn rất hoàn chỉnh và cân bằng.

Ở tầng diện Nho gia, cổ nhân nói đến những lý này, chủ yếu là vì quốc thái dân an (đất nước thái bình, dân chúng yên ổn), do đó hết thảy học vấn liên quan đến con người, đều liên quan đến đạo lý Ngũ hành và được sử dụng vô cùng rộng rãi, đây chỉ là một ví dụ về sức khỏe.

Câu chuyện “Học thuyết Ngũ hành tương sinh tương khắc”

Học thuyết Ngũ hành nói rõ về nguồn gốc và sự biến hóa đa dạng của vạn sự vạn vật trên thế giới. Giữa Ngũ hành với nhau có sự tương sinh tương khắc. “Tương sinh” tức là mối quan hệ giúp cho sinh sôi, nuôi sống, thúc đẩy phát triển; “Tương khắc” bao hàm ý khắc chế, kìm nén, loại trừ, trói buộc.

Nguyên lý “Tương sinh” trong Ngũ hành tức là: Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim [Chú thích 1]. Còn “Tương khắc” là: Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim [Chú thích 2]. Mối quan hệ tương sinh tương khắc này của Ngũ hành đã duy trì sự sinh trưởng bình thường và phát triển hài hòa của sự vật.

Theo truyền thuyết có một người tên là Trứu Diễn đã đưa ra lý luận về Ngũ hành. Ông cho rằng người làm Thiên tử thì ắt phải có “Một đức” trong Ngũ hành thì mới ngồi lên ngôi vị hoàng đế được. Nếu như đức hành của người làm vua đó mà yếu, thì sẽ bị một hành khác trong Ngũ hành thay thế.

Nghe nói, Hoàng Đế có “Thổ” đức, nên ông làm vua. Nhưng về sau, “Thổ” đức suy yếu, “Mộc” đức khắc Thổ bắt đầu hưng thịnh, vua Vũ có “Mộc” đức lên làm hoàng đế. Đến khi “Mộc” suy yếu, “Kim” đức khắc Mộc bắt đầu hưng thịnh, vua Thương Thang có “Kim” đức thay thế và lên làm hoàng đế. Tiếp đó là “Hỏa” đức khắc Kim bắt đầu hưng thịnh, và Châu Văn Vương với “Hỏa” đức lên làm hoàng đế; cứ tuần hoàn như vậy liên tục không ngừng.

[Chú thích 1] Quan hệ tương sinh: Mộc sinh Hỏa (Cây cháy ra lửa), Hỏa sinh Thổ (Sau khi lửa cháy tạo thành tro bụi), Thổ sinh Kim (bên trong đất có mỏ kim loại), Kim sinh Thủy (người xưa đào được mỏ kim loại thì thường có thêm mạch nước ngầm chảy ra, cho nên khoáng vật dễ sinh thủy), Thủy sinh Mộc (nước tưới giúp cây sinh trưởng).

[Chú thích 2] Quan hệ tương khắc: Thủy khắc Hỏa (nước dập tắt lửa), Hỏa khắc Kim (lửa đốt kim loại nóng chảy), Kim khắc Mộc (rìu chặt gãy cây), Mộc khắc Thổ (cây hút chất dinh dưỡng trong đất, làm cho đất dần dần mất màu mỡ), Thổ khắc Thủy (đắp đất làm đê ngăn nước).

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/245304