Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 19)

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org]

Nhà Hán học người Nhật Hiroshi Moriya đã tổng kết nội dung trình bày và phân tích về “Trinh Quán Chính yếu” trong cuốn sách “Đế vương học giảng nghĩa” của mình như sau: “Tu kỷ trị nhân”. Ông cho rằng đây là cốt lõi của Nho học, đây cũng là yếu lĩnh mà tổ tiên người Nhật Bản đã học được: mấu chốt của việc trị quốc là ở chỗ tu bản thân mình. Điều này bắt nguồn từ lời dạy của Khổng Tử.

Tu kỷ trị nhân, nhắm trúng chỗ trọng yếu

Xét từ góc độ của chương “Chính thể” mà chúng ta đã bàn đến trong vài bài gần đây, “Trinh Quán Chính Yếu” mặc dù bàn đến thể chế chính trị trong việc trị quốc, nhưng yếu lĩnh của cuốn sách cũng ở chỗ vua – tôi trọng đức thế nào, làm người thế nào. Cuốn sách đã nói cho người đời sau biết rằng, thời kỳ trị quốc thịnh trị chưa từng có – thời Trinh Quán vốn là kết quả của yếu lĩnh trị quốc mà trong đó người quân chủ thực hiện nhân ái, nghe ý kiến các bên, thần tử dám nói thẳng ra những lời trung ngôn, quân thần từ đầu đến cuối vẫn tận hết chức trách của mình, cùng nhau đạt đến nền chính trị nhân đức lý tưởng nhất. Những yếu lĩnh trị quốc trình bày và phân tích trong toàn bộ cuốn sách chính là ý nghĩa chủ yếu về nền chính trị nhân đức được tóm gọn trong chương đầu tiên Đạo làm vua. Có nhiều bằng chứng chứng minh, trong việc chính sự cụ thể của Đường Thái Tông, mỗi khi thảo luận một sự việc thì Quân thần Đường Thái Tông xác thực là đều đứng trên nên tảng tôn chỉ đó để làm việc, luôn chú ý sửa đổi những chỗ thiếu khuyết, lấy đó làm nền tảng để triển khai đến từng việc đại sự quốc gia cụ thể.

Tức là, tu sửa mình, đề thăng phẩm chất đạo đức chính là con đường quan trọng của việc trị quốc. Lĩnh ngộ của học giả người Nhật Bản quả là đã nêu trúng chỗ trọng yếu. Trị nhân mà ông nói đến không phải là ý nghĩa tìm biện pháp khiến người khác phải khuất phục, đem người khác đặt dưới chân như trong văn hóa đảng biến dị ở Trung Quốc ngày này, mà là có ý nghĩa an định thiên hạ, quy chính thiên hạ. Đây chính là tư tưởng của người soạn ra Trinh Quán Chính yếu, nó chính là nhận thức căn bản về việc trị quốc của nho sinh thời bấy giờ.

Tư tưởng “tu kỷ dĩ an nhân” của Khổng Tử

Tại Nhật Bản, bắt đầu từ thời kỳ Mạc Phủ Đức Xuyên (gọi là Mạc phủ Edo), toàn quốc đã phổ cập trường phái Nho gia của Khổng Tử. Cách nói tu kỷ trị nhân của họ bắt nguồn từ một đoạn đối thoại giữa Khổng Tử và học trò trong chương Hiến Vấn của [Luận Ngữ], đây chính là lời dạy của Khổng tử với Tử lộ, nội dung như sau:

Tử Lộ hỏi thế nào là quân tử. Khổng tử nói: “Tu sửa chính mình, dùng thái độ khiêm kính để đối đãi mọi người.” Tử Lộ nói: “Chỉ có vậy thôi ư?” Khổng Tử nói: “Tu sửa mình để an định những người xung quanh.” Tử lộ nói: “Chỉ có vậy thôi ư?” Khổng tử nói: “Tu sửa mình để an định bách tính. Tu sửa mình để an định bách tính, dẫu Vua Nghiêu, Vua Thuấn còn lo chưa làm được! (E rằng bản thân mình đức hạnh có chỗ thiếu sót mà không tự biết, họ vẫn luôn phải xét lại mình, huống nữa là những người bình thường như chúng ta.)”

Sự vận dụng cụ thể Đạo của người quân tử

Điều được giảng ở đoạn văn này là việc làm thế nào để trở thành người quân tử, nhưng vận dụng tối cao của nó lại ở phương diện làm thế nào để trị quốc. Nguyên nhân ở chỗ khi Khổng Tử dạy dỗ đệ tử, luôn luôn tùy theo tài năng của đệ tử mà dạy, nhắm đến tình hình, chỗ thiếu sót và chí hướng cụ thể của mỗi đệ tử để dạy dỗ họ. Những lời ở trên là giảng ra nhắm vào chí hướng của Tử Lộ, chí hướng của Tử Lộ là phò tá quân vương trị quốc, an định dân chúng, vì thế Không Tử cần chỉ ra con đường chính cho ông, tức là cần phải nhắm vào những công việc về mặt trị quốc mà trong tương lai ông phải đối mặt và những chỗ thiếu sót của ông để giảng giải chỉ dẫn. Vì thế, đối với các trường hợp khác nhau và đệ tử khác nhau thì Khổng tử sẽ đưa ra các nội dung cụ thể khác nhau về hàm nghĩa quân tử. Đó cũng là nguyên nhân nền giáo dục cổ đại Nhật Bản lại yêu thích nghiên đọc học vấn của Không Tử đến thế. Ở giai tầng khác nhau, góc độ khác nhau sẽ có cách làm người tương ứng, cách làm người này sẽ dẫn đến tác dụng gì, những điều này đều được giảng giải rất thực tế và cụ thể. Về cơ bản, những nan đề cụ thể mà con người thế gian gặp phải trong các trường hợp khác nhau cần được ứng đối cụ thể thế nào thì Khổng Tử về căn bản đã bàn luận đến rồi. Vì thế, dù là Quân vương hay thần tử, dù là trong đời sống đơn độc của cá nhân hay trong việc chăm lo gia đình và quan hệ với bạn bè, cũng bất kể là chính trị hay giao thương, đều đã được chỉ dẫn cụ thể.

Cho nên, chúng tôi cần nói rõ một điểm, mặc dù Khổng Tử đã giảng về yếu lĩnh trị quốc, nhưng là giảng nhắm vào những người tòng chính như Tử Lộ, chứ không phải là nói rằng Khổng Tử thích giảng về việc trị quốc, trị quốc chỉ là một học vấn quan trọng trong thể hệ giáo dục của Nho gia mà thôi. Đối với nền giáo dục truyền thống mà nói, sự giáo dục của quân vương và thần tử có liên hệ tới vận mệnh của bách tính trong thiên hạ, có liên quan tới việc giáo hóa đạo đức của con người và gốc rễ thái bình của quốc gia, vì thế việc này mới được đặt lên vị trí quan trọng hàng đầu như vậy.

Từ đoạn văn trên, chúng ta có thể thấy được rằng, điều mà Khổng Tử dạy cho đệ tử ở đây chính là mấu chốt của việc trị quốc, hơn nữa nó là yếu lĩnh cốt lõi của những vị đế vương thời cổ đại như Vua Nghiêu Vua Thuấn, mỗi một câu nói đều bắt đầu từ việc tu chính bản thân, nhấn mạnh vào việc tu chính bản thân, trước nhất học được cách cung kính, kính trọng người khác, cần bồi dưỡng thái độ khiêm kính. Ở đây Khổng Tử không nhấn mạnh vào tôn ti trên dưới, mà ông nói đến việc đối với bất kỳ ai đều cần phải đối đãi một cách cung kính, kính trọng, tuy rằng giữa quân, thần và bách tính cũng như là giữa cha, mẹ và con cái có hình thức cung kính, kính trọng đối đãi khác nhau, tức là hình thức lễ nghĩa đối đãi phải phù hợp với thân phận, nhưng phải hiểu rõ rằng giữa người với người tất phải tôn trọng lẫn nhau. Thái Tông bản thân ở vị trí cao, lại ban cho thần tử được ngồi, đó cũng là một hình thức biểu đạt của việc cung kính, kính trọng với thần tử. Dù biểu hiện cụ thể có khác nhau thế nào đi nữa, cung kính đối đãi người sẽ có thể cảm động lòng người, đó là điều trước tiên cần phải làm được trong những hành vi thiện. Khi người ta được coi trọng, mới có thể tâm phục, mâu thuẫn khi đó tự nhiên sẽ được hóa giải, lúc này sao còn có mâu thuẫn được nữa đây? Cho nên ông dạy cho Tử Lộ, một người vốn có sự quyết đoán và tài năng, phải thận trọng với những thiếu sót để đặt sự kính trọng người khác lên trước tiên. Người mà bị người khác lạnh nhạt thì trong tâm tất sinh oán hận, như thế chưa nói gì đến việc cai trị quốc gia, an định thiên hạ, mà ngay cả những người thân thiết xung quanh như gia đình và bạn bè cũng không thể được đối xử công bằng.

Cho nên, phải tu sửa thái độ ngạo mạn, bằng cách kính trọng người khác, thì mới có thể thu xếp ổn thỏa cho người nhà ở bên cạnh mình, quản lý tốt họ tộc, cũng có thể nhận được sự tín nhiệm và sự giúp đỡ của bạn bè. Làm được đến đó thì đã có thể an định người dân trong thiên hạ rồi. Một người mà hiểu được việc kính trọng người trong thiên hạ, đương nhiên sẽ biết cách thu được người tài trong thiên hạ, sẽ có được sự phò trợ của những người hiền tài và sẽ nhận được sự yêu mến của bách tính. Chữ “kính” này là khó làm được nhất, đặc biệt là đối với những người có tài trí, cho nên điều Khổng tử dạy chính là chỗ dễ bị những người có tài xem nhẹ nhất. Nếu có thể tu sửa chỗ thiếu sót này thì sẽ không lo không cai trị tốt quốc gia. Chỉ 3 câu nói, Khổng Tử đã giảng bắt đầu từ việc lập thân đến việc thu xếp ổn thỏa người ở bên cạnh mình và cuối cùng mới đến việc trị quốc. Có thể thấy rằng, đạo lý tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ của Tăng Tử đời sau là bắt nguồn từ tư tưởng của Khổng Tử, đó là sự kế thừa của Khổng Tử với những lời dạy bảo của những Thánh vương đời xưa như Vua Nghiêu Vua Thuấn.

Đạo nghĩa của câu “cổ chi học giả vị kỷ” của Khổng Tử

Rất hiển nhiên rằng, ba câu dạy của Khổng Tử với Tử Lộ đều không tách rời việc tu sửa mình, cần phải tìm ra những chỗ thiếu sót trong nội tâm của mình, sau khi tu sửa nó rồi thì tác dụng phát huy được sẽ là lớp sau lớn hơn lớp trước. Đây chính là tác dụng sau khi tu đức của người quân tử, chỉ cần bạn không ngừng tu sửa bản thân, thì dù là trong tương lai bạn tham gia tòng chính, làm kinh doanh hay làm nghề nông thì đều có thể ứng phó rất dễ dàng, một người tu thân có sức mạnh vượt trên trăm ngàn mưu kế. Bạn có thể là chính trị gia, cũng có thể là nhà văn, dù làm công việc gì, giữ chức vụ gì thì đó chỉ là công việc cụ thể khác nhau, còn về đạo lý thì như nhau, cho nên người xưa thông thường đều là toàn tài, còn những thứ danh hiệu như nhà giáo dục, triết học gia, nhà lịch sử, nhà văn, chính trị gia hay là nhà quân sự v.v. Có thể là tập hợp những danh hiệu do thời hiện đại phân ra. Bởi vì, giáo dục thời cổ đại là giáo dục về sự tu dưỡng, giáo dục về nhân sinh, giáo dục về làm người một cách đúng đắn, lấy đó để chỉ đường cho nhân sinh, vận dụng vào các chức vị khác nhau, chính là học vấn của các lĩnh vực cụ thể khác nhau.

Vì thế, Khổng Tử mới nói: “Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân” (Chương Hiến Vấn – [Luận Ngữ]). Câu này không thể được giải thích là, người xưa học tập là vì sự vinh hoa phú quý và con đường quan lộ của bản thân. Mà phải giải thích là, học giả thời xưa, cũng chính là thời cổ đại trước thời nhà Chu của Khổng Tử, học giả thời ấy học tập vì để tu chính bản thân và không ngừng đề cao tu dưỡng, còn thời nay, cũng chính là thời Xuân Thu của Khổng Tử, giai đoạn này đạo đức xuống dốc, các nước chư hầu chinh chiến liên miên, học giả thời ấy học tập học các loại tri thức và bản lĩnh là vì để tranh với người khác, để thu lấy vinh hoa phú quý cao hơn người khác. Quả là gãi đúng chỗ ngứa, điểm đúng chỗ trọng yếu, ông chỉ ra rằng học vấn bắt đầu đi lệch, mục đích học tập đã bắt đầu bất thuần. Vì thế học thuyết của trăm phái xuất hiện đầy rẫy, tranh luận không ngừng, ngư long lẫn lộn, chính và tà đồng thời tồn tại. Khổng tử đã chỉ ra con đường sáng cho mọi người, đó là giữ vững bản chất.

Từ câu nói “Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân”, chúng ta thêm hiểu rõ lời dạy của Khổng Tử, cốt lõi của nó chính là phẩm đức tu chính bản thân. Đây là bản chất của giáo dục thời cổ đại, vi chính dĩ đức, đó chỉ là lời dạy nhắm vào những người tòng chính, nó là một góc độ học vấn trong nền giáo dục lấy trung tâm là việc dạy “làm người”, đó cũng là lĩnh vực rất quan trọng.

Vì thế, Trinh Quán Chính yếu, ở góc độ của Nho học, thì đó chính là thực tiễn hoàn mỹ về những lời dạy của Khổng Tử cho quân thần với sự dẫn dắt của Đường Thái Tông. Trong quá trình không ngừng xử lý chính sự quốc gia, thực hành yếu lĩnh tu sửa bản thân, tu chính những thiếu sót và những sai lầm của bản thân, cung kính đối đãi mọi người, lấy thân làm gương, yêu dân như con, trên làm dưới theo, thiên hạ đại trị, đó chính là thực chứng của việc “tu kỷ dĩ an bách tính”.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/249382