Thành ngữ điển cố: Thống định tư thống

Trình Thực chỉnh lý

[ChanhKien.org]

[Giải nghĩa] “Thống định tư thống” – biểu thị tâm trạng bi thương, sau khi bình tĩnh lại, nghĩ về nỗi đau khổ gặp phải trước đây, lại thấy còn thương tâm gấp bội.

[Ví dụ] Tài xế Tiểu Vương nhìn lại bức ảnh chụp hiện trường tai nạn của mình, thống định tư thống, càng thêm thấy hối hận.

[Đồng nghĩa/trái nghĩa] “Tật thủ túc ngạch, chuy tâm khấp huyết” (cau mày, đấm ngực bi thương không nói nên lời)/“Du nhiên tự đắc, vô quan thống dương” (an nhàn thoải mái, không đáng đau khổ)

Thành ngữ này bắt nguồn từ cuốn “Chỉ nam lục hậu tự” của Văn Thiên Tường thời Tống. Năm 1275, quân Nguyên của tộc người Mông Cổ phương Bắc, vô cớ bắt giữ Văn Thiên Tường khi ông đi làm sứ giả đến doanh trại Nguyên. Văn Thiên Tường trên đường bị áp giải lên phía bắc, đã thừa cơ đào thoát, khi ông đi tới khu vực Chân Châu đã cùng tướng Miêu Tái Thành bàn kế lui địch. Không ngờ, tướng giữ vùng Hoài Đông đang đóng quân ở Dương Châu là Lý Đình Chi hiểu lầm Văn Thiên Tường muốn đầu hàng quân Nguyên, liền lệnh cho Miêu Tái Thành diệt trừ ông. Miêu Tái Thành không nỡ ra tay, bèn đưa Văn Thiên Tường ra khỏi thành. Để xóa bỏ hiểu lầm của Lý Đình Chi, Văn Thiên Tường đi đến Dương Châu, nhưng Lý Đình Chi phát lệnh truy nã Văn Thiên Tường. Văn Thiên Tường biết khó mà giải thích rõ ràng được, liền rời khỏi Dương Châu. Khi ông nghe được tin em trai của Cung Đế là Đoan Tông đã lên ngôi ở Phúc Châu, ông bèn đi thuyền theo đường biển đến Phúc Châu. Trên đường đi, Văn Thiên Tường đã viết rất nhiều bài thơ cảm động lòng người để biểu đạt lòng ái quốc của mình. Ông đã biên tập những bài thơ này thành một tập thơ, rồi dùng ý tứ của câu thơ “Thần tâm nhất phiến từ châm thạch, bất chỉ nam phương thệ bất hưu” (dịch nghĩa: Lòng hạ thần là kim la bàn, không hướng về phương nam quyết không nghỉ”) để đặt tên cho tập thơ là “Chỉ nam lục”, biểu lộ lòng trung của ông đối với nhà Tống. Trong lời tựa của ông cho “Chỉ nam lục”, có câu “thống định tư thống, thống hà như tai” (càng nghĩ càng đau, đau đớn xiết bao), để nói lên hồi ức của ông về nỗi đau thương tột cùng trong hiểm cảnh lúc bấy giờ, cũng lấy đó mà khích lệ chính mình, giãi bày với hậu thế.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/119291