Nguồn gốc của trà (Phần 9): Thưởng trà thời Tần – Hán

Tác giả: Thạch Phương Hành

[ChanhKien.org]

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trà hiện nay vẫn bảo thủ cho rằng văn hóa trà đã được đặt định vào các triều đại Tần và Hán. Bắt đầu từ thời kỳ này đã có nhiều tài liệu lịch sử ghi chép về trà và tục uống trà.

Thực ra, nếu xét từ bối cảnh thời không rộng lớn thì khi nước Tần thống nhất 6 nước, Tần Vương Doanh Chính tự xưng là “Thủy Hoàng đế”, đã bãi bỏ chế độ phân đất phong hầu trước đây để đặt ra quận huyện, thống nhất tiền tệ và đơn vị đo lường, từ đó mà hình thành chế độ nhà nước trung ương tập quyền, mô hình này đã ảnh hưởng đến Trung Quốc trong hơn 2000 năm. Xét từ ý nghĩa này, thời Tần không chỉ thiết lập nên đất nước Trung Quốc về mặt địa lý, mà còn thiết lập nên đất nước Trung Quốc về mặt chế độ chính trị. Còn việc nhà Hán (Hán Vũ Đế) mở rộng bờ cõi khai phá đất đai, áp dụng chính sách “bài xích các phái, độc tôn Nho thuật” đã thiết lập đất nước Trung Quốc về ý nghĩa văn hóa và văn minh. Lúc này “Trà” càng được mọi người biết đến một cách rộng rãi hơn:

Theo ghi chép trong “Nhật tri lục” của Cố Viêm Vũ thời nhà Thanh: “Từ sau khi người Tần chiếm nước Thục, mới có tục uống trà”.

Theo tư liệu khảo cổ: khi Trung Quốc khai quật lăng mộ của nhà Tây Hán tại Mã Vương Đôi, Trường Sa, người ta đã khai quật được rất nhiều di vật văn hóa như văn tự, sách lụa, những vật phẩm này có lịch sử cách nay hơn 2.100 năm. Bức tranh lụa vẽ một cung nữ dâng trà trong lăng mộ là tả thực về cảnh hoàng đế và quý tộc thời nhà Hán thưởng trà. Trong sổ ghi chép đồ tùy táng còn có các văn tự trên thẻ tre và thẻ gỗ liên quan đến trà. Đây là vật tùy táng sớm nhất về trà được tìm thấy cho đến nay.

Trong tác phẩm “Đồng ước” của Hán Vương Bảo (viết vào năm Hoàng Đế thứ ba nhà Hán – năm 59 TCN, là một sự kiện ở giữa thời Tây Hán) ghi lại rằng: Vào thời Tây Hán, Vương Tử Uyên người đất Thục đến Thành Đô để dự thi, ở tạm nhà của Dương Huệ, vợ người bạn quá cố của ông ở thị trấn Song Giang. Dương Huệ tiếp đãi nồng hậu, ra lệnh cho gia đồng “Tiện Liễu” đến hầu rượu Tử Uyên. Tiện Liễu vô cùng bất bình với điều này, chạy đến mộ của người chủ đã khuất, khóc lớn nói: Khi ông chủ mua tôi về, ông chỉ nhờ tôi trông nhà chứ không yêu cầu tiếp rượu cho những người đàn ông khác. Dương Thị và Vương Tử Uyên rất bức xúc trước việc này nên đã thương lượng bán Tiện Liễu cho Vương Tử Uyên làm nô bộc với giá 15.000 đồng, đồng thời viết một bản khế ước. Trong bản khế ước quy định những công việc mà Tiện Liễu phải làm hàng ngày, hai trong số đó là “mua trà ở Vũ Dương”, “pha trà và dâng trà”. Nói cách khác, không chỉ hàng ngày đến mua trà ở chợ Vũ Dương, mà còn pha trà và lau rửa đồ đựng. Ghi chép này cho thấy ba khía cạnh của trà đã được phổ biến ở một mức độ nhất định: uống trà, bán trà và trồng trà (kể cả hái ngoài tự nhiên). Vì chỉ có thể dư thừa trà mới đem đi bán”.

Bộ từ điển đầu tiên của nước ta do Chu Công biên soạn (viết thành sách vào thời kỳ Tần Hán) có tên là “Nhĩ Nhã”, trong phần “Thích Mộc Đệ Thập Tứ” viết: “槚 (đọc là jiǎ: nghĩa là cây trà nói trong sách cổ), trà đắng”. Quách Phác thời Đông Tấn chú thích: “Cây nhỏ như cây dành dành, lá mọc vào mùa đông, có thể dùng làm nước uống, lá hái sớm gọi là trà, lá hái muộn gọi là đồ, lá chè già, người Thục gọi là trà đắng”.

Trong “Phàm Tương Thiên” của Tư Mã Tương Như – nhà Hán phú (Hán phú: một thể loại văn vần thời nhà Hán để ca tụng công đức của đế vương) nổi tiếng thời Hán đã ghi chép rất nhiều loại thảo dược Trung y: “cây mỏ quạ, cỏ kết cành, rau mùi, hoa khoản đông, bối mẫu, mộc lan, ngải, linh thảo (phục linh), thược dược, quế, lậu lô, phỉ liêm, hoắc khuẩn, cây trà, bạch liễm, bạch chỉ, cây xương bồ, cây mang tiêu, cây hoan tiêu (ớt tiêu), cây thù du. Trong đó ghi lại từ ghép “荈 诧-suyễn xá” tên của trà thời cổ, điều này cho thấy rằng từ hơn 2.100 năm trước ở Trung Quốc trà đã được sử dụng như một loại thảo dược trị bệnh trong Trung y, tạo phúc cho thế nhân.

Trong “Phương ngôn” của Dương Hùng, một bậc thầy khác về Hán phú, cũng nói đến vấn đề này: ” Người Thục ở Tây Nam gọi trà (茶) là hà (葭)”.

Dương Hùng và Tư Mã Tương Như đều là người nước Thục, Vương Tử Uyên mua trà và đồ uống gần Thành Đô, Tư Mã Tương Như đã sống rất lâu ở Thành Đô vốn là nơi sản xuất trà lâu đời, không chừng ông dẫn vợ mình là Trác Văn Quân cùng đi uống trà làm thơ phú thì là thật vui!

Hoa Đà, một y học gia những năm cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc, trong tác phẩm “Thực luận” đã đề xuất: “Trà đắng uống lâu, lợi cho việc suy nghĩ”, đó là ghi chép đầu tiên về tác dụng làm thuốc của trà. Thánh y Trương Trọng Cảnh, người viết cuốn “Thương Hàn Luận”, đã bình luận về trà như thế này: “Trà trị huyết mủ rất hiệu quả”, nếu bị tiêu chảy, chảy mủ, chảy máu thì uống trà có công dụng rất tốt.

“Quảng Nhã” do Trương Ấp của nước Ngụy thời Tam Quốc sưu tầm và biên soạn (các chương mục dựa theo trình tự của “Nhĩ Nhã”, dựa trên tác phẩm của tiền nhân mà mở rộng những chỗ chưa được hoàn thiện trong “Nhĩ Nhã”, vì thế mới có tên là “Quảng Nhã”. Đây là tư liệu quan trọng để nghiên cứu từ vựng và chú giải thời cổ), có một cuốn sách giải thích về trà đắng: Vùng giáp giới giữa Kinh Châu và Ba Châu hái lá chè về làm thành bánh, nếu lá già quá thì trộn với nước cơm làm thành bánh. Khi muốn pha trà để uống, trước tiên phải sao bánh chè trên lửa cho đến khi có màu đỏ đen, sau đó giã thành trà bột, cho vào bình sứ, đổ nước sôi vào, và dùng hành lá, gừng, quả quất và cỏ xạ hương, một loại rau dại hoặc thực vật thủy sinh ăn được làm nguyên liệu phối hợp. Uống trà này có thể giúp giã rượu và giúp người ta không buồn ngủ.

Theo “Tam Quốc Chí · Ngô Chí · Vi Diệu truyền” có ghi chép rằng: “Mỗi lần Tôn Hạo tổ chức yến tiệc, khách mời uống ít nhất bảy lít rượu, dù uống không hết nhưng vẫn phải rót ra, và phải cạn chén. Tửu lượng của Vi Diệu chỉ có hai lít, đầu tiên Tôn Hạo vẫn thết đãi ông ấy rượu, sau ngầm dâng trà cho ông để thay rượu”. Đây cũng là khởi đầu của việc “thay rượu bằng trà”.

Đó là những điều được ghi lại trong chính sử, sau đây là ba câu chuyện được ghi lại từ dã sử và truyền thuyết:

1. Tiên nhân Đan Khâu Tử đời Hán và trà

Trong “Thần Dị Ký” có một câu chuyện về trà (do đạo sĩ Vương Phù viết vào thời nhà Tấn): khi xưa, có một người ở Dư Diêu (nay là huyện Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang), tên là Ngu Hồng, một hôm lên núi hái trà thì gặp một đạo sĩ dắt ba con trâu xanh. Đạo sĩ dẫn Ngu Hồng đến thác nước trên núi và nói với Ngu Hồng: “Ta là Đan Khâu Tử (Chú thích: một vị tiên trong truyền thuyết thời nhà Hán), ta nghe nói ngươi rất giỏi pha trà, ta luôn muốn ngươi gửi cho ta một ít trà để thưởng thức. Trong núi này có cây trà lớn, ta có thể tặng lại cho ngươi. Hy vọng sau này ngươi pha trà, có dư trà trong ấm thì mời ta đến.” Sau lần tình cờ gặp tiên nhân trên núi đó, Ngu Hồng đã lập một bài vị Đan Khâu Tử ở nhà, và thường cúng tế bằng món trà đã hãm kỹ. Sau này, gia nhân thường xuyên vào núi tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm được một cây trà lớn, rất cao

2. Triệu Phi Yến phi tần Hán Thành Đế dâng trà

Tần Thuần người Tống, nói rằng ông đã tìm thấy một cuốn tiểu thuyết có tên “Triệu hậu di sự” trong nhà của một thư sinh họ Lý, trong đó ghi lại câu chuyện về Triệu Phi Yến – phi tần của Hán Thành Đế. Nói rằng Triệu Phi Yến đã gặp Thành Đế trong giấc mơ, cung kính dâng trà, hai bên tả hữu nói: Triệu Phi Yến luôn phụng sự Hoàng đế một cách bất cẩn, người như vậy dâng trà không thể uống. Phi Yến đã khóc to trong giấc mơ đến nỗi làm người hầu giật mình tỉnh giấc.

Tuy rằng tiểu thuyết không phải là chính sử, “Triệu hậu di sự” cũng không biết là do ai viết, nhưng người ta viết tiểu thuyết luôn có vài phần giống hiện thực. Khi đó sản lượng trà không nhiều, trà ngon chỉ có thể dâng lên Hoàng đế, chuyện này cũng có thể dùng để tham chiếu.

3. Thừa tướng nước Thục Gia Cát Lượng và trà

Ở vùng Tây Nam Trung Quốc có rất nhiều truyền thuyết về Gia Cát Lượng và trà. Có rất nhiều cây chè lớn trên sáu núi chè lớn ở phía Nam Vân Nam và núi Nam Nọa ở Xi-soang-ba-na, theo truyền thuyết của người dân địa phương chúng đã được Khổng Minh trồng trong quá trình chinh phạt phương Nam vì vậy chúng được gọi là cây Khổng Minh. Theo ghi chép của văn tự Thái, bắt đầu từ hơn 1.700 năm trước, người Thái đã biết trồng và chăm bón cây chè, tương đương với thời gian chinh phạt phương nam của Gia Cát Lượng.

Qua đoạn trích trên có thể thấy rõ rằng “trà” đã đi vào đời sống của tầng lớp sĩ đại phu (gọi chung những người có văn hóa), những người thuộc tầng lớp này có một điểm chung là sức truyền bá mạnh. Tức là, khi mọi thứ đến với tầng lớp này, chúng sẽ nhanh chóng lan rộng ra xã hội. Dù là viên ngọc minh châu hay sản phẩm bình dân, qua sự tô vẽ của các văn nhân, sỹ phu cũng đều trở thành sản phẩm đẳng cấp.

Về điểm này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn ở qua các bài thơ Đường sau này: Một số cảnh trong bài thơ ban đầu vốn là bình thường, nhưng một khi qua tay các văn nhân, chúng có thể được mọi người đọc thuộc làu làu, lưu truyền qua hàng nghìn năm. Đó chính là sức quyến rũ của văn hóa. (Những điều này được trình bày chi tiết trong các phần sau.)

Ngoài việc mượn hiệu ứng lan truyền của người nổi tiếng, bản thân khẩu vị và tác dụng chữa bệnh của trà cũng phù hợp với bầu không khí tư tưởng của xã hội Nho giáo thời bấy giờ. Người có học thức thời đó tôn sùng tư tưởng của Nho gia, ủng hộ sự thanh đạm, khi họ vừa thưởng trà vừa trải nghiệm những điều này, họ sẽ cảm thấy một hiệu ứng cộng hưởng. Trong khi thưởng trà, khoảng cách giữa mọi người như được rút ngắn lại; xoa dịu trái tim nông nổi và trầm tĩnh lại để suy nghĩ đến đại kế trị quốc, khi mệt mỏi uống trà có thể làm đầu óc sảng khoái, mắt nhìn sáng tỏ, chỉ ra cái nét giang sơn tự tại như ý, tái hiện cái sự nho nhã, phong lưu…

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/245115