Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 17)

Tác giả: Lưu Như

Tiếp theo Phần 16

[ChanhKien.org]

Đọc đến chương thứ hai “Chính thể – Trinh Quán Chính yếu”, có lẽ rất nhiều người sẽ cảm thấy thắc mắc tại sao nội dung xuyên suốt của chương này đều nói về trách nhiệm hay bổn phận của quân thần? Vậy rốt cuộc nhận thức về chính thể quốc gia là gì? Cốt lõi của quản trị học, của đạo nghĩa vợ chồng rốt cuộc thể hiện ở chỗ nào? Chúng ta trước tiên hãy xem nhận thức của Thái Tông về trách nhiệm của người làm thần tử.

Thái Tông bàn luận về đạo làm quan

Chúng ta hãy đọc đoạn thứ tư của chương “Chính thể” (thể chế chính trị)

Năm Trinh Quán thứ ba, Thái Tông nói với quần thần: “Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh, đều là những bộ phận then chốt trong việc trông coi việc lớn nước nhà. Tuyển chọn người có tài đảm nhiệm công việc ở những nơi này, những việc giao cho họ vô cùng hệ trọng, mệnh lệnh Hoàng đế ban ra nếu có chỗ không ổn thỏa, không tiện thi hành thì đều phải giữ vững lập trường, thẳng thắn bàn luận. Gần đây chỉ thấy a dua nịnh bợ, thuận theo cấp trên, thông qua các chiếu lệnh văn cáo sơ sài qua loa, không có câu can gián thẳng thắn. Lẽ nào đó là lời bình thường? Nếu chỉ là ký chiếu lệnh, ban hành văn cáo thôi thì ai không làm được? Việc gì phải lao tâm khổ tứ tuyển chọn nhân tài để giao trọng trách? Từ nay về sau, ai thấy chiếu lệnh hoàng đế ban ra không ổn thỏa, không tiện thi hành đều phải kiên trì ý kiến của mình, không được rụt rè sợ sệt, biết không đúng mà vẫn im lặng”.

Đại ý của đoạn này là: Năm Trinh quán thứ ba, Đường Thái Tông nói với quần thần rằng: “Triều đình lập ra các bộ phận quan trọng như Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh, rồi nghiêm ngặt tuyển chọn nhân tài làm ở đó, các khanh thân mang trọng trách, phụ trách trách nhiệm rất quan trọng. Các mệnh và chiếu thư Hoàng đế ban ra nếu có phát hiện điều không ổn, phát hiện chỗ không phù hợp, mọi người phải theo lẽ công bằng mà bàn luận, chỉ ra chỗ thiếu sót. Tuy nhiên gần đây ta phát hiện mọi người chỉ a dua nịnh bợ, làm việc theo ý cấp trên, khúm núm, cẩu thả cầu an thân, qua loa cho xong chuyện, không có thẳng thắn theo lẽ công bằng mà can gián, đây há là đạo làm quan cho triều đình sao? Nếu triều đình cần các quan chỉ để làm việc ban hành chiếu thư một cách máy móc, các quan chỉ trợ giúp soạn thảo chiếu thư, chỉ hiểu cách sao lục viết công văn, như thế ai mà chẳng làm được? Cần gì phải tốn nhiều công sức tuyển chọn quan lại mà ủy thác trách nhiệm như vậy? Từ nay về sau, chiếu thư ban xuống mà có chỗ không ổn thỏa, mọi người phải thẳng thắn chỉ ra, không thể vì sự mạo phạm đến ta, biết rõ thánh chỉ có chỗ sai mà im lặng”.

Đoạn văn này cho thấy rằng, Thái Tông hiểu rất rõ trách nhiệm của các quan đại thần, trong đó thực ra cũng đã đề cập đến hình thức quản lý cụ thể của chính thể trung ương – thể chế tam tỉnh lục bộ. Những hình thức cụ thể này không được đề cập rõ trong cuốn sử thư này, là vì thể chế quản lý của mỗi triều đại cũng như cách sắp xếp vị trí các quan lại đều phải căn cứ vào tình hình cụ thể của quốc gia mà điều chỉnh phù hợp, không có một mô thức cụ thể cố định bất biến. Điều quan trọng là dù với hình thức cụ thể nào đều cần phải nhận thức rõ ở chức vị bản thân thì chức tránh nhiệm vụ phải gánh vác ra sao? Nếu bản thân mình được đặt ở chức vụ trọng yếu, thì chức vụ này rốt cuộc phải làm gì, đối với toàn thể quốc gia, chức trách nhiệm vụ của bạn là gì, có tác dụng gì, bạn đã làm tròn nghĩa vụ mà bản thân nên làm chưa. Không chỉ làm việc, mà cần phải biết bản thân vì sao phải làm những việc này, xử lý những việc này trên bình diện toàn quốc gia sẽ có tác dụng gì.

Cho nên điều Thái Tông nhấn mạnh không phải là cơ chế quản lý bề ngoài được cấu thành ra sao, mà là bản thân mỗi quan đại thần cần phải biết trách nhiệm của mình. Các quan đại thần của Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh thời Đường là những người phò tá Hoàng đế nghị sự đại sự quốc gia và việc quân cơ. Trung thư tỉnh sẽ căn cứ vào kết quả nghị sự để thay Hoàng đế soạn thảo chiếu lệnh, còn Môn hạ tỉnh chủ yếu phụ trách tiến hành việc thẩm tra xem chiếu thư, mệnh lệnh đó có được soạn thảo tốt không, họ có quyền bác bỏ chiếu thư mệnh lệnh do Trung thư tỉnh soạn thảo. Thái Tông hiểu rất rõ rằng, việc đại sự quốc gia phải cực kỳ cẩn trọng, cách nghĩ của cá nhân một vị Hoàng đế sẽ không thể không có chỗ sơ hở, chỗ không ổn thỏa, cho dù đã nghị sự, lúc soạn thành văn bản sẽ còn xuất hiện sai sót, nên phải cần có quan đại thần rà soát nghiêm ngặt. Vì sao lại phải rà soát nghiêm ngặt? Chính là dám chỉ ra chỗ chưa thỏa đáng, không sợ ảnh hưởng đến an nguy cá nhân, vì thần tử là quan đại thần của quốc gia chứ không phải là quan chức của cá nhân Hoàng đế, họ nên phải suy nghĩ đến lợi ích của quốc gia và bách tính, chứ không phải làm vừa lòng cá nhân Hoàng đế. Nếu chỉ làm vừa ý Hoàng đế hoặc cấp trên, e rằng bản thân sẽ bị bất lợi mà không dám nói năng gì, thì đó mới là bất trung với quốc gia, bất trung với Hoàng đế. Vì như vậy cuối cùng không chỉ làm hại đến quốc gia bách tính, còn có thể khiến Hoàng đế phạm phải sai lầm mà không biết, cuối cùng sẽ dẫn đến mất lòng dân, bị bách tính rời bỏ, như thế thì giang sơn há có thể trường cửu được không? Bề mặt có vẻ như làm vừa ý Hoàng đế, thực chất là chỉ quan tâm đến an nguy và tiền đồ của bản thân thần tử, rốt cuộc sẽ chỉ làm hại xã tắc, làm hại Hoàng đế, đẩy Hoàng đế đến chỗ bất nghĩa. Đây mới là thần tử bất trung bất nghĩa. Những thần tử không hiểu đại nghĩa như vậy thì dùng họ làm gì?

Thái Tông nắm rất rõ đạo lý, ông biết chỉ có thần tử dũng cảm, thẳng thắn can gián mới thực sự nghĩ cho vua, ông cũng thực sự hiểu được phải yêu quý, bảo vệ trung thần của mình. Đó là sự quý trọng của người quân tử. Cho nên Khổng Tử nói: “Xảo ngôn lệnh sắc, tiễn hỹ nhân” (dịch nghĩa: Lời nói khéo léo, sắc mặt cười lấy lòng, thì hiếm khi nhân đức). Thái Tông có thể nhận thức như vậy về thần tử, thì sẽ không đặt những kẻ bất nhân, nịnh hót vào các chức vị quan trọng, kề cận bên cạnh mình. Bề trên ngay thẳng, bề dưới mới không sai lệch, chính trị tất sẽ trong sạch.

Thực tế đã chứng minh, việc trị quốc của Thái Tông, chính là nhờ quân thần đồng lòng, nhận thức rõ ràng bản chất thực sự của việc trị quốc và thực thi chính trị là cùng nhau gánh vác trách nhiệm, nhờ thế mới gây dựng được thời kỳ thái bình thịnh thế, phồn vinh, huy hoàng nhất trong lịch sử.

Quân – thần – dân thực ra là một thể thống nhất

Vì sao Thái Tông lại nhận thức rõ ràng về chức trách của đại thần như vậy? Một trong những nguyên nhân chính là từ các bài học giáo huấn trong lịch sử, đặc biệt là bài giáo huấn về sự diệt vong của triều Tùy. Cho nên nhận thức của ông về thể chế chính trị chính là quân – thần là một thể thống nhất, thực ra chính là quan niệm quân – thần – dân là một thể thống nhất. Đầu tiên ông dạy các đại thần rằng vận mệnh của quân thần có quan hệ cùng tồn cùng vong. Cho nên quan trọng là phải làm việc công bằng, chính trực, không thể làm việc thiên vị.

Đoạn thứ hai của chương “Luận chính thể” ghi chép nhận thức của Thái Tông như sau: Năm Trinh Quán thứ nhất, Thái Tông nói với Hoàng môn Thị lang Vương Khuê (Hoàng môn Thị lang là chức quan ở Môn Hạ tỉnh, chủ yếu hầu hạ thân cận bên vua): “Chiếu thư, mệnh lệnh mà Trung Thư tỉnh soạn ra, Môn Hạ tỉnh có nhiều ý kiến khác, hoặc nếu phát hiện ra còn có chỗ thiếu sót để sửa đổi. Vốn lập ra Trung Thư tỉnh và Môn Hạ tỉnh để hỗ trợ để tránh xảy ra sai sót cho nhau. Ý kiến của mọi người thường khác nhau, cho nên sai sót là khó tránh. Mọi người cũng đều là tranh luận vì việc công, nhưng công tư cần phải phân minh, lòng dạ thoáng đãng, bộc trực thẳng thắn. Nhưng có người bảo vệ sở đoản của mình, không muốn nghe người khác chỉ ra chỗ thiếu sót của bản thân mà âm thầm oán trách ở trong tâm; còn có người vì tránh mâu thuẫn, bảo vệ mặt mũi của nhau mà dù biết rõ là ý kiến và cách làm không chính đáng nhưng vẫn cho thi hành. Loại cách làm sai lầm của những quan viên vì tình riêng đó sẽ trở thành việc hại lớn cho vạn dân, đó chính là nền chính trị dẫn đến quốc gia diệt vong, các khanh phải đặc biệt chú ý phòng tránh.

Ở thời mạt Tùy, các quan viên lớn nhỏ trong ngoài làm việc chính sự thì đi ngược với lẽ nhân tâm công đạo mà gây nên họa loạn, con người phần nhiều không thể nghĩ sâu thêm về đạo lý bên trong. Thời đó những quan viên đều cho làm thế là tai họa không đổ lên đầu mình, nên khi gặp nhau ngoài mặt đều nói những lời dễ nghe, bảo sao làm vậy, sau lưng thì mới biểu thị thái độ bất mãn và chê trách, cho rằng làm như vậy để bảo vệ bản thân, ai cũng không ý thức rằng cách làm như vậy sẽ gây ra hậu hoạn rất lớn; về sau khi đại loạn xảy ra, nước mất nhà tan, dù có người giữ được tính mạng, tuy không phải bị tra tấn chịu hình phạt, cũng phải chịu rất nhiều đau khổ mới giữ được mạng, lại còn phải chịu điều tiếng nghị luận của người đời sau. Các khanh thân làm đại quan phải nên chú ý diệt trừ tình riêng, theo lẽ công làm việc, kiên trì theo chính đạo, hễ là việc công cần giúp đỡ lẫn nhau, không được trên dưới không đồng thuận”.

Qua lời nhắc nhở này, Thái Tông muốn khuyến khích các quan đại thần dám trực ngôn theo lẽ công để trợ giúp ông quản lý tốt đất nước, nếu không, người làm vua sẽ mất đi giang sơn, kẻ làm quan cũng không có kết cục tốt, quân thần vốn chính là một thể thống nhất. Vì tình riêng mà không theo lẽ công làm việc, không dám đắc tội với quan trên, tựa như nhất thời bảo toàn tính mạng của bản thân không gặp nguy hiểm, thực chất chính là hậu hoạ lớn nhất, Thái Tông cực kỳ hiểu rõ điều này, đại thần chỉ biết tát nước theo mưa, không dám đứng trước mọi người chỉ ra chỗ sai lầm thì sẽ nguy hại đến cả quốc gia, dù là quân, thần hay người dân đều sẽ gặp phải tai ương. Thái Tông quả không hổ danh là vị quân chủ thánh minh, ông đã chỉ ra chỗ quan trọng của điều hành đất nước. Cũng chính là dám lấy lịch sử làm tấm gương, chỉ ra rằng sự vận hành lành mạnh của một thể chế chính trị không phải ở hình thức cụ thể của nó, mà là quân thần đều có thể nhận thức rõ ràng trách nhiệm của nhau, nghĩ đến chúng sinh thiên hạ, mà không phải vì tư lợi của bản thân, nếu không, quốc gia sẽ nguy vong, mới thực sự mất đi tất cả. Không những thế còn lưu lại nỗi nhục thiên cổ.

Trong chương này, Thái Tông đã lưu lại câu nói trị quốc giống như trị bệnh, ông còn nói rõ cho người đời sau rằng, quốc gia cũng như cơ thể người, trị quốc cũng như trị bệnh, quân thần và người dân trên thực tế là một thể thống nhất, thực sự là có mối quan hệ sinh tử với nhau, mọi người đều cùng phải trân trọng, công minh, thẳng thắn. Chúng ta thấy rằng người sáng lập ra tập đoàn điện tử Panasonic được xưng là huyền thoại kinh doanh, ông cũng không xa rời nguyên tắc đó, tức là ông coi công ty như một cơ thể, nhân viên trên dưới đều gắn chung vận mệnh với nhau, ông công minh, thẳng thắn với mọi người, làm hết chức trách. Ông thường nói rằng đạo đối nhân lớn nhất của ông chính là nói thẳng thắn, chân thật dựa trên nền tảng tôn trọng và trân trọng lẫn nhau. Những điều cốt yếu về quản lý điều hành đất nước này, nếu đem ứng dụng vào quan hệ vợ chồng, thì vợ chồng cần phải làm hết trách nhiệm của mình, cùng nhau xử lý công việc gia đình, đây đều là những tham khảo quý giá.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/248642