Tìm hiểu bí ẩn những đại dự ngôn của Trung Quốc (20): «Lý Thuần Phong tàng đầu thi»



Tác giả: Minh Áo chỉnh lý

[Chanhkien.org] Đại dự ngôn thứ sáu:

Thơ rằng:

“Thần thiên thuộc ý tại Trung Hoa,
Cạnh phóng ngũ thiên tận dị ba.
Đại hí nhất đài chung lạc mạc,
Dự ngôn chứng nghiệm thế khả tra.”

Nghĩa là:

“Trời và Thần chăm chú nhìn mảnh đất Trung Hoa,
Biết bao nhiêu sự kiện xảy ra trong 5.000 năm ấy.
Sân khấu của vở kịch lớn một khi hạ màn rồi,
Thì lịch sử có thể chứng nghiệm được lời tiên tri này.”

Ngoại trừ 5 đại dự ngôn (lời tiên tri lớn) kể trên, tại mảnh đất Trung Quốc thần kỳ này, từ thiên cổ tới nay còn lưu truyền rất nhiều dự ngôn khác. Như thế, chúng ta có thể thu thập một ít tài liệu biên tập thành sách để mọi người cùng nhau tham khảo. Đối với những lời tiên đoán này, chúng tôi chỉ chú giải sơ lược. Nếu điều gì cũng giải thích rõ ràng, thì độc giả đối với quyển sách này có thể sẽ cảm thấy mất hứng, cho nên để lại một chút bí ẩn cho mọi người tự nghiền ngẫm.

«Lý Thuần Phong tàng đầu thi»
(Dự ngôn bí kí – Những lời tiên tri bí mật được ghi chép lại)

Quan Tư Thiên Giám (Thái sử lệnh) Lý Thuần Phong của triều đại nhà Đường biên soạn – Tuyển chọn từ sách “Trung Hoa đại dự ngôn”

Ghi chú: Người biên tập chép lại nguyên văn lời chú giải trong sách, đồng thời chú giải sơ lược thêm.

Vào ngày 19 tháng 5 năm thứ Bảy thời kỳ Trinh Quán của Đường Thái Tông, Thái Tông hỏi Lý Thuần Phong rằng: “Thiên hạ của Trẫm giờ đã khá ổn định rồi. Khanh thông hiểu Dịch lý, khanh có biết ai sẽ là người làm mất giang sơn của Trẫm, và sau triều đại của Trẫm, ai là người sẽ đăng cơ, triều đại mới nào sẽ bắt đầu, khanh hãy nói rõ ràng cho Trẫm biết”.

Lý Thuần Phong trả lời rằng: “Muốn biết tương lai, cần phải xem lại quá khứ, được người tài đức thì còn, mất người tài đức thì không còn, đây cũng là đạo lý muôn đời không thay đổi vậy”.

Thái Tông nói: “Điều Trẫm hỏi không phải là điều đó. Mong khanh dùng hiểu biết về Dịch lý, suy ra triều đại của ta kéo dài bao nhiêu năm, rồi ai là người làm loạn nước ta, ai là người làm mất nước ta, và kể rõ từng thời đại, Trẫm muốn khanh đoán trước cho Trẫm hay”.

Lý Thuần Phong nói: “Đây là Thiên cơ, thần không dám tiết lộ”.

Thái Tông nói: “Lời từ miệng khanh, lọt vào tai Trẫm. Chỉ có khanh với Trẫm thôi, người khác không ai hay biết. Khanh hãy vì Trẫm mà nói ra đi”.

Thuần Phong nói: “Thần không dám tiết lộ”.

Thái Tông nói: “Khanh nếu không nói, Trẫm cũng không cưỡng ép. Hãy theo Trẫm vào cung cấm”.

Thế là Thuần Phong hầu Đường Thái Tông lên lầu cao.

Thái Tông nói: “Trên không đụng Trời, dưới không chạm Đất, khanh có thể nói với Trẫm được rồi”.

Dự ngôn —— hủy Đường Võ Tắc Thiên 690
Lời tiên tri – Nhà Đường bị hủy hoại (Võ Tắc Thiên năm 690)

Thuần Phong nói: “Người làm loạn triều ta, ở ngay bên cạnh Đế vương. 30 năm sau, người đó sẽ giết chết hầu hết con cháu nhà Đường”.

Thái Tông hỏi: “Người này là văn quan hay võ tướng? Khanh hãy nói rõ cho Trẫm biết, Trẫm lập tức giết hắn để trừ họa cho đất nước”.

Thuần Phong nói: “Đây là Thiên ý, sức người có thể làm gì được? Người này hiện nay 20 tuổi, nếu giờ giết đi, Trời tất sẽ giáng họa nước ta, rồi đầu thai trở lại làm một thiếu niên, con cháu nhà Đường sẽ càng nguy hơn”.

Thái Tông nói: “Ý Trời đã định, khanh hãy thử nói sơ qua về người này xem”.

Thuần Phong nói: “Người này chỉ có cây thương không rời thân, 2 mắt mọc trên Trời”.

(Nói về việc Võ Tắc Thiên [1] đoạt ngôi vua. Tắc Thiên họ 武, tức là “chỉ có: 止” ghép với “cây thương: 戈” , tên là Chiếu 曌 tức là “2 mắt: 目目” mọc ở trên “Trời: 空”. Hoàn toàn đúng với thực tế)

Thái Tông hỏi: “Ai là người có thể dẹp loạn cho nước ta?”.

Dự ngôn —— phục Đường
Lời tiên tri – Khôi phục nhà Đường

Thuần Phong nói: “Có sao Văn Khúc xuống thế gian, sinh vào một nhà chuyên bán đậu hủ, sau này làm Thừa tướng, có thể dẹp loạn”.

(Chính là Địch Nhân Kiệt [2])

Thái Tông hỏi: “Người này họ gì?”.

Thuần Phong nói: “Thiên cơ không thể tiết lộ, nếu tiết lộ sẽ gặp tai ương”.

Thái Tông hỏi: “Người này có thể cai quản giang sơn sau khi dẹp loạn hay không?”

Thuần Phong nói: “Kỷ Sửu có một cái miệng, một chiếc khăn chưa hoàn thành, 5 người làm loạn, may có 5 ngôi sao từ thiên thượng xuống thế gian dẹp yên”.

(Chỉ việc Vi hoàng hậu giết chồng là Trung Tông. Chữ “Vi” 韋ở trên là chữ số 5 五, ở giữa là chữ Miệng 口, ở dưới là chữ Khăn 巾”chưa hoàn thành”)

(Đồ hình đẩy lưng, lời tiên tri thứ 4 nói đến Ngũ Hầu, cũng chính là 5 ngôi sao từ thiên thượng này)

Thái Tông nói: “Sau đó thiên hạ sẽ thái bình chăng?”.

Thuần Phong nói: “24 năm đầu tốt đẹp như thời Nghiêu Thuấn, 24 năm sau lại có người làm loạn thiên hạ. May thay, một người miệng lớn gặp cây Dương mà sinh, gặp thành Quách mà chấm dứt”

(Nói về thời An Sử chi loạn [3], 24 năm đầu là thời Khai Nguyên thịnh thế, 24 năm sau thì loạn lạc, “một người: 一人” ghép với chữ “miệng: 口” chính là chữ “Sử: 史”, được Dương Quý Phi trợ giúp, được Quách Tử Nghi dẹp loạn)

Thái Tông hỏi: “Ai là người dẹp loạn?”

Thuần Phong nói: “Nhân Nghĩa nguyên soái, Quang Mộc làm tướng, sau đó được thái bình” (Quách Tử Nghi thì chữ “Nghi: 仪” gồm có “Nhân: 人” có “Nghĩa: 义”. Quang ở đây là nói về Lý Quang Bật [4]).

Thái Tông nói: “Sau đó có thể thái bình?”

Thuần Phong nói: “Qua 50 năm, tạm có thái bình. Sau 60 năm, hỗn thế Ma Vương xuống trần, nhật nguyệt sinh vào khuôn mặt, giết người vô số, máu chảy thành sông (nói đến giặc Hoàng Sào [5]). May có Độc nhãn long dẹp yên đem lại thái bình (nói đến Lý Nhất Mục, nhất mục có nghĩa là 1 mắt = độc nhãn). Sau đó có một người treo một cái thước cong trên cành cây làm loạn (nói về chuyện Chu Ôn [6] đoạt ngôi). Lúc này thiên hạ đại loạn, nhân dân đói khổ trong 40 năm, có 5 con heo lửa liên tục lên làm vua (nói về thời Ngũ Đại [7] sau này). Huyết thống nhà Đường thực sự đã tận, thiên hạ không còn là của nhà Đường nữa”.

Dự ngôn —— Tống (960~1279)
Lời tiên tri – Nhà Tống (960 – 1279)

Thái Tông nói: “Sau đó Vua nào xuất hiện?”

Thuần Phong nói: “Có thiên tử xuống trần, chạy theo mặt trăng nhỏ (nói đến họ của Tống Thái Tổ: “chạy: 走” ghép với “mặt trăng nhỏ: 小月” chính là “Triệu: 趙”,), đúng dịp nắng to, cây cỏ đội mũ ( “cây: 木” đội thêm cái mũ thành chữ “Tống: 宋” nghĩa là nhà Tống), khai sáng một thời kỳ văn hóa của đất nước, xóa tan bóng tối thế gian, sáng tác lễ nhạc, giáo dục hưng thịnh, thực sự thái bình, cũng là một thời kỳ có Đạo”.

Thái Tông lại hỏi: “Người làm loạn nước này là người như thế nào?”

Thuần Phong trả lời: “Có kẻ muốn làm loạn, song vua tôi đều tài đức. Sau đó có một người xuất hiện dẹp loạn và dần dần mang lại hòa bình. Đợi 200 năm sau, có người đầu mùa xuân xuất hiện, lừa dối Đế vương, hãm hại trung thần (Nói về Tần Cối [8] làm loạn việc nước). Khiến cho Vua nước này phải tránh về trấn thủ ở một phương trời (Cao Tông chạy về phương Nam). Đợi đến trăm năm sau đó, có một người làm Vương, trên đầu ở giữa 8 kẻ làm loạn xâm chiếm (chính là triều đại nhà “Kim: 金”, chữ “Người: 人” ở trên đầu chữ “Vương: 王”, ghép cùng với “chữ số 8: 八” ở giữa chữ “Vương: 王”). Nhưng cũng không lấy được thiên hạ”.

Dự ngôn —— Nguyên (1271~1368) Minh (1368~1644)
Lời tiên tri – Nhà Nguyên (1271-1368) và nhà Minh (1368-1644)

“Có Nhất Ngột làm chủ (“Nhất Ngột: 一兀” ghép lại thành chữ “Nguyên: 元”), người người đều không có tóc, đầu có hoa, nghe tiếng của họ không hiểu là âm thanh gì. Nhìn khuôn mặt thấy lộ vẻ tà ác. Nếu không có Trời sinh ra 8 con trâu (“bát ngưu: 八牛” ghép lại thành chữ “Chu: 朱”, là họ của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương), nhật nguyệt song hành (“nhật nguyệt: 日月” sánh đôi chính là chữ “Minh: 明”, nhà Minh). Không còn người trong thiên hạ. Phụ nữ để râu, nam thì sinh con, đất nứt núi lở”.

Thái Tông hỏi: “Sau đó thì thái bình?”.

Thuần Phong nói: “Từ đó về sau nạn lụt ngập tới chân, có một người có Đạo sinh ra tại nơi này, song mấy năm sau, nước Yên khởi binh nổi loạn, cháu chắt hoàng thất bỏ chạy (nói về chuyện Yến vương đoạt ngôi). Lại sau hơn 10 năm nữa, có vị Vua thuận theo Thiên ý xuất hiện tại đây (Chỉ vua Hy Tông, niên hiệu là thuận theo ý Trời – Thừa Thiên), lại có bề tôi trung hiền, trao trọng trách cho, người đó hủy hoại đất nước (Nói tới việc Ngụy Trung Hiền [9] làm loạn chính sự).

Đường Thái Tông nói: “Bề tôi trung hiền làm hại đất nước, khanh nói đảo điên gì thế?”

Thuần Phong trả lời: “Ý Trời như vậy, mà người đương thời đều vừa lòng, Hỗn thế Ma Vương xuất hiện, một ngựa luôn đứng giữa cửa (“ngựa: 马” ở giữa “cửa: 门” là chữ “Sấm: 闯”, ám chỉ Sấm Vương Lý Tự Thành [10]), cung dài không chịu tháo cung (“Cung dài: 弓长” nghĩa là “Trương: 张”, chỉ Trương Hiến Trung), hung hãn giết người (Chỉ việc Lý Tự Thành và Trương Hiến Trung làm loạn), thời đó văn sỹ ngồi trong nhà, võ tướng không cầm quân. Kéo dài mấy năm thì đất nước diệt vong”.

Dự ngôn —— Thanh (1644 niên hậu)
Lời tiên tri – Nhà Thanh (1644 trở về sau)

“Có một vị Đế vương thường mang theo 8 lá cờ bên thân xuất hiện (8 lá cờ, tức Bát Kỳ, chỉ nhà Thanh), trong miệng mọi người đều có lửa (người Mãn Châu hút thuốc lá), cưỡi ngựa trên tay (lễ phục nam giới nhà Thanh có ống tay áo hình móng ngựa – Mã đề tụ), trên đầu kết hoa (lông Khổng tước gắn trên đầu quan lại đời Thanh – Hoa linh), quần áo chia làm 2 đoạn (khác với áo dài của người Hán chỉ có một mảnh, quần áo người nhà Thanh chia làm 2 phần – Mã quải), khắp thiên hạ người không ra người (sau khi dùng thuốc phiện). Qua 200 năm nữa, lại có Hỗn thế Ma Vương xuất hiện, trên đầu có lông vàng (Hồng và Dương 2 kẻ làm loạn đều có tóc dài – Chỉ Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh, hai lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc [11]), nước trong mắt chảy dài, miệng ăn thịt người (Thái Bình Thiên Quốc làm lễ tế người sống). Thế là nạn binh đao hoành hành khắp nơi, khiến người Trung Nguyên khổ và chết, nếu không có Thiên tử sinh trong đám chim nhạn hồng và Mộc Tử làm Thừa tướng (“Mộc Tử: 木子” ghép lại thành chữ “Lý: 李”, chỉ Lý Hồng Chương [12]), 20 cái miệng làm quan (Chỉ Tăng Quốc Phiên [13]), thì nhân dân trong thiên hạ còn ai sống sót?

Dự ngôn —— hiện đại
Lời tiên tri – Hiện đại

“80 năm sau, Ma Vương khắp nơi trên mặt đất, sao dữ đầy trời, ai có thì có, ai không có thì không có (phân hóa giàu nghèo), vàng bạc trôi theo dòng nước chảy, nhà cửa không có người ở, cả người bất hạnh cùng người may mắn đều chết (nói về sự tình những năm 30, 40 của thế kỷ 20).

“Mấy năm sau, người ta đều đội trên đầu mũ số 5 số 8, mặc áo Mặt trời. Con người không giống con người, may có sao Bắc Đẩu nhỏ giáng trần, dẹp sạch 4 biển lập lại thái bình” (những năm 1940, Tưởng Giới Thạch quét sạch quân Nhật, trong nước lập nên thái bình, nhưng rất ngắn ngủi – mũ của quân Nhật có hình chữ Ngũ và chữ Bát  五八, còn trên quân phục có hình Mặt trời nhỏ như trong quốc kỳ Nhật).

Thái Tông lại hỏi: “Sau thời thái bình thì như thế nào?”

Thuần Phong trả lời: “90 năm sau (từ loạn Hồng Dương – Hồng Tú Toàn và Dương Tú Thanh), lại có một người Mộc bồ (nói về Mao Trạch Đông) xuất hiện, thường mang theo một “bông hoa” (ám chỉ phong trào “Trăm hoa đua nở” do Mao phát động), mặt trời ban đêm, mặt trăng ban ngày, làm loạn núi sông, nhân dân vùng lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) chịu rất nhiều tai họa. Sau đó, có một quân chủ, thân đeo cung dài (ám chỉ Đặng Tiểu Bình, chữ Đặng trong có một cái cung), người này mắt ở sau lưng, lông mày trên vòng eo (toàn bộ đảo lộn hết), rồi nhân dân lại phải chịu khổ cực. Nếu không có Chân Chủ giáng sinh, thiên hạ làm sao có được văn minh?” (từ năm 1949 trở về sau, tại Trung Quốc đại lục Âm Dương đảo lộn, Trời Đất mịt mù)

Thái Tông hỏi: “Thế nào là văn minh?”

Thuần Phong trả lời: “Người này đội một cái hũ trên đỉnh đầu, 2 tay vươn đến Trời (đỉnh Thiên), 2 chân đứng trên Đất (lập Địa), đeo thắt lưng nặng 9 cân, mặc bộ quần áo dài 8 trượng (người khổng lồ), Ngài sống ở khắp bốn phương, những người theo Ngài được hạnh phúc bình an, những người xuất sắc sẽ được vào cung điện màu tím hồng, còn những người đội mũ đỏ không còn một ai” (Đấng Sáng Thế Chủ đang ở tại nhân gian, nhân dân được an bình hạnh phúc, nền văn hóa và phong tục mới sẽ phồn vinh thịnh vượng).

* * * * *

Ghi chú của người dịch (không phải chính văn, chỉ để tham khảo):

[1] Võ Tắc Thiên: (625-705) (chữ Hán: 武則天) Tên thật là Võ Chiếu (武曌), là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc đã lập ra triều đại của riêng mình, nhà Võ Chu (周), và cai trị dưới danh hiệu Thánh Thần Hoàng Đế (聖神皇帝) từ 690 đến 705. Bà bị nhiều người cho là tàn ác vì đã giết hại nhiều người và lật đổ ngai vàng của Hoàng đế nhà Đường.

[2] Địch Nhân Kiệt: (630-700) (chữ Hán: 狄仁傑), tự Hoài Anh, còn gọi là Lương Văn Huệ công, là một quan lại của nhà Đường cũng như của triều đại Võ Chu do Võ Tắc Thiên lập ra. Ông từng giữ chức Tể tướng thời kỳ Võ Tắc Thiên trị vì, là người làm quan có tiếng cương chính liêm minh. Trong số những người được ông tiến cử có Trương Giản Chi, Hoàn Ngạn Phạm, Kính Huy, Đậu Hoài Trinh, Diêu Sùng. Những quan lại cao cấp này sau đó đóng vai trò then chốt trong việc buộc Võ Tắc Thiên thoái vị trong năm 705 và đưa Lý Hiển lên ngai vàng lần thứ hai, cho nên người ta cho rằng Địch Nhân Kiệt là người gián tiếp khôi phục lại nhà Đường.

[3] An Sử chi loạn: Cuộc phản loạn quy mô lớn đời nhà Đường, được cầm đầu bởi An Lộc Sơn (nguyên là một tiết độ sứ của Triều đình) và thuộc hạ là Sử Tư Minh. Cái tên ‘An Sử’ là lấy từ tên họ của hai người này ghép lại mà ra.

[4] Lý Quang Bật: Vị tướng cùng với Đại tướng Quách Tử Nghi đi dẹp loạn An Sử.

[5] Hoàng Sào: (?-884) (chữ Hán: 黄巢), người Sơn Đông, năm Càn Phủ đời Đường Hy Tông thứ 2 (875) cùng Vương Tiên Chi lãnh đạo nông dân khởi nghĩa, trước sau trên mười năm, có lần đánh phá kinh đô Trường An. Là một lãnh tụ nông dân nổi tiếng thời cổ đại Trung Quốc.

[6] Hậu Lương Thái Tổ: (852 – 912), tên là Chu Ôn hay còn gọi là Chu Toàn Trung, là vị vua đầu tiên của nhà Hậu Lương thời Ngũ Đại Thập Quốc. Trước đó, ông vốn là một tiết độ sứ của nhà Đường. Ông từng tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Hoàng Sào, sau đó phản Hoàng Sào, giúp nhà Đường. Sau khi loạn Hoàng Sào bị diệt, do có công lớn, nên được phong làm tiết độ sứ, và được vua Đường đổi tên là Chu Toàn Trung. Đến năm 907, ông lật đổ ngôi vua của Đường Ai Đế, cướp ngôi nhà Đường, lên ngôi hoàng đế, lấy quốc hiệu là Lương, sử gọi là Hậu Lương.

[7] Ngũ Đại: Hay Ngũ Đại Thập Quốc (907-960) là một thời kỳ chính biến trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ khi nhà Đường sụp đổ và kết thúc khi nhà Tống xuất hiện. Trong suốt thời kỳ này, 5 triều đại đã thay nhau tồn tại ở vùng lưu vực sông Hoàng Hà và hơn 12 nhà nước độc lập đã được xây dựng chủ yếu ở vùng đất Hoa Trung, Hoa Nam và một phần Hoa Bắc.

[8] Tần Cối: (1090 – 1155) (chữ Hán: 秦桧), tên hiệu là Hội Chi (會之), là một thừa tướng của nhà Tống ở Trung Quốc, người được dân Trung Quốc xem như một ‘Hán gian’, do ông là người đã góp phần hành hình chính trị tướng Nhạc Phi.

[9] Ngụy Trung Hiền: (1568-1627) (chữ Hán: 魏忠賢) Là người cầm đầu “đảng hoạn quan” dưới thời Minh Hy Tông trong việc lũng đoạn triều chính, thâu tóm mọi quyền lực trong tay, đồng thời tiêu diệt tất cả những người không cùng phe cánh với mình một cách không khoan nhượng. Vương triều Minh dưới thời Hy Tông suy tàn một cách trầm trọng một phần lớn là do Ngụy Trung Hiền.

[10] Lý Tự Thành: (1606-1645?) Là nhân vật trong lịch sử Trung Quốc sống vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân lật đổ nhà Minh vào năm 1644, tự xưng là Đại Thuận hoàng đế nhưng sau đó, quân Mãn Châu tràn vào Trung Quốc lập nên nhà Thanh năm 1644 đã lật đổ Lý Tự Thành và tiêu diệt toàn bộ lực lượng của ông.

[11] Thái Bình Thiên Quốc: (1851–1864) (chữ Hán 太平天国) là một nhà nước trong lịch sử Trung Quốc được hình thành từ cuộc nổi dậy của nông dân chống lại nhà Thanh do Hồng Tú Toàn (洪秀全) cầm đầu vào giữa thế kỷ 19. Thái Bình Thiên Quốc có lãnh thổ trải rộng từ sông Dương Tử xuống phía nam Trung Quốc với trên 16 tỉnh và hơn 600 thị, có thủ đô là Thiên Kinh (Nam Kinh).

[12] Lý Hồng Chương: (1823 – 1901) Là đại thần triều Mãn Thanh (Trung Quốc). Ông là người tỉnh An Huy, xuất thân gia đình quan lại, là người có công trong việc bình định cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc.

[13] Tăng Quốc Phiên: (chữ Hán 曾國藩) Là đại thần triều Mãn Thanh (Trung Quốc). Ông là người có công lớn nhất trong việc bình định cuộc khởi nghĩa nông dân Thái Bình Thiên Quốc.

* * * * *

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2007/3/8/42641.html



Ngày đăng: 26-06-2010

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.