Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 15)

Tác giả: Lưu Như

Tiếp theo Phần 14

[ChanhKien.org]

Chương đầu tiên Đạo làm vua – Trinh Quán Chính yếu phần lớn là những tấu chương của Ngụy Trưng, để chỉ rõ ra tính trọng yếu của đức chính, ông đã khuyên can Đường Thái Tông thi hành đức chính cần phải có thủy có chung, trước sau như một, trong đó có hai đoạn văn rất quan trọng. Phân tích của ông đã chỉ rõ ra nguyên nhân căn bản vì sao các vị vua trong thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc không thể có được địa vị bá chủ trong thời gian dài. Đây là bài học cực kỳ hữu ích trong sự cạnh tranh trên thương trường hiện nay.

Ngụy Trưng bàn về căn bản của việc trị quốc

Năm Trinh Quán thứ 11 Ngụy Trưng lại dâng lên một bản tấu chương. Nội dung cốt lõi của nó chính là hai đoạn văn dưới đây:

Ý nghĩa của đoạn văn thứ nhất như sau: “Thần nghe nói muốn cho cây xanh tốt, to cao vững chãi thì phải làm cho gốc thật vững chãi; muốn cho nước sông chảy xa thì phải đào sâu đầu nguồn; muốn chính cục quốc gia yên ổn nhất định phải dùng đức trị quốc, năng tích đạo đức nhân nghĩa. Đầu nguồn không sâu mà muốn nước sông chảy xa, gốc không vững chãi mà muốn cây xanh tốt, cao to vững chãi, nhân nghĩa không dày, lòng dân không quy phục mà muốn nước nhà yên định, thần tuy thấp hèn ngu muội, cũng biết đó là điều không thể, huống hồ là bậc thánh nhân sáng suốt!”

Đoạn văn này vừa mới đầu đã tổng kết rõ đạo lý của việc trị quốc “đức là cốt lõi, là căn bản, là đầu nguồn”. Nếu rời xa điều căn bản này, thì tất cả những biện pháp và sách lược đều trở nên uổng công, tuyệt đối không có tác dụng lâu dài.

Khó nhất là có thủy có chung, trước sau như một

Nói xong tính trọng yếu của đức trong việc trị quốc, Ngụy Trưng còn chỉ rõ cho Đường Thái Tông rằng thực thi đức chính cần phải làm được có thủy có chung, trước sau như một. Đây chính là điều khó làm được nhất. Có rất nhiều bài học trong lịch sử về vấn đề này, nhưng những vị đế vương có thể làm được điều này thực sự quá ít. Ngụy Trưng biết rằng người đối diện với mình là một minh quân hiếm có, nếu Thái Tông có thể một mạch kiên trì tiếp tục như thế, thì ông sẽ trở thành một vị Thánh Vương. Vì thế, ông đã khổ công, dốc tâm trí viết tấu chương để nhắc nhở Thái Tông nhất định phải nhớ kỹ bài học lịch sử. Vì thế mới có đoạn tiếp như sau:

“Rất nhiều bậc làm vua trong lịch sử, khi thừa mệnh trời gây dựng cơ nghiệp, khi bách tính và quốc gia đang lâm nguy, bản thân đang trong hoạn nạn, không ai không suy nghĩ lo lắng mà cẩn thận hành động, làm việc đều nói đến đạo nghĩa, rất sợ mất lòng dân, dẫn đến tình hình rối ren. Nhưng sau khi công thành danh toại thì dễ bỏ quên đức hạnh, bắt đầu suy bại. Đây chính là nguyên nhân vì sao trong lịch sử có rất nhiều vị vua lúc ban đầu thì coi trọng đức chính, lúc ban đầu những vị làm quân vương tốt quả thực là rất nhiều, nhưng có thể kiên trì giữ vững đức chính, đối đãi với quần thần như lúc đầu thì về sau lại cực kỳ ít, lẽ nào lấy được thiên hạ dễ mà giữ thiên hạ khó? Trước đây đoạt thiên hạ thì sức mạnh có thừa, hiểu được phải gắng sức chăm chỉ lo trị quốc, cần kiệm, lực lượng mạnh mẽ vô cùng, nay giữ thiên hạ thì không đủ lực, cảm thấy rất khó khăn, đó là vì duyên cớ gì? Khi dựng nghiệp ở trong lo lắng, ắt sẽ hết lòng thành thật đối xử với kẻ dưới, có thể đối đãi bằng lễ nghĩa; một khi đắc chí thì sẽ buông thả ham muốn, coi thường người khác. Khi hết lòng thành thật đối xử với người, dù là kẻ địch hay những người xa lạ khắp nơi cũng sẽ thân mật như một nhà; khi coi khinh người khác dù là anh em ruột thịt cũng xa lạ như kẻ qua đường. Tuy dùng hình phạt nghiêm khắc để răn đe, dùng uy phong và phẫn nộ để đe dọa, nhưng thuộc cấp luôn ứng phó bằng cách tránh tai họa, trong lòng không hề có ý tốt; bề ngoài cung kính vâng dạ, nhưng trong lòng lại không phục. Oán hận không ở lớn nhỏ, cái đáng sợ chỉ ở lòng người bội nghịch. Nước có thể chở thuyền cũng có thể lật thuyền, bởi vậy cẩn phải hết sức cẩn thận. Dùng dây thừng mục mà đánh cái xe đang chạy, sự nguy hiểm của nó có thể coi thường được không.”

Đoạn này Ngụy Trưng nói rất nghiêm trọng và khẩn thiết, ông rất thực tâm cảnh tỉnh Thái Tông đừng quên những bài học của những đế vương trong lịch sử. Những năm Trinh Quán triều Đường thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử đã chứng minh sự vĩ đại của Đường Thái Tông, ông đã làm được có thủy có chung, trước sau như một, trở thành vị thánh quân công trạng hiển hách. Ngoài ra, việc này cũng đã chứng thực lời dạy về đức chính chân lý cổ kim bất biến, là căn bản làm người sống theo mệnh trời quan trọng nhất mà lịch sử để lại cho con người.

Làm rõ giáo huấn lịch sử của thời Đông Chu Liệt Quốc

Lịch sử Trung Quốc đến triều Đường đã để lại vô số các bài học lịch sử. Ngay như hôn quân tàn bạo Thương Trụ Vương thì lúc đầu ông cũng không phải đã là hôn quân vô đạo, ông lúc đầu cũng có chí hướng lớn, cai trị đất nước cũng rất phồn vinh, an định, chỉ là về sau ông mới bắt đầu dương dương tự đắc, trầm mê vào sắc đẹp của Đát Kỷ. Sau lại bất kính với Nữ Oa, lăng mạ Thần linh, kiêu xa dâm dật, dẫn đến bản tính của ông ta bị mê muội, đức hạnh dần dần suy thoái, cuối cùng mất triệt để, trở thành người bạo ngược, thậm chí sát hại hoàng tử, hoàng hậu và trung thần nên mới bị mất đi giang sơn. Không có bất cứ vị đế vương nào ngay từ đầu đã thực sự và rõ ràng tự nội tâm quay lưng lại với đạo nghĩa. Dù họ những năm về sau trở thành quân chủ bạo tàn hay là hôn quân thì ban đầu họ đều được giáo dục, đều hiểu được những bài học lịch sử về thịnh suy, hưng vong của các quốc gia trong lịch sử. Vì thế, họ mới hy vọng bản thân sau khi đăng cơ có thể phấn đấu một phen, có thể lưu danh sử sách, được người đời sau kính ngưỡng. Nhưng phần nhiều trong số họ là đầu voi đuôi chuột, nghiên cứu nguyên nhân của vấn đề này, thì phần lớn nguyên nhân là vì ở trong hoạn nạn mà tự tiết chế, còn ở trong an dật mà hồ đồ giống như Ngụy Trưng đã nói đến.

Chúng ta thấy được rằng thời kỳ lịch sử Xuân Thu Chiến Quốc đề cập đến ở phần trước đã thể hiện rất điển hình bài học căn bản này. Quân vương các nước khi ở trong hoạn nạn tất sẽ gắng sức chăm lo trị quốc, cần kiệm, thậm chí có thể nếm mật nằm gai, ví dụ như Việt Vương Câu Tiễn từng nếm mật nằm gai để diệt nước Ngô, nhưng khi đã phục quốc thì sát hại công thần. Vua Bình nước Sở cũng vậy, khi quốc gia cường thịnh thì an dật, mất đi chí hướng, trầm mê trong nữ sắc, thậm chí không đoái hoài đến nhân luân, cưới phi tần của thái tử làm vợ, dẫn đến việc bị mất nước do bị Ngũ Tử Tư mang quân đến báo thù. Những vị vua có thủy mà không có chung, trước sau không như một quả là không ít. Bài học của giai đoạn lịch sử này đã được người đời sau hiểu từ sớm. Nhưng dù vậy thì mọi người vẫn dẫm vào vết xe đổ, không ngừng lặp lại sai lầm, vì sao vậy, chính là vì con người rất dễ rơi vào an dật, rất thích sự nhàn nhã hưởng lạc, rất khó tiết chế dục vọng của bản thân, đặc biệt là những người ở trên vương vị.

Những bài học này nếu không thể luôn nhớ kĩ trong tâm, muốn thu được thắng lợi và thịnh vượng lâu dài trong môi trường cạnh tranh kinh doanh ngày nay thì tuyệt đối không thể được. Khi nghiên cứu về các doanh nghiệp Nhật Bản, có rất nhiều bài học về phương diện này, rất nhiều doanh nghiệp khi mới khởi nghiệp thì không dám buông trễ, không dám lơ là, nhưng một khi đạt được thành công thì lại bắt đầu hưởng thụ. Mọi người cần phải thực sự tỉnh táo trong vấn đề này, nếu ban đầu nghĩ rằng trọng đức, khiêm nhường đối đãi với người khác và liêm khiết là vì danh dự nhất thời, làm theo hình thức thì mục đích căn bản là tư lợi, xem đạo đức như một sách lược tạm thời, làm như thế nào tất nhiên sẽ có kết quả như thế đó, như thế sẽ không thể làm được tốt từ đầu đến cuối. Doanh nghiệp cuối cùng tất nhiên sẽ đi đến suy yếu và thất bại.

Ngày nay, có rất nhiều người thích nghiên cứu tư tưởng binh pháp và pháp gia của Hàn Phi Tử, mà không thích đọc chính sử và kinh sách của Nho gia, vì thế nếu không có lịch sử quan đúng đắn thì sẽ không nhìn thấy được chân tướng của lịch sử. Nếu tách khỏi đạo đức mà nói về binh pháp và sách lược thì sẽ không thể vận dụng tốt những thứ này, tất nhiên sẽ vì cái lợi trước mắt mà tham bát bỏ mâm, mất đi cái lợi lâu dài. Đạo lý này xưa nay vẫn vậy.

Tổng kết đạo làm vua trong chương đầu tiên của Trinh Quán Chính yếu chính là cần phải yêu dân, cần phải nghe nhiều phía, nghe những ý kiến khác nhau (thì sẽ tự rõ), cuối cùng phải kiên định giữ vững đức chính, chuyên cần trị quốc, có thủy có chung, đây chính là cương lĩnh trị quốc, vì thế phải đặt ngay ở chương mở đầu, khởi tác dụng khai tôn minh nghĩa (ngay từ đầu đã giảng rõ ý nghĩa chủ đạo), để nhắc nhở mọi người rằng tất cả những sách lược cụ thể triển khai sau này, việc xử lý chính sự cụ thể trên mọi phương diện hình thức đều không thể tách rời nguyên tắc này. Đây là một bộ sử thư cực kỳ lý trí và trí tuệ, chỗ nào cũng là những điều căn bản và trọng yếu.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/248382