Thành ngữ điển cố: “Cố tình phạm pháp”

Trần Tất Khiêm chỉnh lý

[Chanhkien.org]

[Giải nghĩa] “Dĩ thân thí pháp” – ý là biết rõ pháp luật cấm, thế nhưng bản thân vẫn làm việc phạm pháp, mưu đồ đạt được lợi ích cho mình.

[Cận nghĩa / phản nghĩa] Tri pháp phạm pháp, minh tri cố phạm / Tuân kỷ thủ pháp

Câu thành ngữ này xuất xứ từ “Hán Thư • Vương Tôn truyện”. Thời Tây Hán, ở vùng Cao Dương (nay thuộc Hà Bắc) có một vị quan liêm khiết tên là Vương Tôn. Ông từ nhỏ đã mất phụ thân, được bác phụ (anh của cha) nuôi nấng.

Vương Tôn đam mê đọc sách, ông rất có lòng tôn kính đối với những vị quan lại chấp pháp nghiêm minh được ghi lại trong sử sách. Có một ngày, ông thỉnh cầu bác phụ: xin được đến nhà tù trong quận làm mấy việc vặt, bác phụ khuyên Vương Tôn không thành, đành chuẩn bị lễ vật sai người đưa ông đến gặp trưởng ngục, trưởng ngục liền nhận Vương Tôn ở bên sai bảo.

Vài năm sau, Vương Tôn thăng tiến rất nhanh. Có một lần, ông theo trưởng ngục đến phủ Thái thú làm việc, được Thái thú để mắt tới, liền giữ Vương Tôn ở trong phủ lo việc văn thư. Về sau, Vương Tôn được triều đình phân công làm Thái thú ở An Định. Lúc đó, quan trường vùng An Định cực kỳ hỗn loạn, một số quan viên lợi dụng chức quyền, hoành hành ngang ngược, ức hiếp bách tính. Vương Tôn sau khi đến nhận chức, lập tức chỉnh đốn quan lại, nói rõ cho quan lại các huyện phải làm tốt chức trách của mình.

Trong quận có viên quan dưới quyền nọ, thủ đoạn độc ác, cướp đoạt một lượng lớn của cải mồ hôi xương máu của người dân khiến dân chúng vô cùng phẫn nộ. Sau khi Vương Tôn đăng bảng bố cáo, ông ta vẫn chẳng hối cải, cố tình phạm pháp. Vì vậy Vương Tôn bắt nhốt ông ta quy án. Tiếp theo, Vương Tôn còn trừng phạt một nhóm cường hào ác bá không chịu tỉnh ngộ, từ đó xã hội an định, đời sống dân chúng thái bình trở lại.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/116894