Gặp bạn cũ trên đảo Bồng Lai

Thái Bình chỉnh lý

[Chanhkien.org]

Đường Nhược Sơn là người Lỗ Quận. Thời Đường Huyền Tông, từng làm Thượng thư lang. Vào những năm Khai Nguyên, ông đảm nhiệm chức Thứ sử Nhuận Châu, thi hành nền chính trị nhân từ, dân chúng gần xa đều ca tụng. Đường Nhược Sơn yêu thích đạo trường sinh bất lão. Em trai ông Đường Nhược Thủy là đạo sĩ ở Hành Sơn, đắc được bí quyết tu luyện của Đạo gia. Nhược Thủy đã từng vâng chiếu vào hoàng cung, không lâu sau lại khẩn cầu được về núi, hoàng đế hạ chiếu cho phép ông về núi. Vào lúc tuổi già, Đường Nhược Sơn ngày càng trở nên nhiệt tình đối với phép trường sinh. Công quỹ của phủ Nhuận Châu cũng bị ông dùng để mua thuốc luyện đan. Tân khách, đồng liêu và người thân ruột thịt vẫn thường khẩn thiết khuyên ông không nên như vậy, nhưng ông đều không nghe.

Một ngày, có một ông lão hình dáng gầy yếu, vẻ bề ngoài tiều tụy đến yết kiến, nói mình có phép trường sinh bất lão. Nhìn thấy ông lão ai cũng đều cười là già nua suy sụp. Đường Nhược Sơn thấy ông lại lấy lễ đối đãi, cực kỳ tôn kính, giữ ông ở lại hơn một tháng. Ông lão đàm luận đều toàn không phải là chuyện về phương diện luyện đan. Đường Nhược Sơn hỏi ông lão am hiểu cái gì, ông lão coi thường hết phương thuật luyện đan này đến phương thuật luyện đan khác, chỉ thích rượu ngon, đồ ăn thịnh soạn. Tuy rằng ông lão rất gầy gò, nhưng có thể ăn bằng ba bốn người. Đường Nhược Sơn đối với ông lão vẫn tôn kính như lúc ban đầu, không hề tỏ ra chán ghét.

Buổi tối một ngày, ông lão ung dung nói với Đường Nhược Sơn: “Nhà của ông có chừng một trăm miệng ăn, của cải cung cấp thường thường như vậy là không đủ. Ông hiện đang là quan lớn một phương, mà tài lực còn kém nhiều như vậy, đến một ngày bãi quan nhàn cư, lấy gì ăn mặc? Hơn nữa tiền bạc lụa là trong ngân khố ông cũng chiếm dụng rất nhiều, tôi thật sự là lo lắng cho ông.” Đường Nhược Sơn giật mình nói: “Tôi cai quản châu này đã rất lâu rồi, lúc rời đi thì tất phải bàn giao lại. Tôi cũng thường thường vì thế phát sầu, nhưng không nghĩ ra được biện pháp tốt. Nếu như vì vậy mà bị trừng phạt, đó là tự làm tự chịu, cam tâm tình nguyện, chỉ là lo lắng cho người nhà phải chị nỗi khổ sở ăn đói mặc rách.” Ông lão nói: “Không cần lo nhiều.” Ông lão giục nhanh mang rượu lên, uống liền mấy chén. Đường Nhược Sơn xưa nay rất ít uống rượu, hôm ấy cũng uống vài chén, thế nhưng không cảm thấy có men say, trong lòng rất kinh ngạc. Đêm hôm ấy ánh trăng rất sáng sủa, hai người chậm rãi đi trong sân. Hồi lâu, ông lão nói với Đường Nhược Sơn: “Có thể phái một người hầu, đem các loại nồi sắt đến phòng thuốc.” Đường Nhược Sơn liền phái người hầu ở phòng thuốc bố trí chỗ ngồi, đặt lò bếp. Ông lão lại nói: “Nồi sắt chia làm hai chỗ, dưới đáy nồi để than cháy, nướng nồi sắt đỏ như lò gạch, làm cho người ta không dám nhìn thẳng vào.” Lúc này ông lão cởi ra từ bên hông một cái hồ lô nhỏ, từ trong hồ lô lấy ra hai viên đan dược, ném vào mỗi nồi một viên. Đóng cửa đi ra, ông lão nói với Đường Nhược Sơn: “Ông có đạo cốt, nên dẫn độ ông siêu thoát nhân thế, hơn nữa ông còn thành thực chính trực, bản tính không thích tức giận, giới tiên đặc biệt coi trọng phẩm hạnh như vậy. Ta là Thái Thượng Chân Nhân, đến nhân gian xem xét, để siêu độ người có tâm. Nhìn ông chăm chỉ lại có nghị lực, cho nên mới tới siêu độ ông. Ta biến ra vàng bạc, một phần để lại cho con cháu ông, hoặc cứu tế người nghèo; một phần dùng để trả lại tiền bạc ông chiếm dụng từ ngân khố của phủ, không nên để mối lo về sau. Như vậy thì mới có thể có quyết tâm thoát khỏi thế tục. Ngày mai ta ở Giang Tâm chờ ông.” Nói xong, ông lão đột nhiên không thấy đâu nữa.

Sáng sớm ngày hôm sau, Đường Nhược Sơn mở phòng thuốc ra xem, những thứ hôm qua biến hóa ra chiếu sáng chói cả gian phòng. Ông bèn đóng cửa lại, và cùng dăm vị tân khách cùng nhau lên thuyền phiêu du trên sông, muốn du lãm chùa Kim Sơn. Sau khi đến Giang Tâm, trên sông khởi sương mù, cách trong gang tấc cũng không nhìn rõ gì cả. Chỉ có Đường Nhược Sơn thấy được ông lão kia. Ông lão cưỡi một chiếc thuyền đánh cá, đi thẳng tới cạnh bên thuyền Đường Nhược Sơn, rước Đường Nhược Sơn lên thuyền đánh cá. Thế là Đường Nhược Sơn đi được siêu nhanh. Không lâu sau, sóng gió trên sông lắng lại một chút, sương mù tản đi, mọi người mới phát hiện không thấy Đường Nhược Sơn đâu.

Ở phòng làm việc trong quận có bức thư từ biệt của Đường Nhược Sơn, toàn bộ viết về xử lý việc nhà ra sao. Lại có một phần tấu chương, mọi người liền đem tấu chương đưa cho hoàng thượng. Đại ý tấu chương là: “Tài lộc thế gian đều là vinh hoa tạm thời, thế sự bất định, kiếp phù du khó bảo toàn, chỉ có tu chân đắc đạo, mới có thể trường sinh bất lão. Ngày xưa có thừa tướng Phạm Lãi cưỡi thuyền đi đến Ngũ Hồ, là bởi vì vua và ông ta không thể cùng hưởng lạc; Lưu hầu Trương Lương học theo ‘Tứ hạo’ {bốn vị ẩn sĩ thời Tần} mà ở ẩn, là sợ hoàng đế sẽ không để ông tồn tại lâu dài về sau. Hai người này rời đi, là không giống với tình huống của thần. Vận khí của thần rất tốt, gặp buổi thái bình thịnh thế, lại nhận hoàng thượng ban ân. Sớm đã ngộ đến đạo lý thăng trầm, thâm hiểu được quy luật của việc dừng bước. Thần chuyên tâm về tu đạo, ngẫu nhiên có được bí quyết luyện đan, thần tin tưởng lời Hoài Nam Vương trước đây nói, vàng là có thể luyện ra được. Bạch nhật phi thăng, đó là kết quả của đắc chân kinh. Thần đã đắc đạo, còn cần gì nữa đây? Bởi vậy thần giơ tay hành lễ cáo biệt hồng trần, phiêu du như Thần Tiên trong cõi đại hải, Phù Tang đã thấy, Bồng Đảo không xa. Thần từ xa ngó trông cổng thành của hoàng thượng, trong lòng chan chứa tình khuyển mã nhớ chủ.”

Đường Huyền Tông đọc tấu chương xong cảm thấy vô cùng kinh ngạc, vội vàng hạ lệnh trợ cấp hậu hĩnh cho gia thuộc Đường Nhược Sơn, giục người tìm Đường Nhược Thủy, sai Đường Nhược Thủy và các nội thần cùng nhau, đem theo chiếu lệnh của hoàng đế, ở bờ sông ven biển mà tìm kiếm khắp nơi, thế nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Hai mươi năm sau đó, có một bộ hạ cũ của Đường Nhược Sơn từ Chiết Tây phụng mệnh đến Hoài Nam, nhìn thấy Đường Nhược Sơn bán cá trong chợ cá, giống như người bình thường. Đường Nhược Sơn mời thuộc hạ đi vào trong một ngõ hẹp, quanh co mấy trăm bước, đi tới một phủ đệ hoa lệ. Ông để thuộc hạ nghỉ ngơi ở đấy, lại còn mời ông ta dùng cơm. Đường Nhược Sơn thương cảm thuộc hạ trường kỳ nghèo khó, bảo ông ta đến chợ mua hai mươi cây gậy sắt. Ngày hôm sau, thuộc hạ gặp lại Đường Nhược Sơn, tất cả gậy sắt đều biến thành vàng. Đường Nhược Sơn đem tặng số vàng này cho thuộc hạ. Người thuộc hạ này họ Lưu. Hiện tại, trong số con cháu họ Lưu ở tại Kim Lăng cũng có người tu đạo.

Thêm một chuyện khác, Tướng quốc Lý Thân, tự Công Thùy, đã từng học nghệ ở Hoa Sơn, khi lương thực dùng hết rồi, bèn ra khỏi sơn cốc, đi tìm lương thực. Lúc trời tối ông mới về, bỗng nhiên nổi lên giông tố. Ông trú mưa dưới một tảng đá lớn. Lúc ở tảng đá, ông nhìn thấy một vị đạo sĩ. Thuyền của vị đạo sĩ kia đỗ ở trên tảng đá, một đứa trẻ quê cầm chèo đứng ở mũi thuyền. Lý Thân vái chào đạo sĩ, đạo sĩ cười nói: “Công Thùy ở chỗ này sao?” Lời nói giống như bạn cũ vậy. Nhưng mà bọn họ không hề quen biết nhau. Đạo sĩ bèn hỏi Lý Thân: “Ông biết Đường Nhược Sơn chứ?” Lý Thân trả lời: “Tôi đã từng ở “Quốc sử” đọc qua việc ông ấy đắc đạo thành tiên, thường thường kính ngưỡng ông ấy.” Đạo sĩ nói: “Tôi chính là Đường Nhược Sơn. Tôi muốn đến Bồng Lai dạo chơi, thỉnh thoảng gặp sương mù trên sông, đậu thuyền ở chỗ này. Tôi và ông trước đây từng có một đoạn duyên phận, cho nên mới có thể tạm thời gặp nhau ở chỗ này, lẽ nào ông đã quên sao?”

Đạo sĩ bèn kéo Lý Thân lên thuyền. Lúc này sương mù trên sông đã tản đi, ánh trăng sáng trưng, giống như là ban ngày. Thuyền kia chạy trên không, chỉ chốc lát sau đã đến đảo Bồng Lai. Lâu đài cung điện bằng vàng ngọc rực rỡ, mọc lên san sát ở trên trời. Có mấy thần tiên đều là bạn bè cũ, muốn giữ bọn họ lại. Trong đó có một thần tiên nói: “Lý Công Thùy đang muốn phụ tá quốc gia tham gia chính sự, trong mệnh đã định phải làm xong việc này mới có thể trở về.” Lý Thân quả thật có chí lớn giúp nước giúp dân, không muốn lưu ở nơi này. Chúng thần tiên lại để cho Đường Nhược Sơn đưa ông ta về Hoa Sơn.

Về sau Lý Thân quả nhiên làm tể tướng, liên tục nhiều năm có quyền hành lớn nắm giữ việc quân đội và chính sự. Sau khi rời thế gian, ông cũng thành tiên.

(Nguồn: “Tiên truyện thập di”)

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/23038