(Danh sơn cổ tự) Khám phá bí mật Nam Nhạc Hành Sơn – trong câu nói “Thọ tỉ Nam sơn”

Tác giả: Thiên Tân

[Chanhkien.org]

Hành Sơn là một dãy núi nổi tiếng trong Ngũ Nhạc Danh Sơn (5 ngọn núi nổi tiếng), thuộc miền trung nam tỉnh Hồ Nam, còn gọi là Nam Nhạc Hành Sơn. Trải dài trên 8 huyện của tỉnh Hồ Nam, uốn lượn 800 dặm, Hành Sơn có tổng cộng 72 ngọn núi. Ngọn núi chính là Chúc Dung, độ cao 1290m so với mực nước biển, trèo lên đỉnh núi, dõi mắt nhìn bầu trời đất Sở, nhìn quanh núi non trùng điệp, có thể cảm nhận được khí thế như đang bay. Học giả trứ danh đời Thanh Ngụy Nguyên trong “Hành Nhạc ngâm” tán dương rằng: “Duy hữu Nam Nhạc độc như phi” – “Chỉ ở Nam Nhạc mới có được cảm giác như đang bay”.

Từ chân dãy núi Nam Nhạc đến đỉnh núi Chúc Dung, tổng cộng là 18km. Đi tới “Đình Bán Sơn” ở giữa Hành Sơn, trong đình có một đôi câu đối: “Tuân đạo nhi hành, đãn đáo bán đồ tu nỗ lực; hội tâm bất viễn, dục đăng tuyệt đính mạc từ lao.” (Theo đường mà đi, mới đến giữa đường còn cần nỗ lực; điều trong lòng mong muốn không còn xa, muốn đến tận đỉnh chớ ngại khổ). Đến Nam Thiên Môn ấy mới chính thức là bắt đầu. Ngẩng đầu có thể thấy được: “Môn khả thông thiên, ngưỡng quan bích lạc tinh thần cận; lộ thừa tuyệt đính, phủ khán thúy vi loan tự đê.” (Cửa có thể thông với trời, ngửa mặt nhìn sao trời ở gần; con đường dẫn đến đỉnh núi, cúi xem núi biếc non xanh ở dưới thấp.). Câu đối này có thể giúp ta hình dùng ra thánh cảnh Hành Sơn.

Danh xưng “Nam Nhạc” vốn cũng có lai lịch. Tương truyền Chúc Dung Thị là đại thần của Hiên Viên Hoàng Đế thời thượng cổ, sau khi nhân loại phát minh ra cách dùi vào thân gỗ để lấy lửa lại chưa biết giữ và dùng lửa, bởi vì Chúc Dung Thị “gần gũi” với lửa, nên đã trở thành người giỏi giữ lửa dùng lửa. Hoàng Đế bèn bổ nhiệm ông làm quan quản lý lửa. Cũng bởi ông quen thuộc tình hình phương Nam, Hoàng Đế lại phong ông chức Tư Đồ, chủ quản sự tình phương Nam. Ông cư ngụ tại Hành Sơn, sau khi chết cũng được mai táng ở đây. Ngũ Nhạc là chiểu theo Ngũ Hành “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ” mà sắp xếp, phương Nam có quan hệ đối ứng với “Hỏa”. Vì vậy mới có danh xưng là “Nam Nhạc”.

Theo “Tương Trung ký” ghi chép: “Hành Sơn, đền thờ của Chu Lăng, động tu luyện của Thái Hư, trên ứng với sao Chẩn, dựa theo đức mà ban vật, có vị trí và tác dụng như ki hành, tên cổ là Hành Sơn.” Ki hành là một loại thiết bị trắc định vị trí thiên thể. Ở đây miêu tả quan hệ đối ứng của Hành Sơn cùng thiên thể và tác dụng đo lường thiên thể.

“Thuật dị ký” chép: Nam Nhạc là cánh tay trái của Bàn Cổ biến thành. Theo “Tinh kinh” ghi lại, Nam Nhạc Hành Sơn đối ứng chòm sao Chẩn trong Nhị Thập Bát Tú. Có một ngôi sao nhỏ bên cạnh chòm sao Chẩn, gọi là “sao Trường Sa”, ngôi sao này chủ quản thọ mệnh của sinh linh trong nhân gian. Mà Hành Sơn xưa thuộc vùng Trường Sa, cho nên Hành Sơn còn có danh xưng “Thọ Nhạc”. Người đời sau chúc thọ, thường xưng tụng “Thọ tỷ Nam Sơn”, “Nam Sơn” này chính là chỉ Nam Nhạc Hành Sơn.

Câu đầu tiên trong “Trùng tu Nam Nhạc miếu bia ký” của Hoàng đế Khang Hi viết: “Nam Nhạc là nơi trú đóng to lớn của trời Nam, trên ứng với Ngọc Hành của Bắc Đẩu, còn có tên Thọ Nhạc.” Ngọc Hành là một trong bảy ngôi sao của chòm Bắc Đẩu, cũng chính là sao Chẩn của Nhị Thập Bát Tú. “Từ Nguyên” cũng có nói đến “Thọ Nhạc”. Lý Bạch từng có thơ tán thưởng Nam Nhạc: “Hành sơn thương thương nhập tử minh, Hạ khán nam cực lão nhân tinh, Hồi tiêu xuy tán ngũ phong tuyết, Vãng vãng phi hoa lạc động đình.” (Hành Sơn to lớn và mờ ảo nhập vào trời tía, Nhìn xuống sao Nam Cực Lão Nhân, Gió mạnh thổi tan tuyết trên năm đỉnh núi, Nơi nơi hoa giăng rơi xuống Động Đình). Nam Cực Lão Nhân ở đây chính là “Nam Cực Tiên Ông” mà mọi người thường gọi. Ở tại Nam Nhạc, đâu đâu cũng thấy công trình mà tên có liên quan đến thọ mệnh, như cung Vạn Thọ, cung Thọ Ninh, cầu Thọ Giản, gác Nhân Thọ, đình Bách Thọ, đình Duyên Thọ, điện Thọ Phật v.v… Ghi chép lịch sử cũng thường lấy “Tỷ thọ chi sơn”, “Chủ thọ chi sơn” v.v.. để gọi Nam Nhạc Hành Sơn.

Từ xưa đến nay, mọi người mơ ước [có thể] tăng tuổi thọ, văn hóa Thọ là một phần của văn hóa bán thần cổ đại Trung Quốc, mọi người ít nhiều đều có một chút quan niệm dưỡng sinh khỏe người. Cho nên sản sinh rất nhiều phương pháp rèn luyện dưỡng sinh trường thọ, một vài y học gia phát minh ra một số thuật khí công dưỡng sinh, như Ngũ Cầm Hí của Hoa Đà chẳng hạn, cũng đạt được mục đích tăng tuổi thọ.

Tuy rằng mọi người đều có nguyện vọng tốt đẹp là trường thọ, thế nhưng khó tránh khỏi nỗi khổ sinh tử luân hồi. Bất luận Tần Thủy Hoàng phái người đến danh sơn Đại Xuyên hái thuốc trường sinh bất lão, còn cử người sang xứ Phù Tang phía đông tìm kiếm, cũng không tránh được cái chết. Sống và chết đã trở thành chủ đề vĩnh hằng trong xã hội người thường. Để giải quyết cho xong vấn đề sinh tử, rất nhiều người không biết mỏi mệt thăm dò sự huyền bí của sinh mệnh trong dòng sông vũ trụ. Mà tu luyện lại chính là cách thoát ra khỏi sinh tử.

Ở Nam Nhạc có [phép] tu Phật, có tu Đạo. Trong lịch sử Phật, Đạo Trung Quốc, thì Phật, Đạo ở Nam Nhạc có địa vị trọng yếu, hơn nữa có ảnh hưởng rất lớn đến Nhật Bản và Đông Nam Á thậm chí thế giới, có thể nói là “đèn nhang nghi ngút”. Từ thuở sớm của thời Tây Chu, người tu đạo đã ở Nam Nhạc mà khai phá hang động để tu luyện. Tới thời Lương, Trần của Lục Triều, Nam Nhạc bắt đầu xuất hiện chùa chiền. Tuệ Tư đến Nam Nhạc kiến tạo các công trình vẫn còn đến tận ngày nay là chùa Phúc Nghiêm, điện Tàng Kinh; đệ tử Trí Ký của ông vào núi Thiên Thai sáng lập pháp môn Thiên Thai Tông. Tới thời Đường Phật giáo thịnh hành thì có sự phát triển nở rộ của “Thập đại tùng lâm”, “Bát bách mao am”. Trong “Nam Nhạc phú” của Vương Phu Chi có nói đến: “Kim bích thôi xán, đổ khung sùng. Bỉ tụ liên hương, tiếp vũ văn chung. Hoa vũ thành hề, bạch vân tại phong.” (Vàng ngọc rực rỡ, tường vòm cao lớn. Hương thơm khắp núi, cùng tiếng chuông. Hoa rơi thành hàng, mây trắng trong gió.).

“Thiên hạ danh sơn tăng chiếm đa” (Núi nổi tiếng trong thiên hạ, phần nhiều là [có] tăng nhân). Vì sao có nhiều tăng nhân đến Hành Sơn tu luyện như vậy? Ngoài việc thông qua tu luyện có thể đạt được mục đích trường sinh trường thọ, có thể còn có những nguyên nhân khác. Tuy nhiên tu luyện quả thật là có thể khiến người ta đắc đạo, siêu thoát khỏi sinh tử luân hồi.

“Bạch nhật phi thăng” (bay lên trời giữa ban ngày) đã là bằng chứng ghi nhận của tu luyện siêu thoát sinh tử. Ở nơi đây có một câu chuyện về Ngụy phu nhân “bạch nhật phi thăng”. Ngụy Hoa Tồn là người luyện đan của Đạo gia nổi tiếng thời Lưỡng Tấn. Tư liệu như “Mao Sơn chí” và “Nam Nhạc Ngụy phu nhân” v.v.. đều có ghi chép. Ngụy Hoa Tồn là người thời Lưỡng Tấn, tự là Hiền An, người Nhâm Thành, Sơn Đông, con gái của quan Tư đồ Văn Khang Công Ngụy Thư. Chồng là Lưu Văn huyện lệnh ở Tu Vũ, sinh được hai con trai là Lưu Phác, Lưu Hà. Về sau chồng Lưu Văn qua đời, bà bèn trai giới ẩn cư đến Nam Nhạc Hành Sơn để tu luyện bí mật. Nam Nhạc Hành Sơn đến nay bảo tồn một tòa “Hoàng Đình quán” của vị chân nhân phương Nam, bên ngoài đạo quán phía đối diện có một vách tường đá ở trên có chữ viết “Phi tiên thạch”, nghe nói là chỗ tu luyện lúc đó của Ngụy phu nhân. Vì bà ở Nam Nhạc tu luyện, cho nên người trong đạo giáo gọi bà là “Nam chân”. Ngụy phu nhân sau khi ở trong núi tu trì mười sáu năm, tương truyền tu đến mức da đẹp nõn nà, dung nhan trẻ hơn tuổi. Tới năm Giáp Ngọ Hàm Hòa Ngụy Hoa Tồn tại thế đã được 84 tuổi, ngồi trên bánh xe mà thăng thiên giới.

Ở Nam Nhạc Hành Sơn không chỉ có người trường thọ, ngay cả thực vật cũng có tuổi thọ cao. Chùa Phúc Nghiêm có một gốc cây tục truyền thời Lục Triều lúc thọ giới, thiền sư Tuệ Tư có trồng một cây ngân hạnh, đến nay đã hơn 1400 năm tuổi, thân cây ba người ôm mới hết; phía sau điện Tàng Kinh có cây bạch ngọc lan, đến nay cũng hơn 500 năm tuổi.

“Thọ” trở thành nét đặc sắc của Nam Nhạc. Trăm ngàn năm qua mọi người đều ở đây thăm dò bí mật trường thọ, kỳ thực đã bày ra ở đó rồi! “Hành” sơn “thuyên đức quân vật”, có thể lý giải là “Hành” Sơn căn cứ theo đức của người ta mà ban phát cho tài vật. Đây là thể hiện nguyên tắc công bằng của vũ trụ. Hành Sơn đã nói cho mọi người đạo lý trường thọ, chỉ là thế nhân không dễ nhận ra; pháp lý của vũ trụ là chính xác ở mọi nơi, chỉ là cần con người [tiến vào để] chứng ngộ.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/20981