Thành ngữ điển cố: “Thiên la địa võng”

Trần Tất Khiêm chỉnh lý

[Giải nghĩa] Ý nghĩa giống như giăng võng để bắt chim bắt cá. Tỉ dụ võng giăng khắp trời đất, tức bốn phương tám hướng, trên dưới trái phải, đều vây chặt.

[Gần nghĩa/phản nghĩa] Thập diện mai phục, thiên võng khôi khôi / Lậu võng chi ngư

Thành ngữ này xuất xứ từ “Ngũ Viên xuy tiêu” của Lý Thọ Khanh thời Nguyên. Thời Xuân Thu, Sở Bình Vương ngu ngốc vô đạo, nghe gian thần Phí Vô Cực xúi giục, đem người vợ vốn gả cho thái tử Mễ Kiến đổi thành vợ mình. Chuyện này sau truyền ra, triều đình và dân chúng nước Sở đều thấy bê bối.

Thái phó Ngũ Xa, là người chính trực thiện lương, không sợ quyền thế, lại là thầy dạy thái tử. Phí Vô Cực sợ ông tương lai phò tá thái tử trừng trị mình, liền xúi giục cho Sở Bình Vương giết Ngũ Xa và con trai trưởng. Sở Bình Vương sợ thái tử Mễ Kiến biết việc này, liền chuẩn bị phái người đi giết hại Mễ Kiến. May mà Mễ Kiến kịp nhận được tin tức, chạy trốn tới Phàn Thành đang được con thứ hai của Ngũ Xa là Ngũ Tử Tư trấn thủ, đem mọi chuyện nói cho Ngũ Tử Tư biết. Không lâu sau, Phí Đắc Hùng theo lệnh Phí Vô Cực, tới gặp Ngũ Tử Tư: giả truyền rằng bởi vì Ngũ Tử Tư chiến công hiển hách, nên Bình Vương truyền cho ông về triều, lại còn trọng thưởng.

Ngũ Tử Tư không khỏi phẫn nộ, mắng rằng: “Các ngươi là quân gian tặc cấu kết, sát hại cả nhà của ta, còn nói cả nhà của ta đang thịnh vượng à! Nếu không phải Mễ Kiến nói rõ nội tình, lật tẩy lời ma quỷ của ngươi, ta súy chút nữa cũng rơi vào thiên la địa võng của các người rồi.” Nói xong, Ngũ Tử Tư đánh cho Phí Đắc Hùng một trận nặng nề, sau đó bỏ chức quan mà chạy trốn.

Sở Bình Vương phái binh đuổi theo gắt gao, Ngũ Tử Tư trốn tránh vất vả, rốt cục thoát khỏi truy binh, cải trang thay hình đổi dạng, chạy khỏi nước Sở, đi tới nước Ngô, dựa vào thổi tiêu mà sống. Không lâu sau, Ngũ Tử Tư được Ngô vương trọng dụng, dấy binh đánh nước Sở, báo thù rửa nhục.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/node/116396