Trong nơi u minh có định số: Lý Lăng Dung số sinh quý tử

Tác giả: Minh Cổ

 

[ChanhKien.org] Lý Lăng Dung là mẹ của Tấn Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu, được tấn phong Hoàng thái hậu, sau khi Tấn Hiếu Vũ Đế qua đời được tôn là “Thái hoàng thái hậu”. Cuộc đời của Lý Lăng Dung có thể nói là rất thần kỳ, trước đây Tấn Giản Văn Đế Tư Mã Dục khi chưa làm hoàng đế có năm người con trai: trong đó ba người chết yểu khi còn thơ, hai người còn lại chết khi là thanh niên hoặc thiếu niên, không để lại người nối dõi. Vì vậy Tấn Giản Văn Đế vừa trở thành hoàng đế đã phiền não vì không có con trai để kế thừa ngai vàng. Vào lúc đó, Tấn Giản Văn Đế đã 52 tuổi, đã quá già, mà các phi tần suốt gần 10 năm lại không mang thai.

Tấn Giản Văn Đế ra lệnh cho thầy bói Hộ Khiêm xem một quẻ, Hộ Khiêm xem và giải thích rằng: “Hậu cung có một cô gái sẽ sinh hai quý tử, trong đó một người sau này sẽ làm cho nhà Tấn thịnh vượng”, cũng chính là nói: có một cô gái trong hậu cung có thể sinh ra hai hoàng tử tôn quý cho bệ hạ, một người trong đó sẽ có thể làm rạng rỡ triều Tấn. Lúc đó, Từ Quý Nhân vừa sinh hạ công chúa Tân An, vì phẩm hạnh tốt nên được sủng ái. Nhưng suốt cả năm sau đó, cô không bao giờ có dấu hiệu mang thai như Tấn Giản Văn Đế hy vọng. Sau đó, hoàng đế lại thỉnh giáo đạo sĩ Hứa Mại, Hứa Mại nói: “Hạ thần là một người thích phong cảnh, vốn không có Đạo thuật, không thể dự đoán được tương lai, bệ hạ, ngài nên nghe lời Hộ Khiêm”. Thế là, Tấn Giản Văn Đế tiếp tục chọn một vài phi tần từ trong cung nữ, nhưng đáng tiếc là mấy năm sau vẫn không có con.

Sau đó Tấn Giản Văn Đế tìm một người rất giỏi xem tướng, trước tiên cho ông ta xem các phi tần ai là người có thể sinh con trai, nhưng thầy tướng nhìn hết các ái phi của hoàng đế, nói rằng không ai trong số họ có số mệnh sinh hoàng tử. Bất đắc dĩ Tấn Giản Văn Đế đành phải gọi tất cả các cung nữ, nô tỳ ra để thầy tướng xem. Khi thầy tướng nhìn thấy Lý Lăng Dung liền nói: “Người này được đấy, chính cô ấy có thể sinh hoàng tử”. Lý Lăng Dung vốn xuất thân “hèn mọn”, là con của một gia đình bình dân, dáng người cao và da ngăm đen, vì vậy cô chỉ là một cung nữ bình thường làm việc trong một xưởng dệt. Lý Lăng Dung còn có tên gọi khác là “Côn Luân”. Vì núi Côn Luân nằm ở phía bắc, màu sắc đối ứng với phương bắc trong Ngũ Hành là màu đen, nên biệt danh Côn Luân là nói đến làn da đen của cô.

Vào thời đó mọi người thường coi làn da trắng là đẹp, làn da đen của Lý Lăng Dung vốn không thể được Hoàng thượng ưa chuộng. Nhưng thầy tướng nói rằng cô có thể sinh hoàng tử, nên Tấn Giản Văn Đế không thể không nhận cô làm thiếp. Lý Lăng Dung liên tục mơ thấy “hai con rồng nằm gối đầu lên hai đầu gối, mặt trời và mặt trăng nhập vào vòng tay”, cô kể cho các phi tần khác nghe, truyền đến tai hoàng đế, Hoàng đế nghĩ rằng cô không phải là tầm thường. Sau này Lý Lăng Dung quả nhiên đã sinh ra Tấn Hiếu Vũ Đế, Hội Kê Văn Hiếu Vương và Phàn Dương công chúa. Khi Lý Lăng Dung mang thai Tấn Hiếu Vũ Đế, trong mơ nghe thấy Thần nói với cô: Con sẽ sinh hạ được một bé trai, hãy đặt tên tự cho nó là “Xương Minh”. Quả nhiên khi đứa trẻ sinh ra, đúng là vào sáng sớm khi mặt trời bừng sáng mọc ở phía đông, bởi vì “Diệu” có nghĩa là tỏa sáng và tươi sáng, vì vậy lấy tên là “Diệu”, tự là “Xương Minh”. Tấn Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu sau này trở thành vị quân vương quyền lực nhất kể từ khi thành lập triều đại Đông Tấn, trong thời gian tại vị, ông đã đánh bại nhà Tần trong trận Phì Thủy, quả nhiên ứng nghiệm dự ngôn “Kỳ nhất chung thịnh Tấn thất” (người ấy cuối cùng làm cho nhà Tấn thịnh vượng).

Ngày nay một số trang web ở Trung Quốc đại lục khi giới thiệu về Lý Lăng Dung, chỉ dựa vào ghi chép về làn da đen mà nói rằng bà có thể là một người da đen châu Phi, kiểu nhận định lấy lòng người thật nực cười này thể hiện tâm thái đùa giỡn, bất kính của con người đối với lịch sử sau khi tiếp nhận chủ nghĩa vô thần. Loại tâm thái này khiến mọi người không nhận ra được kinh nghiệm và các bài học từ lịch sử. Theo ý kiến của tác giả, Lý Lăng Dung vốn ban đầu tuyệt nhiên không có hy vọng nhưng lại có thể dựa vào việc sinh quý tử mà một bước lên trời, tính kỳ dị ấy đã nói rõ: Lịch sử là do Thần an bài, và sự an bài của Thần thường thường ngoài sức tưởng tượng của con người, những việc mà do Thần Phật định liệu rồi, có thể chúng ta nghĩ là không thể xảy ra, nhưng tới lúc thì nó sẽ xảy ra; ngoài ra câu chuyện này cũng cho chúng ta thấy rằng không thể trông mặt mà bắt hình dong, không thể vì xuất thân thấp hèn mà coi thường người khác.

Nguồn tư liệu: Tấn thư – Quyển 9 – Đế kỷ đệ cửu; Tấn thư – Quyển ba mươi hai – Liệt truyện đệ nhị

 

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/260416