Hố đen quái vật phát triển nhanh nhất trong lịch sử nuốt chửng một Mặt Trời mỗi ngày

[ChanhKien.org]

Nghiên cứu mới nhất cho thấy hố đen siêu lớn phát triển nhanh nhất cho đến nay nằm ở sâu trong vũ trụ cách Trái Đất chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng. Khối lượng của nó gấp 34 tỷ lần Mặt Trời. Do khối lượng lớn nên “thức ăn” của nó cũng rất đáng kinh ngạc. Hầu như mỗi ngày có thể nuốt khối lượng tương đương với một Mặt Trời. Nó cũng tỏa ra ánh sáng đáng kinh ngạc, điều này là do trong quá trình nuốt chửng các ngôi sao, các đĩa khí còn sót lại của các ngôi sao khi bị vỡ và bị hút mạnh mẽ vào hố đen, dẫn đến ma sát và năng lượng rất lớn. Các nhà khoa học nhận định nó là chuẩn tinh (Quasar) sáng nhất được biết đến cho đến nay.

Hố đen quái vật khổng lồ trong nơi sâu thẳm của vũ trụ

Số hiệu của siêu hố đen này là SMSS J215728.21-360215.1, được gọi tắt là J2157. Nó nằm ở trung tâm của một siêu thiên hà và các thiên thể xung quanh trở thành trường săn thức ăn lấp cơn đói của nó, khiến nó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 1% về kích thước mỗi triệu năm. Bán kính đường giới hạn của J2157 là khoảng 670 đơn vị thiên văn (AU), tương đương 100,5 tỷ km, do đó đường kính của lỗ đen J2157 gấp khoảng 5 lần của toàn hệ Mặt Trời.

Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra nó qua kính thiên văn của Đài quan sát Siding Spring ở Úc vào tháng 5 năm 2018. Giờ đây, họ đã hiểu sâu hơn về hố đen quái vật này và hành vi háu ăn của nó, nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí học thuật Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Thông báo hàng tháng của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia) vào ngày mùng 1 hàng tháng.

CNN đưa tin, Christopher Onken, nhà nghiên cứu chính tại Trường Thiên văn và Vật lý thiên thể thuộc Đại học Quốc gia Australia đã chỉ ra: “Đây là hố đen lớn nhất trong thời kỳ đầu của vũ trụ. Chúng tôi hiện đang quan sát hố đen này (từ Trái Đất) vào thời điểm vũ trụ mới chỉ có 1,2 tỷ năm tuổi, tức là chưa đến 10% số tuổi hiện nay của nó”.

Onken nói rằng khối lượng của J2157 gấp khoảng 8000 lần khối lượng của hố đen siêu lớn Nhân Mã Tọa A * (Sagittarius A*) ở trung tâm Dải Ngân hà. Nếu Nhân Mã Tọa A * muốn phát triển thành kích thước của J2157, nó phải nuốt chửng ⅔ số ngôi sao trong thiên hà chúng ta.

Sự thèm ăn đáng kinh ngạc làm cho nó tỏa sáng

Mặc dù ánh sáng không thể thoát ra khỏi hố đen, nhưng các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện ra hố đen J2157 nhờ ánh sáng chói lọi của nó. Các nhà thiên văn học đã xác định nó là chuẩn tinh sáng nhất được biết đến (QSO). Chuẩn tinh dùng để chỉ các lỗ đen siêu lớn trong các thiên hà có thể phát ra năng lượng khổng lồ thông qua các đĩa khí của chúng.

Sự thèm ăn và tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của J2157 khiến nó trở nên cực kỳ sáng trong nền vũ trụ tối. Đĩa khí của thiên thể bị nó nuốt chửng tiếp tục tràn vào lỗ đen, tạo ra ma sát và nhiệt rất lớn, do đó tạo ra ánh sáng mạnh. Ngoài ra, nó cũng phát ra tia X và tia cực tím cho nên khi các nhà thiên văn học nhìn nó qua kính viễn vọng, họ sẽ thấy giống như họ nhìn thấy các ngôi sao.

Đồng tác giả của nghiên cứu này, nhà thiên văn học Christian Wolf của Đại học Quốc gia Australia cho biết độ sáng của hố đen J2157 mạnh hơn hàng nghìn lần so với độ sáng của thiên hà mà nó tọa lạc. “Nếu như nó rơi vào trung tâm hệ Ngân hà của chúng ta, thì độ sáng của nó gấp 10 lần so với ánh sáng đêm trăng tròn, giống như một ngôi sao siêu sáng, che khuất các ngôi sao khác trên bầu trời đêm. Và bởi vì nó có thể phát ra rất nhiều tia X, nó có khả năng khiến sự sống trên Trái đất không thể tồn tại”.

Tuy nhiên, J2157 mới chỉ là hố đen lớn thứ hai từng được phát hiện, tại trung tâm của chuẩn tinh TON 618, cách mặt trời khoảng 10,4 tỷ năm ánh sáng, có một siêu hố đen lớn hơn, gấp khoảng 66 tỷ lần khối lượng của Mặt Trời.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/260217