Phong tục truyền thống Trung Hoa: Sủi cảo

Tác giả: Sử Kha chỉnh lý

[ChanhKien.org] Có rất nhiều truyền thuyết về tập tục ăn sủi cảo vào năm mới. Có một truyền thuyết nói rằng đó là để ghi nhớ công lao của Bàn Cổ khai thiên tịch địa, kết thúc thời kì hỗn mang của vũ trụ. Ngoài ra còn có một truyền thuyết liên quan đến việc Nữ Oa dùng bùn đất tạo ra con người. Vào mùa đông lạnh, tai của con người dễ bị cóng, nên bà luồn một sợi chỉ vào tai con người và để con người cắn một đầu dây kia. Do đó, khi thời tiết lạnh vào cuối năm, mọi người hay ăn bánh có nhân (trong tiếng Trung từ “sợi chỉ” và “nhân bánh” có cùng âm đọc) để làm ấm thân thể.

Trong “Quảng nhã” của Trương Ấp người nhà Ngụy thời Tam Quốc có ghi chép vào thời đó có một món ăn có hình dạng trăng lưỡi liềm gọi là “hoành thánh”. Thời Nam Bắc triều, “hoành thánh hình dáng giống trăng khuyết, mọi người đều quen thuộc”. Vào thời đó, sủi cảo sau khi nấu chín được ăn cùng với canh, gọi là “hoành thánh”. Đến khoảng thời nhà Đường, sủi cảo đã trở thành giống như ngày nay, được vớt ra đặt trên đĩa để ăn riêng. Thời nhà Tống bắt đầu gọi sủi cảo là “bánh tam giác”, sau này gọi là sủi cảo.

Người miền Bắc thường ăn sủi cảo vào đêm giao thừa ngay thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Vào thời khắc này nó mang ý nghĩa “sủi cảo đón năm mới”. Khi ăn sủi cảo phải uống cả nước canh, gọi là “nước canh hóa thành thức ăn”. “Canh sủi cảo” làm từ nước luộc sủi cảo. Sủi cảo ngon khi luộc trong nước vỏ phải không bị vỡ và nước thịt bên trong không bị trào ra. Vì vậy, nước canh sẽ không có dầu mỡ, trắng mà không đục, có vị ngọt thanh của bột mỳ.

Con người ngày nay rất bận rộn, nên vỏ bánh được làm bằng máy và sủi cảo cũng được gói bằng máy, khó có thể nếm được vị ngon của sủi cảo được làm bằng tay nữa.

 

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/25251