Tổng quan về lịch sử nhiếp ảnh và sự chuyển đổi của các khái niệm nghệ thuật nhiếp ảnh (1)
Tác giả: Lý Na
[ChanhKien.org]
Lời nói đầu
Nghệ thuật nhiếp ảnh (chụp hình) xuất hiện vào thời kỳ hiện đại, nhưng trong quá trình phát triển của nó cũng xảy ra xung đột giữa quan niệm truyền thống và hiện đại. Nếu không hiểu rõ lịch sử thì không cách nào lý giải được tình hình thực tế của nó.
Mỗi một môn khoa học đều có lịch sử khởi nguồn và phát triển. Kỹ thuật và nghệ thuật nhiếp ảnh hiện đại cũng giống như các lĩnh vực khoa học khác, được sinh ra từ xu hướng hiện đại hóa của nhân loại. Trong lịch sử phát triển của nó, không thể tránh khỏi sự xung đột quan niệm giữa truyền thống và hiện đại, cũng như quá trình tranh luận và biến đổi giữa các trường phái khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần phải hiểu được sự kế thừa và biến hóa giữa các lý thuyết nhiếp ảnh khác nhau, biết nguồn gốc của nghệ thuật nhiếp ảnh và tình trạng hiện tại của nó. Cuối cùng, con người nên khôi phục tính thẩm mỹ truyền thống của nhiếp ảnh như thế nào, và ranh giới đó là gì? Vấn đề này chỉ có thể được nhìn nhận từ quan điểm của con người. Nghệ thuật nhiếp ảnh thay đổi theo sự diễn biến của xã hội và đạo đức của con người; một khi hiểu được lịch sử phát triển của nó rồi, mỗi người có thể nhìn thấy một cách rõ ràng sự thay đổi này và phân biệt nó một cách có ý thức. Khôi phục lại quan niệm mỹ học truyền thống, kế thừa và phát huy một cách có lý tính, như thế sẽ phục hồi tư duy lý niệm truyền thống của con người.
Do hiểu biết của bản thân có hạn, tôi sẽ điểm ra những thay đổi chính của các quan niệm thẩm mỹ trong lịch sử nhiếp ảnh. Cá nhân tôi luôn tâm niệm rằng: “Nhớ lại lịch sử, hiểu về đương đại và hiểu các khái niệm tích cực truyền thống”. Trong ngành học nhiếp ảnh, tôi đã nghiền ngẫm một số lý thuyết thẩm mỹ, theo trí nhớ mà chọn lấy một số điểm chính để thảo luận. Học thức có hạn, trải qua lựa chọn, khó tránh khỏi có khuynh hướng mang theo quan điểm chủ quan, cũng như sẽ có một số thiếu sót. Nếu như có thể ném một viên đá xuống nước để tạo nên ngàn cơn sóng, để những bạn đồng môn (trong nghề) cùng nhau thảo luận về mỹ học truyền thống, thì đã không uổng phí tâm huyết sức lực này. Dưới đây chúng ta chỉ nói về chủ đề thẩm mỹ nhiếp ảnh, chủ yếu nói về tác dụng trọng yếu trong giai đoạn phát triển của nó. Tôi đã tóm tắt sự phát triển của từng thời kỳ thành ba phương diện: Sự hình thành của nghệ thuật nhiếp ảnh; sự thay đổi của quan niệm; và sự cấp bách khôi phục lý niệm truyền thống.
Sau đây, tôi xin giới thiệu sự phát triển của các thể loại nhiếp ảnh và đặc điểm của chúng liên quan đến sự biến đổi của thẩm mỹ nhiếp ảnh như thế nào. Sau đó thảo luận về sự chuyển đổi của khái niệm nghệ thuật nhiếp ảnh.
1. Mỹ học nhiếp ảnh ban đầu là kế tục hình thức hội họa cổ điển của phương Tây
Năm 1839, Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Mỹ thuật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Pháp đã cùng nhau công nhận phương pháp nhiếp ảnh tấm bạc của họa sĩ người Pháp Louis Daguerre và từ đó ngành nghệ thuật nhiếp ảnh chính thức ra đời, tính đến hôm nay lịch sử phát triển của nhiếp ảnh không quá 170 năm.
Nhiếp ảnh là sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp, nó thuận theo công nghiệp mà phát triển. Ngày nay kỹ thuật chụp hình đã hoàn toàn phát triển thành thục, đã phát triển tới mức máy móc được làm ra có trình độ cao về trí năng (có trí tuệ và năng lực của con người) bao gồm rất nhiều thông tin và số liệu, đã trở thành một môn kỹ thuật chiểu theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại mà phát triển theo.
Tuy rằng lúc ban đầu Viện Hàn lâm Mỹ thuật nhận định rằng nhiếp ảnh có bản chất của công nghệ công nghiệp, nhưng cũng có bản chất của văn hóa và nghệ thuật, với màu sắc nhân văn mạnh mẽ; ở một phương diện khác mà nói, từ sự phát triển của nhiếp ảnh cũng có thể thấy lịch sử tiến hóa của xã hội.
Nghệ thuật nhiếp ảnh ban đầu là một hình thức nghệ thuật của mỹ học hội họa cổ điển, bởi vì sau khi nhiếp ảnh ra đời, hầu hết các họa sĩ đã chuyển sang nhiếp ảnh vì nghĩ rằng đây chỉ là một công cụ thay thế cho các công cụ vẽ tranh. Vào thời điểm đó, nhiếp ảnh hoàn toàn là một hình thức nghệ thuật của hội họa phương Tây, chủ đề tác phẩm là những câu chuyện lịch sử và về Thần. Từ quan niệm sáng tạo đến khi hoàn thành tác phẩm có tính liên tục rất hợp lý, chú ý đến cấu trúc bố cục chặt chẽ của bức ảnh, có quy phạm nghiêm ngặt về các thông số và cách sử dụng ánh sáng, cũng giống như kỹ thuật phác họa cơ bản của hội họa. Vào thời điểm đó, nhiều trường phái “nhiếp ảnh tả ý”[1] cũng xuất hiện như nhiếp ảnh tình huống, nhiếp ảnh thể loại, nhiếp ảnh thân thể người và nhiếp ảnh tĩnh vật. Những nhiếp ảnh gia này bắt đầu bằng việc chụp ảnh chân dung và cảnh tượng nào đó, trực tiếp lấy cảm hứng từ các bức tranh. Các tác phẩm thời đó có vẻ đẹp của tranh vẽ phương Tây và những câu chuyện giống như phim. Chúng là những tác phẩm nghệ thuật rất triết học và được mọi người gọi là nhiếp ảnh “Nghệ thuật cao”.
Họa sĩ người Thụy Điển Oscar Gustav Rejlander (1813–1875) —được mệnh danh là “Cha đẻ của nhiếp ảnh nghệ thuật”— là một đại diện của thời kỳ đó. Quan niệm sáng tạo nhiếp ảnh của ông là: “Che đậy những điều tầm thường và xấu xí”, xây dựng ý niệm truyền thống và đạo đức tích cực. Ông cũng thông qua các tác phẩm của mình để giáo hóa con người. Các tác phẩm của ông thường thể hiện quan niệm nghệ thuật về thơ ca, thể hiện những câu chuyện trong Kinh Thánh, những câu chuyện ngụ ngôn và những chủ đề phi thường khác vượt trên cuộc sống. Kiệt tác nhiếp ảnh “Hai lối sống” (The two ways of life)[2] của ông được tạo ra từ 32 tấm phim âm bản, mượn phong cách hội họa của bậc thầy hội họa cổ điển Rafael, và trở thành một chương phải đọc trong lớp nhiếp ảnh của trường đại học.
“Nhiếp ảnh tả ý” thời kỳ đó không giống với nhiếp ảnh hình tượng (pictorial photography) hiện đại. Nhiếp ảnh hình tượng của thời hiện đại được pha trộn với phần ấn tượng của chủ nghĩa ấn tượng xuất hiện sau đó.
Với sự phát triển của ngành công nghiệp máy móc, nhiếp ảnh đã được cải thiện, đặc biệt là tốc độ chụp hình. Một số nhiếp ảnh gia vào thời điểm đó đã rời bỏ “nhiếp ảnh tả ý” để tạo nên những phong cách mới như: chụp ảnh chân dung, chụp ảnh thiên nhiên và chụp ảnh phong cảnh. Mặc dù họ có phong cách khác nhau và có ý định thoát khỏi trường phái chụp ảnh mà nội dung được dàn dựng, họ vẫn tuân theo hình thức thẩm mỹ của nghệ thuật hội họa rất nghiêm ngặt và vẫn có thể được quy về phạm trù nhiếp ảnh nghệ thuật. Tuy nhiên, so với nhiếp ảnh tả ý, đặc điểm của họ là làm nổi bật tài năng và cá tính của người chụp, phản đối việc bắt chước hội họa truyền thống một cách rập khuôn, nhưng dù sao nó vẫn chú trọng tính thẩm mỹ hơn là đề cao bản thân, vẫn có nhấn mạnh tông màu, đường thẳng, mặt phẳng, v.v. ngay cả chủ đề của nó cũng hướng về cái đẹp, tuyệt đối tránh những thứ thô tục và xấu xí.
Trường phái “nhiếp ảnh tự nhiên” xuất hiện vào năm 1899 đã gây sốc cho lý thuyết hội họa ban đầu. Nhiếp ảnh tự nhiên đòi hỏi nội dung của bức ảnh phải phản ánh thực tế và nhấn mạnh vào tả thực. Một đại diện cho trường phái này là “Lý thuyết nhiếp ảnh lấy nét” của nhiếp ảnh gia Peter Henry Emerson (1856–1936), với quan niệm rằng một bức ảnh có thể hoàn toàn mất nét và cuối cùng trở thành cơ sở lý thuyết của trường phái Ấn tượng. Nhưng trong giai đoạn sau đó, Emerson đã viết cuốn sách Sự diệt vong của nhiếp ảnh tự nhiên (The Death of Naturalistic Photography), chính thức tuyên bố rằng ông phủ nhận mọi luận điểm của nhiếp ảnh tự nhiên do ông sáng lập, và cho rằng nhiếp ảnh tự nhiên không phải là nghệ thuật, thiếu sự sàng lọc, thiếu suy xét, không tạo được điểm nhấn và thiếu cá tính. Mặc dù đôi khi nó mang lại cho người xem cảm giác về cái đẹp, nhưng những mặt hạn chế là rất rõ ràng. Nó không thuộc về phạm trù nghệ thuật bởi vì nhiếp ảnh tự nhiên chỉ ủng hộ việc ghi nhận lại thực tế. Mặc dù họ cũng nhấn mạnh đến việc lựa chọn bố cục và tìm ra một góc chụp tốt, nhưng đó không phải là sự sắp xếp và thiết kế có chủ ý của nhiếp ảnh gia, mà là bố cục theo trạng thái tự nhiên của cảnh. So với trường phái nhiếp ảnh tả ý, nhiếp ảnh tự nhiên chỉ đơn giản là chụp lại khoảng khắc chân thực mà thôi.
Cũng có một số nhiếp ảnh gia rất nổi tiếng trong thời kỳ này. Họ có những thành tựu riêng trong việc chụp ảnh chân dung. Nổi tiếng nhất vào thời điểm đó là nhiếp ảnh gia nữ Julia Margaret Cameron (1815–1879). Khi chụp chân dung, bà nhấn mạnh kỹ thuật kiểm soát ánh sáng và thể hiện những đặc điểm vốn có của nhân vật bằng ánh sáng. Ngoài ra còn có nhiếp ảnh gia Nadar (1820–1910) chú trọng đến việc làm nổi bật các nhân vật chính, đơn giản hóa hậu cảnh, phá vỡ định dạng của bức chân dung đầy đủ mà mọi người đã quen bằng những bức ảnh bán thân hoặc cận cảnh, đặt nền móng cho việc dựng hậu cảnh khi chụp hình sau này. Những nhiếp ảnh gia ấy đã dần dần thay đổi một số phong cách hội họa ban đầu.
Trong lịch sử nhiếp ảnh, nhiếp ảnh tả ý cổ điển thời kỳ này được gọi là “kỷ nguyên nhiếp ảnh cổ điển”. Yêu cầu về cái đẹp trong thời đại này là sự sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống và thông qua nghệ thuật mà đề cao cuộc sống lên, cho nên nó có xu hướng lãng mạn và đẹp đẽ.
Bài viết tiếp theo sẽ thảo luận về:
2. Sự xuất hiện của chủ nghĩa Ấn tượng là ranh giới bắt đầu thời kỳ của quan niệm hiện đại và chấm dứt các ý tưởng thẩm mỹ truyền thống của con người
Chú thích của người dịch:
[1] Nguyên tác là “hoàn toàn họa ý nhiếp ảnh”, trong bài tạm dịch là “nhiếp ảnh tả ý”.
[2] Bức ảnh “Hai lối sống” miêu tả một vị tiền bối đang dẫn dắt hai chàng thanh niên từ vùng quê bước ra sân khấu cuộc đời. Cậu thanh niên bên trái háo hức hướng về những thứ khoái cảm trần tục như: dục vọng, cờ bạc, và an dật. Trong khi đó chàng thanh niên bên phải lại rất trầm tĩnh và đang hướng về con đường chân chính là: tín ngưỡng, hôn nhân và lao động.
(Còn tiếp)
Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/53115
Ngày đăng: 25-05-2020
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên ChanhKien.org đều thuộc bản quyền của trang Chánh Kiến. Vui lòng chỉ sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, và cần ghi lại tiêu đề gốc, đường link URL, cũng như dẫn nguồn ChanhKien.org.