Nghĩa giải Tam quốc (3): Mở đầu luận đế vương thất đức

Tác giả: Lưu Như

[ChanhKien.org] Tiếp theo phần 2

Khi tác giả kể về “kết nghĩa vườn đào”, thì nhất định phải kể rõ về bối cảnh mà câu chuyện nảy sinh, tuy vậy quá trình kể rõ đó không giống với các tiểu thuyết của ngày nay, nó rất quan trọng, luận rõ về căn nguyên “trị loạn hưng suy” của đại cục thiên hạ phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân và lai lịch của “Hoàng Cân” (Khăn Vàng) tạo phản. Cách nhìn về lịch sử của ông không hề hàm hồ chút nào. Nếu không làm rõ bộ phận lịch sử quan này thì sẽ không thể nào thực sự lĩnh hội được hàm nghĩa chân chính của câu chuyện.

Do vậy chúng ta trước tiên hãy xem bối cảnh được miêu tả trong nguyên văn. Bởi vì cuốn tiểu thuyết liên quan đến quá trình hình thành cho đến suy vong của ba nước, vậy nên đoạn mở đầu là từ cuối thời nhà Hán. Rất nhiều người là đọc bản phiên dịch sang tiếng bạch thoại hiện đại của Trung Quốc Đại lục, thông thường chỉ có thể thấy được vài câu ngắn ngủi như “Cuối thời Đông Hán, chính trị hủ bại, dẫn tới cuộc khởi nghĩa nông dân Hoàng Cân”. Những thông điệp trọng yếu không chỉ bị xóa đi mất, mà nhận thức về đội quân Hoàng Cân này cũng là trái ngược với tác giả. Thật ra ở trong sách thì quân Khăn Vàng của Trương Giác, bị gọi là giặc Khăn Vàng, không hề được coi là khởi nghĩa nông dân, đây là cách nhìn của tác giả đối với lịch sử. Cho dù chúng ta có lý giải được hay không, thì cũng nên trả lại ý gốc cho tác phẩm. Vậy vì sao tác giả lại có nhận thức như vậy? Trong bối cảnh đã giải thích mười phần rõ ràng. Ai đúng ai sai, nhất định phải hết sức rõ ràng, nếu không Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi sẽ trở thành các nhân vật phản diện trấn áp nghĩa quân, tuyệt đối không thể nhận được sự yêu mến của đa số người dân trăm họ.

Trong nguyên văn, tác giả trước hết nói rõ về đại cục của thiên hạ, phân lâu tất hợp, hợp lâu tất phân, bắt đầu từ thời Chiến Quốc phân tranh cuối triều nhà Chu, rồi hợp nhất về thời nhà Tần, một mạch nói đến sự phân chia cuối thời Đông Hán, hình thành ba nước. Đây chính là lai lịch của Tam quốc. Nhưng tác giả không hề dừng lại ở hiện tượng bề mặt của sự phân phân hợp hợp, thay đổi triều đại, mà là tiến một bước luận bàn rõ về cái gốc căn bản của việc thiên hạ hợp rồi lại phân.

Hoàng đế thất đức, hợp lâu tất phân

Nguyên nhân là gì? Đó chính là đế vương thất đức thất nghĩa. Do vậy, nguyên văn trực tiếp viết rõ nguyên nhân căn bản của việc nhà Đông Hán suy vong phân thành Tam quốc như sau:

Suy xét nguyên nhân việc nhà Hán từ cuối thời Thái Bình đi vào loạn thế, trước hết phải truy tới hai vua là Hán Hoàn Đế và Hán Linh Đế, chính trị hỗn loạn, là bắt đầu từ hai vị hoàng đế này. Hoàn Đế xa rời hiền thần, giam cầm trung lương, tin dùng hoạn quan, nghĩa là để cho hoạn quan —vốn là những người hầu hạ hàng ngày cho đế vương và hậu phi, là tầng lớp người hầu, không có kiến thức và tài năng trị quốc— thay thế đại thần để trị quốc, nắm giữ quyền lớn của quốc gia. Bọn họ dựa vào quyền lực để mưu lợi riêng, bán quan bán tước, họa loạn triều chính.

Đến thời Linh Đế, trong sách có viết, dù đại thần có muốn quy chính lại triều cương, nhưng cơ mật bị lộ, các đại thần tham dự ngược lại lại bị hoạn quan hãm hại. Từ đó những hoạn quan muốn sao làm vậy, hoành hành bá đạo.

Những lời này, chính là nói về đế vương thất đức, đi ngược với đạo quân vương, do vậy mà thiên hạ mới bị chia rẽ. Vua không tin trung thần, rời xa người thiện lương, biến các đại thần thành bù nhìn, để cho “người hầu” của mình trị quốc, chính là công tư không rõ ràng, thất tín với các đại thần, thất tín với thiên hạ. Dùng người không thích đáng, không thân cận với người lương thiện, do vậy đế vương là có phần trách nhiệm của mình trong đó, việc chưa làm tròn nghĩa vụ của đế vương, là cái bất nhân và bất nghĩa lớn nhất của đế vương. Người hầu của hoàng gia là gia thần của riêng gia đình hoàng đế, chứ không phải là các đại thần trị quốc, để họ trị quốc thì quốc gia không loạn sao được.

Tai họa liên tiếp, thiên tượng cảnh cáo

Chúng ta biết rằng, cổ nhân nói quân quyền Thần thụ, đế vương là thiên tử, là người đứng đầu thay Trời quản lý và dạy dỗ dân chúng, nếu như thất đức, thì sẽ xuất hiện các dị tượng và thiên tai không lành, người ta tin rằng đó là Trời đang cảnh cáo, dùng để khuyên răn đế vương quy chính đạo đức hành vi của mình. Nếu không thì giang sơn khó giữ, thiên hạ đại loạn, Thiên thượng sẽ trừng phạt ông ta. Do vậy, chúng ta thấy được, sau khi tác giả nói rõ về nguyên nhân của phân-hợp, trị-loạn, thì tường tận kể về các loại điềm báo không lành và các loại thiên tai thời Linh Đế. Rất nhiều hiện tượng dị thường theo nhau mà đến, đầu tiên là có rắn xanh rơi xuống ngai vàng của Linh Đế, có giông tố và mưa đá đột ngột, làm hỏng vô số phòng ốc, tiếp đó là động đất ở kinh thành Lạc Dương, bờ biển có sóng thần, còn có gà mái biến thành gà trống, khối khí đen cao mười mấy trượng bay vào cung điện v.v. Đại thần Sài Ung dâng biểu giải thích việc gà mái biến thành gà trống là cảnh cáo việc hoạn quan tham dự chính trị, do đó mà ông đã đắc tội với hoạn quan, phải từ quan về quê. Kể từ đó, Linh Đế lại càng tin dùng hoạn quan hơn nữa. Có 10 viên hoạn quan lộng hành nhất, bị gọi là “thập thường thị”, Linh Đế còn tôn một người lên làm “A Phụ”, tức là kính trọng như phụ thân. Đã đến mức như thế.

Cuối cùng, đối với hậu quả của sự thất đức của Hoàn Đế và Linh Đế, thì tác giả tổng kết một câu như sau: “Triều chính ngày một bại hoại, xa rời chính đạo, dẫn tới nhân tâm của người trong thiên hạ trở nên xấu đi, rất nhiều người do vậy mà nhân cơ hội làm loạn thế gian, dẫn tới đạo tặc nổi lên ở tứ phương, bách tính chịu nạn”. Đây chính là nguồn gốc căn bản của việc ba anh em Trương Giác tụ tập quân Khăn Vàng, rồi dám làm phản. Đồng thời cũng thể hiện rõ cách nhìn của tác giả, quân Khăn Vàng không hề là khởi nghĩa, mà là quân đạo tặc, nhân thời loạn mà mưu đồ đoạt lấy ngôi vua. Mưu đồ hết sức xảo trá.

Do vậy, tiếp đó tác giả viết đến thủ lĩnh của Khăn Vàng là ba anh em Trương Giác, miêu tả rằng anh em bọn họ loạn dùng các thứ thuật loại của Đạo gia, dựa vào hiệu lực thần kỳ giúp người trị bệnh, mà thu hút tín đồ đông đảo, mê hoặc nhân tâm, tạo thành một thế lực lớn mạnh, có đến vài chục vạn người theo, và khởi động loạn Khăn Vàng.

Khi kể rõ về bối cảnh câu chuyện như vậy, thì quan điểm lịch sử đã rõ ràng, phân tích tường tận, cái lý trong con người và sự răn đe từ Thiên thượng hợp lại làm một, chính là để khuyến thiện, khuyên các quân vương trong tương lai đừng thất đức, cần phải hiểu rõ cái nguyên nhân căn bản của hưng suy, trị loạn.

Vậy thần thuật trị bệnh của Đạo gia, vì sao lại bị Trương Giác đoạt được, những thứ thuật loại này của Đạo gia, vốn dĩ có vấn đề không? Tác giả cũng cho thấy kiến giải rõ ràng.

 

Xem tiếp phần 4.

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/254337