Đàm luận về “Trinh Quán Chính Yếu” (Phần 3)

Tác giả: Lưu Như

Tiếp theo Phần 2

[ChanhKien.org] Ngày nay, nhiều người dù không hiểu biết về lịch sử nhưng cũng biết đến sự nghiệp và công lao to lớn của Đường Thái Tông. “Đường nhân” đã trở thành cách gọi khác của người Hoa ở hải ngoại, đây chính là bằng chứng lịch sử rõ ràng cho thấy sức ảnh hưởng của triều đại nhà Đường trên thế giới. Nhiều người dù không có kiến thức, không hiểu về đạo trị nước cũng từng nghe kể những câu chuyện đạo lý tốt đẹp về Đường Thái Tông và quần thần, nhà vua đối xử với quần thần chân thành, biết lắng nghe lời phải, quần thần khẳng khái, dám dũng cảm can ngăn vua, cùng nhà vua cai trị thiên hạ, đặc biệt là những câu chuyện của ông với Ngụy Trưng, có thể nói từ già đến trẻ đều quen thuộc. Quốc gia muốn giàu mạnh cần phải có minh quân, chỉ có minh quân mới có thể tu dưỡng đạo đức, biết nghe lời can gián, kẻ tiểu nhân xu nịnh mới không thể cậy quyền cậy thế, dân chúng mới không bị quan lại ức hiếp. Do đó, đúng như hiểu biết của mọi người, đế vương học đầu tiên đề cập đến Ngụy Trưng, chương mở đầu của Trinh Quán Chính Yếu luận bàn về đạo làm vua, 95% nội dung chương này là những câu hỏi đáp của Đường Thái Tông và Ngụy Trưng về đạo vua tôi.

Thái Tông trị quốc – ôn cố tri tân – có thể coi là bậc thầy

Đường Thái Tông là người rất thông hiểu lịch sử, qua những câu chuyện hưng vong trong lịch sử, ông thường rút ra cho mình những bài học giáo huấn sâu sắc, ông không nhìn nhận lịch sử một cách máy móc mà đứng trên nhãn quan và kiến giải của bản thân. Đây chính là phương pháp học tập, đọc sách mà Khổng Tử đã dạy: con người không nên đọc sách sử một cách cứng nhắc, thiếu liên hệ với thực tiễn mà phải biết ôn cố tri tân. Nếu làm được như vậy, người đó sẽ có thể trở thành bậc thầy của thiên hạ. (nguyên văn, Khổng Tử nói: “ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ” – Đọc chuyện xưa để biết chuyện nay, vậy có thể trở thành thầy rồi). Cho nên Thái Tông mới có thể trở thành người thầy về đạo trị nước lưu truyền cho đời đời hậu thế, là tấm gương cho các Thiên hoàng Nhật Bản, tướng quân mạc phủ Edo và các đời sau học tập theo. Nhưng ai có thể thực sự hiểu được, thực sự áp dụng được tư tưởng trị nước của Thái Tông, điều này được quyết định bởi phẩm chất của từng cá nhân. Tuy nhiên chắc chắn rằng nhờ học tập theo Thái Tông mà Tokygawa Ieyasu đã có được thời kỳ thái bình thịnh trị gần 300 năm.

Trong thực tế, thành ngữ “ôn cố tri tân” này xuất phát từ trong Chương Vi chính – Luận ngữ của Khổng Tử, cũng có nghĩa là, ôn cố tri tân là phẩm chất quan trọng của người làm chính trị, cả vua và quan cần phải liên tục đọc sách sử để học hỏi và tiếp thu những bài học giáo huấn về hưng vong, dẹp loạn. Khổng Tử mở mang giáo dục, mục đích để giúp thiên hạ thái bình, giáo hóa dân chúng. Vào thời Xuân Thu, các cuộc tranh bá giữa các nước chư hầu đã mang đến vô vàn thống khổ cho dân chúng, Khổng Tử biết rõ con người chỉ có hướng thiện, trọng đức mới có thể ngăn chặn được những cuộc chiến tranh vì tư lợi. Như vậy những quân thần cai trị đất nước cần phải quy chính đầu tiên, họ phải là những người đầu tiên được giáo dục. Chỉ khi quân thần được quy chính, trở thành tấm gương cho dân chúng, thì toàn bộ quốc gia mới có thể quy chính, thiên hạ mới có thể thái bình. Cho nên, Khổng Tử mới nói “ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ”, xem lại chuyện cũ để biết chuyện mới, phải trở thành thầy mới có thể dẫn dắt quốc gia và dân chúng theo con đường đúng đắn. Nghĩa vụ và trách nhiệm quan trọng nhất của người làm chính trị là giáo hóa dân chúng, giúp người dân hướng thiện, chứ không chỉ là duy trì quyền lực của mình. Vậy Thái Tông rốt cuộc đã ôn cố tri tân như thế nào, làm thế nào để dẫn dắt tốt quần thần và dân chúng?

Thái Tông trả lời Ngụy Trưng – Đọc sách sử luận bàn minh kiến

Qua đoạn đối thoại dưới đây trong chương thứ nhất “Đạo làm vua” của Trinh Quán Chính Yếu, chúng ta có thể thấy tài năng của Ngụy Trưng chính là nhờ sự dẫn dắt và tài dùng người của Thái Tông, đây là đoạn Thái Tông đích thân viết chiếu thư trả lời một bản tấu chương của Ngụy Trưng, toàn bộ đoạn đối thoại là bức thư của Thái Tông trả lời Ngụy Trưng, đoạn viết như sau:

“Trẫm thấy khanh nhiều lần dâng sớ, thực là vô cùng trung thành. Lời nói của khanh rất sát thực tế, ta đọc mà quên mệt mỏi, thường đọc cho đến đêm khuya. Không phải lòng quan tâm đến nước nhà của khanh sâu đậm, trong đại nghĩa mà chỉ dẫn ta thì sao có thể viết ra sách lược hay cho trẫm đọc để bù đắp chỗ thiếu sót của trẫm? Trẫm nghe nói, Tấn Võ Đế sau khi bình định Đông Ngô đã theo đòi cuộc sống kiêu xa dâm dật, không còn lưu tâm trị nước. Thừa tướng Tấn triều Hà Tăng sau một lần bãi triều đã nói với con là Hà Thiệu: “Mỗi lần cha lên triều gặp chúa thượng, chúa thượng đều không bàn sách lược lâu dài trị nước, chỉ nói những điều bình thường, đó không phải là người có thể để giang sơn lại cho con cháu, có thể tránh được họa sát thân”. Lại chỉ vào tất cả các cháu, nói: “Lớp người này nhất định sẽ chết vì gặp thời loạn”. Đến thời cháu của Hà Tăng là Hà Tuy quả nhiên bị Đông Hải Vương Tư Mã Việt lạm dụng hình pháp giết chết. Sử sách tiền nhân viết ca ngợi Hà Tăng, cho rằng ông ta có cái sáng suốt biết nhìn trước. Trẫm thấy không phải như vậy, trẫm cho rằng Hà Tăng không trung với vua mình, có tội rất lớn. Là kẻ bề tôi, khi lên triều phải tận trung vì nước, khi bãi triều phải tu thân sửa lỗi. Vua làm điều đúng phải thuận thế trợ giúp cho thành công, vua có điều sai phải uốn nắn sửa chữa, đó là phương pháp giúp vua tôi đồng lòng trị nước. Hà Tăng làm quan đến thừa tướng, địa vị cao mà danh vọng nặng, phải nói thẳng không e dè, nghiêm khắc khuyên can, luận về đạo trị nước để phò tá thời chính. Ấy vậy mà sau khi bãi triều mới đem ra bàn tán, khi lên triều lại không nói thẳng, ca ngợi hạng người đó là bậc minh trí, chẳng phải là hoang đường sao? Nước nhà nguy cấp mà không phò trợ, sao có thể dụng hạng người đó làm thừa tướng? Ý kiến khanh tâu lên giúp trẫm biết được lỗi mình. Trẫm sẽ đặt nó lên bàn, giống như Tây Môn Báo đeo da mềm, Đổng An Vu đeo cung trên người, luôn nhắc nhở mình. Ắt sẽ kịp thời bù đắp, thu được hiệu quả. Trẫm sẽ không để cho bài hát “Khang tai lương tai” chỉ thịnh hành ở thời Ngu Thuấn. Mối quan hệ như cá nước giữa vua và tôi cuối cùng đã hiện rõ ở ngày nay. Trả lời thiện ngôn của khanh tuy có chậm, nhưng hy vọng khanh vẫn không sợ mạo phạm, nói thẳng được mất mà không che giấu. Trẫm sẽ rất mực khiêm tốn, an định tâm trí, cung kính chờ đợi thiện ngôn của khanh”.

Không hổ danh là bậc minh quân – lấy sách sử làm thầy – thành tựu đức chính

Đọc qua bản chiếu thư của Thái Tông, có thể thấy Thái Tông có hiểu biết rất sâu sắc về lịch sử. Là một vị đế vương, Thái Tông không chỉ có thể tiếp thu ý kiến của Ngụy Trưng, khen ngợi tấu chương của ông, mà Thái Tông còn có thể luận giải tường tận tại sao mình lại đồng ý với lời can gián của Ngụy Trưng. Ông đối đãi với bề tôi rất chân thành, có thể trực tiếp nói ra suy nghĩ trong tâm như nói với bạn bè vậy.

Là bề tôi bản tính chân thành, lại thêm hiểu biết về lịch sử, Ngụy Trưng tất nhiên sẽ biết gì nói đấy, hết mực trung thành phò tá vua. Là một vị vua, Thái Tông biết rất rõ bề tôi thế nào mới là trung thần thực sự. Những kẻ nói lời hoa mỹ, nịnh nọt vào hùa, ton hót bợ đỡ chắc chắn là loại tiểu nhân, là gian thần gây hại cho vua. Vua bảo sao thì họ làm vậy, họ tâng bốc, nịnh nọt vua bất kể đúng sai, tất cả chỉ vì tư lợi của bản thân chứ không phải vì lòng trung thành thực sự với vua, điều này không khó đoán, thông thường những vị đế vương thông hiểu sử sách đều thấu tỏ. Nhưng Thái Tông còn hiểu rõ ràng hơn, ông còn có nhận thức mới và sâu sắc hơn, ông cho rằng những bề tôi mà ngay cả lời thẳng thắn khuyên can quân vương cũng không dám nói, chỉ giữ thái độ im lặng, chính là những kẻ phạm tội lớn. Thái Tông hiểu rất minh xác rằng chức trách của bề tôi là phải dám can đảm sửa chữa những sai lầm của quân vương, nếu không sẽ gây nguy hại cho quốc gia, biết mà không dám nói thì tội còn lớn hơn cả tội chủ động hùa theo sai lầm của quân vương, rõ ràng là đẩy quân vương vào chỗ bất nghĩa, giương mắt nhìn quốc gia đi đến diệt vong. Cho nên, Thái Tông vô cùng anh minh, ông nhân cơ hội này chỉ bảo cho Ngụy Trưng nên làm thế nào mới là bề tôi tốt, mới là trung thần tận trung với công việc, khích lệ Ngụy Trưng dám nói thẳng nói thật.

Dám nói thẳng nói thật, sửa chữa sai lầm của quân vương, đây là biểu hiện của người đức độ, thương người, cũng là điều mà cao đồ Tăng Tử của Khổng Tử từng nói đến về bậc quân tử thương người. Thái Tông đương nhiên biết rõ đạo lý này, ông cũng giống như Tăng Tử chỉ bảo các đệ tử và gia nhân, chỉ bảo bề tôi dùng tấm lòng của bậc quân tử thương người để giúp ông trị quốc.

Có thể thấy, Thái Tông biết nghe lời phải, biết sai mà sửa, điều này khiến mọi người dùng đức yêu lại ông, khiến cho những đức tính nhân nghĩa, đạo đức của người quân tử được hồng dương, nếu dùng vào việc trị quốc, thử hỏi ai mà không muốn nói lời chân thật, tận tâm phò tá một vị quân vương như thế? Tiểu nhân cũng sẽ không có cơ hội tiếp cận quân vương để gây sóng gió, sở dĩ nói Thái Tông anh minh chính là như vậy. Một vị vua có hiểu biết đúng đắn về lịch sử, ôn cố tri tân, thì có thể làm thầy, dẫn dắt quần thần, tiếp đến dẫn dắt bách tính, trên làm dưới theo, bách tính tất nhiên sẽ tôn vinh đạo đức, đất nước sẽ có được thái bình thịnh trị, đây là điều tất yếu của đức chính (nền chính trị dựa trên đạo đức).

Vậy vì sao những học giả Nhật Bản ngày nay cho rằng Trinh Quán Chính Yếu là môn lãnh đạo học điển hình trong thời đại giữ gìn thành quả, là cuốn sách giáo khoa dành cho những lãnh đạo cấp cao trong hai lĩnh vực lớn kinh doanh và chính trị ngày nay? Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu trong phần sau.

Xem tiếp Phần 4.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/247447