Con trai tôi trưởng thành từ ngôi trường tịnh độ

Một đệ tử Đại Pháp tại Canada

[ChanhKien.org] Kính chào Sư phụ! Xin chào các bạn đồng tu!

Con trai tôi năm nay 16 tuổi. Hai năm trước cháu đã được nhận vào học trường Middletown ở bang New York. Sau khi chứng kiến những chuyển biến của cháu, tôi thật sự cảm kích cơ hội tu luyện này. Tôi xin chia sẻ đôi điều về trải nghiệm tu luyện của tôi.

Con trai tôi thật may mắn

Con trai tôi đã bước vào tu luyện sau khi vợ chồng tôi đắc Pháp. Cháu đã tham gia khóa học hè của trường Minh Huệ kể từ năm ba tuổi. Tuy nhiên, càng lớn thì cháu càng bị xã hội người thường tiêm nhiễm. Hai năm trước, khi sắp vào lớp 10, cháu cảm thấy bị mất phương hướng. Cháu không thể liễu giải được tại sao bạn bè của mình ai cũng cặp bồ cả rồi. Ở trong trường thì quan hệ đồng tính được cho là “thời thượng”. Nam nữ hẹn hò cũng không phải là chuyện lạ. Cháu bị coi là bất thường vì không có bạn gái.

Tôi rất lo lắng và không biết phải giải thích như thế nào cho con hiểu. Cách duy nhất tôi có thể làm là bảo cháu: “Hãy học Pháp thật nhiều, nhiều hơn nữa”. Cháu cũng rất bối rối vì nhiều bạn cùng lớp cứ ở trong nhà chơi game suốt, chẳng có ai ra ngoài đi chơi với cháu cả. Kỹ năng chơi vi-ô-lông của cháu đã đạt tới cấp thứ 10. Tuy nhiên có một giai đoạn thời gian cháu chỉ tham gia lớp luyện đàn mỗi tuần một lần, ngoài ra không luyện tập gì thêm nữa. Tôi và chồng đều rất lo lắng nhưng không có giải pháp. May mà cháu chưa từng từ bỏ vi-ô-lông.

Ngay khi đang không biết phải làm gì, chúng tôi hay tin rằng trường Middletown đã bắt đầu chiêu sinh. Tôi rất cảm động và cảm nhận được sự từ bi của Sư phụ và Phật ân hạo đãng. Con trai tôi đã có hy vọng rồi.

Được tịnh hóa sau khi bước ra khỏi bùn nhơ

Sư phụ đã giảng trong Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016:

Tôi vừa giảng rồi, cái gì trên thế giới này cũng đang hấp dẫn chư vị, đều không để chư vị đắc Pháp. Không chỉ chư vị, trên thế giới này tất cả những bậc cha mẹ, chính phủ đều biết tình huống này, nhưng ai cũng bó tay! Không phải chỉ vấn đề người ta đắc Pháp, [mà còn] dẫn động người ta đến mức công tác cũng không làm được tốt, học tập cũng không học vào, lượng lớn thời gian dành cho máy tính, trò chơi điện tử, dụ dỗ chư vị tới xem tới chơi những thứ đó. Đã không còn là trạng thái con người nữa.

Trong tháng đầu tiên, ngày nào cháu cũng gọi điện thoại cho tôi để đòi được về nhà. Bởi vì trường học giới hạn Internet cho mục đích học tập mà thôi và không cho phép sử dụng điện thoại thông minh. Cháu than với tôi: “Ở đây khó sống quá mẹ ơi. Điều kiện sinh hoạt cũng tệ nữa. Con không thể thích nghi nổi. Con phải thức dậy lúc 6:00 sáng và trở về ký túc xá lúc 9:00 tối. Còn có cả đống bài tập về nhà nữa”.

Tôi thường khuyên nhủ cháu hãy kiên nhẫn vì môi trường tu luyện như vậy rất khó tìm được. Có lúc cháu nói với tôi: “Mẹ ơi, cho con tu luyện ở nhà nhé. Bây giờ con đã biết phải tu luyện như thế nào rồi. Con chắc chắn sẽ học Pháp và luyện công”.

Tôi biết rằng vấn đề của cháu không phải nằm ở môi trường nghiêm khắc và điều kiện sống, mà là do cháu không thể lướt web được nữa. Bỏ được việc ấy cũng khó như cai nghiện ma túy vậy.

Thời gian sau đó tôi rất ngại nhấc máy khi cháu gọi về. Tôi tự nhủ: “Trạng thái tu luyện của nó chắc là có vấn đề”. Tôi nhận ra mình thật ích kỷ. Tôi cho rằng con trai tôi có thể tu luyện tốt ở đó, cháu sẽ được chăm sóc tốt, sẽ có cơ hội rất cao được nhận vào Shen Yun, vân vân và vân vân. Mọi thứ đều do tôi mà ra. Tâm chấp trước của tôi có thể khiến cho cháu càng khó trụ lại trường hơn nữa. Tôi bắt đầu tiêu trừ các vật chất xấu nơi bản thân. Không lâu sau, các giáo viên bắt đầu trò chuyện với con trai tôi nhiều hơn và giúp cháu cởi mở hơn.

Một ngày nọ tôi có một giấc mơ: Tôi đang đứng bên ngoài ngôi trường và nhìn thấy con trai tôi đang mặc đồng phục và đeo ba lô tiến bước về phía tôi. Tôi chợt thấy sợ – biết đâu nó tới đòi tôi chở về nhà. Nhưng ngạc nhiên thay, dung mạo của cháu trông thật thuần khiết và sáng ngời. Cháu chỉ tay về phía lớp học và cười nói với tôi: “Mẹ, con không có thời gian nói chuyện nhiều với mẹ. Con phải vào lớp ngay đây”. Nói rồi cháu rời đi.

Một ý niệm khởi lên trong đầu tôi: cháu là hài nhi của Sư phụ! Tôi nhận ra rằng tất cả tiểu đệ tử Đại Pháp đều là hài nhi của Sư phụ. Những lo âu thái quá cũng như bất kỳ chấp trước nào của các bậc cha mẹ sẽ cản trở sự trưởng thành của trẻ. Chỉ khi chúng ta tu luyện cá nhân thật tốt thì mới có thể mang lại một trường chính niệm cho con cái của mình và tránh tạo thêm gánh nặng cho Sư phụ!

Những mối ưu tư của tôi đã tan biến. Con trai tôi cũng thôi không gọi điện thoại đòi về nhà nữa. Sau hai tuần, tôi gọi cho cháu để hỏi thăm tình hình. Cháu nói: “Có chuyện gì không mẹ? Con đang bận lắm”. Tôi nói ngay: “Không có gì” rồi cúp máy. Nếu không nhờ Sư phụ giúp thì làm sao con trai tôi có thể cai nghiện Internet chỉ trong một tháng cơ chứ?

Nhờ có môi trường học Pháp, luyện công và phát chính niệm theo nhóm, con trai tôi ngày càng thuần tịnh hơn. Cháu đã luyện tập vi-ô-lông đều đặn trở lại. Trong bài tâm đắc thể hội hàng tuần với chủ đề “trải nghiệm cảm động nhất của tôi”, cháu kể rằng có một lần trong nhóm phát chính niệm, cháu có thể cảm thấy rõ ràng rằng Sư phụ đã thanh lý rất nhiều thứ xấu trong thân thể của cháu. Cháu cảm thấy thân thể nhẹ nhàng và tư tưởng tập trung hơn, kỹ năng chơi vi-ô-lông cũng hiệu quả hơn. Xin cảm tạ ân Sư!

Sự từ bi của các giáo viên

Tôi nghe tin rằng Shen Yun đang tuyển nhạc công vi-ô-la (Người dịch: loại nhạc cụ giống vi-ô-lông nhưng kích thước to hơn một chút, có âm trầm và dịu hơn vi-ô-lông). Khi con trai tôi về nhà trong kỳ nghỉ xuân, tôi hỏi cháu: “Con có muốn đổi qua chơi vi-ô-la không?” Cháu đáp: “Không”.

Sau khi cháu quay lại Middletown, tôi vắt óc nghĩ cách thuyết phục cháu chuyển qua chơi vi-ô-la. Tôi đã tới Middletown vào tháng Hai và gặp các giáo viên của cháu. Dường như cháu biết lý do tôi tới đó; cháu viện đủ lý do để tránh gặp tôi trong ba ngày. Các giáo viên đã khuyến khích cháu chuyển qua vi-ô-la. Cuối cùng cháu cũng miễn cưỡng đồng ý. Nhưng cháu vẫn còn giận tôi và không nói lời nào mỗi khi chúng tôi gặp nhau. Tôi biết cháu rất khổ tâm vì công sức nhiều năm gian khổ luyện tập vi-ô-lông của cháu coi như đổ sông đổ biển hết.

Cháu đã kể chuyện này cho các bạn cùng lớp. Trong buổi chia sẻ nhóm, các bạn cháu nói rằng giáo viên không nên ép buộc học sinh quyết định điều gì đó. Con trai tôi kể với tôi: “Con hiểu rằng các bạn cùng lớp cũng biết con rất khổ tâm và không muốn con đổi loại nhạc cụ”.

Sự tình này đã tới tai ban giám hiệu. Ngày hôm sau, tất cả giáo viên khoa âm nhạc đã có một buổi họp với cháu về việc thay đổi nhạc cụ. Sau lần đó, con trai tôi kể lại: “Lúc ấy con cứ im lặng vì con nghĩ rằng các thầy cô giáo đều sẽ cố gắng bằng nhiều lý do khác nhau nhằm thuyết phục con. Nhưng con rất bất ngờ rằng tất cả giáo viên đều hướng nội. Không ai chỉ trích con hay cố gắng thuyết phục con làm gì cả. Con rất cảm động khi cảm nhận được sự quan tâm khích lệ chân thành từ mọi người. Con cảm thấy như đã gỡ bỏ được áp lực và thật tâm muốn thay đổi nhạc cụ”. Con trai tôi đã thật sự hiểu chuyện rồi.

Tôi nói với vị trưởng khoa âm nhạc: “Thành thật xin lỗi nhà trường vì chúng tôi đã mang lại quá nhiều phiền phức”. Bà đáp: “Không sao đâu. Đều là hảo sự cả mà. Sự việc này đã giúp các giáo viên của chúng tôi nhìn nhận thấu đáo hơn về trách nhiệm ưu mầm tài năng cho trường đại học ở trên núi. Thông qua hướng nội, giáo viên chúng tôi đã có được thể ngộ sâu sắc rằng mục tiêu chân chính và tối hậu chính là trợ Sư chính Pháp và cứu độ chúng sinh. Bọn trẻ có thể cảm nhận được điều đó”.

Tôi nói với con trai: “Con thật may mắn! Con được học ở một ngôi trường do các đệ tử Đại Pháp dẫn dắt. Con có nhiều thầy cô giáo giỏi hướng dẫn và dạy dỗ con. Giáo viên ở trường của người thường không định hướng cho học sinh một cách tận tâm như vậy đâu! Chúng ta cần phải trân quý những gì mình đang có. Mọi người đều có ý tốt với con”. Giáo viên âm nhạc của cháu đã nhờ các thầy cô giáo khác tìm một chiếc vi-ô-la cho cháu chơi thử. Cuối cùng cháu đã chọn được một chiếc vi-ô-la phù hợp với mình.

Sau đó, con trai tôi viết trong bài tâm đắc thể hội: “Tôi vừa mới tập chơi vi-ô-la. Tôi phải chuyên cần hơn nữa trong tương lai. Sư phụ đã điểm hóa tôi nên biết chịu khổ nhiều hơn. Tôi sẽ ghi nhớ lời dạy của Sư phụ và chấp nhận các khảo nghiệm để có thể thăng tiến trên con đường tu luyện”.

Tôi biết rằng cháu đã đề cao rất nhiều sau sự việc thay đổi nhạc cụ này. Xin cảm tạ Sư Tôn!

Con trai tôi trở nên chân thành và biết quan tâm hơn

Con trai tôi đã học ở trường này được khoảng hai năm. Trong mỗi kỳ nghỉ, tôi đều để ý thấy những sự thay đổi nơi cháu. Vào dịp nghỉ đông đầu tiên của cháu, tôi hỏi cháu có muốn gói ghém bánh snack để mang tới trường không. Cháu trả lời rằng cháu không ăn, nhưng muốn mang một bịch snack Canada cho một người bạn cùng phòng. Vào kỳ nghỉ thứ hai, cháu hỏi xin năm bịch snack cho mọi người trong phòng. Cháu nói rằng cháu biết họ thích ăn gì. Sau đó, khi tôi tới trường thăm cháu, cháu không cần thêm thứ gì. Cháu nói với tôi rằng nếu tôi mang cái gì đến thì nên mang đủ để chia cho tất cả bạn học chung lớp của cháu. Tôi nhận thấy rằng cháu ngày càng biết quan tâm hơn đến các bạn cùng lớp.

Một lần nọ, tôi đón cháu tại ký túc xá để đi ăn ngoài. Cháu hỏi tôi liệu các bạn cùng phòng có thể đi chung không và tôi đồng ý. Chúng tôi đã tới một nhà hàng Tây. Bốn đứa trẻ ấy đến từ Canada, Đức và Úc. Lũ trẻ nói chuyện với nhau một lúc, rồi quay qua nói với tôi: “Dì à, chúng cháu đã ăn rồi nên giờ không đói lắm. Tụi cháu hai đứa ăn chung một phần thôi là được rồi”.

Chúng hỏi tôi liệu có thể mua ít đồ ăn mang về cho một bạn cùng phòng khác không đi ăn được vì phải làm cho xong bài tập về nhà. Tôi rất cảm động khi thấy chúng thân thiết với nhau đến thế! Chúng cũng biết cân nhắc để tôi đỡ tốn tiền. Tiểu đệ tử Đại Pháp thật là khác biệt!

Dạy cho trẻ em những quan niệm đúng đắn

Sư phụ giảng trong Giảng Pháp tại San Francisco trong kinh văn Giảng Pháp Tại Pháp Hội Mỹ Quốc [1997]:

Nhưng tôi cho mọi người biết, kỳ thực căn nguyên mọi thứ bất hảo của nhân loại chính là vì đạo đức con người bại hoại rồi. Nếu không bắt tay từ chỗ này thì vấn đề gì nhân loại cũng không giải quyết được; nếu bắt tay làm từ vấn đề này thì vấn đề gì nhân loại cũng có thể giải quyết được.

Trường Middletown rất chú trọng trau dồi đạo đức. Theo nội quy của nhà trường, học sinh không được hẹn hò nam nữ. Một số học sinh vi phạm nội quy đã bị phạt chiểu theo khung hình phạt tương ứng.

Có một lần con trai tôi kể rằng cháu không thể tập trung tập đàn vi-ô-la được, vì cháu không lý giải được một sự việc. Chuyện là một bạn cùng lớp của cháu đã liên lạc qua lại với một bạn nữ khác trong lớp. Các giáo viên đã đối đãi khác biệt với bạn này sau khi họ phát giác ra sự việc. Con trai tôi nói: “Chẳng phải người tu luyện phải vị tha hay sao?”

Tôi giải thích rằng chúng ta phải tuân theo nội quy của nhà trường. Chúng ta không nên hành xử theo cách của người thường. Nếu chúng ta đã quyết định vào học ở trường này, thì chúng ta phải tuân thủ quy tắc của trường. Đạo đức của xã hội đang trượt trên dốc lớn, cha mẹ gửi con tới ngôi trường này để giúp con đề cao tâm tính. Bạn học của con tuy đã vi phạm nội quy của trường nhưng vẫn có cơ hội sửa sai cơ mà. Cháu đã hiểu hơn thế nào là đúng, thế nào là sai.

Cái xã hội loạn bát nháo này đã tiêm nhiễm vào trẻ em rất nhiều. Các thầy cô giáo ở trường Middletown mỗi ngày đều phải dạy các học sinh phân biệt tốt xấu, điều gì có thể làm và không được làm. Một giáo viên từng nói: “Chúng tôi đang đấu tranh chống lại sự suy đồi đạo đức của nhân loại!”

Con trai tôi hỏi: “Tụi con là người tu luyện nên có thể chịu khổ được. Nhưng sau này nếu trường nhận học sinh người thường thì làm sao các bạn ấy thích nghi được?” Tôi đáp: “Con là học sinh năm đầu tiên của trường. Con có thể làm gương cho các em. Giúp các học sinh người thường ở trường cũng là một cách cứu độ chúng sinh mà”.

Tôi cũng tâm sự với con: “Dĩ nhiên ngôi trường này chưa phải là hoàn mỹ. Tuy nhiên chẳng phải hiện giờ nó đã tốt hơn nhiều so với hồi con mới nhập học sao?” Cháu đồng ý: “Có rất nhiều cải tiến”. Tôi nói tiếp: “Vạn sự khởi đầu nan. Chúng ta phải quyết tâm cùng nhau hỗ trợ cho ngôi trường xuất chúng này bằng cách phối hợp giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên. Nếu con hành xử đúng với bổn phận của mình thì con chính là đã góp sức vào tiến trình này rồi đó”.

Lời kết: Lòng biết ơn

Một bé gái đã có nguyện vọng được học ở trường này từ khi trường mới thành lập mà tới năm ngoái mới được nhận. Cha của cháu không tu luyện, nên phải một năm sau cháu mới được nhập học. Cháu đã sáng tác một bài thơ cám ơn mẹ đã cho cô bé được đi học.

Mẹ của cô bé đã khóc khi đọc bài thơ và nói: “Con gái tôi đã học được cách tu luyện nhờ ngôi trường này! Cháu đã học được lòng biết ơn. Xin cám ơn các thầy cô. Xin cảm tạ Sư phụ”. Người cha không tu luyện của cô bé cũng nói rằng: “Cha rất tự hào về con. Con gái của cha đã thật sự trưởng thành rồi”.

Tôi muốn gửi lời cám ơn đến tất cả khoa, học sinh, nhân viên và tình nguyện viên ở trường. Nhờ sự tận tâm và phó xuất của các vị mà con em chúng tôi mới có thể trưởng thành trong môi trường tu luyện bổ ích này. Xin cảm tạ Sư tôn đã an bài cho bọn trẻ tìm được miền tịnh độ trong thế giới đang suy đồi đạo đức này!

Cảm tạ Sư phụ. Cám ơn tất cả mọi người.

Dịch từ: http://www.pureinsight.org/node/7496