Nhân quả báo ứng: Chính quyền tàn bạo dẫn đến diệt vong

Tác giả: La Nghĩa

[ChanhKien.org] Tần Thủy Hoàng lúc cuối đời thích đi khắp nơi tuần tra xem xét, vừa để nắm rõ tình hình các nơi, vừa có thể ngao du sơn thủy, nhất cử lưỡng tiện. Một lần, ông chuẩn bị đến Cối Kê tuần du, bèn lệnh cho thừa tướng Lý Tư và Trung xa phủ lệnh Triệu Cao cùng đi với ông. Con trai út của ông là Hồ Hợi cũng thích vui chơi nên đã thỉnh xin được đi cùng cha, Tần Thủy Hoàng đang lúc tâm trạng vui vẻ nên đồng ý.

Từ Hàm Dương đến Cối Kê phải đi một quãng đường rất dài. Đến tháng 07, họ mới đi được đến Khưu Sa, Tần Thủy Hoàng đột nhiên đổ bệnh, bệnh tình ngày càng trầm trọng. Ông cảm thấy mình không còn sống được bao lâu nữa, liền lệnh cho Triệu Cao ghi chép lại những điều ông nói, cuối cùng viết xong một bản chiếu thư định gửi cho công tử Phù Tô.

Phù Tô là con trai trưởng của Tần Thủy Hoàng, do trước đây đã đắc tội với Tần Thủy Hoàng nên bị điều đến Thượng Quận đóng quân. Giờ đây, theo nội dung trong chiếu thư, Tần Thủy Hoàng muốn Phù Tô đem binh quyền giao cho Mông Điềm, sau đó gấp rút tới Hàm Dương để lo an táng cho ông. Bản chiếu thư vừa mới viết xong, còn chưa kịp giao cho sứ giả gửi đi thì Tần Thủy Hoàng đã băng hà rồi. Chiếu thư cùng ấn tỷ đều nằm trong tay Triệu Cao, bị Triệu Cao thao túng. Lúc ấy, những người biết rõ chuyện này chỉ có Lý Tư, Hồ Hợi cùng số ít người. Triệu Cao vì muốn tranh đoạt quyền thế nên đã thuyết phục Hồ Hợi và Lý Tư ngụy tạo một chiếu thư giả nói rằng: Hồ Hợi là người hiếu thuận nên quyết định lập anh ta làm thái tử. Đoàn người Triệu Cao về đến Hàm Dương, sợ Phù Tô khởi binh phản kháng nên lại dùng danh nghĩa Tần Thủy Hoàng mà viết một chiếu thư nói rằng: Phù Tô bất hiếu đối với phụ thân nên ban cho anh ta một thanh kiếm, bảo anh ta tự kết liễu. Phù Tô tuy không muốn chết, nhưng cảm thấy phụ mệnh khó cãi, đành phải tự vẫn.

Vậy là, Hồ Hợi từ một kẻ tầm thường, trẻ người non dạ, trong chốc lát đã được lên làm hoàng đế, xưng là Tần Nhị Thế. Triệu Cao nhờ có công giúp đỡ thiên tử lên ngôi nên được phong làm Lang trung lệnh, từ đó về sau ông ta lũng đoạn hết thảy chính sự trong triều, muốn sao làm vậy, ngông cuồng, ngang ngược đến cực điểm.

Tần Nhị Thế Hồ Hợi là người không có năng lực như phụ thân của y, nhưng y lại học được đầy đủ thói bạo ngược của phụ thân mình. Y sợ người khác biết được thủ đoạn đoạt quyền của mình nên đã giết chết đại tướng quân Mông Điềm, Mông Nghị, còn chặt đầu 12 công tử ngay tại chợ Hàm Dương, dùng cực hình tứ mã phanh thây mà sát hại 10 công chúa. Ngoài ra, số người chịu liên đới mà bị giết chết cũng nhiều không đếm xuể (phần nhiều là do gian thần Triệu Cao xúi giục). Cứ như vậy, trong nội bộ giai cấp thống trị, mọi người luôn cảm thấy nguy hiểm cận kề, quan lại từ trên xuống dưới đều sống trong sợ hãi cực điểm.

Tần Nhị Thế Hồ Hợi dùng thủ đoạn khủng bố đối với giới quý tộc, đồng thời gia tăng áp bức, bóc lột đối với toàn thể nhân dân, khiến cho dân chúng càng thêm thống khổ, lầm than, ai nấy đều cảm thấy vị tân hoàng đế này còn không bằng cả vị hoàng đế bạo ngược Tần Thủy Hoàng.

Không lâu sau, Trần Thắng, Ngô Quảng ở làng Đại Trạch dựng cờ khởi nghĩa. Các nơi trong toàn quốc đua nhau hưởng ứng. Sự thống trị của Tần Nhị Thế đứng trước nguy cơ sụp đổ. Đại thần trong triều, đặc biệt là bè lũ tiểu nhân nịnh bợ đều cảm thấy chính quyền sớm muộn sẽ nguy nan, lo sợ cùng cực!

Câu chuyện này trích từ “Lý Tư liệt truyện” trong Sử Ký: “… Pháp lệnh dựa trên chém giết và trừng phạt, ngày càng thâm hiểm, người người tự cảm thấy nguy nan, mong có người đứng lên phản kháng”. Thành ngữ “nhân nhân tự nguy” cũng bắt nguồn từ đây, ý nghĩa là mọi người đều tự cảm thấy hoàn cảnh của mình vô cùng nguy hiểm, không có cảm giác an toàn.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/2014/03/25/128738.因果报应:暴政导致灭亡.html