Vị lai Bát quái phương vị (Phần 6)

Tác giả: Tiểu Nham

[Chanhkien.org]

(III) Từ Tiên thiên Bát quái phương vị suy ra Hậu thiên Bát quái phương vị

Sau đây tôi phải nói về việc tôi đã suy luận “Hậu thiên Bát quái phương vị” của Văn Vương từ “Tiên thiên Bát quái phương vị” của Phục Hy như thế nào. Đây cũng là vấn đề chủ yếu trong loạt bài này, bởi vì nó là cơ sở để đưa ra “Vị lai Bát quái phương vị”; chỉ cần minh bạch cơ lý tương quan, thì đại đa số độc giả có thể tự mình suy luận ra “Vị lai Bát quái”, tôi tin chắc như vậy.

Chúng ta biết rằng, ý định ban đầu của «Kinh dịch» chính là khoa học về biến hóa, cũng chính là nghiên cứu về biến hóa, chẳng qua biến hóa có lớn có nhỏ, từ việc nhỏ như cát hung của cá nhân, cho tới việc lớn như hưng suy của triều đại và quốc gia, cũng như biến hóa của xã hội nhân loại và toàn vũ trụ, thậm chí là quy luật biến hóa của thiên thể. Người Trung Quốc thường gọi ‘biến hóa’ là ‘biến quái’, tức là hay thay đổi. Đây là học từ «Kinh dịch» mà ra. Như vậy căn cứ vào Dịch lý, chúng ta coi biến hóa như thế nào? Đây cũng là Lý biến hóa của «Kinh dịch» mà chúng ta phải nghiên cứu.

1. Nhị nguyên tam yếu tố

Chúng ta biết rằng, khoa học thực chứng Tây phương chính là giảng thuyết cố định, tư tưởng chủ đạo không giảng biến hóa, không nghiên cứu về biến hóa, còn giảng vật chất và tinh thần là ‘nhị phân’, từ đó mới có tranh luận triết học về vấn đề vật chất là đệ nhất tính hay tinh thần là đệ nhất tính. ‘Nhị phân pháp’ là giả thiết tiền đề của phương pháp luận và nhận thức luận Tây phương. Nhưng văn hóa truyền thống Đông phương chính là giảng ‘hợp nhất pháp’, không phải ‘nhị phân pháp’, ví như tư tưởng truyền thống Trung Quốc giảng “thiên nhân hợp nhất” {hợp nhất giữa Trời và người}, “tri hành hợp nhất” {hợp nhất giữa nhận thức và hành động}. Hệ thống giáo dục Trung Quốc hiện tại chỉ coi văn hóa truyền thống Trung Quốc là một loại tri thức để mà học, chứ không coi là một loại tư tưởng. Tuy nhiên nó thực sự là một hệ tư tưởng, nhưng hoàn toàn khác với hệ tư tưởng Tây phương. Thế nhưng rất nhiều người đã dùng phương pháp luận và tiêu chuẩn phán xét Tây phương để đánh giá hệ tư tưởng Đông phương, hoàn toàn là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, từ đó xuất hiện rất nhiều cái gọi là “chuyên gia” phủ định Trung y Trung Quốc.

Tôi khi làm luận văn Tiến sĩ cũng có suy nghĩ như vậy. Sách giáo khoa Trung Quốc truyền bá cho người ta cái gọi là “vật chất là đệ nhất tính hay tinh thần là đệ nhất tính, đây là vấn đề căn bản của triết học”; loại nhận định này là hoàn toàn sai lầm, câu nói này bản thân nó đã là sự mâu thuẫn triết học và ngụy biện. Tại sao gọi là “vấn đề căn bản”? Như thế nào mới được gọi là “căn bản”? Nếu như trước vấn đề này không có vấn đề hoặc giả thiết nào, vậy thì vấn đề này bản thân nó không thể trở thành “căn bản” nào cả, bởi vì trước lô-gíc còn có vấn đề “căn bản” hơn, còn có tiền đề giả thiết, còn có “căn”. Tôi nói rằng “vật chất là đệ nhất tính hay tinh thần là đệ nhất tính” chính là một giả thiết “nhị nguyên luận”. Nếu như vượt ra khỏi giả thiết “nhị nguyên luận”, thì mệnh đề này sẽ có vấn đề, không còn có ý nghĩa nữa. Tôi thường đưa ra một ví dụ này. Tôi nói nếu như gia đình có hai người con trai, thì chúng ta nghiên cứu ai là anh, ai là em mới có ý nghĩa thực tế. Còn nếu gia đình chỉ có con một, thì anh cũng là anh ta mà em cũng là anh ta, lớn nhỏ đều là anh ta, phân ra nào có ý nghĩa gì đâu? Tình huống ‘con một’ này cũng tương đương với ‘nhất nguyên luận’ và ‘hỗn nguyên luận’ trong triết học. Nếu gia đình này có mười người con trai, thì chúng ta nghiên cứu ai là anh, ai là em cũng không có ý nghĩa nữa. Đưa ra anh trai, em trai xong rồi, vậy thì tám người kia tính sao đây? Họ là do ai quản đây? Đây chính là tình huống ‘đa nguyên luận’ trong triết học. Do đó tôi cho rằng “vật chất là đệ nhất tính hay tinh thần là đệ nhất tính” là một ngụy vấn đề, hoàn hoàn không phải vấn đề căn bản của triết học. Điều này khiến chúng ta phải xem lại giả thiết ‘nhị phân pháp’. Chỉ có dùng ‘nhị phân pháp’ thì vật chất và tinh thần mới có thể phân chia. ‘Nhị phân pháp’ này xem ra rất công chính, nhưng thực ra không phải, bởi vì giả thiết của ‘nhị phân pháp’ là giả thiết khả phân; bản thân nó là một giả thiết ưu tiên vật chất tính, bởi chỉ có vật chất tính mới có tính khả phân và biệt lập. Lấy giả thiết mang tính vật chất để hướng đạo tính chất vật chất, sau đó lại hỏi “vật chất có trước hay tinh thần có trước”, đây chẳng phải sự trùng lặp lô-gíc là gì? Đã chỉ định cái gì có trước, sau đó lại hỏi cái nào có trước, chẳng khác nào tự phong cho mình chức quán quân, rồi sau đó lại hỏi mọi người ai là đệ nhất. Chẳng phải lừa gạt là gì?! Đây hoàn toàn là một loại lô-gíc cưỡng chế rõ ràng.

Tiếp theo, trong luận văn tôi nghĩ thế này, trước tiên chúng ta không thể nghiên cứu vấn đề ai là đệ nhất ai là đệ nhị, ‘nhị nguyên’ hoặc ‘nhị phân’ cần phải là ‘tam yếu tố’, chứ không chỉ là hai yếu tố. Cũng là nói rằng giữa ‘nhị nguyên’ {hai nguyên tố} nhất định phải có chủng quan hệ nào đó. Nếu không có quan hệ tương hỗ, thì cách phân chia ‘nhị nguyên’ này còn có ý nghĩa nào nữa? Tựa như một nam một nữ, giữa họ nhất định phải có quan hệ nào đó, mới có thể thành người một nhà. Ví dụ họ là vợ chồng, quan hệ phu thê, thì giữa họ mới có thể tương giao mà sản sinh đời sau. Chúng ta không thể tùy tiện ra phố tìm hai người nam nữ để khiến họ sinh hài tử được.

Do đó tôi luôn cho rằng là nhị nguyên tam yếu tố, thì yếu tố thứ ba này chính là quan hệ tương hỗ giữa hai nguyên tố. Từ đó tôi đem “quan hệ tương hỗ” coi như là một yếu tố để nghiên cứu. Loại nhận thức này của tôi đã có thể tìm thấy bằng chứng trong lý luận thông tin hiện đại. Ví dụ trong lý luận thông tin, chúng ta không thể đem biến lượng tương đối cố định ra làm biến lượng được, loại biến lượng này được gọi là “tồn lượng”; ngoài ra, chúng ta còn có dòng lưu chuyển thông tin gọi là “lưu lượng”. “Dòng thông tin” hoặc “lưu lượng” cũng biểu thị một “quan hệ tương hỗ” giữa các yếu tố cố định, là một lượng quan hệ, là biến lượng có thể nghiên cứu hoặc phân tích độc lập. Xin xem Hình 7. Tôi không muốn sử dụng thuật ngữ ‘nhị phân pháp’ về phân chia vật chất và tinh thần nữa, do đó tôi sử dụng hai thuật ngữ là ‘chủ thể’ và ‘khách thể’ để thay thế.

Hình 7: Từ nhị nguyên đến tam yếu tố. Giữa 'chủ thể' và 'khách thể' là 'quan hệ tương hỗ'.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/book/html/8gua/b005.htm