Câu chuyện lịch sử: “Phong tăng tảo Tần”

Tác giả: Thẩm Phán

[ChanhKien.org] Vào thời Nam Tống, tại Trung Quốc xuất hiện hai vị hòa thượng nổi tiếng, thứ nhất là “tăng điên” Tế Công, thứ hai là “phong tăng” Phong Ba hòa thượng. Hai vị hòa thượng điên điên khùng khùng này đều trở thành La Hán, được dân gian cung phụng kính ngưỡng.

Phong Ba hòa thượng sống vào đầu thời Nam Tống. Ông là người gan dạ sáng suốt, nổi tiếng với sự tích “Phong tăng tảo Tần”.

Tương truyền thời bấy giờ, anh hùng chống quân Kim Nhạc Phi bị gian thần Tần Cối hãm hại; ông ta bịa đặt tội danh “mạc tu hữu” để giam Nhạc Phi vào đại lao. Sau đó, Tần Cối không quyết định được phải làm thế nào với Nhạc Phi, vì thế ông ta đã tới chùa Linh Ẩn cầu xin quẻ và gặp Phong Ba hòa thượng. Vừa thấy Tần Cối, Phong Ba hòa thượng đã cười ầm lên, hỏi Tần Cối: “Tào Tháo gian hùng cả đời, hôm nay hỏi đã đến đâu?” Tần Cối không hiểu sao; Phong Ba đáp: “Đạo Trời rõ ràng, trung-gian tự thấy, thiện ác hữu báo. Tướng công thân là Tể tướng, một tay có thể nâng cả bầu trời, cớ sao phải sát hại trung thần lương đống? An nguy của quốc gia, lẽ nào không thèm đếm xỉa tới?” Tần Cối hỏi: “Ai là lương đống?” Phong Ba hòa thượng nghiêm mặt nói: “Nhạc Phi tướng quân!” Tần Cối táng tận lương tâm vẫn giả làm ngơ; Phong Ba hòa thượng cười lớn: “Thật là ngu xuẩn, vẫn chưa tỉnh ngộ, về sau hối hận e rằng đã muộn.” Sau đó phẫn nộ, lấy cây chổi cùn quét lia lịa vào mặt Tần Cối, quét xong ngênh ngang bỏ đi, bỗng chốc mất hút bóng dáng. Tần Cối bị quét đến hồn xiêu phách lạc, nhếch nhác bỏ đi. Đây chính là cố sự nổi tiếng “Phong tăng tảo Tần”.

Sau khi cố sự “Phong tăng tảo Tần” được truyền rộng, dân gian càng thêm yêu quý Nhạc Phi, cũng như khoái chí trước sự trừng phạt đối với kẻ gian thần; họ đã đưa vị “phong tăng” vào hàng ngũ La Hán. Tượng hai vị kỳ tăng thời Nam Tống, một “điên” một “phong”, được đặt bên trong đại điện tại nhiều chùa chiền trên khắp Trung Quốc, tôn vinh lẫn nhau.

Bên trong Đại Hùng bảo điện tại rừng Đàn Hương, núi Cửu Hoa có hai bức tượng nhỏ; một là Tế Công hòa thượng, tạo hình như tiên nhân; một là Phong Ba hòa thượng, dưới sườn trái là một cây chổi, tay phẩy phất trần, nhất tâm muốn quét sạch gian tặc Tần Cối. Chỉ cần là nơi nhân quần tụ tập, cho dù sàn nhà có sạch sẽ bao nhiêu, thì ông vẫn khua chổi rơm quét đất, nói là “tảo Tần”, thường thường cảnh tỉnh thế nhân không được quên mất phải cùng nhau trừ bỏ gian tặc.

*  *  *  *  *

Ghi chú của người dịch:

Phong tăng tảo Tần: tăng điên quét Tần Cối (diễn theo nghĩa bề mặt).

Mạc tu hữu: có lẽ có. Vào thời Nam Tống, gian thần Tần Cối vu cho Nhạc Phi là mưu phản; Hàn Thế Trung bất bình, bèn hỏi Tần Cối có căn cứ gì không; Tần Cối trả lời “có lẽ có”. Về sau từ này dùng với nghĩa bịa đặt không có căn cứ.

Lương đống: trụ cột, rường cột, ví với người đảm nhiệm chức trách nặng nề của quốc gia.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2003/1/30/6914.html
http://pureinsight.org/node/1458