Vài cảm tưởng về cố sự Mã Đơn Dương và Khưu Trường Xuân

Tác giả: Văn Hoa

Những lời dạy của Sư phụ và sự hiểu Pháp là điều quan trọng bậc nhất trong sự tu luyện của chúng ta; những quan niệm con người của chúng ta, những điều như là ‘nghĩ đến người khác,’ cũng có thể là trở ngại cho sự thành Đạo.

[Chanhkien.org] Ngày 15 tháng 7, 2002, Chánh Kiến Net có đăng một bài viết tựa đề «Đạo gia thần tiên cố sự – Thanh lọc mỗi tư tưởng trong lúc tu luyện». Câu chuyện kể lại những phương cách mà các đồng tu dùng để khuyến khích lẫn nhau. Sau khi đọc xong, tôi cảm thấy rất hứng khởi. Khi so sánh câu chuyện đó với cách mà tôi giải quyết mối liên hệ giữa tôi và bạn đồng tu, tôi có đôi điều muốn chia sẻ với các bạn đồng tu chúng ta.

Sư huynh Mã Đơn Dương có ngộ tính khá hơn sư đệ Khưu Trường Xuân, vì vậy ông tu nhanh hơn. Khi Mã Đơn Dương thấy Khưu Trường Xuân ngộ sai một điều gì, ông liền nghiêm khắc chỉ ra cho sư đệ: ‘Đối với người tu luyện, chẳng những đệ cần phải tu nội công, mà còn cần phải luyện Đức và tu ngoại công nữa. Sư phụ nói rằng chúng ta chỉ có thể đạt đến một cảnh giới cao thâm thông qua ‘nội ngoại kiêm tu’. Đệ có hiểu lời ta vừa nói không?’ Vì Khưu Trường Xuân là một người tu luyện, khi nghe lời chỉ trích và phê bình ấy, ông liền cảm ơn Mã sư huynh ngay. Ông tịnh tâm phản tỉnh tự mình đề cao, không như một số người tu luyện lâu năm có khi vẫn chấp trước vào danh tiếng của mình. Họ chỉ chấp nhận các lời phê bình ở ngoài mặt, nhưng không chân chính cải biến nội tâm họ.

Sau đó Khưu Trường Xuân xuất hảo tâm, kể lại với Mã Đơn Dương cuộc nói chuyện riêng của ông với sư phụ Vương Trùng Dương, cũng giống như một số đệ tử chúng ta truyền miệng những lời của Sư phụ Lý Hồng Chí vậy. Ông nghĩ rằng ông đang làm một việc tốt, truyền lại lời dạy của sư phụ mình. Nhưng Mã Đơn Dương thở dài và nói: ‘Sư phụ đã có lần nói rằng đệ cần tu luyện trong im lặng. Vậy mà đệ lại muốn hiển thị. Vậy là trong sáu người đệ tử chúng ta, đệ sẽ là người thành Đạo cuối cùng. Kể từ nay, đệ cần tự tiết chế bản thân mình hơn nữa.’ Mã Đơn Dương đã đúng. Nếu chúng ta luôn tỏ ra là người linh thông nhiều tin tức nhất và không chịu buông bỏ cái ‘tình’ con người của chúng ta, làm sao chúng ta có thể đạt được yêu cầu của Sư Tôn về tu khẩu?

Khi Mã Đơn Dương thấy sư đệ bị rớt lại đằng sau, ông không những không phê bình mà còn chủ động bang trợ. Ông nói: ‘Nếu đệ có thể phản tỉnh, giấu đi trí tuệ của mình và chờ thời cơ, ta sẽ truyền lại Đạo của sư phụ cho’. Là một bậc chân nhân đã đắc Đạo, Mã Đơn Dương rất từ bi thẳng thắn.

Câu chuyện còn thú vị hơn nữa. Một ngày kia, một trận bão tuyết bất chợp ập đến. Họ bị phong tỏa và không ăn không uống trong ba ngày đêm liền. Khưu Trường Xuân bản thân không sợ đói, nhưng xuất phát từ lòng tôn kính sự nhân ái của người trưởng bối Mã Đơn Dương, muốn hồi báo ơn giáo Đạo của sư huynh, lại lo rằng Mã Đơn Dương xuất thân từ gia đình khá giả, không chịu được đói, nên khi đang ngồi đả tọa, ông nghĩ đến việc tìm một chút đồ ăn cho Mã Đơn Dương. Ông không biết rằng mỗi tư tưởng của một người tu là có năng lượng, và những tư tưởng của ông đã quấy rầy thần thổ địa. Trong một giấc mơ, một người lùn xuất hiện như là thành viên của một gia đình tin vào Thần. Ngày hôm sau, gia đình đó mang đồ ăn đến cho họ. Người thường có thể nghĩ rằng Mã Đơn Dương phải cám ơn Khưu Trường Xuân, nhưng ông lại nói rằng: ‘Quân tử mưu Đạo bất mưu thực; đệ chẳng nghĩ làm sao để thăng tiến trong Đạo, mà lại tham vào đồ ăn. Niệm ấy vẫn còn đó, làm sao ngộ được Đạo đây? Từ nay ta sẽ không đi cùng đệ nữa, chúng ta tách nhau ra thôi.’

Sau khi đọc câu chuyện này, lúc đầu tôi nghĩ rằng Khưu Trường Xuân đúng. Hiển nhiên là ông có hảo tâm muốn làm điều tốt. Ông chịu được đói, nhưng Mã Đơn Dương vẫn trách ông và nói ông chấp trước vào đồ ăn. Ông đâu có làm gì sai, thật là oan uổng cho ông! Sau khi suy ngẫm kỹ lưỡng, tôi mới hiểu được rằng Khưu Trường Xuân đã sai. Ông đã đối đãi với một người tu bằng cái tâm của người thường, và bản thân cái đó đã là sai.

Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến việc chúng tôi tĩnh tọa Phát Chính Niệm suốt 24 giờ một ngày vào mỗi đầu giờ, trước tòa Đại sứ quán Trung Quốc trong hơn 49 ngày. Chúng tôi thiếu người mà lại không dễ gì cho mỗi chúng tôi chịu đựng được trong nhiều ngày như vậy. Nhiều lần, tôi không muốn đánh thức các bạn đồng tu và cố giữ mình sáng suốt ngồi tại nơi đó trong lúc cùng nhau Phát Chính Niệm. Lúc bấy giờ tôi nghĩ tâm tôi khá tốt và tốt hơn một số bạn đồng tu khác (nam) quá cứng rắn, nhưng bây giờ tôi hiểu rằng tôi đã chấp trước vào chữ ‘tình’ con người lúc bấy giờ và tôi đã dùng tiêu chuẩn người thường để đo lường hành động người tu luyện. Kỳ thực, đúng là một sự sỉ nhục đối với người tu nếu không đánh thức họ dậy. Tôi đã khiến họ mất đi một cơ hội để ‘nạn trung luyện kim thể’, điều đó là không từ bi đối với họ, và có lẽ đã làm hại họ.

Câu chuyện trên đây khiến tôi hiểu được rằng chúng ta không thể luôn chờ đợi người khác giúp đỡ và cũng không thể luôn nghĩ đến giúp đỡ người khác. Tất cả chúng ta là người tu luyện và Pháp thân của Sư phụ trông chừng cho mỗi đệ tử. Đôi lúc chúng ta có ước muốn giúp người khác thăng tiến. Chúng ta sợ họ rơi rớt lại phía sau vì họ không tu đủ tốt. Sự lo lắng như vậy tưởng như là lòng vị tha và có vẻ tốt vì sẽ cùng nhau thăng tiến như một chỉnh thể. Nhưng nếu chúng ta để nó phát triển thành một thứ ‘tình’, thì đó là sai vì nó cho thấy việc học Pháp chưa sâu. Trong quá khứ, chúng ta đã sợ rằng tự chúng ta không tu luyện tốt, tu không thành, nhưng bây giờ chúng ta lại sợ rằng các bạn đồng tu của chúng ta tu không thành. Kỳ thực, đó đều là do lý giải Pháp chưa thâm sâu, là chấp trước con người và quan niệm sai lầm. Chúng ta phải vứt bỏ nó đi, làm cho tốt mọi việc, xử lý tốt mâu thuẫn giữa các đồng tu, dĩ Pháp vi Sư. Chúng ta phải chân chính hình thành nên một thể thống nhất, kim cương bất hoại.

Trên đây chỉ là hiểu biết cá nhân, có chỗ nào sai sót xin vui lòng chỉnh lý.

Dịch từ:

http://www.zhengjian.org/zj/articles/2002/7/16/16806.html