Chuyện cổ Phật gia: Áo cà sa của Huệ Năng

Tác giả: Hoằng Nghị

[ChanhKien.org]

Trong lịch sử Trung Quốc có câu chuyện về một vị cao tăng khá truyền kỳ, ông ấy chính là Lục tổ Thiền Tông Huệ Năng. Huệ Năng sau khi dựa vào bốn câu kinh ngôn mà giác ngộ, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn quyết định đưa y bát của Thiền Tông truyền thừa cho ông ấy. Khi Hoằng Nhẫn lấy áo cà sa bằng vải bông, trịnh trọng nói với Huệ Năng: “Đây là bảo vật mà Sư tổ Đạt Ma mang về từ Thiên Trúc. Áo cà sa không phải là Phật Pháp, nhưng nó và Phật Pháp không thể phân khai. Cà sa là tín vật của Phật Pháp, áo cà sa đi theo Pháp, truyền Pháp phải truyền áo, có áo cà sa thì chính là có Pháp. Hôm nay ta truyền cho con chiếc áo này, con đã trở thành tổ sư đời thứ sáu của Thiền Tông rồi”.

Huệ Năng cung kính nhận lấy áo cà sa, quan sát cẩn thận, quả nhiên là báu vật vô giá. Bộ cà sa này may rất tinh tế, màu sắc tươi sáng, cầm trên tay trơn như thoa mỡ, nhẹ như không, chiếc áo được dùng vải bông của cây bông gòn nơi Thiên Trúc may thành. Huệ Năng đoán trước việc mình kế thừa y bát từ Ngũ tổ nhất định sẽ dấy khởi lên sự căm ghét của các huynh đệ khác, đợi qua canh tư, ông bèn đem theo hành trang lặng lẽ rời khỏi núi, đi gấp về phía Lĩnh Nam.

Huệ Năng đi gấp không kể đêm ngày, trước mắt đã thấy dãy núi Đại Dữu Lĩnh, đột nhiên ông thấy vài trăm người hò hét đuổi tới. Một vị tăng nhân chạy phía trước tên là Huệ Minh, ông ta là người đầu tiên chạy ra khỏi núi để cướp lấy áo cà sa, cả đoạn đường dài luôn chạy ở phía trước, trong tâm vô cùng đắc chí, còn phảng phất thấy chiếc áo cà sa vải bông độc nhất vô nhị đã khoác lên thân mình rồi.

Huệ Năng lúc này vừa đói vừa mệt, quả thực đã chạy không nổi, ông biết rằng hôm nay vô luận như thế nào cũng không thể thoát khỏi lòng bàn tay của đám người này, đành phải để cái bọc gói cà sa lên một phiến đá bên đường, hướng về nhóm người đang đến mà hô to: “Áo cà sa là tín vật truyền Pháp, sao có thể dùng vũ lực để cướp đoạt? Có cà sa mà không có Pháp thì cũng như hoa trong gương!” rồi xoay mình chui vào bụi cỏ bên đường.

Lúc này Huệ Minh vội vã chạy đến, nhìn thấy cà sa trên phiến đá, vươn tay ra để lấy, nhưng điều kì lạ đã xuất hiện. Cái bọc gói đó giống như mọc rễ, khiến ông ta dùng hết sức lực toàn thân cũng không thể di chuyển được một chút nào. Huệ Minh cực kỳ sợ hãi, nhất thời ông đã thể nghiệm được uy lực vô biên của Phật Pháp, ngay lập tức cung kính tiến đến Huệ Năng thi lễ, thỉnh cầu Huệ Năng giảng Pháp cho ông ta.

Sau khi Huệ Năng chia tay Huệ Minh để đến địa phận Lĩnh Nam, ông dừng chân tại chùa Bảo Lâm. Vài tháng sau vào một đêm tối, một đám hòa thượng lặng lẽ từ sau lưng núi đến, mỗi người đều mặc áo ngắn, tay cầm đuốc, đến cổng phía sau chùa ra sức đập cửa. Huệ Năng vội vàng bật dậy, thận trọng lắng nghe, một âm thanh lạ lẫm kêu lên: “Tiểu tử Huệ Năng, nhanh đưa áo cà sa giao ra đây, nếu không thì chúng ta không khách khí nữa!”

Lại muốn cướp cà sa! Huệ Năng không kịp nghĩ nhiều, lấy bọc gói cà sa gói lại rồi vội vã ra ngoài từ cổng trước, chạy như bay về phía ngọn đồi nhỏ trước chùa Bảo Lâm. Đợi lúc ông chạy đến dốc núi, quay đầu lại nhìn, chỉ thấy hàng chục ngọn đuốc giống như một con rắn dài, đang hướng về phía này chuyển động với tốc độ nhanh chóng. Huệ Năng quá mệt và có chạy cũng không chạy nổi nữa, bèn chui vào trong khe hở của một tảng đá lớn.

Không biết đã qua bao lâu, Huệ Năng đột nhiên ngửi thấy một mùi khói nồng nặc. Ông vươn đầu ra nhìn thì thấy toàn bộ sườn núi đã biến thành biển lửa. Thì ra những tăng nhân kia đã tìm kiếm khắp cả triền núi nhưng không thấy bóng dáng Huệ Năng đâu, trong cơn giận dữ đã phóng hỏa đốt núi, nghĩ rằng như thế thì Huệ Năng sẽ ngoan ngoãn xuất hiện.

Trong lúc vô cùng nguy hiểm, điều đầu tiên Huệ Năng nghĩ đến là chiếc áo cà sa trong tay. Tuy tính mạng bản thân không đáng tiếc, nhưng chiếc áo báu vật của Phật môn này tuyệt không thể có một chút tổn hại, phải làm sao đây? Trong lúc cấp bách, ông nghĩ đến việc lúc Huệ Minh cướp áo cà sa nhưng thế nào cũng không nhấc lên được. Cà sa trên tay ta này là chiếc áo quý báu, chính là Pháp khí! Lửa thường sẽ không thể đốt cháy nó. Nghĩ đến đây, Huệ Năng nhìn đám lửa càng lúc càng gần, ung dung mặc áo cà sa vào, ngồi trên một tảng đá rồi nhắm mắt nhập định. Lập tức, ông ấy cảm thấy toàn bộ thân thể của mình trầm xuống dưới, hết thảy mọi thứ xung quanh đều rời xa, không còn nhìn thấy ánh lửa, làn khói cũng tản mất, thế giới trở nên yên tĩnh phi thường….

Khoảng bốn giờ đồng hồ trôi qua, Huệ Năng bị một đạo ánh sáng mạnh mẽ chói lóa mắt, ông mở mắt ra thì thấy một vầng mặt trời đỏ mọc lên từ phía đông của ngọn núi. Hôm qua ở đây vẫn còn cây cỏ xanh um tươi tốt, mà giờ đây toàn bộ đã bị thiêu thành tro bụi. Ông nhìn lại trên thân mình thì thấy cà sa lấp lánh chỉ có một lớp tro tàn rơi trên áo, nhưng mà không hề có một chút hư hại nào.

Chính vào lúc ông ấy quay mình rời đi, Huệ Năng chợt liếc thấy tảng đá dưới chân, ông giật hết cả mình. Chỉ nhìn thấy trên tảng đó in rõ hai vết lõm do đầu gối tạo ra, nhìn một cách tỉ mỉ, đến cả hoa văn của vải bông cũng đã in lên tảng đá, Huệ Năng lại một lần nữa cảm thụ được uy lực của Phật Pháp. Sau này Huệ Năng quay về Tào Khê, các đệ tử của ông đưa tảng đá này vận chuyển về đây, để dễ bề quỳ lạy cúng bái,và gọi tảng đá này là “Đá tránh nạn”.

Trước khi Huệ Năng viên tịch, đã nói với đệ tử rằng: Xưa kia sư tổ Đạt Ma có nói rằng:

Ta đến đây với nguyện
Truyền Pháp cứu người mê
Một hoa nở năm cánh
Kết quả tự nhiên thành.

Từ sư tổ Đạt Ma đến Huệ Năng vừa đúng là đã truyền năm đời.

Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đại sư cũng nói với ta: “Xảy ra việc tranh giành y bát thì hãy dừng truyền Pháp”, vậy nên áo cà sa của Thiền Tông truyền đến Huệ Năng là dừng, không còn truyền thừa nữa. “Áo cà sa đi theo Pháp, truyền Pháp phải truyền áo, có áo cà sa thì chính là có Pháp”, y bát không còn truyền nữa, Pháp môn Thiền Tông này tự nhiên cũng đã đi đến phần cuối rồi.

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/41114