Vào ngày vượt quan

Tác giả: Vô Lậu

[Chanhkien.org] Từ khi đắc Pháp đến nay, tôi đã tu luyện được hơn 20 năm. Tôi vốn tưởng rằng mình đã buông bỏ được khá nhiều tâm chấp trước rồi, trong cuộc sống hàng ngày tôi vẫn thường dùng tiêu chuẩn của Pháp để chỉ ra những thiếu sót của con gái cũng là đồng tu: “Con còn có điểm này, điểm kia chưa phù hợp với Pháp”, tôi cũng tự cảm thấy mình tu được rất tốt. Một hôm, con gái nói với tôi: “Mẹ à, mẹ rất cố chấp!” Tôi trả lời: “Cha của con đã qua đời, mẹ còn cố chấp với ai?” Lúc đó, tôi thật sự còn chưa ngộ ra thiếu sót của mình.

Ngày 13 tháng 5 năm nay, nhóm học Pháp chúng tôi tổ chức một buổi kỷ niệm sinh nhật Sư phụ, mỗi đồng tu đều mang theo hoa quả, bánh ngọt để dâng lên Pháp tượng của Sư phụ. Tôi cũng đã chuẩn bị một ít hoa quả dâng lên Pháp tượng, nhưng có thể là vì bàn đã bày chật kín đồ rồi nên đồng tu bảo tôi không cần mang đồ đến nữa. Lúc đó, tôi như bị dội một gáo nước lạnh, tôi lập tức nói: “Vậy thì chi phí mua đồ hãy để tôi chịu một nửa”, nhưng đồng tu cũng từ chối. Lúc ấy, tâm tôi lập tức nổi giận, lòng đầy oán hận, nước mắt tuôn rơi, cho rằng đồng tu xem thường mình. Tôi thầm nghĩ: “Có phải bởi vì mọi người biết tôi đang phải vượt quan, mắt mờ nhìn không rõ nên coi thường tôi chăng?” Lúc đó tôi dâng nén hương lên Sư phụ, rõ ràng đã cắm vào lư hương rồi mà nén hương lại đổ xuống. Khấu đầu trước Pháp tượng Sư phụ, tôi nói: “Hôm nay con đã không vượt được quan rồi, lần sau con sẽ làm lại”. Tôi lại còn cố chấp muốn về trước, sau đó đồng tu giữ lại, tôi mới miễn cưỡng ở lại.

Sau khi trở về, tôi bình tĩnh suy nghĩ về chuyện xảy ra hôm nay, cảm thấy bản thân mình không đúng, sao mình lại hành xử như vậy? Tôi phải tìm xem bản thân mình có chấp trước hay thiếu sót nào không. Ai cũng mong muốn những phó xuất của mình được người khác thừa nhận, tán thành hoặc khen ngợi, đối với người thường mà nói thì tất nhiên không sai, nhưng là một người tu luyện thì phải bước ra khỏi người thường, bước ra khỏi nhận thức và quan niệm của người thường. Đằng sau thái độ hy vọng được người khác công nhận kỳ thực cũng bao hàm nhân tố “”vị tư” và “chấp trước vào tự ngã”, biểu hiện bề ngoài là tâm thích giữ thể diện, sợ mất mặt, sợ chịu nhục, khi được người khác khen ngợi một chút thì vui mừng, hoan hỉ, ngược lại, khi bị người khác phủ nhận, nhất là phủ nhận nỗ lực của mình thì căm phẫn bất bình. Ngẫm lại chuyện Hàn Tín chịu nhục chui háng, so với Hàn Tín thì chút chuyện nhỏ mà tôi gặp phải có đáng kể gì. Tôi thật sự phải đề cao tâm tính bản thân, buông bỏ hết thảy chấp trước vào biểu hiện ở thế gian, chấp trước vào việc được người khác thừa nhận, tâm vị tư, chấp trước vào tự ngã, thích thể hiện bản thân. Lễ vật mà mình mang đến thì đồng tu có nhận cũng được, không nhận cũng không sao, tôi không nên chấp trước, lòng tôn kính Sư phụ mới là cái tâm thuần khiết nhất, thế là đủ rồi! Bánh ngọt hay hoa quả kỳ thực không quan trọng, thậm chí có thể nói không đáng là gì.

Từ ban đầu chỉ làm được nhẫn chịu trên bề mặt mà nước mắt tuôn rơi đến sau đó ngộ được Pháp lý, tìm ra những nhân tâm mà mình chưa buông bỏ, tâm thái của tôi từ sóng cuộn mãnh liệt đến thản nhiên bình tĩnh như mặt gương sáng, tôi thể ngộ được lời Sư phụ giảng:

Là người tu luyện, ‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009).

Tâm tính bản thân có hạn, mong các đồng tu từ bi chỉ ra những điều còn thiếu sót. 

Dịch từ: http://www.zhengjian.org/node/245815